Giới thiệu sách hay về kinh tế và chính trị các nước Đông Á

Tuần trước, sau khi viết bài giới thiệu về ngành khoa học chính trị, tôi nhận được một vài tin nhắn hỏi về các đầu sách hay trong ngành. Trong bài viết tuần này, xin giới thiệu đến bạn đọc một số sách hay tôi dùng để chuẩn bị bài giảng cho khóa học về Trung Quốc và Đông Á.

Trong khóa học này, tôi tập trung vào kinh tế, chính trị của cả các nước Đông Bắc Á (gồm 7 quốc gia và lãnh thổ là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Hồng Kông, Mông Cổ, và Nhật Bản), và Đông Nam Á (gồm 11 quốc gia là Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Campuchia, Lào, Philippines, Indonesia, Đông Timor, Malaysia, Singapore, và Brunei).

Tôi chia khóa học làm hai phần. Trong bảy tuần đầu tiên, sinh viên học về lịch sử thế chiến thứ 2 ở Đông Á, sự phát triển kinh tế thần kỳ ở các nước Đông Bắc Á sau thế chiến, và chính trị của một vài nước Đông Á và Đông Nam Á. Trong bảy tuần tiếp theo, sinh viên sẽ học về quan hệ quốc tế ở Đông Á, vai trò của Mỹ và Trung Quốc đối với Đông Á, và hai chủ đề đặc biệt liên quan đến Bắc Triều Tiên và Biển Đông.

Dưới đây là một số sách tôi dùng để chuẩn bị bài giảng cho sinh viên. Một số sách (cuốn 1,14,15,16,17) được dùng làm sách giáo khoa cho khóa học, các cuốn khác là tài liệu tham khảo để tôi lên nội dung giảng. Tất nhiên, sinh viên cũng được yêu cầu phải đọc các bài báo, bài nghiên cứu liên quan đến các chủ đề trong bài giảng nữa.

  1. How Asia Works: Success and Failure in the World’s Most Dynamic Region by Joe Studwell
  2. Kicking Away the Ladder: Development Strategy in Historical Perspective by Ha-joon Chang
  3. Asian Godfathers: Money and Power in Hong Kong and Southeast Asia by Joe Studwell
  4. The China Model: Political Meritocracy and the Limits of Democracy by Daniel Bell
  5. The China Challenge: Shaping the Choices of a Rising Power by Thomas Christensen
  6. China’s Gilded Age: The Paradox of Economic Boom and Vast Corruption by Yuen Yuen Ang
  7. How China Escaped the Poverty Trap by Yuen Yuen Ang
  8. The Impossible State: North Korea, Past and Future by Victor Cha
  9. Nothing to Envy: Ordinary Lives in North Korea by Barbara Demick
  10. Why Taiwan Matters: Small Island, Global Powerhouse by Shelley Rigger
  11. South Korea since 1980 by Uk Heo and Terence Roehrig
  12. Unmaking the Japanese Miracle: Macroeconomic Politics, 1985–2000 by William M. Grimes
  13. Governing Japan: Divided Politics in a Resurgent Economy by A. A. Stockwin
  14. Southeast Asia in the New International Era by Robert Dayley (tái bản lần 8)
  15. Becoming Asia: Change and Continuity in Asian International Relations Since World War II by Alice Miller and Richard Wich
  16. International Relations of Asia edited by David Shambaugh.
  17. The South China Sea: The Struggle for Power in Asia by Bill Hayton

Dưới đây, tôi sẽ sắp xếp sách theo chủ đề, và giới thiệu ngắn gọn nội dung của từng cuốn sách.

Sự phát triển kinh tế thần kỳ ở Đông Á

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, phần lớn các nước Đông Á đều bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Ít ai nghĩ rằng, chỉ trong một vài thập kỷ, những nước Đông Á, đặc biệt là những nước Đông Bắc Á như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, và Trung Quốc đã có sự phát triển kinh tế một cách thần kỳ. Trong lịch sử loài người, chưa có khu vực nào trên thế giới có thể duy trì tăng trưởng kinh tế cao trong 3 thập kỷ liên tục.

Liên quan đến chủ đề này tôi dùng các cuốn sách sau:

  1. How Asia Works: Success and Failure in the World’s Most Dynamic Region by Joe Studwell

Sách thảo luận ba chính sách mà các nước Đông Bắc Á đã áp dụng để thúc đẩy nền kinh tế ở giai đoạn đầu. Một là, chính sách phát triển nông nghiệp quy mô nhỏ (small-scale farming). Đài Loan, Hàn Quốc, và Nhật đều thực hiện phân chia lại ruộng đất trong đó mỗi hộ gia đình được nhận một mảnh đất với diện tích nhỏ.

Thứ hai, sau khi nông nghiệp đã phát triển đến một mức nào đó, các nước Đông Bắc Á đã đầu tư vào công nghiệp (manufacturing). Công nghiệp giúp thu hút nhân công không có tay nghề từ khu vực nông thôn, và tạo cơ hội phát triển thương mại. Nhà nước đã bảo hộ các công ty nội địa. Sau khi công ty nội địa đã phát triển vững vàng ở trong nước, nhà nước “ép” chúng phải cạnh tranh trên thị trường quốc tế thông qua xuất khẩu. Chỉ những tập đoàn nào có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế mới nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước.

Thứ ba, nhà nước đã có những chính sách tài chính để giúp phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Ví dụ, nhà nước có chính sách khích lệ ngân hàng đầu tư vào khu vực mà nhà nước muốn tập trung phát triển trong giai đoạn đầu là nông nghiệp và công nghiệp.

  1. Kicking Away the Ladder: Development Strategy in Historical Perspective by Hajoon Chang

Cuốn sách này không hẳn tập trung vào kinh tế ở các nước Đông Á, nhưng tác giả có dùng nhiều nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc và Nhật Bản để chứng minh lập luận. Tôi sử dụng chương về mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển kinh tế cho khóa học.

  1. Asian Godfathers: Money and Power in Hong Kong and Southeast Asia by Joe Studwell

Đây là một cuốn sách khá thú vị. Hồng Kông và Đông Nam Á là nơi sinh sống của khoảng năm trăm triệu người, nhưng nền kinh tế của khu vực này bị chi phối bởi chỉ năm mươi gia đình trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, vận chuyển, sản xuất gỗ, vân vân. Vào thời kỳ đỉnh cao, tám trong số hai chục người đàn ông giàu nhất thế giới đến từ Đông Nam Á.

Sách về một số quốc gia cụ thể

Trung Quốc

  1. The China Model: Political Meritocracy and the Limits of Democracy by Daniel Bell

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, với sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết năm 1991, chế độ dân chủ đã được các nước phương tây coi là mô hình chính trị tối ưu nhất. Tuy nhiên, với sự phát triển thần kỳ về kinh tế và chính trị của Trung Quốc, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu mô hình chính trị của Trung Quốc có thể thay thế chế độ dân chủ được không.

Trong cuốn sách này, Daniel Bell tìm hiểu chế độ trọng dụng nhân tài chính trị của Trung Quốc (political meritocracy) và trả lời một số câu hỏi quan trọng như: (1) điểm yếu của chế độ dân chủ là gì?, (2) vì sao bầu cử tự do không phù hợp với chế độ trọng dụng nhân tài?, (3) điểm mạnh và điểm yếu của chế độ trọng dụng nhân tài ở Trung Quốc là gì?, (4) liệu political meritocracy có thể là một sự thay thế khả thi cho chế độ dân chủ hay không?, và (4) liệu mô hình Trung Quốc có thể áp dụng vào các quốc gia ở khu vực khác trên thế giới được không?

  1. The China challenge: Shaping the choices of a rising power by Thomas Christensen

Nhiều người coi Trung Quốc là đối thủ của Hoa Kỳ và nhận định rằng sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc là mối đe dọa đối với vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở châu Á và trên thế giới. Trong cuốn sách này, Thomas Christensen không đồng ý với lập luận trên.

Tác giả lập luận rằng, thách thức thực sự nằm ở việc ngăn cản Trung Quốc khỏi hành động gây hấn trong khu vực đồng thời khuyến khích nước này đóng góp vào trật tự toàn cầu.

  1. China’s Gilded Age: The Paradox of Economic Boom and Vast Corruption by Yuen Yuen Ang

Tại sao Trung Quốc phát triển rất nhanh trong thời gian dài bất chấp nạn tham nhũng rộng lớn? Trong cuốn sách này, Giáo sư Ang cho rằng tất cả tham nhũng đều có hại, nhưng không phải tất cả các loại tham nhũng đều làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế.

Ang chia tham nhũng thành bốn loại: petty theft (ví dụ, công chức nhà nước bắt những người bán hàng rong phải trả tiền cho họ để được hoạt động), grand theft (ví dụ, quan chức nhà nước bòn rút công quỹ bất hợp pháp), speed money (ví dụ, người dân phải gửi bác sĩ phong bì để được điều trị tại bệnh viện), và access money (doanh nghiệp trực tiếp hối lộ các quan chức nhà nước cấp cao để đổi lấy hợp đồng xây dựng các công trình lớn).

Theo Ang, ba loại tham nhũng đầu tiên cản trở tăng trưởng, trong khi access money có thể kích thích đầu tư và tăng trưởng dù tạo ra rủi ro nghiêm trọng cho nền kinh tế và hệ thống chính trị trong dài hạn.

  1. How China Escaped the Poverty Trap by Yuen Yuen Ang

Trong cuốn sách này, giáo sư Yuan Yuan Ang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, “Làm thế nào để các xã hội nghèo thoát khỏi bẫy nghèo?” Các nhà kinh tế chính trị truyền thống đưa ra ba câu trả lời: “đầu tiên phải kích thích tăng trưởng”, hoặc “đầu tiền phải xây dựng các thể chế tốt (institutions)” hoặc “một số quốc gia may mắn được thừa hưởng các thể chế tốt dẫn đến tăng trưởng”. Cuốn sách bác bỏ cả ba trường phái tư tưởng này.

Bắc Triều Tiên (North Korea)

  1. The Impossible State: North Korea, Past and Future by Victor Cha

Nếu bạn muốn tìm hiểu một cách đầy đủ về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước Bắc Triều Tiên (North Korea) thì chắc chắn phải đọc cuốn sách này.

Cuốn sách thảo luận về lịch sử của Bắc Triều Tiên, sự trỗi dậy của triều đại gia đình Kim, sự sùng bái cá nhân đầy ám ảnh đã giúp bảo vệ quyền lực của gia đình Kim. Cuốn sách cũng phân tích nền kinh tế và văn hóa của Bắc Triều Tiên dưới sự cai trị của chế độc độc tài toàn trị, vấn đề nhân quyền, và vấn đề an ninh chính của chế độ này (từ cuộc chiến dường như bất tận với nước láng giềng Hàn Quốc và tham vọng hạt nhân đáng sợ).

Sách cũng trả lời câu hỏi: Làm thế nào mà quốc gia bí ẩn này—một quốc gia thường xuyên vi phạm các quyền công dân và phải hứng chịu nạn đói, các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn cầu, nền kinh tế sụp đổ và gần như bị cô lập hoàn toàn với phần còn lại của thế giới—vẫn tiếp tục tồn tại.

  1. Nothing to Envy: Ordinary Lives in North Korea by Barbara Demick

Đây cũng là một cuốn sách rất hay (và cảm động) về Triều Tiên. Cuốn sách kể về cuộc đời của 5 người tị nạn Bắc Triều Tiên đến từ thành phố Chonjin. (Những người này đã trốn thoát khỏi Bắc Triều Tiên và hiện đang sống ở Hàn Quốc. Tác giả đã phỏng vấn hơn 100 người trốn thoát, nhưng quyết định tập trung vào những người đến từ Chonjin).

Thông qua câu chuyện về từng cuộc đời, ta sẽ hiều hơn về quan điểm tình yêu và hôn nhân của người dân Bắc Triều Tiên, nạn đói đầu thập niên 1990, các chính sách kinh tế sai lầm của chính phủ, sự sùng bái lãnh tụ của người dân, cũng như những thách thức của những người nhập cư Bắc Triều Tiên khi sống ở Hàn Quốc.

Sách đọc cảm động. Nhiều đoạn khiến tôi chảy nước mắt.

Đài Loan

  1. Why Taiwan Matters: Small Island, Global Powerhouse của Shelley Rigger

Tôi thật sự rất thích cuốn sách này về Đài Loan. Tôi yêu cầu sinh viên đọc hai chương trong cuốn này. Cuốn sách phân tích Đài Loan đã trở thành một quốc gia quan trọng về kinh tế và chính trị trên thế giới như thế nào. Sách phân tích những đột phá kinh tế và chính trị ấn tượng của Đài Loan. Tác giả cho rằng, Đài Loan đã có những đột phá này là nhờ có một xã hội kiên định, một nền văn hóa sôi động, và một lịch sử độc đáo.

Cuốn sách cũng thảo luân tầm quan trọng của Đài Loan đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới.

Hàn Quốc

  1. South Korea since 1980 (The World Since 1980) by Uk Heo và Terence Roehrig 

Cuốn sách tìm hiểu những thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội và chính sách đối ngoại của Hàn Quốc kể từ năm 1980. Đầu tiên, sách giới thiệu ngắn gọn về lịch sử của Hàn Quốc từ lúc thành lập năm 1948 cho đến năm 1980. Tiếp theo, cuốn sách tìm hiểu quá trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ của Hàn Quốc (vào năm 1987), sự phát triển kinh tế ngoạn mục bắt đầu từ những năm 1960, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, những cải cách kinh tế diễn ra sau năm 1997, cuộc khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, và quan hệ đối ngoại của Hàn Quốc với các cường quốc khu vực.

Tác giả lập luận rằng, việc trở thành một nước dân chủ (từ năm 1987) đã ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh này của Hàn Quốc. Ví dụ, dân chủ hóa cho phép các đảng chính trị bảo thủ (conservative) và tự do (liberal) thay nhau nắm quyền. Các đảng này đã thực thi các chính sách khác nhau để đối phó với Bắc Triều Tiên, và có các quan điểm khác nhau về vai trò của Hàn Quốc trong liên minh với Mỹ.

Nhật Bản

  1. Unmaking the Japanese Miracle: Macroeconomic Politics, 1985–2000 by William M. Grimes

Trong cuốn sách này, tác giả lập luận rằng, chính các chính sách kinh tế vĩ mô sai lầm – nới lỏng tiền tệ vào cuối những năm 1980, thắt chặt tiền tệ quá mức cho đến năm 1992 và chỉ miễn cưỡng sử dụng chính sách tài khóa mở rộng cho đến năm 1998 – phần lớn đã gây ra các vấn đề kinh tế của Nhật Bản đầu thập niên 1990.

  1. Governing Japan: Divided Politics in a Resurgent Economy 4th Edition by  A. A. Stockwin

Cuốn sách giới thiệu toàn diện về thể chế chính trị, kinh tế, và văn hóa Nhật Bản, phù hợp cho những bạn nào muốn có cái nhìn tổng quát về đất nước này.

Đông Nam Á

  1. Southeast Asia in the New International Era by Robert Dayley (phiên bản 8)

Đây là cuốn sách cho những ai muốn tìm hiểu và giảng dạy về kinh tế, chính trị các nước Đông Nam Á. Cuốn sách cung cấp thông tin về quá trình hình thành nhà nước, quá trình phát triển kinh tế, thể chế chính trị, mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội, chính sách đối ngoại, và những sự kiện lịch sử quan trọng của 11 quốc gia thuộc Đông Nam Á. (Mỗi chương sách tập trung vào một quốc gia).

Trong lần tái bản mới nhất (lần 8), tác giả còn phân tích sâu một số sự kiện chính trị quan trọng gần đây ở Đông Nam Á như cuộc chiến chống ma túy của Rodrigo Duterte ở Philippines, cuộc bầu cử có tính lịch sử năm 2018 của Malaysia chấm dứt bốn thập kỷ cầm quyền của đảng liên minh UMNO, cuộc thâu tóm quyền lực gần đây nhất của Hun Sen ở Campuchia và quá trình chuyển đổi chế độ ở Thái Lan sau đảo chính. Sách cũng phân tích những diễn biến gần đây trong tranh chấp Biển Đông và thảm kịch Rohingya ở Myanmar, vân vân.

Quan hệ quốc tế ở Đông Á

  1. Becoming Asia: Change and Continuity in Asian International Relations Since World War II by Alice Miller and Richard Wich

Cuốn sách phân tích hai chủ đề chính đã chi phối các mối quan hệ quốc tế của châu Á kể từ năm 1945: (1) sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong chiến tranh lạnh, và (2) cuộc đấu tranh của các nhà lãnh đạo châu Á theo chủ nghĩa dân tộc nhằm tìm kiếm sự ủng hộ trong nước nhằm duy trì quyền lực và độc lập trong bối cảnh quốc tế đang thay đổi(sau năm 1945).

Một số phân tích của tác giả mà mình khá thích bao gồm (1) sự tương tác giữa chủ nghĩa dân tộc (nationalism) và tính lưỡng cực của chiến tranh lạnh trong những thập kỷ đầu tiên sau chiến tranh; (2) sự trỗi dậy của các nền kinh tế trong khu vực, chủ yếu dựa vào xuất khẩu; (3) nguồn gốc và sự phát triển của các vấn đề an ninh quan trọng như vấn đề Đài Loan, sự chia cắt của bán đảo Triều Tiên và mối đe dọa của vũ khí hạt nhân; và (4) sự trỗi dậy của Trung Quốc và những tác động của nó đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu.

  1. International Relations of Asia edited by David Shambaugh

 Cuốn sách là tập hợp những bài viết của nhiều học giả hàng đầu về quan hệ quốc tế ở châu Á. Tôi yêu cầu sinh viên đọc các chương liên quan đến (1) vai trò của Mỹ và Trung Quốc ở châu Á, (2) việc áp dụng các lý thuyết lớn về quan hệ quốc tế vào châu Á, và (3) vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Tranh chấp biển đông

  1. The South China Sea: The Struggle for Power in Asia by Bill Hayton

Tôi đang đọc cuốn sách này để chuẩn bị bài giảng vào tuần 15. Khi nào đọc xong, tôi sẽ cập nhật nội dung lên blog.

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm blog! Chúc bạn một tuần mới thật nhiều niềm vui!

Trương Thanh Mai

7 thoughts on “Giới thiệu sách hay về kinh tế và chính trị các nước Đông Á

    1. Cảm ơn câu hỏi của em. Vì tính chất công việc, nên chị phải thường xuyên đọc sách chuyên ngành liên quan đến khoa học chính trị. Ngoài ra, chị thích đọc sách gì cho chị kiến thức mới như sách về các ngành khoa học khác và tiểu thuyết.

  1. Bài viết rất thú vị và bổ ích. Em có 1 chút thắc mắc là: Đài Loan được công nhận là 1 quốc gia hay không trong quan hệ quốc tế và khoa học chính trị, phụ thuộc vào quan điểm, có nước công nhận có nước không, dù nó đủ yếu tố cấu thành 1 quốc gia. Vậy nên có lẽ không cần bàn kỹ. Tuy nhiên em thấy Hong Kong rõ ràng là 1 phần lãnh thổ của Trung Quốc, thậm chí chưa phải là 1 vùng lãnh thổ độc lập hay li khai. Việc đề cập trong 7 quốc gia ở phần đầu liệu có đang gây hiểu lầm cho độc giả về việc Hong Kong là 1 quốc gia không ạ. Cách dùng từ của em có thể chưa chuẩn lắm, mong chị thông cảm và giải đáp thêm ạ.

    1. Đúng rồi em ạ. Hồng Kông không phải là một quốc gia độc lập. Chị có sửa lại một chút ở đoạn mở đầu rồi nhé! Cảm ơn em đã đọc kỹ và để lại góp ý!

  2. Chị có thể post thêm list sách về các chủ đề chính trị/kinh tế chính trị/lịch sử chính trị từ các giáo sư/nhà báo uy tín kiểu này không ạ. Em hay muốn đọc thêm các chủ đề này nhưng là người ngoài ngành nên không biết sách hay tài liệu nào nên đọc

Leave a Reply