Chào bạn đọc blog,
Xin chia sẻ với bạn một tin vui. Tháng 5/2023 mình nhận được lời mời làm việc với tư cách là Assistant Professor (tạm dịch là Giáo sư dự khuyết, bậc đầu tiên của ngạch giáo sư trong hệ thống trường đại học ở Mỹ) tại đại học Marquette ở bang Wisconsin. Đây là một trường đại học nghiên cứu (research university) thuộc top 100 trường đại học tốt nhất ở Mỹ. Mình rất vui và biết ơn vì đã nhận được công việc này vì đây đúng là công việc mơ ước của mình. Thời gian qua, mình ít cập nhật trang blog này vì bận chuyển nhà và chuẩn bị cho công việc mới.
Hiện tại gia đình mình đã chuyển đến thành phố Milwaukee của bang Wisconsin được gần một tháng. Thứ 2 ngày 28/8, kỳ học mùa thu sẽ chính thức bắt đầu.
Hôm nay, mình xin chia sẻ với bạn hành trình đến với công việc trong mơ này. Mình đã chia sẻ hành trình này trên Facebook. Bài viết này sẽ tổng hợp lại những bài viết ngắn về con đường đến với trường Marquett trên Facebook.
Ước mơ
Ngay từ khi mới đặt chân sang Mỹ học tiến sĩ, mình đã có mơ ước trở thành giáo sư đại học tại Mỹ. Giáo sư đại học ở Mỹ được chia làm 3 bậc: Assistant Professor (có thể dịch là giáo sư dự khuyết), Associate Professor (Phó giáo sư), và Full Professor (Giáo sư). Bất cứ ai muốn theo con đường học thuật ở Mỹ, đều mong muốn tìm được vị trí Assistant Professor tại một trường đại học ngay khi có bằng tiến sĩ. Khi trở thành Assistant Professor, bạn sẽ có 6 năm thử việc.
Sau 6 năm thử việc thành công (xuất bản bài báo nghiên cứu khoa học ở các tạp chí hàng đầu, giảng dạy tốt, và có cống hiến cho trường), bạn sẽ được “thăng chức” lên Associate Professor. Một khi trở thành Associate Professor, bạn sẽ có công việc trọn đời (ở Mỹ hay gọi là có tenure)- là điều mà ai theo con đường học thuật cũng mong muốn. Sau 5-6 năm làm Associate Professor, bạn sẽ được promote lên Full Professor.
Thị trường học thuật ở Mỹ cực kỳ cạnh tranh, nên được nhận vào làm ở một trường đại học với tư cách Assistant Professor cực kỳ khó.
Có 2 lý do chính.
Một là, số lượng tiến sĩ tốt nghiệp hàng năm nhiều hơn số vị trí cần tuyển của các trường đại học (những tiến sĩ mới còn phải cạnh tranh với những người tốt nghiệp từ mấy năm trước nhưng chưa có việc).
Hai là, để tiết kiệm chi phí, nhiều trường không tuyển Assistant Professor, mà tuyển các vị trí với hợp đồng ngắn hạn (theo kỳ, hoặc theo năm. Những vị trí này thường có tên gọi như Adjunct Professor, Visiting professor, Lecturer, vân vân). Nếu làm hợp đồng ngắn hạn, bạn sẽ phải nhận mức lương thấp hơn nhiều, và có thể không có các quyền lợi đi kèm như bảo hiểm, đóng lương hưu, vân vân. Những người làm hợp đồng thường phải chuyển việc, chuyển bang, và có cuộc sống bấp bênh, không ổn định.
Vì sự cạnh tranh này mà mỗi vị trí Assistant Professor có thể nhận được hàng trăm đơn ứng tuyển. Để nổi bật và được mời đến trường phỏng vấn, bạn bắt buộc phải có hồ sơ đẹp. Đặc biệt, bạn phải có bài nghiên cứu được xuất bản ở một tạp chí tốt trong quá trình làm tiến sĩ. Ngay cả khi bạn nộp hồ sơ cho trường nghiêng về giảng dạy hơn nghiên cứu, bạn bắt buộc phải có bài báo khoa học được xuất bản.
Ngay từ trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ vào tháng 4/2022, mình đã tìm được một vị trí Assistant Professor ở một trường Đại học ở Maryland (về sau mình được các đồng nghiệp bảo là họ nhận được hơn 100 hồ sơ nộp vào).
Thật sự, mình cảm thấy cực kỳ may mắn. Các đồng nghiệp của mình rất tốt. Mình nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của cô trưởng khoa (Department Chair). Các đánh giá về giảng dạy của mình từ sinh viên cũng rất tốt. Mình cũng công bố 2 bài nghiên cứu khoa học trong một năm làm tại đây.
Mình không có gì phàn nàn về môi trường này. Chỉ có một điều là nó không hoàn toàn chính xác là ước mơ của mình. Trường này tập trung nhiều vào giảng dạy hơn nghiên cứu (nghiên cứu cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng giảng dạy). Vì vậy, họ không có nhiều hỗ trợ cho mình thực hiện tham vọng về nghiên cứu.
Mình biết trong sâu thẳm, mình thích một ngôi trường cho mình nhiều cơ hội được nghiên cứu (bên cạnh giảng dạy). Mình nhận thấy trái tim mình vẫn dành ưu ái cho nghiên cứu hơn.
Đầu tháng 2, trường Marquette có đăng tuyển một vị trí Assistant Professor, rất phù hợp với chuyên môn và kỹ năng của mình.
Phỏng vấn
Mình quyết định sẽ nộp hồ sơ cho vị trí này. Hạn nộp hồ sơ là ngày 25/3.
Nói chung, một bộ hồ sơ ứng tuyển cho vị trí Assistant Professor tại các trường đại học ở Mỹ thường bao gồm một thư xin việc (Cover letter), CV, một bài viết về triết lý giảng dạy (teaching statement), một bài viết về nghiên cứu (research statement), 1-2 bài writing sample, và 3 thư giới thiệu (thư sẽ được gửi trực tiếp từ người viết đến trường nên bạn không đọc được).
Mình nộp hồ sơ cho trường Marquette vào tầm ngày 20/3. Đến ngày 23/3, hai ngày trước deadline, thì mình nhận được tin một bài nghiên cứu của mình được tạp chí Comparative Political Studies – tạp chí lớn nhất của phân ngành Comparative Politics-chấp nhận xuất bản (sau gần một năm bình duyệt, sửa đi sửa lại). Yeah!
Ngày 24/3, mình liên hệ với phòng nhân sự của trường Marquette hỏi họ liệu mình có thể cập nhật CV được không vì mình vừa có một xuất bản rất quan trọng. Họ bảo mình email bản CV mới nhất cho họ và họ sẽ cập nhật vào hồ sơ của mình. Phù, may mà họ rất sẵn sàng giúp mình!
Đến tầm ngày 12/4, mình nhận được email từ trường Marquette mời mình đến trường phỏng vấn cho vị trí này. Mình tin rằng, vì mình có một bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí Comparative Political Studies, nên mình mới được mời phỏng vấn.
Sau đó mình có nói chuyện qua điện thoại với họ, và biết được rằng, mình là một trong 3 ứng viên được mời đến phỏng vấn.
Mình phỏng vấn 2 ngày, từ ngày 4/5-6/5. Họ sẽ đặt vé máy bay cho mình từ Frederick đến Milwaukee, và đặt khách sạn 2 đêm cho mình.
Các buổi phỏng vấn cho các vị trí Assistant Professor ở Mỹ rất dài và căng thẳng.
Ngày phỏng vấn đầu tiên (5/5), mình sẽ gặp từng người trong khoa để trò chuyện về nghiên cứu và giảng dạy, mình cũng sẽ gặp những người giữ chức vụ quản lý khoa và trường như Dean và Provost, mình sẽ đi ăn trưa và ăn tối cùng mọi người trong khoa, và quan trọng hơn cả mình sẽ phải trình bày một bài nghiên cứu trước toàn khoa (research job talk).
Ngày thứ hai, mình sẽ dạy thử một lớp đại học, và những người trong khoa sẽ dự giờ để đánh giá khả năng dạy học của mình.
Khi họ mời mình đến phỏng vấn, họ nhấn mạnh rằng, bài trình bày nghiên cứu (research talk) là phần quan trọng nhất của buổi phỏng vấn. Mình sẽ có tất cả 90 phút cho research talk trong đó mình sẽ trình bày 30-40 phút, và 50-60 phút còn lại là dành cho Q&A: họ đặt câu hỏi và mình trả lời.
Đối với bài giảng thử, mình có tất cả 40-45 phút dạy trước một lớp khoảng 20-30 sinh viên.
Sau khi nhận được lời mời đến trường phỏng vấn, mình đã làm việc cật lực hàng ngày để chuẩn bị cho bài research talk và teaching demo. Vì lúc ấy đang là thời điểm cuối học kỳ nên công việc của mình rất bận rộn ở trường. Mình làm việc các buổi tối, gần như ngày nào cũng đến 11-12 giờ đêm. Hôm nào không dạy, thì mình lại tập trung chuẩn bị bài research talk.
Họ nói rằng, họ không muốn mình trình bày bài nghiên cứu đã được xuất bản. Mình quyết định trình bày một chương trong luận án mà mình đang muốn nộp cho một tạp chí khoa học. Sau khi đã làm xong slides, mình trình bày thử cho giáo sư hướng dẫn tiến sĩ trước đây nghe. Mình cũng trình bày trước hai bạn đồng nghiệp khác. Sau đó, mình sửa lại bài thuyết trình theo ý kiến đóng góp của thầy và các bạn.
Sau đó, ngày nào mình cũng tập trình bày bài research talk ít nhất một lần (có hôm 2-3 lần) cho đến tận ngày phỏng vấn. Nhiều hôm dạy xong, mình ở lại và tập trình bày trong lớp học để nghĩ xem mình nên đứng ở đâu, đứng như thế nào, mình có nên đi đi lại lại khi trình bày không?
Mình tập nhiều đến nỗi về sau mình gần như thuộc lòng bài nói và nhớ rõ thứ tự các slides. Buổi tối trước ngày trình bày cho Marquette mình cũng tập lại một lần nữa ở khách sạn.
Mình cũng viết ra những câu hỏi họ có thể hỏi và nghĩ sẵn các câu trả lời.
Thật sự, mình đã có 2 ngày phỏng vấn cực kỳ tuyệt vời. Mọi người rất thân thiện và lịch sự. Mình đã có những cuộc trò chuyện rất thú vị về nghiên cứu với các giáo sư trong khoa.
Bài research talk của mình đã nhận được rất nhiều góp ý và câu hỏi hữu ích, và mình quyết định sẽ nộp bài đó cho một tạp chí khoa học trong mùa hè này. Bài giảng thử của mình cũng nhận được đánh giá tốt của sinh viên. (Sau khi mình giảng xong, sinh viên sẽ nán lại tầm 10-15 phút để chia sẻ nhận xét về mình với các giáo sư trong khoa. Về sau, mình nghe kể lại là các em sinh viên thích bài giảng của mình).
Ngày thứ 2, sau khi giảng thử, mình đi ăn trưa với một vài người trong khoa. Sau đó, bác trưởng khoa trở mình ra sân bay và nói với mình rằng, các thành viên trong khoa sẽ họp và bỏ phiếu chọn ứng viên phù hợp nhất cho vị trí này cuối tuần sau đó. Mình sẽ biết kết quả phỏng vấn sau khi họ bỏ phiếu. Và mình chờ đợi…
Nhận việc
Sau khi đi phỏng vấn về, mình nghĩ mình đã làm tốt nhất có thể. Mình đã có những cuộc trò chuyện và thảo luận rất thú vị và hữu ích về nghiên cứu với các giáo sư của khoa. Mình cũng cảm nhận được rằng đây đúng là môi trường phù hợp với nguyện vọng và mong muốn của mình.
Tất nhiên, khi nghĩ lại hai ngày phỏng vấn, có lúc mình cũng nghĩ, giá mà mình trả lời câu hỏi này, câu hỏi kia trong bài research talk khác đi một chút. Hay mình nên cung cấp nhiều thông tin hơn về các khoá học mình sẽ dạy nếu được tuyển vào làm
.Ngay khi đi phỏng vấn về, mình phải chấm bài và nộp điểm cuối kỳ của sinh viên, nên vô cùng bận rộn. Mình cũng phải tham dự buổi họp cuối năm của khoa và dự lễ tốt nghiệp của sinh viên.
Bận quá nên mình cũng không nghĩ quá nhiều về trường Marquette.
Chiều ngày 31/5, mình nhận được điện thoại từ trường Marquette, mời mình đến làm việc cho trường. Yeah! (Hôm đấy, con gái bị ốm, lúc họ gọi điện thoại đến, nàng còn đang nhì nhèo đòi mẹ bế).
Sáng hôm sau, họ gửi cho mình thư mời làm việc chính thức. Họ cho mình 2 tuần để quyết định có chấp nhận lời mời làm việc của họ hay không.
Trước khi đưa ra quyết định, mình cũng thương lượng về tiền lương, quỹ nghiên cứu (research start-up funds), chi phí chuyển nhà, vân vân. Họ sẵn sàng chấp nhận những yêu cầu của mình liên quan đến những vấn đề này.
Vì vậy, sau 4-5 ngày kể từ ngày nhận được job offer chính thức, mình quyết định chấp nhận lời mời làm việc của họ. Khoảng hơn 1 tuần sau, mình chính thức ký hợp đồng với trường.
Đây là môi trường làm việc mơ ước của mình vì nhiều lý do:
Mình sẽ có cơ hội tập trung vào nghiên cứu nhiều hơn so với trường cũ. Ở trường cũ (tại Maryland), mình phải dạy 7 lớp một năm (3 lớp kỳ mùa thu và 4 lớp kỳ mùa xuân). Ở Marquette, mình sẽ dạy 4 lớp một năm (2 lớp kỳ mùa thu và 2 lớp kỳ mùa xuân). Nhưng nhiều đồng nghiệp ở trường Marquette tìm được fellowship nên thỉnh thoảng họ có thể chỉ dạy 3 lớp một năm.
Họ có rất nhiều funds và hỗ trợ cho nghiên cứu.
Sau khi làm việc được 3 năm, mình sẽ có một kỳ nghỉ phép (sabbatical leave). Nếu mình xin được fellowship ở đâu đó, mình có thể được nghỉ phép một năm để làm nghiên cứu. Mình muốn có cơ hội được làm nghiên cứu một năm ở một nước châu Á (trong thời gian nghỉ phép).
Mình vẫn có cơ hội dạy những lớp nhỏ. Điều mình thích ở trường cũ của mình ở Maryland là các lớp học rất nhỏ. Có lớp mình dạy chỉ 10 sinh viên. Tại Marquette, mình vẫn có cơ hội dạy lớp nhỏ. Ở trường mới, mình cũng có cơ hội dạy sinh viên sau đại học.
Yêu cầu để được thăng chức lên Associate Professor ở trường mới có nhiều thử thách hơn ở trường cũ. Tại trường cũ ở Maryland, để được thăng chức, mình chỉ cần được đánh giá là dạy tốt và có 3 bài nghiên cứu khoa học được xuất bản trong vòng 6 năm ở bất cứ tạp chí khoa học nào. Ngay trong năm học đầu tiên, mình đã có 2 bài. Môi trường ở trường cũ rất thoải mái, không quá căng thẳng, không quá khó để được thăng chức. Nhưng mình thích môi trường có sự cạnh tranh và hơi thử thách một chút, vì nó sẽ giúp mình khám phá và phát triển hết khả năng của bản thân.
Tại Marquette, xét về nghiên cứu, mình cần có khoảng 10 bài nghiên cứu được xuất bản ở các tạp chí hàng đầu. Nếu theo ngạch viết sách, mình cần có một cuốn sách được xuất bản ở các nhà xuất bản của các trường đại học lớn và 5-6 bài nghiên cứu khác.
Mình rất vui vì trường Marquette rất gần nhà chồng mình vì thế Emily sẽ có nhiều cơ hội ở gần ông bà nội!
Sau khi ký hợp đồng với trường Marquette, mình gọi điện hẹn gặp trưởng khoa ở trường cũ để xin nghỉ việc. Mình cực kỳ lo lắng vì mình xin nghỉ khá muộn (chỉ còn hơn 2 tháng nữa là bắt đầu kỳ học mùa thu). Nhưng mọi người rất hiểu quyết định của mình. Và tháng 7, mình đã có buổi chia tay nho nhỏ với các đồng nghiệp ở trường cũ!
Mình rất biết ơn vì 1 năm qua đã có những đồng nghiệp rất tuyệt vời ở Maryland. Mình đã có cơ hội trưởng thành và học hỏi rất nhiều từ ngôi trường cũ. Trong đơn nghỉ việc gửi cho Dean và Department Chair mình đã viết rằng, “ While I worked here for only 1 year, I am honored to have had the opportunity to grow and learn from many kind and talented people”.
Ổn định
Mình đã từng viết một bài blog chia sẻ rằng, sự ổn định và tính thách thức có mối liên quan chặt chẽ với nhau (https://sunflowerfields.blog/…/mot-suy-nghi-khac-ve-su…). Đối với mình, muốn theo đuổi sự thử thách và những ý tưởng khó, mình cần sự ổn định.
Ổn định nghĩa là mình tìm được một công việc, một môi trường phù hợp với nguyện vọng và sở trường của bản thân. Môi trường ấy sẽ cho mình cơ hội để thực hiện những ý tưởng sáng tạo mình muốn theo đuổi. Mình không thể theo đuổi những thách thức nếu công việc bất ổn định. Khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ (2017-2022), mình luôn nghĩ cuộc sống của mình ở Arizona chỉ là tạm thời. Mình phấn đấu hết mình trong quá trình PhD để có thể tìm được công việc mình yêu thích.
Mình may mắn có việc ngay trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ. Dù đó là công việc dài hạn ở một vị trí tốt (ngôi trường cũ ở ngay trong vùng Washington DC), nhưng mình luôn có cảm giác, đây không phải là môi trường mình có thể gắn bó lâu dài.
Mình luôn tự hỏi, “nếu 20-30 năm nữa nhìn lại, mình có cảm thấy hạnh phúc nếu cả đời chỉ phát triển sự nghiệp tại đây? Liệu mình có hạnh phúc nếu mình chỉ tập trung vào dạy nhiều hơn nghiên cứu?”
Câu trả lời của mình luôn là không. Mình chắc chắn sẽ cảm thấy không hạnh phúc. Mình rất thích dạy (Ở ngôi trường cũ, đánh giá của sinh viên cho các lớp mình dạy rất tốt. Có nhiều sinh viên còn nhận xét rằng mình là một trong những giáo sư tốt nhất ở trường họ từng học. Tuy mình chỉ làm ở trường cũ 1 năm (2 học kỳ), mình đã có một số lượng học sinh luôn đăng ký các lớp mình dạy).
Nhưng mình cũng rất thích nghiên cứu. Mình có rất nhiều ý tưởng nghiên cứu và mình muốn biến chúng thành hiện thực.
Vì luôn có cảm giác vợ chồng mình sẽ không gắn bó với công việc ở Maryland lâu dài, mình và chồng hoãn kế hoạch mua nhà. Bọn mình chỉ thuê tạm một căn hộ nhỏ ở Maryland. Mình chia sẻ với chồng rằng, mình sẽ cố gắng hết mình (cho công việc ở trường cũ), nhưng mình vẫn sẽ dành 2-3 năm nộp hồ sơ cho các trường khác.
Mình cực kỳ may mắn vì ngay sau năm đầu tiên, mình đã tìm được môi trường mình thích. Mình tạm hài lòng với những gì bản thân đã đạt được.
Sau đúng 6 năm đặt chân đến nước Mỹ, mình đã sẵn sàng ổn định. Mình cảm thấy, Marquette sẽ là ngôi trường mình muốn gắn bó lâu dài để phát triển sự nghiệp và theo đuổi những nhiệt huyết về nghiên cứu và giảng dạy.
6 năm qua ở Mỹ, mình gần như tập trung hoàn toàn năng lượng vào theo đuổi ước mơ về công việc và sự nghiệp.
Giờ đây khi đã tìm được môi trường làm việc phù hợp với mong muốn của bản thân, mình sẽ tập trung vào những khía cạnh khác của cuộc sống như nhà cửa, nuôi dạy con, khám phá thế giới, và theo đuổi những sở thích khác ngoài công việc.
Dù ngôi trường cũ ở Maryland không phù hợp với nguyện vọng về sự nghiệp của mình, mình rất biết ơn vì đã nhận được công việc này ngay trước khi tốt nghiệp tiến sĩ. Mình đã học được rất nhiều bài học và trải nghiệm quý giá sau một năm làm giáo sư tại trường này.
Give it a chance
Năm 2021 khi bước sang năm thứ 5 (năm cuối) của chương trình tiến sĩ, mình quyết định đi tìm việc làm (on the job market). Hầu hết nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Mỹ đều được khuyến khích tìm việc khi bước vào năm cuối. Nếu có lời mời làm việc (job offer) vào cuối kỳ mùa thu, sinh viên sẽ bảo vệ vào kỳ mùa xuân, và sẽ bắt đầu công việc mới vào kỳ mùa thu (thường là tháng 8 một năm sau đó.
Mình rất may mắn có 2 cuộc phỏng vấn (campus visit) vào tháng 11, tháng 12 năm 2021.
Rất tiếc là mình không nhận được job offer từ trường phù hợp với nguyện vọng và sở thích của mình hơn cả. (Mình đã buồn khá lâu vì ngôi trường này là ngôi trường mơ ước của mình, rất giống với trường Marquette. Bây giờ nghĩ lại mới thấy công việc đến với ta như một cái duyên. Nếu mình nhận được offer từ trường này, có lẽ mình sẽ hài lòng với công việc rồi và sẽ không nộp hồ sơ cho Marquette nữa. Nếu vậy, gia đình mình sẽ không có cơ hội chuyển về gần nhà ông bà nội Emily và không được sống ở một thành phố sôi động).
Cuối năm 2021, mình chỉ nhận được job offer từ một ngôi trường ở Maryland.
Mình đã không muốn nhận công việc này và nghĩ sẽ ở lại chương trình tiến sĩ thêm một năm nữa. Các giáo sư đã nhiệt tình động viên mình nhận công việc này. Một giáo sư mà mình rất tôn trọng đã nói rằng “Chuyển đến một môi trường mới, một trường đại học mới luôn tốt hơn ở một chỗ quá lâu.”
Một giáo sư khác thì nói “Trừ khi trường đó ở một địa điểm em nghĩ em không thể sống được, em không nên từ chối một công việc tốt như vậy ngay cả khi nó không hoàn toàn phù hợp với sở thích của em”.
Giáo sư hướng dẫn mình thì chia sẻ rằng, “Hãy cho trường đó một cơ hội.”
Và mình đã cho ngôi trường ở Maryland một cơ hội. Đúng giờ này năm ngoái (2022), gia đình mình chuyển đến Maryland để mình bắt đầu công việc mới.
Một năm qua mình đã học được rất nhiều bài học quý báu. Mình rất biết ơn vì đã nhận được công việc này.
Một là, mình học được rằng dù ở trường nghiêng về giảng dạy, nghiên cứu cũng rất quan trọng. Không ai có thể được thăng chức lên phó giáo sư (Associate Professor) nếu không có bài nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành. Những nhà nghiên cứu có nhiều công bố khoa học (active researchers) nhận được sự tôn trọng rất lớn trong trường.Khi mình có bài nghiên cứu được xuất bản (thậm chí cả những bài bình luận ngắn – oped- trên báo đại chúng), mình nhận được những lời chúc mừng chân thành từ trưởng khoa, đồng nghiệp, và ngay cả president của trường.
Hai là, mình nhận ra rằng mình thích dạy học và có khả năng giải thích những vấn đề phức tạp bằng ngôn ngữ đơn giản cho sinh viên hiểu. Đánh giá của sinh viên cho các lớp mình dạy rất tốt. Mình nhận ra mình thích dạy các lớp nhỏ, điều mình không thấy ở trường Arizona nơi mình làm tiến sĩ. Ở Arizona, những lớp bắt buộc cho sinh viên đại học chuyên ngành Political Science như American Politics, Comparative Politics, và International Relations thường rất đông (100-300 sinh viên, thậm chí có còn đông hơn). Sinh viên không có cơ hội được tiếp cận giáo sư nhiều. Sau khi đã làm ở trường ở Maryland một năm, mình có cái nhìn khác về việc giảng dạy và nhận thấy dạy học là điều mình thích làm. Tuy nhiên, mình thích dạy ít lớp hơn (1-2 lớp một kỳ như ở Marquette là vừa phải).
Ba là, làm ở môi trường chưa phù hợp với nguyện vọng khiến mình nhận ra trái tim mình thật sự hướng về đâu. Mình nhận ra mình rất thích nghiên cứu. Hôm nào không dạy hoặc khi dạy xong, mình thường lên thư viện chọn một chỗ yên ắng để viết, đọc sách, lên ý tưởng nghiên cứu, vân vân. Viết lách khiến mình vui. Hôm nào viết được nhiều, mình cảm thấy ngày hôm đó đã làm được một việc ý nghĩa. Mặc dù trường ở Maryland rất tôn trọng những active reseachers như mình, họ không có nhiều funds và các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu. Vì vậy, sau một học kỳ ở đây, mình nhận ra mình thật sự muốn làm ở một môi trường có sự cân bằng giữa nghiên cứu và giảng dạy (và cho mình cơ hội được dạy lớp nhỏ).
Bốn là, mình tin rằng nếu không làm cho trường ở Maryland, mình sẽ không tìm được công việc mình luôn mơ ước tại trường Marquette. Sau một năm làm công việc giảng dạy và nghiên cứu, mình hiểu hơn về cách một trường đại học vận hành và những điều mà uỷ ban tuyển chọn (search committee) tìm kiếm ở một ứng viên. CV của mình cũng đẹp hơn hẳn so với một năm trước với nhiều bài nghiên cứu khoa học hơn và nhiều kinh nghiệm dạy học hơn.
Nếu mình quyết định không nhận việc ở Maryland cuối năm 2021, mình sẽ vẫn ở lại trường Arizona và kéo dài chương trình tiến sĩ thêm một năm. Mình sẽ đang căng thẳng lo lắng phải đi tìm việc.
Mình nộp hồ sơ cho Marquette khi đã có công việc ổn định ở Maryland nên mình không quá lo lắng. Mình đi phỏng vấn với tâm thế vui vẻ, tự tin, và tò mò về ngôi trường mời mình đến phỏng vấn. Mình đã nghĩ ngay cả không nhận được job offer ở trường Marquette, mình vẫn ổn vì vẫn có việc, có lương tốt hàng tháng!
Mình rất biết ơn vì đã có cơ hội sống và làm việc ở bang Maryland một năm. Mình rất vui vì đã cho công việc ở Maryland một cơ hội. Đúng là, công việc gì, dù có không đúng với nguyện vọng của bản thân, cũng cho ta rất nhiều trải nghiệm và bài học đáng nhớ!
Cảm ơn bạn đã ghé đọc!
Chúc bạn một tuần mới thật nhiều niềm vui!
Trương Thanh Mai
Cho dù câu chuyện học Phd và tìm việc acamedia em đã nghe nhiều lần vì có anh trai đang là ass. Prof ở Mỹ, nhưng mỗi khi đọc ai đó kể về hành trình của họ, em điều cảm nhận được biết bao nỗ lực để đi được đến đó. Chúc mừng chị vì thành tựu bước đầu trong con đường giảng dạy và nghiên cứu.
Cảm ơn em đã ghé đọc! Chị thấy trên hành trình này ngoài sự nỗ lực còn cần rất nhiều sự may mắn nữa!
Congratulation!
Cảm ơn cô ạ!
Chúc mừng chị! Đọc về hành trình học PhD và tìm việc của chị ở Mỹ, em thấy rất nhiều sự cố gắng và nỗ lực từ chị. Em rất ngưỡng mộ chị! Chúc chị và gia đình nhiều sức khỏe, chúc chị thành công hơn nữa trong công việc và sự nghiệp của mình!
Cảm ơn em rất nhiều vì đã ghé thăm blog! Nhận được comments của bạn đọc như em cho chị thêm động lực viết blog 🙂