
Khác với học đại học và thạc sỹ, tiến sỹ là một con đường dài và nhiều trắc trở. Nhưng sau mấy năm theo con đường này, tôi thấy bản thân đã trưởng thành lên rất nhiều, cả về mặt học thuật, lẫn cuộc sống cá nhân. Tôi thấy trân trọng những kỹ năng mà mình học được mấy năm qua. Có những kỹ năng là thế mạnh của tôi, giúp việc học tiến sỹ dễ dàng hơn, và qua học tiến sỹ mà được mài rũa thêm. Có những kỹ năng vốn là điểm yếu, nhưng do trải qua quá trình đào tạo chuyên nghiệp lâu dài mà ngày càng tốt hơn lên. Tôi tin rằng, những kỹ năng mà mình học được là vô giá, và dù nếu vì một lý do nào đó mà không thể theo con đường nghiên cứu hoặc giảng dạy trong tương lai, những kỹ năng này sẽ vẫn có ích nếu tôi theo đuổi một ngành nghề khác.
Vậy học tiến sỹ có thể trang bị cho ta những kỹ năng gì? Trong bài viết tuần này, tôi sẽ tập trung vào 5 kỹ năng mà tôi nghĩ được rèn luyện rất kỹ qua quá trình học tiến sỹ. Đó là, kỹ năng viết, đặt câu hỏi, tư duy phản biện, thuyết trình, và….. tính nhẫn nại. Hi vọng bài viết sẽ cung cấp thêm thông tin cho những bạn nào đang có ý định học tiến sỹ.
Kỹ năng viết
Viết là kỹ năng rất quan trọng. Đọc những gì một người viết, ta có thể phần nào nhìn thấu được suy nghĩ, tinh thần, và cách tư duy của người đó. Rất nhiều lần sau khi đọc một cuốn sách hoặc một bài báo, tôi đã thốt lên rằng, “Tác giả ắt hẳn là một người có tâm hồn đẹp và thiện”, hay “Tác giả phải rất sâu sắc mới có thể có được góc nhìn thú vị đến vậy.” Kể cả một báo cáo chuyên ngành khô khan cũng nói lên nhiều điều về người viết. Báo cáo được viết bởi một người có tư duy rõ ràng, rành mạch sẽ rất khác báo cáo của một người suy nghĩ lộn xộn. Ngoài ra, gần như công việc nào cũng đòi hỏi phải có kỹ năng viết: viết email, viết báo cáo, viết đề xuất xin tiền làm dự án, vân vân.
Chương trình tiến sỹ sẽ đào tạo bạn trở thành một người viết chuyên nghiệp. Nói rằng, học tiến sỹ là bạn được trả tiền để học viết (và đọc) có lẽ cũng không phải là quá. Tôi được rèn viết nhiều đến nỗi mà giờ đây, nếu vài ngày qua đi mà không viết gì đó, tôi cảm thấy rất bứt rứt, khó chịu, thấy như năng suất làm việc đi xuống thậm tệ!
Có thể bạn đang nghĩ, “Học tiến sỹ toàn viết mấy thứ khoa học khô khan, tôi áp dụng kỹ năng ấy vào những ngành nghề khác thế nào đây?” Không hẳn thế đâu! Hơn ba năm qua, có lẽ ngày nào tôi cũng viết gì đó. Ngoài viết bài nghiên cứu khoa học, tôi còn viết bình sách, viết bài viết ngắn trên lớp, viết đề xuất xin tiền làm nghiên cứu, viết bài bình luận ngắn cho báo, viết email cho sinh viên, viết thư giới thiệu về bản thân cho những người cùng hướng nghiên cứu trong ngành, vân vân. Ngoài ra, cách viết ngắn gọn, cô đọng, logic và thuyết phục trong nghiên cứu khoa học có thể áp dụng cho rất nhiều ngành nghề khác.
Viết là một kỹ năng khó, và ta phải học hàng ngày hàng giờ. Sẽ không có giây phút nào, ta có thể tự tin mà nói rằng, “Kỹ năng viết của ta đã trở nên hoàn hảo”. Để viết tốt chỉ có cách viết thật nhiều, thật nhiều.
Kỹ năng đặt câu hỏi
Đừng đánh giá thấp kỹ năng đặt câu hỏi! Đặt câu hỏi đúng, ta sẽ có câu trả lời đúng. Đặt câu hỏi sai, ta sẽ lang thang thơ thẩn lạc lối trên con đường tìm câu trả lời. Một câu hỏi sâu sắc sẽ giúp ta phát hiện ra nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Một câu hỏi nông cạn sẽ chỉ dẫn ta đến những thứ bề mặt, nông cạn bên ngoài.
Hãy để tôi lấy một ví dụ nhé. Một lần trong lớp Social Movements, chúng tôi cãi nhau ỏm tỏi về tác động của mạng xã hội đối với sự tin tưởng giữa người và người. Đứa thì cho rằng, những nhóm hội được lập qua mạng sẽ không thể xây dựng được niềm tin và bản sắc tập thể (collective identity) mạnh mẽ như những nhóm được hình thành thông qua các mối quan hệ trực tiếp ngoài đời. Và điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định tham gia phong trào xã hội của một cá nhân. Đứa khác cãi lại, nếu để ý ta sẽ thấy nhiều mối quan hệ rất sâu sắc được hình thành qua mạng. Chả phải có người tìm được người yêu, và bạn đời qua mạng đó thôi. Có người còn tin tưởng gửi tiền cho người mà họ chưa gặp trực tiếp bao giờ cơ mà. Có những phong trào xã hội được thực hiện hoàn toàn qua mạng, và người tham gia thật sự gắn kết và tin tưởng nhau.
Từ ví dụ trên, giả sử ta muốn làm một nghiên cứu về tác động của mạng xã hội đối với sự tin tưởng giữa con người, ta nên đặt câu hỏi nghiên cứu thế nào. “Mạng xã hội có thể thúc đẩy các mối quan hệ tin tưởng và gắn kết hay không? ” nghe thế nào? Đây rõ ràng là một câu hỏi không sâu, và sẽ ném ta vào một cuộc cãi vã vô bổ. Một câu hỏi như, “Trong trường hợp/hoàn cảnh nào (under what conditions), mạng xã hội thúc đẩy các mối quan hệ gắn kết và tin tưởng?” chắc chắn sẽ giúp ta có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống.
Hãy cùng tôi lấy một ví dụ khác. Khi đọc các tin tức có phần trái nhau về một sự kiện nào đó, ta có xu hướng hỏi, “Thông tin nào đúng, thông tin nào sai?”. Mặc dù đây là câu hỏi hoàn toàn hợp lý, nó có thể hạn chế sự hiểu biết của ta về sự kiện đó. Thay vào đó, nếu hỏi, “Vì sao nguồn này lại viết thế này, còn nguồn kia lại viết thế kia?” sẽ giúp ta hiểu được mục đích, và quan điểm của nguời viết hay nguồn tin đó.
Trong cuộc sống hàng ngày, tìm được câu hỏi đúng cũng rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng, để đi được xa trong cuộc sống, và để hiểu hơn về bản thân mình, ta hãy luôn bắt đầu bằng câu hỏi “Tại sao”. Chẳng hạn, trước khi hỏi ai đó, học tiến sỹ thế nào, mất bao lâu, và phải đánh đổi những gì, hãy hỏi bản thân ta “Tại sao ta muốn học tiến sỹ?”.
Đặt câu hỏi đúng và sâu sắc là một kỹ năng khó. Hồi còn học coursework, tuần nào chúng tôi cũng được yêu cầu đọc các bài đọc, tự hình thành câu hỏi, và viết một bài viết ngắn trả lời câu hỏi ấy. Mới bắt đầu, ta thường đặt những câu hỏi kiểu mô tả (descriptive questions), nhưng càng đi sâu vào chương trình tiến sỹ, khi mà lượng kiến thức và kỹ năng được phát triển hơn, các câu hỏi sẽ trở nên sắc sảo hơn. Giáo sư dạy lớp Social Movements chia sẻ với chúng tôi rằng, kỹ năng đặt câu hỏi tỷ lệ thuận với sự trưởng thành, và trải nghiệm sống. Và cũng như viết, đây cũng là kỹ năng ta cần trau dồi thường xuyên.
Kỹ năng tư duy phản biện
Sau mấy năm liền ngày ngày vùi đầu vào phê bình báo, phê bình sách, tìm câu hỏi nghiên cứu, tìm lỗ hổng trong cơ sở lý thuyết, tìm cách trình bày sao cho thuyết phục được các reviewers/editors của các tạp chí khoa học, và giải quyết những lời phê bình cho các sản phẩm viết của bản thân, tôi cảm thấy tư duy phân tích, phản biện tốt hẳn lên. Tôi nhận thấy, học phương pháp nghiên cứu rất rất hữu ích, đặc biệt cho tư duy logic.
Làm khoa học, không thể thiếu tư duy logic và phản biện tốt. Nhưng kỹ năng này cũng rất cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Trước khi đi học PhD, có người bảo tôi đừng đi học, phụ nữ học xong suốt ngày cãi lý, chứ để làm gì đâu. Đây là một quan niệm sai lầm. Thật ra, bây giờ tôi điềm đạm và ít tranh cãi hơn hồi trẻ rất nhiều. Ngày xưa, tôi rất hay tranh cãi bất chấp đúng sai, và lần nào cũng phải thắng mới thôi.
Tư duy phản biện và logic tốt, ngược lại, sẽ giúp ta tránh lao vào những cuộc tranh cãi vô bổ, hay ít nhất giúp ta tranh cãi có lý lẽ hợp tình hợp lý. Tư duy phản biện tốt cũng giúp ta tránh tin mù quáng vào một người nào đó hay một nguồn tin nào đó không rõ nguồn gốc. Hồi dịch Covid-19 mới bùng nổ, có rất nhiều thuyết âm mưu (conspiracy theory) trên mạng. Rất nhiều người tin rằng, Covid là do Bill Gate làm ra. Chỉ cần một chút tư duy logic, bạn sẽ có thể nhìn thấu ngay. Chỉ cần đặt các câu hỏi đơn giản như, “Bill Gate đã là một người dư tiền của, vì sao ông ấy lại phải làm như vậy?”, “Có rất nhiều người giàu khác, có thể là bất cứ ai chứ?” . Và đặc biệt, ông ấy phải đảm bảo rằng, kết quả và sự việc diễn ra phải đúng như ông ấy dự đoán. Là con người, ai có thể có được quyền năng điều khiển ấy chứ?
Kỹ năng thuyết trình
Sau mấy năm học tiến sỹ, tôi nhận thấy khả năng thuyết trình trước đám đông phát triển đáng kể. Thuyết trình trên lớp, trình bày bài nghiên cứu ở hội thảo, dạy lớp đại học, tất cả các hoạt động này góp phần giúp nâng cao kỹ năng thuyết trình. Tôi thấy, dạy học là cách giúp ta phát triển kỹ năng thuyết trình trước đám đông tốt nhất. Trước khi nhận dạy lớp Đại học đầu tiên, thầy bảo tôi, “Sau mấy tháng, nói trước sinh viên mấy tiếng mỗi tuần, em sẽ thấy kỹ năng nói khác hẳn đấy.” Và tôi cũng thấy thế thật.
Và cuối cùng, học tiến sỹ giúp tôi trở nên nhẫn nại hơn.
Để hoành thành một sản phẩm nghiên cứu mất rất nhiều thời gian và công sức. Để xuất hiện trên một tạp chí khoa học, một sản phẩm nghiên cứu phải trải qua rất nhiều công đoạn: tìm câu hỏi nghiên cứu, hình thành lý thuyết, thu thập số liệu, phân tích số liệu, viết bản nháp đầu tiên, trình bày ở hội thảo, sưả bài dựa trên ý kiến nhận được, rồi gửi cho tạp chí. Công đoạn nào cũng đòi hỏi thời gian và công sức cả. Quá trình bình duyệt của các tạp chí cũng rất lâu nữa, có khi phải mất ít nhất 3-4 tháng. Nếu không may mắn bị từ chối, thì bạn sẽ lại phải bắt đầu quá trình nộp bản thảo từ đầu. Ngoài ra, làm nghiên cứu nghĩa là bạn chấp nhận lao vào một quá trình nhiều bất trắc, và đôi khi khá…..đau tim (và cả hồi hộp nữa). Mỗi lần có số liệu, tôi lại rất hồi hộp chạy xem các giả thuyết của mình có cái nào đúng không.
Quá trình làm nghiên cứu ở graduate school thật sự đã dạy tôi tính nhẫn nại và chấp nhận rằng sự không chắc chắn là một phần của con đường này.
Tóm lại, bài viết tuần này chỉ ra rằng, học tiến sỹ sẽ dạy ta kỹ năng viết, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tư duy phản biện và tính nhẫn nại. Bài viết này không có ý nói rằng, ta chỉ có thể học được những kỹ năng này từ các chương trình tiến sỹ. Bài viết này hướng đến những bạn đang phân vân không biết sẽ học được gì từ chương trình tiến sỹ.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn một tuần mới nhiều năng lượng.
Trương Thanh Mai
Người mình thường học tiến sĩ để có cái bằng trong tay, thích thú khi đọc các bài bạn viết nhưng xin có 1 góp ý mà mình thấy là rất quan trọng là khả năng nghiên cứu độc lập đó là khả năng để bạn có thể thăng tiến khi tốt nghiệp tiến sĩ.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc. Đúng rồi khả năng suy nghĩ nghiên cứu độc lập sẽ được rèn luyện trau dồi trong quá trình học PhD. Ngoài giúp ta thăng tiến sau khi tốt nghiệp, khả năng này cũng giúp ta trong cuộc sống nói chung 🙂
Không biết có thể vào đâu để xem các bài nghiên cứu (được xuất bản và chưa xuất bản) của Mai nhỉ ?
Và mai có thể giới thiệu mình những trang báo chuyên về nghiên cứu khoa học được không ?
Cảm ơn bạn đã quan tâm!
Để tìm đọc các bài nghiên cứu khoa học, bạn có thể dùng Google Scholar để search từ khoá. Thường thì phải có tài khoản thư viện của một trường Đại học mới tải được bài báo.
Các bài báo của mình muốn tải cũng cần tài khoản thư viện. Nếu bạn muốn đọc, mình có thể gửi cho bạn.
Thanks!
Cám ơn Mai nhiều! Bạn gửi giúp mình về mail: “sales02@tashuan.com” nhé.
Thời gian gần đây mình cảm thấy thật sự muốn học lên tiếp nhưng do không phải người được định hướng sớm nên cũng mất nhiều năm loay hoay tìm kiếm rồi, bây giờ thì điều kiện khách quan lại khó cho phép toàn tâm theo việc học (tuy nhiên đọc các bài của Mai thì mình nghĩ nếu xét kĩ theo suy luận kiểu khoa học thì có khi lại là điều kiện chủ quan, do mình mà thôi. Chắc phải làm nghiên cứu haha).
Mình muốn tìm hiểu nhiều hơn về học thuật và cũng hy vọng được blog Mai truyền cảm hứng để biết đâu sau này mình có thể sắp xếp các điều kiện trên thì sẽ tiếp tục việc học.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Mong bạn sẽ sớm tìm được hướng đi phù hợp cho bản thân. Mình sẽ sớm gửi cho bạn thông tin research qua email. Cảm ơn bạn đã quan tâm.
Ngày trước khi học đại học mình không được định hướng học lên cao mà chắc là do ảnh hưởng gia đình nên chỉ nghĩ rằng học để có cái bằng đi làm kiếm tiền. Đến sau này khi đã 30 rồi mình mới bắt đầu thấy thích học thật sự. Chỉ tiếc là điểm đại học của mình quá thấp khiến cơ hội của mình có lẽ giảm đi rất nhiều. Đọc bài của bạn tiếp thêm nhiều động lực cho mình để cố gắng hơn nữa. Cảm ơn bạn rất nhiều.
Cảm ơn em đã ghé đọc! Chúc em luôn may mắn trong hành trình của mình 🙂