
Tôi thường khuyên sinh viên đọc một cách chủ động. Một người đọc chủ động sẽ đưa bản thân vào một cuộc trò chuyện với tác giả và văn bản (sách, báo) họ đọc. Trong cuộc trò chuyện ấy, họ sẽ luôn tự đặt câu hỏi; cố gắng hiểu mục đích, quan điểm của tác giả và ý nghĩa của câu từ; và suy nghĩ xem họ đồng ý hay không đồng ý với ý tưởng chính của văn bản như thế nào.
Một trong những sai lầm lớn nhất mà tôi nhận thấy ở sinh viên là quá bị động khi đọc: tiếp nhận thông tin mà không cố gắng suy nghĩ và hiểu tường tận nội dung mình đọc.
Khi đọc mà gặp phải những đoạn văn, nội dung, hoặc ý tưởng bạn không hiểu, hãy dừng lại. Hãy đọc lại những gì bạn không hiểu. Nếu bạn vẫn thấy bối rối, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn học, các giáo sư, và thậm chí từ Internet. Đừng chỉ ngồi đó và để sự bối rối bao vây bạn!
Khi bắt đầu học kỳ một của chương trình tiến sĩ, tôi (và có lẽ cả những bạn học khác) thường sợ đọc những bài báo sử dụng những phương pháp nghiên cứu phức tạp. Giáo sư dạy tôi môn phương pháp nghiên cứu đã khuyên chúng tôi: Các em hãy luôn nghĩ về những gì mình đọc; bài đọc nào càng khó, mình càng phải nghĩ nhiều về nó. Một ngày nào đó (tuần sau, tháng sau, thậm chí là một năm sau) khi đọc lại, em sẽ hiểu!
Kỹ năng đọc tốt cực kỳ quan trọng. Để viết và tư duy tốt, ta phải bắt đầu bằng việc đọc chủ động: ghi chú, đặt câu hỏi, diễn giải lại ý của tác giả bằng ngôn ngữ của mình, và lưu lại những trích dẫn hữu ích để dùng trong tương lai.
Để giúp bạn phát triển kỹ năng đọc chủ động, bài viết tuần này sẽ giới thiệu (1) bốn kỹ thuật đọc mà tôi nghĩ bất cứ người đọc chủ động nào cũng cần nắm vững; (2) cách ghi chép những nội dung chính của bài đọc; và (3) cách kết nối việc đọc với những hoạt động khác trong cuộc sống.
Bốn kỹ thuật đọc cơ bản
Tùy vào mục tiêu và ưu tiên đọc, bạn có thể sử dụng một trong bốn kỹ thuật đọc dưới đây:
Đọc lướt (skim reading)
Đọc lướt giúp bạn đọc nhanh để có cái nhìn tổng thể và hiểu sơ một chút về nội dung văn bản. Bạn nên đọc lướt khi mục đích đọc của bạn không phải là để hiểu sâu nội dung của một cuốn sách, một bài báo mà là để xem ý tưởng và thông tin của cuốn sách, bài báo đó là gì và được sắp xếp như thế nào.
Nhìn chung, đọc lướt hữu ích khi (1) bạn không biết rõ bạn tìm kiếm nội dung gì hoặc (2) bạn đang muốn tìm hiểu xem nội dung của một cuốn sách hoặc một bài báo có phù hợp với mục đích của bạn không.
Tôi thường đọc lướt khi tổng hợp các bài nghiên cứu khoa học và sách để viết phần tổng quan lý thuyết (literature review) cho một nghiên cứu mới. Tôi sử dụng Google Scholar, đánh từ khóa vào mục tìm kiếm, sau đó đọc lướt tiêu đề và phần tóm tắt ngắn (abstract) của những bài báo/sách trong những trang đầu tiên mà Google Scholar gợi ý. Nếu abstract của bài báo nào liên quan đến nghiên cứu của tôi, tôi sẽ tải bài đó về máy tính, và đọc lướt nội dung của bài. Nếu bài nghiên cứu đó thật sự liên quan đến dự án của tôi, tôi sẽ lưu lại bài đó để đọc kỹ hơn về sau.
Đọc quét (scan reading)
Trong cuộc sống hàng ngày, chắc chắn bạn đã từng nhiều lần sử dụng kỹ thuật đọc quét. Ví dụ, bạn áp dụng kỹ thuật đọc quét khi tra nghĩa của một từ trong từ điển; tìm tên bạn bè trong danh bạ điện thoại; tìm bộ phim yêu thích để xem trong danh sách phim ở một trang web; tìm tỷ số bóng đá trên báo.
Đọc quét là quá trình đọc tìm kiếm một từ, cụm từ cụ thể. Với cách đọc này, bạn sẽ không cần đọc hết mà bỏ qua một số chi tiết không cần thiết. Đọc quét chỉ phù hợp khi bạn đã biết nội dung chung của văn bản (nghĩa là bạn đã qua bước đọc lướt) và muốn tập trung tìm kiếm một thông tin (information and fact) rất cụ thể.
Khi chuẩn bị bài giảng về một quốc gia cụ thể, tôi thường có một slide về dân số, vị trí địa lý, diện tích, và số lượng các nhóm dân tộc của quốc gia đó. Tôi sử dụng kỹ thuật đọc lướt khi tìm những thông tin này. Ví dụ, khi muốn tìm về số lượng các dân tộc ở Đài Loan, tôi sẽ đọc nhanh chương 1 của cuốn sách (tôi chọn dùng để dạy về Đài Loan) để tìm từ “ethnicity – dân tộc” hoặc “ethnic groups- các nhóm dân tộc”. Khi mắt đã định vị được các từ, cụm từ này trong văn bản, tôi sẽ đọc kỹ đoạn văn có các từ đó để tìm thông tin mình đang cần (như số lượng các nhóm dân tộc, dân số của Đài Loan phân theo dân tộc, vân vân).
Lưu ý để đọc lướt hiệu quả, bạn không nên tìm nhiều từ, cụm từ trong một lần đọc. Mỗi lần đọc, bạn chỉ nên tập trung vào một từ hoặc một cụm từ.
Đọc tìm kiếm (searching)
Đôi khi, mục đích đọc của bạn là tìm kiếm một ý tưởng cụ thể, thay vì một từ hoặc cụm từ. Trong trường hợp này, bạn sẽ sử dụng kỹ thuật đọc tìm kiếm thay vì đọc quét. Đọc tìm kiếm yêu cầu bạn vừa đọc lướt, vừa đọc quét.
Đầu tiên, bạn cần đọc lướt văn bản trước để hiểu văn bản được tổ chức, sắp xếp như thế nào. Sau đó, bạn sẽ đọc quét để tìm kiếm một số từ ngữ có thể liên quan đến ý tưởng, nội dung bạn đang tìm kiếm.
Ví dụ, khi chuẩn bị bài giảng về Hàn Quốc, tôi muốn tập trung vào quá trình dân chủ hóa, đặc biệt từ sau năm 1979 khi tổng thổng Park Chung-hee bị ám sát. (Tổng thống Park Chung-hee là một nhân vật gây tranh cãi ở Hàn Quốc. Một mặt ông có công lớn trong việc đưa Hàn Quốc từ một nước nghèo đói sau chiến tranh thế giới thứ hai thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Mặt khác, nhiều người phê bình phong cách lãnh đạo độc tài và chính sách đàn áp báo chí, người biểu tình, và các tổ chức xã hội dân sự của ông). Khi đọc về Hàn Quốc, tôi sẽ tìm các từ hoặc cụm từ như “Park Chung-hee”, “dân chủ hóa- democratization, và “ám sát – assassination”. Sau đó sẽ đọc kỹ các đoạn liên quan đến những cụm từ đó.
Đọc kỹ (close reading)
Đọc kỹ nghĩa là đọc thật cẩn thận và kỹ văn bản, cho phép bạn đủ thời gian và không gian để hiểu tường tận lập luận, quan điểm của tác giả. Khi gặp phải những câu văn, đoạn văn, hoặc ý tứ bạn không hiểu, bạn sẽ không bỏ qua, mà sẽ đọc lại đến khi hiểu.
Sau khi đọc lướt, đọc quét, và đọc tìm kiếm một ý tưởng, bạn có thể muốn đọc kỹ một phần nào đó trong văn bản. Đừng bỏ qua giai đoạn đọc kỹ. Việc đọc chậm rãi và có chủ đích ở giai đoạn này sẽ giúp bạn hiểu và ghi nhớ nội dung.
Trở lại ví dụ trên về Hàn Quốc, khi đã định vị được ý tưởng liên quan đến quá trình dân chủ hóa ở Hàn Quốc sau khi đọc tìm kiếm, tôi sẽ đọc rất kỹ nhưng trang sách liên quan đến nội dung này để làm bài giảng. Tôi sẽ ghi chú, viết lại ý hiểu của bản thân về nội dung sách bằng ngôn ngữ của mình.
Ghi chép khi đọc
Một phần quan trọng của việc đọc chủ động là ghi chép khi đọc. Ghi chép sẽ (1) làm rõ cách hiểu của bạn về nội dung văn bản; (2) giúp bạn đánh giá nội dung, ý tưởng của văn bản một cách mang tính xây dựng và phản biện; và (3) lưu trữ thông tin, nội dung văn bản để sử dụng cho các dự án khác trong tương lai.
Ghi chép là một nghệ thuật và mỗi người có cách tiếp cận riêng. Cách ghi chép của người này có thể không phù hợp với người khác.
Nhưng nhìn chung, bài ghi chép của bạn nên có tám nội dung chính sau:
- Full citation: việc ghi lại cẩn thận thông tin liên quan đến bài báo/sách như tên tác giả, tên tác phẩm, năm xuất bản, nhà xuất bản hoặc tên tạp chí xuất bản bài báo đó, vân vân, sẽ giúp bạn dễ dàng tìm kiếm để đọc lại khi cần và xây dựng thư mục (bibliography) các nguồn bạn đã tham khảo cho nghiên cứu của bạn.
(Đây là một ví dụ: Aronow, P., Baron, J. & Pinson, L., 2019. A Note on Dropping Experimental Subjects who Fail a Manipulation Check. Political Analysis, Volume 27, pp. 572-589.)
2. Tóm tắt ngắn gọn nội dung đọc: Viết 2-3 câu về nội dung chính của bài đọc và nội dung đó liên quan đến nghiên cứu của bạn thế nào.
3. Kết luận : Kết luận và kết quả chính của bài đọc là gì?
4. Lập luận (argument/reasoning): Lập luận, lý thuyết, giả thiết chính của tác giả là gì? Logic đằng sau quan điểm của tác giả là gì?
5. Bằng chứng (evidence): Tác giả đã sử dụng bằng chứng gì để kiểm chứng lập luận của mình và đi đến kết luận chính của bài?
6. Phân tích của bạn: Bạn có thấy lập luận, bằng chứng, và kết luận của bài đọc thuyết phục không? Đâu là điểm yếu, thiếu sót của bài? Vì sao bạn nghĩ bài viết thuyết phục hoặc không thuyết phục?
7. Follow-up: Sau khi đọc xong, bạn có câu hỏi nào liên quan đến bài đọc?
8. Quotations: Ghi lại chính xác những ý tưởng hay hoặc quan trọng của tác giả (direct quotations) để sử dụng cho bài viết của bạn.
(Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về cách đọc và ghi chép một bài nghiên cứu khoa học, bạn có thể đọc thêm bài “3 phương pháp viết luận văn hiệu quả” và “Đọc một bài nghiên cứu khoa học như thế?”)
Kết nối việc đọc với những hoạt động khác
Nhiều người nghĩ rằng, đọc là một hoạt động cô đơn, hoàn toàn tách biệt với những khía cạnh khác cuộc sống.
Nhưng tôi tin rằng, liệu đọc có phải là một hoạt động cô đơn hay không phụ thuộc vào lựa chọn của bạn! Có bạn sinh viên đọc rất nhiều nhưng không bao giờ chia sẻ hoặc thảo luận với người khác về những gì họ học được từ các sách, bài báo họ đọc.
Nếu bạn muốn việc đọc trở thành một thú vui và muốn học được nhiều nhất từ việc đọc, hãy thử kết nối việc đọc với các hoạt động khác trong cuộc sống. Dưới đây là một số gợi ý bạn:
Một là, hãy thảo luận với người khác về những gì bạn đọc được. Bạn có thể tự tổ chức một nhóm nhỏ với bạn bè, và lên kế hoạch cho nhóm gặp mặt thường xuyên để các thành viên trao đổi về các cuốn sách và bài báo hay họ đọc. Bạn cũng có thể trò chuyện với những người nhiều kinh nghiệm cuộc sống và giàu kiến thức hơn bạn về những gì bạn đọc được.
Bạn cũng có thể dạy lại kiến thức bạn học được từ sách, báo cho những người trẻ và ít kinh nghiệm hơn bạn. (Sau 5 năm học tiến sĩ và gần 1 năm giảng dạy, tôi có thể tự tin nói rằng, dạy học là cách học nhanh và hiệu quả nhất. Để dạy người khác, ta bắt buộc phải hiểu kỹ và hiểu sâu những gì ta đọc).
Hai là, bạn cũng có thể tận dụng sức mạnh của Internet: tham giam các diễn đàn thảo luận sách online liên quan đến chủ đề bạn quan tâm. Hãy cố gắng kết nối suy nghĩ, quan điểm của bạn với quan điểm của người khác. Bạn đồng ý hay không đồng ý với quan điểm của những thành viên khác trong diễn đàn như thế nào? Và nếu bạn không đồng ý với quan điểm, lập luận của họ thì hãy cố giải thích tại sao.
Ba là, luôn tò mò về thế giới xung quanh! Là một người giảng dạy, tôi đánh giá cao nhất những sinh viên có tính tò mò, ham học hỏi. Luôn quan sát thế giới xung quanh và đặt câu hỏi “tại sao”. Sau đó, hãy đọc để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi tại sao ấy. Như vậy, việc đọc sẽ gắn liền với cuộc sống của bạn, chứ không còn là một hoạt động đơn lẻ, tách biệt nữa.
Hi vọng bài viết hữu ích với bạn. Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog!
Chúc bạn một tuần mới vui!
Trương Thanh Mai
C
Cảm ơn chị Mai về bài viết liên quan đến việc đọc. Em có một thắc mắc muốn hỏi chị Mai về cách phân chia thời gian để đọc trong quá trình làm assigment của chị khi học chương trình tiến sĩ. Đối với ngành chính trị, việc đọc các tài liệu cổ điển với yêu cầu hiểu cao thì mình phân phối thời gian như thế nào sẽ hợp lý ạ? Chị có thể chia sẻ một chút về việc này được này không hoặc em có thể đọc thêm ở đâu chị có thể gợi ý cho em với được không ạ?
Em cảm ơn chị nhiều.
Cảm ơn em đã ghé đọc! Chị thường bắt đầu một bài assignment, đặc biệt là viết, từ rất sớm, trước deadline rất nhiều tuần hoặc nhiều ngày. Chị dành khoảng một tuần để đọc và tổng hợp các bài đọc liên quan đến chủ đề mình làm. Chị cố gắng ghi chép sao cho có thể dùng được ngay cho bài viết của mình (đầy đủ citation, viết lại theo ý mình hiểu, vân vân). Khi đã đọc xong rồi, thì chị viết nháp, viết hết những gì mình nghĩ. Khi đã có bản nháp rồi (kể cả là một bản nháp rất messy), việc chỉnh sửa cũng dễ và thú vị hơn nhiều! Cách tiếp cận này phù hợp với chị. Hi vọng em cũng thấy hữu ích!