Một bài viết về tính kiên định

Ảnh tài về từ Unsplash.

Tôi thường xuyên nhận được các câu hỏi của các bạn trẻ ở Việt Nam về phương pháp học “giỏi” tiếng Anh, phương pháp viết/đọc tốt, và phương pháp quản lý thời gian hiệu quả.

Khác với thời chúng tôi đi học, hiện nay, ta có thể dễ dàng tìm kiếm các tài liệu chia sẻ phương pháp nâng cao các kỹ năng này. Chỉ cần một giờ dạo quanh các hiệu sách, bạn sẽ tìm thấy hàng chục cuốn sách viết về cách học tiếng Anh, cách đọc tốt, viết tốt. Lên mạng và tra từ khóa liên quan đến các kỹ năng này, chỉ chưa đến 10 giây, bạn sẽ được tiếp cận với hàng trăm bài báo, website liên quan.

Vì vậy, việc ta không thể có được sự tiến bộ ở một kỹ năng nào đó không phải do thiếu các tài liệu tham khảo.

Lý do nằm ở chính chúng ta.

Ta thường thiếu sự kiên định (consistency).

Tôi rất thích câu nói này của John Maxwell: Small disciplines repeated with consistency every day lead to great achievements gained slowly over time.

Những kỷ luật nhỏ được lặp đi lặp lại với sự nhất quán hàng ngày sẽ dẫn đến những thành tựu to lớn đạt được dần dần theo thời gian.

Để đạt được thành công trong bất cứ việc gì, lĩnh vực gì, ta đều cần tính kỷ luật và kiên định. Tôi quan sát thấy các bạn trẻ thường mắc phải hai sai lầm sau.

Một là, các bạn thường chỉ bắt tay vào làm các hoạt động cần thiết giúp cải thiện kỹ năng mình còn yếu khi có cảm hứng. Nếu không có cảm hứng, bạn sẽ dành thời gian để làm việc khác. Khi có cảm hứng mấy ngày liên tục, bạn sẽ học và làm say mê hàng ngày. Nhưng khi tụt cảm hứng, bạn sẽ bỏ bê việc đó mấy tuần thậm chí mấy tháng. Thế là khi quay lại, bạn lại phải bắt đầu từ con số 0.

Hai là, nhiều bạn chỉ đợi đến khi có thật nhiều thời gian (5-6 tiếng, nguyên một ngày, hoặc vài ngày) mới bắt tay vào thực hiện việc mình muốn làm. Rất tiếc, trong một thế giới bận rộn và đầy ồn ào, ta có thể sẽ không bao giờ tìm được một khoảng thời gian rộng rãi như vậy.

Vậy thế nào là sự kiên định?

Kiên định là khi bạn đã xác định được một mục tiêu, một hướng đi, bạn sẽ quyết tâm biến các hoạt động liên quan đến mục tiêu đó thành thói quen hàng ngày. Bạn sẽ dành thời gian để thực hiện hoạt động đó hàng ngày, ngay cả khi bạn không có cảm hứng, quá bận rộn, hoặc các yếu tố bên ngoài không thuận lợi. Tất nhiên sẽ có những ngày bạn không thể làm việc được như khi bị ốm, khi có các cuộc họp đột xuất, hoặc vào các ngày lễ tết, vân vân, nhưng ngay khi những khó khăn này qua đi bạn sẽ nhanh chóng quay lại với thói quen làm việc (liên quan đến mục tiêu bạn theo đuổi) hàng ngày. Ngay cả vào những ngày quá bận rộn, bạn sẽ vẫn cố gắng “check in” những việc bạn đang làm dở, thậm chí chỉ 10-15 phút.

Thật sự, không dễ để phát triển được tính kiên định. Có người  từ nhỏ đã có tính kỉ luật và kiên định cao do nhận được sự giáo dục từ gia đình hoặc môi trường học tập.

Nhưng tôi nghĩ, phần lớn chúng ta không sở hữu tính kiên định, kỷ luật một cách tự nhiên. Thật may vì đây là đức tính có thể học và rèn luyện được. Tuy nhiên, không dễ để rèn luyện được đức tính này.

Để kiên định theo đuổi mục tiêu đề ra, ta phải thật sự kỷ luật, dám hi sinh những thói quen khác (đặc biệt là những thói quen không lành mạnh nhưng dễ bị “nghiện” như dành hàng giờ lướt web không mục đích, vân vân), và một tâm trí mong muốn tiến bộ và sẵn sàng học hỏi những kiến thức mới. Ngoài ra, có quá nhiều điều gây nhiễu trong cuộc sống hàng ngày ngoài khả năng kiểm soát của ta, khiến ta dễ dàng từ bỏ sự kiên định. Để kiên định, ta cũng phải học cách dám hi sinh những lợi ích trước mắt để hướng đến những thành quả tốt đẹp trong tương lai.  

Hai sự kiện trong cuộc sống đã giúp tôi hiểu sâu sắc rằng, muốn thành công, ta không thể thiếu sự kiên định.

Hành trình học ăn cùng con

Tôi học được bài học sâu sắc về tính kiên định trên hành trình cùng con học ăn.

Ngay từ khi con vừa chào đời, vợ chồng tôi muốn tạo cho con thói quen ngồi ngế ăn cùng bố mẹ thay vì bế rong và thói quen ăn uống có giờ giấc quy củ. Khi bước sang tháng thứ 6, con bắt đầu ăn dặm theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW). Ban đầu con chỉ ăn dặm bữa trưa và bữa tối. Khoàng 2 tháng sau, con ăn cả bữa sáng, bữa trưa, và bữa tối cùng bố mẹ. Ngay từ đầu, mỗi khi ăn, con sẽ được bố mẹ cho ngồi ghế (trừ khi ăn sữa). Ban đầu con không thích, hay khóc đòi ra, nhưng chúng tôi vẫn đặt con vào ghế. Dần dần con hiểu rằng, ngồi ghế đồng nghĩa với việc được ăn.

Tuy nhiên, ngay cả khi con đã quen ngồi ghế ăn và ăn đúng giờ, chúng tôi vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn, nhiều lúc tôi đã muốn bỏ cuộc. Tôi đăng ký nhận tin hàng tuần từ một website về trẻ em, trang web thường gửi thông tin về sự phát triển của trẻ mỗi tuần dựa trên các nghiên cứu khoa học. Mặc dù các nghiên cứu chỉ chỉ ra xu hướng chung, nhưng con gái tôi phát triển rất đúng như xu hướng chung. Ví dụ, khi con bước sang tháng 13 hoặc 14 (nếu tôi nhớ không nhầm), tôi nhận được email từ website nói rằng,  trẻ em ở độ tuổi này thường sẽ không thích bị đặt vào không gian hẹp như ghế ăn hay ghế dành cho trẻ em trên ô tô; các  sẽ khóc đòi ra, thậm chí vứt thức ăn để phản đối việc bị đặt ngồi vào ghế ăn.

Tôi thường nghe nhiều bố mẹ than thở, “con tôi không giống con bạn, nó không thích ngồi ghế ăn.” Không phải chỉ con bạn thôi đâu, đứa trẻ nào cũng vậy, sẽ có giai đoạn các con phản kháng. Đấy là sự phát triển bình thường của trẻ.

Nhưng ta phải có quyết tâm vượt qua được giai đoạn này. Thay vì, ngay lập tức bế con ra và đút cho con ăn rong, ta vẫn phải kiên định dạy con rằng, khi ăn con phải ngồi ghế. Nếu con ăn ít và đòi ra ngay, ta có thể cho con ra, nhưng không cho con ăn nữa. Sau 1,2 ngày con sẽ hiểu rằng, “nếu mình không ngồi ghế, mình sẽ không được ăn trọn bữa, mình sẽ đói, mà mình phải đợi đến tận bữa tối hoặc sáng mai mới được ăn”.

Tất nhiên là một người mẹ, có lúc tôi cũng muốn chiều theo con vì sợ con đói, nhưng để xây dựng cho con thói quen ăn uống quy củ, tôi phải học cách vượt qua những khó khăn nhỏ trước mắt. Một khi ta đã để con vừa ăn vừa chạy dù chỉ một vài lần, con sẽ học được rằng, “à nếu mình gào khóc khi mẹ đặt vào ghế, mẹ sẽ cho mình ra, và đút cho mình ăn khi mình chạy loanh quanh khắp nhà.” Tôi tin rằng, trẻ em sinh ra là một tờ giấy trắng, không có em bé nào trong gen đã có sẵn tính “chỉ thích ăn khi được bế” hoặc tính “không thể ngồi ghế ăn”.

Quá trình cùng con ăn dặm tự chỉ huy cũng dạy chúng tôi rằng tính kiên định cực kỳ quan trọng. Trẻ em sẽ có giai đoạn biếng ăn (đấy là sự phát triển bình thường của trẻ). Có những lúc sợ con đói, tôi cũng muốn cố bón nài nỉ con “ăn thêm một thìa nữa đi con”, dù con đã nhả thức ăn ra hoặc vứt thức ăn xuống đất. Nhưng nài nỉ ép con ăn sẽ khiến trẻ dần dần sợ bữa ăn, và không thích ăn uống. Ép con ăn bữa đấy có thể khiến con no ngày hôm đó, nhưng không tốt về lâu dài.

Quá trình học ăn cùng con đã dạy tôi rằng: Để xây dựng được tính kiên định, đôi khi, ta phải học cách hi sinh những lợi ích trước mắt (để con được no ngày hôm nay) để hướng đến nhưng lợi ích trong tương lai (con thích ăn uống, ăn có giờ giấc về sau).

Hành trình viết nghiên cứu

Trong quá trình làm nghiên cứu sinh, tôi thường được các giáo sư nhận xét là một nhà nghiên cứu “năng suất”. Quả thật, so với nhiều bạn trong chương trình PhD, tôi viết và gửi được nhiều bài nghiên cứu đến các tạp chí khoa học hơn. Nhưng lý do không phải vì tôi giỏi hơn hay thông minh hơn họ. (Thật sự, tôi chưa bao giờ nghĩ mình thông minh đặc biệt. Tôi biết rất nhiều bạn nghiên cứu sinh và giờ là đồng nghiệp của tôi cực kỳ sắc sảo, thông minh, và có nền tảng cực tốt). Tôi nghĩ, tôi viết được nhiều là vì tôi rất kiên định trong việc theo đuổi một dự án.

Tôi biết một bạn nghiên cứu sinh, cực kỳ sáng tạo, bạn có rất nhiều ý tưởng hay. Nhưng bạn chưa hoàn thành được một sản phẩm viết nào để gửi đến một tạp chí khoa học. Lý do là vì bạn không kiên trì hoàn thành một bài viết. Khi gặp khó khăn trong quá trình làm dự án như viết không thông, số liệu không hỗ trợ giả thiết, dữ liệu không “thú vị” bạn sẽ bỏ dở và không làm tiếp dự án đó nữa. Đôi khi bạn thậm chí không bắt tay vào viết nếu cảm thấy “bài viết này sẽ không đi đến đâu”. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, quá trình viết sẽ giúp ta tìm được hướng đi cho bài nghiên cứu. Tôi nghĩ, người viết nào cũng vậy, ý tưởng chỉ thật sự thành hình thành khối khi ta tập trung viết một thời gian.

Khi đã quyết định sẽ tập trung vào một dự án viết. Tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành nó trong một khoảng thời gian nhất định. Tôi sẽ viết hàng ngày. Ngày nào rảnh rỗi tôi sẽ viết cả ngày hoặc nửa ngày. Những ngày bận rộn hoặc có việc đột xuất, tôi sẽ cố gắng viết một tiếng, hoặc thậm chí chỉ cố gắng đọc và sửa lại những gì mình viết ngày hôm qua (15-20 phút ‘check in’ dự án).

Tôi thừa nhận thật sự rất khó để kiên định khi viết nghiên cứu. Thách thức lớn nhất đối với tôi là vượt qua được suy nghĩ “mình viết chán/viết dở, bài viết này sẽ không đến đâu cả, lập luận của mình không có gì mới.” Những lúc muốn bỏ cuộc, thay vì viết thêm ý mới, tôi sẽ sửa lại những gì mình đã viết. Khi câu cú, ý tứ gọn gàng hơn, tôi có thêm tự tin về bài viết của mình. Bản nháp đầu tiên bao giờ cũng rất tệ và lộn xộn, nhưng tôi đã viết được ra hết những suy nghĩ của mình. Sau đó, cặm cụi, kiên định sửa bản nháp mỗi ngày. Sau một thời gian kiên định, chăm chỉ làm việc mỗi ngày, tôi dần biến bản nháp trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, gọn gàng.

Thật lòng, bí quyết để tôi viết được nhiều chỉ nằm ở sự kiên định, không phải ở trí thông minh hay khả năng viết vượt trội.

Nếu ai đó hỏi tôi, tôi mong muốn con gái có những đức tính gì? Tôi thật sự mong con có được tính kiên định, kỷ luật, ham học hỏi. Nếu thiếu những đức tính này, đặc biệt là sự kiên định, dù con có sinh ra với một trí thông minh tuyệt vời, con cũng không thể đi được xa trong cuộc sống.

Cảm ơn bạn đã ghé đọc! Chúc bạn một tuần mới thật nhiều niềm vui!

Trương Thanh Mai

 

3 thoughts on “Một bài viết về tính kiên định

  1. Cảm ơn những lời khuyên hữu ích của chị! Em cũng là 1 người thường bị bỏ cuộc giữa chừng do không có sự kiên định khi cảm thấy 1 điều gì đó không còn thú vị. Sự kiên định đôi khi giúp ta nhận ra những thứ mà khi bắt đầu ta không bao giờ có thể lường trước được ạ.

    1. Cảm ơn em đã ghé đọc! Chị có nhiều thất bại vì không kiên định lắm. Điều chị tiếc nhất là không kiên định với việc học tiếng Pháp khi còn là nghiên cứu sinh. Chị học được 2 kỳ rồi bỏ dở. Bây giờ, đi làm rồi, chị không thể dành thời gian để học được nữa.

Leave a Reply