Nghiên cứu về xung đột xã hội, hiệu ứng Rashomon và những gì ta có thể học được

Nghiên cứu về xung đột xã hội

Cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Châu Âu bắt đầu tìm hiểu tại sao người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới tham gia vào các xung đột như biểu tình, phong trào xã hội, đình công, khủng bố, nội chiến và các cuộc cách mạng. Họ cũng khát khao muốn hiểu chính phủ các quốc gia đối phó với các cuộc xung đột như thế nào, và tại sao các biện pháp đàn áp mạnh mẽ thường được sử dụng. Không có gì khó hiểu khi đề tài nghiên cứu này trở nên quan trọng và nổi cộm trong khoảng thời gian này (hiện nay, đây vẫn là đề tài quan trọng (và theo tôi là rất thú vị) của Sociology và Political Science). Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến đầu những năm 1970, thế giới chứng kiến nhiều cuộc nội chiến, cách mạng, và phong trào đòi độc lập của các nước thuộc địa. Riêng ở Mỹ, sự bùng nổ của phong trào đòi dân quyền cho người Mỹ da đen đã khiến các học giả chuyên về phong trào xã hội đau đầu. Các lý thuyết trước đó đã trở nên sai, lỗi thời, và gần như không thể giải thích được các phong trào xã hội đang xảy ra, đặc biệt là ở Mỹ. 

Trước đó, các học giả (mà Le Bon là một ví dụ) cho rằng mọi hành động tập thể (collective action), ngay cả như cách mạng Pháp, đều man rợ, thiếu lý tính; hành động của những người tham gia đều hoàn toàn dựa trên cảm xúc, và khi hoà vào đám đông thì những con người này hoàn toàn mất lý trí. Đến đầu những năm 1970, giả thuyết cho rằng, người tham gia các xung đột xã hội là không duy lý đã hoàn toàn bị bác bỏ. Các nghiên cứu từ giai đoạn này trở đi đều dựa trên nền tảng rằng, người tham gia là những con người lý trí/duy lý (rational). Chính vì thế, các nghiên cứu về phong trào xã hội từ những năm 1970 phần lớn tập trung vào vai trò của tổ chức, người lãnh đạo, truyền thông, nguồn lực xã hội và cơ hội chính trị trong việc thúc đẩy hoặc cản trở một phong trào xã hội. Chỉ riêng trong vòng 20 năm, hàng loạt lý thuyết nổi tiếng giải thích vì sao các phong trào xã hội xảy ra và vì sao người ta lại tham gia những sự kiện này đã ra đời. (Về sau, các học giả lại xem xét vai trò của cảm xúc, nhưng ở một khía cạnh khác hẳn. Ví dụ, nhiều tác giả muốn tìm hiểu xem yếu tố gì ảnh hưởng đến cảm xúc gắn kết một cá nhân vào một phong trào xã hội). 

Ngoài sự nở rộ về những góc nhìn và cách giải thích mới, các nghiên cứu về phong trào xã hội cũng có bước đột phá về phương pháp luận: người ta bắt đầu sử dụng phương pháp định lượng cho đề tài nghiên cứu này. Cụ thể, các nhà nghiên cứu sẽ xây dựng “event catalogs”- liệt kê các sự kiện xung đột xã hội rời rạc (discrete events), và đối với mỗi sự kiện sẽ thường thu thập những thông tin sau: thành phần tham gia (ví dụ, nông dân, công nhân, vân vân), đòi hỏi của người tham gia, mục tiêu của cuộc xung đột, địa điểm/thời gian xảy ra sự kiện, kết quả của sự kiện đó, phản ứng của chính quyền (không làm gì, đàn áp mạnh mẽ, nhượng bộ yêu cầu của người tham gia, vân vân), và những thông tin khác tuỳ thuộc vào từng nghiên cứu cụ thể. Thường kết quả cuối cùng sẽ là một bộ số liệu có nhiều sự kiện qua nhiều năm và ở nhiều khu vực địa lý khác nhau. Chẳng hạn, có nhà nhiên cứu sẽ thu thập thông tin về từng cuộc biểu từng xảy ra mỗi năm từ 1960-1980, ở 50 bang của Mỹ. Có nghĩa là nhà nghiên cứu đó quan sát những xung đột ở 50 bang, trong suốt 20 năm. 

 Để xây dựng event catalog, các nhà nghiên cứu sẽ dựa vào báo chí, để thu thập và code những thông tin quan trọng (như thành phần, địa điểm xảy ra, phản ứng của chính quyền, vân vân).  Giáo sư dạy lớp phong trào xã hội của tôi kể rằng, trước khi có máy tính, xây dựng event catalog, sẽ được làm một cách…thủ công. Cụ thể, người nghiên cứu sẽ lựa chọn một vài tờ báo lớn (chẳng hạn The New York Times, The Washtington Post), rồi thu thập tất cả các số báo phát hành trong một khoảng thời gian nhất định, và sau đó sẽ đọc và tìm kiếm thông tin liên quan đến các xung đột xã hội. (Ngày nay với sự hỗ trợ của máy tính, công việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, tuy có nhiều vấn đề nhưng ta sẽ bàn trong một bài blog khác). Nếu tò mò, bạn có thể xem thử một bộ số liệu tại đây

Các nhà nghiên cứu nhanh chóng nhận ra một vấn đề khi sử dụng báo chí để làm event catalog: Các tờ báo khác nhau có thể viết về cùng một sự kiện theo cách hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, cùng một sự kiện, một vài tờ báo tập trung nói về phản ứng của chính quyền, trong khi các tờ báo khác sẽ viết chi tiết về người biểu tình. Những thông tin cơ bản như đòi hỏi của người giam gia, số lượng người tham gia cũng có thể khác nhau. Trong cùng một phong trào xã hội, báo A có thể chỉ đưa thông tin về sự kiện xảy ra vào ngày chủ nhật, và hoàn toàn bỏ qua những gì xảy ra vào ngày thứ bảy. Báo B lại có thể chỉ ghi lại sự kiện ngày thứ 7, mà không đoái hoài gì về ngày chủ nhật. Sử dụng báo chí để lập event catalog còn có một vấn đề khác, mà các nhà nghiên cứu gọi là “selection bias”. Các tờ báo có xu hướng chọn đăng những sự kiện lớn, thu hút được sự chú ý của dư luận. 

Hiệu ứng Rashomon

Tuần vừa rồi ở lớp học Social Movements, tôi nhận phê bình một cuốn sách rất hay của Christian Davenport- một nhà khoa học chính trị nổi tiếng ở Mỹ. Cuốn sách có tên, “Media Bias, Perspective, and State Repression: The Black Panther Party”. Thông qua cuốn sách này, Davenport (là người đầu tiên) đi sâu vào giải thích vì sao các tờ báo khác nhau lại viết về cùng một sự kiện theo những cách khác nhau. Và quan trọng hơn cả, ông là người đầu tiên chỉ ra, sự khác nhau trong việc đưa tin ảnh hưởng thế nào đến cách ta hiểu và phát triển lý thuyết về các sự kiện xã hội.

Điều tôi thấy thú vị nhất là việc Davenport áp dụng hiệu ứng Rashomon (Rashomon Effect) để tìm hiểu vấn đề này. Cho những bạn chưa bao giờ nghe đến hiệu ứng này, Rashomon là tên một tác phẩm điện ảnh kinh điển của Nhật Bản, do Akira Kurosawa làm đạo diễn. Bộ phim xoay quanh cái chết của một Samurai và chuyện xảy ra giữa người vợ của Samurai và tên cướp Tajomaru. Trong phim, bốn người, bao gồm tên cướp, người vợ của Samurai, một người tiều phu (người tình cờ chứng kiến những gì xảy ra), và chính người Samurai đã chết hiện về trong xác của người hầu đồng, được triệu tập lên toà khai báo. Điều gây nhạc nhiên nhất là, điểm duy nhất tương đồng giữa những lời khai của họ là người Samurai đã chết, và tên cướp Tajōmaru đã hãm hiếp vợ của Samurai. Còn những chi tiết khác, đặc biệt là vì sao tên cướp lại cưỡng hiếp vợ của Samurai và vì sao Samurai lại chết, thì mỗi người lại kể một kiểu!

Sự khác biệt trong lời kể đến từ quan điểm/góc nhìn của mỗi cá nhân về đạo đức, bản chất của sự vô tội hay có tội. Họ chỉ khai những điều có lợi cho họ. Chẳng hạn, tên cướp khai rằng, người vợ của Samurai đã đồng ý cho hắn quan hệ, và sau đó đã yêu cầu hắn giết người chồng vì lo sợ những gì sẽ xảy ra nếu người chồng biết được. Người vợ thì lại kể rằng, tên cướp cưỡng hiếp cô, và sau đó bỏ đi. Cảm thấy xấu hổ vì những gì xảy ra, cô đã yêu cầu chồng đâm chết mình đi. Nhưng trước khi nguời chồng kịp hành động thì cô ngất đi, và khi tỉnh lạ thì thấy chồng đã chết với một con dao găm trên ngực. Còn người tiều phu, một người chỉ tình cờ chứng kiến câu chuyện kể rằng, sau khi quan hệ với tên cướp, người vợ đã đẩy chồng và tên cướp vào một cuộc ẩu đả, và người chồng bị tên cướp giết chết. 

Tóm lại, “Hiệu ứng Rashomon” xảy ra khi mà các cá nhân liên quan đến một sự việc nào đó khi được yêu cầu thuật lại mọi chuyện lại kể một cách khác nhau hoặc đầy mâu thuẫn.

Davenport lập luận rằng, để hiểu vì sao các tờ báo khác nhau lại đưa tin khác nhau, ta cũng phải để ý đến quan điểm/góc nhìn của tờ báo, cũng như của những người đưa tin (informant) cho phóng viên. Quan điểm (perspective) của tờ báo sẽ bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố: (1) sự tương đồng về xu hướng chính trị giữa tờ báo với nhà nước/người dân; (2) khoảng cách địa lý giữa tờ báo và sự kiện xảy ra. Ông đưa ra rất nhiều giả thuyết, nhưng có mấy giả thuyết mà tôi nghĩ là quan trọng. Một là, các tờ báo thân cận hoặc lấy thông tin chính từ phía chính phủ sẽ có xu hướng nhấn mạnh rằng người dân tham gia vào các cuộc xung đột trước, và sau đó mới xảy ra các hành động đàn áp của chính phủ; các tờ báo này cũng sẽ viết về các hành động đàn áp theo hướng có lợi cho chính phủ. Ngược lại, các tờ báo gần hơn với các tổ chức phong trào xã hội sẽ cho rằng chính quyền hành động trước và có xu hướng viết chi tiết về các hoạt động của người tham gia. 

Để chứng minh các giả thuyết này, tác giả đã thu thập tất cả các bài báo viết về phong trào Black Panther Party (ở California), một phong trào nhằm bảo vệ người Mỹ gốc Phi chống lại cảnh sát tàn bạo, đầu những năm 1970. (Lưu ý rằng phong trào này chủ chương đấu tranh bạo động). Những bài báo được thu thập từ 5 tờ báo lớn có sự khác nhau về xu hướng chính trị, và khoảng cách địa lý từ trụ sở đến địa điểm xảy ra phong trào. Và đúng như giả thuyết của ông, các tờ báo tập trung vào những khía cạnh khác nhau của phong trào, chọn đăng kỹ một số sự kiện và bỏ qua sự kiện khác, và thậm chí kết nối các sự kiện rời rạc theo các cách khác nhau. Giả sử bạn có một lý thuyết rằng, chính phủ sử dụng biện pháp đàn áp để duy trì trật tự xã hội, và chỉ sự dụng biện pháp mạnh khi có những đe doạ hữu hình từ người dân. Nếu bạn đọc một tờ báo có xu hướng gần với nhà nước, có thể bạn sẽ nhảy lên vui mừng vì thấy mình đã nghĩ đúng. Nhưng nếu bạn đọc một tờ báo có xu hướng chính trị gần với bên kia, bạn có thể thấy buồn vì lý thuyết của mình đã sai. 

Bài học rút ra?

Trong cuộc sống, chúng ta luôn tò mò xem bản chất sự thật là gì. Khi đối mặt với một chuyện gì đó, ta thường tự hỏi, “vậy chuyện gì đã thật sự xảy ra?” Thật đáng tiếc, chuyện gì đã thật sự xảy ra phụ thuộc vào việc bạn tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy từ ai (hay nguồn tin nào). Sự thật sẽ được khúc xạ qua lăng kính chủ quan, phụ thuộc vào quan điểm, góc nhìn, và hệ giá trị của người đó (và thậm chí cả lợi ích cả bản thân họ)

Khi tìm hiểu một sự việc gì đó, và phải đối mặt với các thông tin đầy mâu thuẫn, thay vì cố trả lời câu hỏi, “đâu là sự thật? thông tin nào đúng, thông tin nào sai?”. Đúng hay sai là tương đối, phụ thuộc vào góc nhìn chủ quan của nguồn tin. Tôi thấy, trong trường hợp này, câu hỏi có ý nghĩa hơn cả là, “tại sao mỗi người/mỗi nguồn tin lại cho ta một sự thật khác nhau?” 

Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog. Chúc bạn một tuần mới nhiều niềm vui

Trương Thanh Mai 

4 thoughts on “Nghiên cứu về xung đột xã hội, hiệu ứng Rashomon và những gì ta có thể học được

Leave a Reply