Đầu tháng 3/2023, tôi và Dr. Sin Yee Koh– một đồng nghiệp của tôi ở trường đại học Brunei Darussalam- đã tổ chức một hội thảo trực tuyến về viết và xuất bản nghiên cứu khoa học cho những học giả trẻ nghiên cứu về Đông Nam Á. Chúng tôi nhận được hơn 70 đơn đăng ký của các nhà nghiên cứu đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới (Úc, Brunei Darussalam, Canada, Cộng hòa Séc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Myanmar, New Zealand, Pakistan, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Timor-Leste, Việt Nam, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, và Zimbabwe).
Sau một thời gian đọc kỹ từng đơn đăng ký, nhóm tổ chức (gồm có tôi, Dr. Sin Yee Koh, và một em trợ lý dự án) đã lựa chọn ra được 20 bạn tham gia hội thảo. Người tham gia được yêu cầu gửi một bản thảo nghiên cứu đến ban tổ chức. Chúng tôi đã mời 5 nhà bình duyệt (là các giáo sư, những nhà nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm xuất bản trong ngành) đọc và đóng góp ý kiến cho các bài viết của người tham gia.
Trong 5 ngày hội thảo, người tham gia có cơ hội (1) lắng nghe những lời khuyên và bí kíp về viết và xuất bản nghiên cứu từ những học giả giàu kinh nghiệm và tổng biên tập của các tạp chí khoa học lớn; (2) tham gia thảo luận nhóm; và (3) nhận được ý kiến đóng góp từ những nhà bình duyệt cho bản thảo nghiên cứu của mình.
Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc blog một số câu hỏi, trăn trở của những người tham gia hội thảo
Câu hỏi 1: Nên có bao nhiêu dự án nghiên cứu một lúc?
Tôi cho rằng, để viết và xuất bản được nhiều, ta nên có ít nhất ba dự án một lúc. Ba dự án này nên ở các giai đoạn khác nhau. Cụ thể, ta nên có một bài báo đang trong quá trình bình duyệt (Under Review), một nghiên cứu đang viết, và một dự án đang ở giai đoạn thu thập dữ liệu (ví dụ thiết kế khảo sát, viết câu hỏi phỏng vấn, hoặc đang thu thập câu trả lời).
Với ít nhất ba dự án đang chạy, bạn sẽ luôn có một nghiên cứu đang ở giai đoạn viết và sẽ thường xuyên gửi bài đến các tạp chí.
Ví dụ, khi bạn vừa hoàn thành một bài viết và gửi đến tạp chí, bài báo (khác) đang trong quá trình bình duyệt có thể đã nhận được quyết định từ tạp chí và bây giờ bạn sẽ tập trung vào nó. Có thể sau khi bạn đã sửa và gửi bài viết này lại cho tạp chí (nếu bạn may mắn nhận được quyết định R&R – Revise and Resubmit), số liệu của dự án thứ ba đã sẵn sàng và bạn có thể bắt tay vào viết.
Câu hỏi 2: Có nên chỉ gửi bài đến các tạp chí hàng đầu?
Trong buổi thảo luận nhóm, có một bạn nghiên cứu sinh năm cuối ngành khoa học chính trị tại một trường đại học có tiếng ở Mỹ đã chia sẻ rằng, bạn luôn có áp lực phải xuất bản ở những tạp chí hàng đầu. Đối với ngành khoa học chính trị, đó là những tạp chí như American Journal of Political Science, American Political Science Review, Journal of Politics, World Politics, và những tạp chí hàng đầu của phân ngành như Comparative Political Studies, Comprative Politics, International Organization, vân vân.
Với thị trường việc làm học thuật cạnh tranh như hiện nay, ta phải luôn đặt mục tiêu cao. Có được một bài viết đã được xuất bản hoặc nhận được lời mời sửa và gửi lại (R&R) ở các tạp chí hàng đầu khi đi tìm việc làm sẽ đem lại rất nhiều lợi thế cho bạn. Tuy nhiên, ta cần hiểu rằng, để xuất bản được trên các tạp chí hàng đầu, cần rất nhiều thời gian và công sức. Có thể mất đến hàng năm trời, bài viết mới được xuất bản.
Thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ của tôi đã khuyên tôi rằng, để được coi là người có chuyên môn trong một chủ đề nào đó, ta cần có ít nhất 3 bài báo được xuất bản liên quan đến chủ đề đó.
Thầy khuyên rằng, trong 3 bài đó, bài nào đưa ra cách lập luận mới mẻ (theoretical contribution), thì ta hãy nhắm đến các tạp chí hàng đầu. Hai bài còn lại ta có thể gửi đến các tạp chí “thấp” và hẹp hơn. Ví dụ, nếu lập luận của bạn có thể áp dụng vào Việt Nam, bạn có thể viết 1-2 bài đi sâu vào Việt Nam và gửi đến các tạp chí về Châu Á, Đông Nam Á, hoặc Việt Nam. Với tiêu chí “3 bài báo” này, bạn sẽ không quá áp lực chỉ phải tập trung vào một bài duy nhất và bài này phải được xuất bản ở các tạp chí hàng đầu.

Câu hỏi 3: Làm sao để vượt qua sự tự ti để gửi bài báo đến các tạp chí khoa học?
Trong một buổi thảo luận nhóm, một bạn chia sẻ rằng, dù đã là nghiên cứu sinh năm thứ 5, bạn chưa từng một lần dám gửi bài viết đến các tạp chí. Bạn luôn sợ bài viết của bạn không đủ tốt, không có gì nổi bật, và không có đóng góp mới mẻ gì cho ngành. Bạn luôn sợ sẽ bị tạp chí từ chối!
Đây chính là cảm giác của tôi khi lần đầu tiên gửi bài viết đến một chí khoa học. Và xin chia sẻ với bạn rằng, cảm giác này sẽ không hoàn toàn biến mất theo thời gian. Tuy đã có nhiều kinh nghiệm viết và xuất bản nghiên cứu hơn so với những năm đầu làm tiến sĩ, suy nghĩ có phần tiêu cực này luôn tìm đến tôi mỗi khi nộp bản thảo cho tạp chí.
Để theo đuổi con đường học thuật, tôi phải học cách vượt qua nỗi sợ hãi này. Tôi tự đặt ra cho bản thân một nguyên tắc: Sau khi đã trình bày một bài nghiên cứu ở một hoặc hai hội thảo chuyên ngành, tôi sẽ sửa lại bài dựa trên các ý kiến, đóng góp nhận được và sẽ gửi bài báo đó đi.
Tôi học được rằng, một bài nghiên cứu sẽ luôn có thể trở nên tốt hơn, và không bao giờ có thể tuyệt đối hoàn hảo. Ngay cả khi bài viết bị tạp chí từ chối, tôi sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích của các nhà bình duyệt. Tôi sẽ sửa lại bài dựa trên những ý kiến đó và gửi đến một tạp chí khác.
Sau khi gửi bài đi, kết quả đáng mong đợi nhất là được tạp chí mời sửa và nộp lại (R&R). Rất rất hiếm khi một bài viết sẽ được tạp chí chấp nhận xuất bản ngay mà không qua R&R.
Đôi khi commens của các nhà bình duyệt rất “khắc nghiệt”, nhưng khi sửa lại theo nhận xét của họ, tôi luôn thấy bài viết của mình tốt hẳn lên.
Quan điểm của tôi luôn là: Bị từ chối vẫn tốt hơn việc không bao giờ dám gửi bài đi.
Nếu ta không bao giờ nộp bản thảo tới tạp chí, những gì ta viết sẽ chỉ có bản thân ta đọc. Nhưng khi gửi bài đi, ta có cơ hội chia sẻ quan điểm, suy nghĩ với thế giới bên ngoài!
Câu hỏi 4: Có nên hợp tác nghiên cứu không? Và làm sao để kiếm tìm cơ hội hợp tác
Quan điểm của tôi là: Hợp tác nghiên cứu (cùng viết nghiên cứu) là vô cùng cần thiết cho những nhà nghiên cứu mới bước vào nghề.
Khi mới bắt đầu chương trình nghiên cứu sinh, nếu có thể, bạn hãy cùng viết với giáo sư hướng dẫn hoặc những người có nhiều kinh nghiệm hơn mình.
Tôi rất may mắn vì thầy hướng dẫn thật lòng muốn tôi thành công. Khi mới bước sang kỳ 2, năm thứ nhất của chương trình tiến sĩ, tôi đã cùng viết bài với thầy. Nhờ có trải nghiệm này, mà tôi đã hiểu được quy trình viết nghiên cứu, nộp bản thảo cho tạp chí, và trả lời phản biện của những nhà bình duyệt ngay từ khi mới bắt đầu hành trình học tiến sĩ.
Khi bước sang năm thứ 3, tôi kiếm tìm cơ hội hợp tác với những bạn nghiên cứu sinh khác ở trong khoa hoặc đến từ các trường đại học khác. Tôi đã học được rất nhiều từ những đồng nghiệp của mình.
Để hồ sơ của bạn có tính cạnh tranh trong thị trường học thuật, ngoài các bài viết mà bạn là đồng tác giả, bạn nên cố gắng có ít nhất một bài nghiên cứu mà bạn là tác giả duy nhất. Bạn muốn chứng tỏ với hội đồng tuyển chọn (search committee) của các trường đại học rằng, bạn có năng lực tự thiết kế, triển khai một nghiên cứu, và xuất bản bài viết ở những tạp chí uy tín. Nhưng khi đã tìm được việc rồi, việc viết bài một mình hay hợp tác với người khác không còn quá quan trọng nữa.
Bạn có thể đọc thêm về những lời khuyên về viết và xuất bản một bài nghiên cứu khoa học ở hình ảnh đính kèm trong bài viết. Đây là những lời khuyên của các khách mời, các nhà bình duyệt, và những người tham gia hội thảo.
Nếu bạn có câu hỏi hoặc ý kiến đóng góp liên quan đến xuất bản bài nghiên cứu khoa học, xin mời chia sẻ ở bên dưới bài viết. Cảm ơn bạn đã ghé đọc. Chúc bạn một tuần mới thật vui!
Trương Thanh Mai