
Sau một thời gian dạy học, tôi nhận thấy rằng, thử thách lớn nhất đối với sinh viên trong thời đại công nghệ là duy trì sự tập trung để theo đuổi các hoạt động đòi hỏi sự sáng tạo và suy nghĩ sâu.
Internet, điện thoại, mạng xã hội giúp ta dễ dàng tìm kiếm thông tin và kết nối với thế giới, nhưng cũng khiến ta khó tập trung cao độ. Tôi thường tìm các bài phân tích ngắn (khoảng 800-1000 chữ) của các chuyên gia về các sự kiện chính trị quan trọng đang diễn ra trên thế giới. Tôi sẽ in bài báo và phát cho sinh viên đọc trên lớp. Sinh viên sẽ đọc trong vòng 15 – 20 phút, và sau đó sẽ thảo luận theo nhóm (khoảng 3-4 bạn). Các em sẽ phải đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của lập luận được tác giả đưa ra trong bài báo.
Tôi quan sát thấy, nhiều sinh viên không thể tập trung được quá 2-3 phút. Có khi vừa đọc được vài dòng, các em phải kiểm tra điện thoại, Facebook xem mình có “bỏ lỡ” điều gì không. Một em sinh viên đã từng chia sẻ với tôi, có những buổi sáng, em dành 2-3 tiếng chỉ để lang thang trên mạng, mà không học được điều gì mới mẻ. Em biết việc này rất vô bổ và mất thời gian, nhưng em không biết làm thế nào để “cai nghiện” điện thoại và Facebook.
Khi mới bắt đầu công việc giảng dạy và nghiên cứu, tôi gần như không tìm được khoảng thời gian nào trong ngày để tập trung viết lách. Ngoài việc chuẩn bị bài giảng, tôi phải tham gia nhiều cuộc họp ở khoa, ở trường. Là giáo sư mới ở trường nên tôi cũng rất “ngại” đóng cửa văn phòng để tập trung làm việc. Vậy là, tôi liên tục bị xao nhãng bởi các cuộc trò chuyện với đồng nghiệp, và sinh viên.
Tôi cũng thường xuyên bị xao nhãng bởi điện thoại. Vợ chồng tôi quyết định gửi con gái đi nhà trẻ khi tôi bắt đầu công việc mới. Thời gian đầu, tôi rất lo lắng cho con. Tôi liên tục kiểm tra điện thoại xem cô giáo của con có nhắn tin hay gửi hình ảnh con không. Nếu cô không liên lạc, tôi sẽ chủ động nhắn tin hỏi cô trước. Vậy là cả tiếng đồng hồ, tôi vừa làm việc, vừa nhắn tin cho cô.
Trong lúc hoang mang vì không thể tập trung làm việc được, tôi tình cờ trò chuyện với một giáo sư cũ ở trường Đại học Arizona nơi tôi theo học tiến sĩ. Cô động viên tôi, kỳ đầu tiên giảng dạy và nghiên cứu thường là kỳ học thử thách nhất, và dần dần, tôi sẽ quen với môi trường và cường độ công việc mới.
Giáo sư đã cho tôi những lời khuyên vô cùng hữu ích về các phương pháp làm việc tập trung.
Bài viết hôm nay xin chia sẻ với bạn 4 phương pháp tôi đã áp dụng để duy trì sự tập trung cao độ trong một ngày làm việc.
Tìm không gian và thời gian cho sự tập trung
Bắt đầu từ học kỳ mùa xuân năm nay, tôi quyết định sẽ dành ít nhất một tiếng làm việc trên thư viện vào những ngày tôi lên lớp. Sau khi dạy học xong, tôi sẽ ở lại văn phòng làm những công việc liên quan đến giảng dạy như vào điểm, chấm bài, chuẩn bị bài giảng. Sau đó, tôi sẽ lên thư viện tập trung viết ít nhất một đến một tiếng rưỡi trước khi về đón con và chuẩn bị bữa tối. (Hôm nào, bạn đồng hành làm việc tại nhà, tôi có thể ở lại trường lâu hơn). Vào những ngày tôi không phải dạy học, tôi sẽ dành cả buổi sáng trên thư viện để làm việc thật tập trung.
Để “bảo vệ” sự tập trung, tôi không mang theo điện thoại lên thư viện. Tôi cũng không cài ứng dụng mạng xã hội như Facebook và Twitter vào máy tính. Tôi cũng không thể vào mạng xã hội từ website vì tôi không nhớ mật khẩu (tôi chỉ ghi nhớ mật khẩu ở điện thoại và lưu tất cả các mật khẩu của các trang khác nhau vào một cuốn sổ nhỏ). Tôi dành khoảng 15 phút kiểm tra và trả lời email. Sau đó, tôi sẽ tuyệt đối không kiểm tra email trong thời gian làm việc tại thư viện. Khi làm việc, tôi thường sử dụng phương pháp Pomodoro: làm việc tập trung hết sức trong vòng 25-30 phút, nghỉ 5 phút, rồi lại tiếp tục tập trung 25-30 phút. Vì không mang theo điện thoại, nên tôi hẹn giờ bằng đồng hồ.
Để thật sự tập trung, tôi chọn làm việc tại một chiếc bàn nhỏ ở “tầng hầm” (được gọi là “quiet area”) ở thư viện. Thỉnh thoảng, tôi cũng tình cờ gặp sinh viên của mình đang làm việc ở “tầng hầm”. Các sinh viên này đã tạo ấn tượng tốt với tôi! Tôi luôn nghĩ, em nào chọn làm việc ở “quiet area” hẳn phải rất chăm chỉ và nghiêm túc với việc học.
Hạn chế sử dụng mạng xã hội
Một giáo sư trong hội đồng luận án tiến sĩ của tôi ở trường đại học Arizona không sử dụng điện thoại di động và Facebook. Tất nhiên, cách này không phù hợp với mục đích sử dụng mạng xã hội và tính cách của tôi.
Nhờ có mạng xã hội (đặc biệt là blog), mà tôi có cơ hội chia sẻ với bạn đọc những câu chuyện và bài học thú vị tôi học được ở nước ngoài. Thật lòng, đã rất nhiều lúc tôi nghĩ đến việc bỏ blog và trang Facebook của blog. Nếu bạn đã từng viết blog, có lẽ bạn cũng hiểu, để duy trì một trang blog tốn rất nhiều thời gian, công sức, và cả tiền bạc. Nhưng mỗi lần định bỏ blog, tôi lại học được một điều gì đó hay ở Mỹ và muốn chia sẻ với bạn vì tôi hiểu không phải bạn trẻ nào ở Việt Nam cũng có cơ hội như tôi.
Tôi cố gắng chỉ dành khoảng một tiếng buổi tối để kiểm tra Facebook và blog. Nếu theo dõi blog và trang Facebook của blog, có lẽ bạn sẽ nhận thấy, tôi thường đăng bài mới vào khoảng 8-10 giờ sáng ở Việt Nam. Đó là buổi tối ở Mỹ. Sau khi ăn tối, con gái đi ngủ, tôi dành một chút thời gian cập nhật Facebook. Tôi đặt ra kế hoạch chia sẻ một câu chuyện hoặc một bài học mà tôi nghĩ là thú vị và hữu ích trên trang Facebook của blog thường xuyên. Nhờ vậy, trong ngày tôi thường cố gắng quan sát và ghi nhớ những sự kiện xảy ra xung quanh mình. (Tất nhiên vì tính chất công việc, sẽ có những tuần, tôi thật sự bận, và không thể tìm được thời gian để cập nhật Facebook cũng như blog).
Tôi rất ít khi lướt Facebook vào ban ngày. Tôi cũng chỉ follow một vài trang Facebook quan trọng của gia đình và bạn bè thân thiết.
Sắp xếp công việc theo “batch”
Trong một ngày làm việc, tôi dành một khoảng thời gian nhất định cho các công việc có tính chất giống nhất. Ví dụ, tôi thường dành 15 phút buổi sáng và 30-45 phút cuối buổi chiều để kiểm tra và trả lời email thay vì thường xuyên kiểm tra email khi đang làm những công việc cần độ tập trung cao như viết bài, chuẩn bị bài giảng, và đọc sách. Tôi cũng dành một khoảng thời gian chỉ để làm nghiên cứu hoặc chuẩn bị bài giảng.
Ưu tiên việc cần làm dựa trên sự quan trọng
Tôi nghĩ, ai cũng có xu hướng tập trung vào những việc dễ, và bỏ qua những việc khó nhưng quan trọng. Đối với tôi, việc bắt đầu một nghiên cứu mới luôn là việc khó nhất, dù đây là đầu việc thật sự rất quan trọng đối với tôi.
Một cô bạn học cùng chương trình tiến sĩ với tôi ở Arizona đã từng chia sẻ, bạn rất căng thẳng khi nghĩ đến các bài nghiên cứu cuối kỳ (term paper), bạn thường đợi đến rất sát deadline mới bắt tay vào viết. Lý do là vì đối với bạn, viết bài nghiên cứu là một việc cực kỳ khó. Việc càng khó, bạn càng muốn trì hoãn!
Đối với tôi, bắt tay vào viết một bài báo mới cũng là việc khó nhất. Dù rất yêu thích việc làm nghiên cứu nhưng mỗi lần bắt tay vào viết, tôi không khỏi hoài nghi năng lực, khả năng viết, khả năng phân tích của bản thân.
Để vượt qua sự trì hoãn, tôi ép bản thân phải làm những việc khó và quan trọng trước khi làm việc dễ. Mỗi sáng khi lập kế hoạch làm việc trong ngày, tôi sẽ ưu tiên những việc khó trước. Khi hoàn thành việc khó rồi, tôi mới bắt tay làm những việc dễ hơn. Thỉnh thoảng tôi cũng tự thưởng cho bản thân một món quà (như một cuốn sách, một cốc Caramel Macchiato, hay 20 phút đi lang thang trong sân trường mà không làm gì cả) sau khi hoàn thành một việc khó!
Việc khó nhất khi bắt đầu một bài viết mới là hoàn thành bản nháp (draft). Cảm giác mở một file word trắng tinh, chưa có một chữ nào thật sự đáng sợ. Nhưng tôi tự động viên bản thân: bản nháp không cần phải hoàn hảo, mình chỉ cần viết hết ra những gì mình nghĩ; một khi đã có bản nháp rồi, mình sẽ sửa lại; dần dần, mình sẽ có một bài viết hoàn chỉnh!
Tôi rất biết ơn cuộc trò chuyện với giáo sư cũ ở Arizona. Lời khuyên của cô đã giúp tôi tìm được thời gian và không gian để tập trung cao độ vào nghiên cứu.
Tuy những gì tôi đạt được trong nghiên cứu năm học này không thể so sánh với nhiều đồng nghiệp của tôi, tôi cảm thấy tự hào về những cố gắng của mình: tôi có một bài nghiên cứu được xuất bản; sửa và gửi lại một bài nghiên cứu cho một tạp chí lớn trong ngành; viết được một bài bình luận ngắn cho tạp chí The Diplomat; viết được một bài phê bình sách; viết được một proposal xin tiền làm dự án (dù không biết có được chấp nhận hay không); chuẩn bị triển khai một khảo sát; và vừa bắt tay vào viết một bài nghiên cứu mới.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc! Chúc bạn một tuần mới nhiều niềm vui.
Trương Thanh Mai