Từ nhỏ, tôi đã có rất nhiều ước mơ. Nhưng có lẽ ước mơ lớn nhất trong đời tôi là trở thành giáo sư đại học (college professor) ở Mỹ. Trong bài viết tuần này, xin chia sẻ với bạn bốn bước tôi đã trải qua trên hành trình theo đuổi ước mơ ấy.
Tuần trước, một em sinh viên đã hỏi tôi: Cô ơi, làm sao để theo đuổi ước mơ và mục tiêu bản thân đề ra?
Nếu bạn cũng có nỗi niềm băn khoăn như em sinh viên ấy, tôi hi vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn.
Dưới đây là bốn bước trên hành trình theo đuổi mơ ước của tôi.
Đó có thật sự là ước mơ?
Ngay cả khi ta đã xác định được điều ta khát khao đạt được trong cuộc sống, ta vẫn nên dừng lại và tự hỏi liệu khát khao ấy có thật sự là một ước mơ hay là một thứ gì đó na ná ước mơ.
Tôi có rất nhiều dự định, kế hoạch, mục tiêu muốn đạt được trong cuộc sống, nhưng không phải mọi thứ tôi mong muốn đạt được đều là một ước mơ. Đôi khi, đó chỉ là một sở thích đơn thuần.
Với riêng tôi, một mục tiêu chỉ trở thành một ước mơ khi (1) tôi luôn nghĩ về nó hàng ngày; (2) tôi nhận thức rõ tất cả những rủi ro, khó khăn, thách thức tôi sẽ vấp phải khi chinh phục mục tiêu ấy nhưng thay vì từ bỏ tôi sẽ tìm cách để vượt qua những thách thức ấy; (3) tôi không thể hình dung được một cuộc sống mà không theo đuổi mục tiêu ấy; (4) tôi luôn hình dung đến ngày tôi đạt được điều đó, cùng với niềm hạnh phúc lớn lao; và (5) tôi sẵn sàng hi sinh những khía cạnh khác trong cuộc sống trong một thời gian để theo đuổi mục tiêu đó.
Khi hết học kỳ đầu tiên của chương trình tiến sĩ, tôi đã xác định được rõ ràng, trở thành giáo sư đại học là mơ ước của tôi.
Ngày nào, tâm trí tôi cũng nghĩ về giây phút trở thành college professor ở Mỹ. Mọi việc tôi làm hàng ngày đều hướng đến mục tiêu cuối cùng ấy. Sáng thức dậy, tôi lên kế hoạch những việc cần làm (như đọc, viết, lên ý tưởng nghiên cứu, giảng dạy, vân vân) để sao cho mỗi ngày qua đi tôi sẽ tiến gần hơn đến mục đích cuối cùng ấy. Thật lòng, tôi không thể tượng tưởng được mình sẽ làm bất cứ công việc nào khác. Mặc dù, tôi hiểu rõ những khó khăn, thử thách, tôi sẽ phải đối mặt, tôi chưa bao giờ từ bỏ mong muốn được nghiên cứu và giảng dạy tại một trường đại học ở Mỹ. Tôi tạm gác qua một bên tất cả những kế hoạch, sở thích khác để tập trung năng lượng theo đuổi ước mơ này.
Cần một người thầy trên hành trình chinh phục ước mơ
Nếu đã xác định được điều bạn muốn đạt được thật sự là ước mơ cháy bỏng chứ không phải là sở thích đơn thuần, bước tiếp theo là kiếm tìm một người thầy- người sẽ hướng dẫn, hỗ trợ, và chỉ bảo bạn trên con đường chinh phục ước mơ. Tôi tin, không ai có thể thành công mà không có người hướng dẫn.
Câu hỏi đặt ra là ta sẽ tìm người thấy ấy nơi đâu? Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ phụ thuộc vào từng lĩnh vực. Khi đã biết rõ mình muốn gì, bạn hãy tìm cơ hội kết nối với những người có ảnh hưởng trong ngành và học hỏi từ họ. Tôi biết có những bạn thậm chí đầu tư một khoản tiền vào các dịch vụ huấn luyện (coaching) để nhận được sự hướng dẫn, chỉ bảo trên hành trình thực hiện ước mơ. Nếu ước mơ của bạn thật sự cháy bỏng, tôi tin, bạn sẽ biết cách tìm ra người thầy cho mình.
Người thầy của tôi chính là giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ. Có lẽ, điều may mắn nhất trên hành trình theo đuổi ước mơ của tôi là có một người thầy thật sự mong muốn tôi thành công. Ngay từ khi hiểu rằng trở thành giáo sư đại học là mơ ước của tôi, tôi đã chia sẻ với thầy.
Thầy tôi là một người cực kỳ thực tế. Thầy chưa bao giờ nói, “em sẽ ổn thôi” (như một số người hướng dẫn của bạn bè tôi), hoặc “cứ làm việc chăm chỉ sẽ thành công”. Thầy luôn nhấn mạnh, thị trường học thuật cực kỳ cạnh tranh, ngay cả khi có nhiều bài nghiên cứu được xuất bản, tôi có thể sẽ không tìm được việc.
Tuy giáo sư hướng dẫn tôi có cái nhìn rất thực tế (và đôi khi hơi tiêu cực) về thị trường việc làm, nhưng thầy luôn tận tình hỗ trợ tôi theo đuổi ước mơ. Tôi nghĩ rằng, thầy đã làm nhiều hơn trách nhiệm của một người thầy đối với nghiên cứu sinh của mình.
Chẳng hạn, thầy vẽ rõ những việc tôi cần làm cho mỗi giai đoạn trong quá trình học tiến sĩ; thầy kết nối tôi với những học giả hoặc nghiên cứu sinh ở các trường khác để tôi học hỏi và tìm cơ hội hợp tác nghiên cứu; thầy cũng sẵn sàng gửi slides bài giảng cho tôi nếu tôi cần khi dạy học; thầy luôn tìm cơ hội giới thiệu nghiên cứu của tôi cho đồng nghiệp (ngay cả khi tôi không có mặt ở đó). Giờ đây, ngay cả khi chúng tôi đã trở thành đồng nghiệp, thầy vẫn cho tôi những lời khuyên đầy giá trị về con đường nghiên cứu, giảng dạy trong tương lai.
Lên kế hoạch mục tiêu dài hạn và ngắn hạn
Mọi ước mơ đều cần có một “deadline”. Khi nào bạn muốn chạm tay vào ước mơ ấy? Một, năm, mười, hay mười lăm năm nữa? Khi đã xác định rõ “deadline” của ước mơ, hãy đặt ra những mục tiêu dài hạn và ngắn hạn để đạt được ước mơ ấy. Với mỗi mục tiêu, bạn phải hình dung được những việc, hoạt động cần làm mỗi ngày để đạt được mục tiêu đó.
Giả sử bạn muốn đạt được ước mơ trong vòng mười năm tới, hãy làm một bản kế hoạch mười năm. Chia mười năm này thành những mốc thời gian ngắn hơn. Chẳng hạn, mục tiêu cần đạt được sau hai năm, năm năm, bảy năm là gì.
Khi đã xây dựng được bản kế hoạch chi tiết rồi, hãy gửi cho người thầy, người cố vấn cho bạn trên con đường chinh phục ước mơ. Chắc chắn, khi bắt tay vào thực hiện, ta sẽ phải thay đổi kế hoạch một chút để phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Nhưng có một bản kế hoạch rõ ràng sẽ giúp ta hình dung rõ những việc cần làm để theo đuổi mục tiêu cuối cùng.
Khi bước sang học kỳ hai của chương trình PhD, tôi thiết kế một bản kế hoạch năm năm. Mơ ước của tôi là xin được công việc ở một trường đại học sau khi tốt nghiệp tiến sĩ. Tôi lên kế hoạch rõ ràng cho từng năm. Ví dụ:
- Mục tiêu của tôi khi hết học kỳ hai năm thứ nhất là phát triển một bài nghiên cứu cuối kỳ một (term paper) thành một bài nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh và gửi đến một tạp chí chuyên ngành tốt.
- Trong năm thứ hai của chương trình tiến sĩ, tôi đặt mục tiêu sẽ đi tham dự hội thảo chuyên ngành, nộp hồ sơ xin tài trợ cho nghiên cứu, đi thực địa vào mùa hè, và nộp một bài nghiên cứu khác cho một tạp chí chuyên ngành.
- Mục tiêu lớn nhất của tôi vào năm thứ ba là vượt qua kỳ thi vượt rào (comprehensive exams), bắt tay vào một nghiên cứu mới, có đề xuất đề tài luận án tiến sĩ được hội đồng chấp thuận, và dạy lớp học của riêng mình vào mùa hè.
- Bước vào năm thứ tư, mục tiêu chính của tôi là viết luận án, và phát triển một chương trong luận án thành bài nghiên cứu job talk (bài nghiên cứu sẽ dùng để đi xin việc), và gửi chương đó đến một tạp chí khoa học.
- Năm thứ năm, bảo vệ luận án tiến sĩ, viết hồ sơ xin việc, đi xin việc, vân vân.
Tôi gửi bản kế hoạch năm năm cho thầy hướng dẫn và giám đốc chương trình PhD của khoa để xin nhận xét. (Bên trên, tôi chỉ ghi lại vắn tắt một vài mục tiêu của mỗi năm. Bản kế hoạch tôi gửi cho thầy được thiết kế trên file excel với thời gian hoàn thành cụ thể cho từng hoạt động để đạt được các mục tiêu của từng năm). Sau khi đã có ý kiến đóng góp của các giáo sư, tôi chỉnh sửa lại, và lưu bản kế hoạch ở vị trí tôi có thể thường xuyên tiếp cận được.
Trong quá trình học tiến sĩ, tôi đã phải chỉnh sửa, thay đổi kế hoạch một vài lần vì những lý do không kiểm soát được. Ví dụ, vì đại dịch Covid-19, tôi không thể đi thực địa được, và phải thay đổi hoàn toàn kế hoạch thu thập số liệu cho luận án tiến sĩ.
Không từ bỏ
Trong suổt quá trình học tiến sĩ, tôi luôn hình dung đến ngày tôi trở thành giáo sư đại học và nỗ lực hết mình để biến ước mơ ấy thành hiện thực. Mỗi sáng thức dậy, tôi lập kế hoạch những việc cần làm để tiến gần hơn đến mơ ước của mình.
Tôi không bao giờ từ bỏ ước mơ của mình, mặc dù tôi hiểu rất rõ những khó khăn, thử thách mình cần vượt qua. Bạn biết đấy, ước mơ càng lớn, khó khăn càng nhiều!
Tôi hiểu rất rõ những điểm yếu của bản thân: xuất phát điểm bình thường, là sinh viên quốc tế, chương trình PhD tôi theo đuổi không nằm trong top 10-15, không có kiến thức nền về khoa học chính trị. Khi mới bắt đầu chương trình PhD, tôi đọc rất chậm, bài đọc nào cũng là một sự thử thách đối với tôi. Tôi đã từng nghĩ, “đến đọc thôi mình còn vật vã thế này thì làm sao có thể giảng dạy, viết và xuất bản được bài báo nghiên cứu khoa học đây?”
Nhưng tôi rất ít khi nghĩ, “xuất phát điểm của mình như thế thì mình sẽ không bao giờ tìm được việc trong trường đại học đâu” hoặc “biết bao nhiêu người giỏi hơn mình, sẽ chẳng bao giờ đến lượt mình đâu”. Ngược lại, tôi đã đặt ta quyết tâm sẽ có 3-4 bài nghiên cứu được xuất bản hoặc đang trong quá trình bình duyệt (ở các tạp chí hàng đầu) trước khi đi tìm việc.
Những khó khăn, thử thách không hề khiến tôi chùn bước. Lý do là vì tôi luôn tin rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra nếu bạn quyết tâm và làm việc chăm chỉ. Tôi cũng có niềm tin mãnh liệt rằng, mọi thứ, dù khó đến mấy, đều có thể học được, chỉ cần bản thân mình thật lòng muốn học.
Trong suốt quá trình học PhD, gần như chưa có giây phút nào tôi có ý định từ bỏ giấc mơ được làm việc và giảng dạy trong một trường đại học ở Mỹ. À, cũng có một lần khi một bài nghiên cứu liên tục bị các tạp chí khoa học từ chối, tôi đã từng nghĩ đến việc theo đuổi một sự nghiệp khác. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra, tôi thật sự chỉ muốn giảng dạy và nghiên cứu cho một trường đại học.
(Nếu bạn muốn biết rõ hơn về hành trình đi xin việc của tôi, bạn có thể đọc bài “Kể chuyện đi xin việc khi bước vào năm cuối tiến sĩ”)
Tôi rất thích câu nói, “shoot for the moon. Even if you miss it, you will land among the stars”. Tôi tin rằng, khi ta nỗ lực, quyết tâm hết mình để theo đuổi ước mơ, ngay cả khi ta không chạm tay được vào mặt trăng thì ta sẽ vẫn đứng giữa những vì sao.
Bạn đồng hành đã từng hỏi tôi, “nếu được quay trở lại thời gian học tiến sĩ, em có thay đổi gì trên hành trình theo đuổi ước mơ không?” Thật lòng, cho dù thời gian có quay lại, tôi sẽ không thay đổi bất cứ điều gì cả. Một khi bạn đã cố gắng hết mình, thật sự, bạn không có gì phải hối tiếc!
Trên đây là bốn bước trên hành trình theo đuổi mơ ước trở thành college professor của tôi:
- Xác định rõ đây có thật sự là ước mơ hay không
- Tìm một người thầy hướng dẫn, chỉ bảo trên hành trình chinh phục ước mơ
- Lên kế hoạch cho mục tiêu dài hạn và ngắn hạn
- Không từ bỏ
Cảm ơn bạn đã ghé đọc! Chúc bạn một tuần mới thật nhiều niềm vui.
Trương Thanh Mai