Tuần trước, tôi tình cờ xem một trích đoạn video của một bộ phim Việt Nam trên Facebook. Trong đoạn video đó, một người vợ vừa khóc vừa hỏi chồng tại sao không biết ơn cô, khi mà cô đã hi sinh toàn bộ sự nghiệp, sở thích riêng, và tuổi thanh xuân vì chồng con.
Sáng ngày hôm sau, tôi có cuộc hẹn với một đồng nghiệp người Mỹ ở một quán cafe trong trường. Ban đầu, cuộc trò chuyện xoay quanh công việc, nhưng dần dần chúng tôi chia sẻ cho nhau nghe về cuộc sống riêng tư. Cô kể, cuộc sống của vợ chồng cô không hạnh phúc. Cô là một người có sự nghiệp rất thành công (cô vừa được một nhà xuất bản thuộc một trường đại học nổi tiếng mời viết cuốn sách thứ hai), và chồng cô luôn nhắc nhở cô (cũng như đề cập đến điều này với bạn bè cô) rằng cô có được sự thành công ấy là do anh đã hi sinh sự nghiệp của riêng mình.
Đoạn video và câu chuyện của đồng nghiệp khiến tôi tự hỏi liệu một mối quan hệ hôn nhân có bền vững không nếu một người luôn nghĩ mình đã hi sinh vì người kia. Quan điểm của tôi là một mối quan hệ lành mạnh không cần đến sự hi sinh (và tôi biết nhiều người không đồng ý với quan điểm này của tôi).
Tôi chưa bao giờ thích hai chữ “hi sinh” vì nhiều lý do.
Thứ nhất, sự hi sinh thường đi kèm với mong đợi lòng biết ơn từ người khác. Khi ta nghĩ rằng ta hi sinh bản thân vì một ai đó, ta rất dễ kỳ vọng người đó biết ơn và trân trọng sự hi sinh của ta. Khi kỳ vọng không được đền đáp, ta sẽ dễ có cảm giác bị phản bội. Vậy là ta vô tình đặt áp lực làm ta vui và hạnh phúc lên đôi vai của người khác.
Nếu ta hi sinh sự nghiệp để ở nhà chăm con, ta sẽ dễ kỳ vọng con mình phải nghe lời mình và phải đi đúng con đường mình đã vạch ra cho nó (học ngành gì, làm ở đâu, và thậm chí là kết hôn với ai). Nếu con không phát triển đúng như kỳ vọng của ta, ta sẽ dễ trách cứ con đã “phản bội” lại đức hi sinh của ta (trong khi bản thân con không đòi hỏi sự hi sinh ở ta). Một người vợ/người chồng hi sinh sự nghiệp vì người kia sẽ luôn đòi hỏi người đó phải nhớ lấy điều này. Thật sự, không một ai muốn thường xuyên “được” nhắc nhở rằng họ phải luôn biết ơn một ai đó để có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Thứ hai, đức hi sinh được định nghĩa là sự nhường nhịn, chấp nhận phần thiệt thòi hơn về mình để người khác có được cuộc sống và những điều tốt đẹp hơn. Nếu ta ca ngợi sự hi sinh quá mức, nó rất dễ bị lợi dụng. Chẳng hạn, nếu ta cho rằng, một người phụ nữ tốt phải là một người phụ nữ hi sinh sự nghiệp và sở thích riêng cho chồng con, thì sẽ có những người đàn ông lợi dụng điều này để ngăn cản vợ phát triển sự nghiệp và trốn tránh trách nhiệm gia đình như nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc con cái.
Thứ ba, khi ta ca ngợi sự hi sinh, ta sẽ vô tình khiến người được ca ngợi phải gồng mình sống đúng với lời khen ấy. Nếu một người vợ được ngợi ca về tấm lòng hi sinh, họ sẽ không dám đứng lên đấu tranh cho bản thân, ngay cả khi, trong tận đáy lòng, họ cũng muốn có những giây phút được sống cho bản thân mình. Bởi làm vậy sẽ đi ngược lại với lời khen tặng của những người xung quanh. Ngay cả khi trong lòng héo hon, họ cũng phải tỏ ra rất hạnh phúc vì đã hi sinh cho người khác.
Bản thân tôi không đồng ý với sự hi sinh. Nhưng tôi cũng không cho rằng trong một mối quan hệ, hai người chỉ nên làm theo ý mình, sống theo ý mình, mà không màng đến suy nghĩ và cảm nhận của đối phương.
Trong tiếng Anh có một từ rất hay, đó là: Compromise. Compromise dịch ra tiếng Việt là dung hoà, nhân nhượng, hay thoả hiệp. Từ này dịch ra tiếng Việt nghe có phần tiêu cực, nhưng tôi nghĩ rằng sự thỏa hiệp hay dung hoà, chứ không phải sự hi sinh, mới giúp một mối quan hệ bền vững.
Sự hi sinh hàm ý một người phải chấp nhận phần thiệt thòi hơn về mình vì người khác. Trong khi đó, compromise nghĩa là có sự nhân nhượng lẫn nhau để đạt được những điểm chung giữa hai người. Khi cùng thoả hiệp, cả hai người sẽ cùng hướng đến câu hỏi, “quyết định nào sẽ là tốt nhất cho mối quan hệ của hai người, và của cả gia đình tại một thời điểm nhất định trong cuộc sống”.
Tất nhiên khi đưa ra quyết định ở một thời điểm nhất định trong cuộc sống, ta chỉ có thể dựa vào thông tin ta có ở thời điểm đó. Có thể trong tương lai ta nhận ra rằng đó là một quyết định sai lầm. Nhưng nếu quyết định đó được đưa ra dựa trên sự dung hoà của cả hai người nhằm hướng đến điều tốt đẹp nhất cho mối quan hệ, ta sẽ tránh được sự trách cứ, hối tiếc không cần thiết.
Trong bài viết ngày hôm nay, tôi sẽ tập trung vào sự dung hoà, thoả hiệp của vợ và chồng khi đưa ra những quyết định lớn liên quan đến sự nghiệp.
Thay vì nghĩ “ai sẽ phải hi sinh sự nghiệp vì ai”. Ta phải nghĩ đến quyết định nào sẽ đem lại sự tốt đẹp nhất cho mối quan hệ của hai người, và cho cả gia đình. Để đi đến quyết định tốt nhất, ta có thể cân nhắc ba yếu tố sau.
Công việc của ai linh hoạt hơn
Trong hai người, công việc của ai linh hoạt hơn về mặt thời gian và địa điểm làm việc? Công việc của ai đòi hỏi phải làm ở một vị trí địa lý nhất định và một khung thời gian cố định? Sự linh hoạt của công việc ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định về sự nghiệp của hai người.
Nếu công việc của một trong hai người linh hoạt hơn về mặt thời gian và nơi làm việc thì khi đưa ra những quyết định lớn như chuyển nhà, chuyển việc, người này có thể compromise một chút. Sự dung hoà này sẽ tốt cho cả gia đình.
Vợ chồng một người bạn của tôi quyết định chuyển nhà sang một thành phố mới để sinh sống (tại Mỹ). Người vợ có một công việc rất linh hoạt về mặt thời gian và địa điểm. Là một chuyên viên phân tích số liệu cho một công ty lớn, công việc yêu cầu cô không phải đến văn phòng. Vì vậy, cô có thể làm việc cho công ty đó dù sống ở bất cứ thành phố nào tại Mỹ.
Ngược lại, chồng cô là kỹ sư thuỷ điện, nên phải thường xuyên đến văn phòng, và chỉ có thể tìm được việc ở một số bang và thành phố nhất định. Khi chồng cô tìm được một công việc tốt tại một công ty lớn có trụ sở cách nhà cô đang ở gần 3000 km, vợ chồng cô cùng hai con quyết định chuyển nhà đến thành phố nơi chồng cô sẽ làm công việc mới.
Nếu công việc của cả hai người đều thiếu sự linh hoạt, khi đưa ra quyết định, ta có thể xem xét đến những yếu tố khác như sống ở đâu sẽ tốt hơn cho con cái, thu nhập của ai cao hơn, và sống ở đâu sẽ gần gia đình, họ hàng hơn.
Sự cạnh tranh của thị trường việc làm
Giữa vợ và chồng, thị trường việc làm của ai ít cạnh tranh hơn? Nói cách khác, ai sẽ dễ dàng tìm được việc làm và phát triển sự nghiệp hơn?
Tôi nghĩ rằng khi đưa ra những quyết định lớn như chuyển nhà, chuyển việc, người có thể dễ dàng tìm việc hơn nên cân nhắc “đi theo” người kia. Lựa chọn này sẽ giúp người còn lại có cơ hội phát triển sự nghiệp, trong khi sự nghiệp của người nhượng bộ sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Chồng tôi đã ba lần từ bỏ công việc đang làm để chuyển nhà đến thành phố mới cùng tôi.
Năm 2017, anh từ bỏ công việc ở Minnesota để chuyển đến Arizona nơi tôi bắt đầu theo học tiến sĩ. Năm 2022, anh bỏ công việc ở Arizona để cùng tôi chuyển đến bang Maryland vì tôi tìm được việc tại trường Mount St. Mary’s sau khi tốt nghiệp tiến sĩ. Giữa năm 2023, anh lại bỏ công việc ở Maryland và gia đình chúng tôi chuyển đến thành phố Milwaukee, bang Wisconsin để tôi bắt đầu công việc mới tại trường Marquette.
Một số người bạn ở Việt Nam đã nói với tôi rằng, tôi rất may mắn vì có một người chồng sẵn sàng hi sinh tất cả vì sự nghiệp của tôi. Tôi không phủ nhận, bạn đồng hành rất ủng hộ sự nghiệp của tôi, nhưng tôi không nghĩ đó là sự hi sinh. Khi tôi hỏi, anh có nghĩ, anh đã hi sinh vì tôi không, anh trả lời rằng, “quyết định đó tốt cho mối quan hệ của chúng ta và của cả gia đình”.
Như tôi đã chia sẻ ở nhiều bài viết trước, ngay từ khi bắt đầu học tiến sĩ, tôi chỉ hướng đến mục tiêu làm việc cho một trường đại học ở Mỹ. Nhưng thị trường học thuật cực kỳ cạnh tranh, bạn sẽ nộp hồ sơ cho (gần như) mọi vị trí đang mở ở bất cứ trường đại học nào trên toàn nước Mỹ. Rất hiếm khi bạn làm việc tại trường bạn học tiến sĩ (ở Mỹ, trường không giữ lại sinh viên để làm việc, tôi sẽ chia sẻ lý do vì sao ở một dịp khác) hoặc làm việc tại cùng bang, cùng thành phố nơi bạn học tiến sĩ. Gần như tất cả nghiên cứu sinh tiến sĩ sau khi tốt nghiệp, nếu muốn theo đuổi sự nghiệp học thuật, sẽ chuyển đến bang khác, hoặc thậm chí quốc gia khác để sinh sống và làm việc.
Ngay từ khi tôi đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ, chúng tôi đã nghĩ rằng, sau khi tôi tốt nghiệp, cả gia đình sẽ chuyển đến bang nơi tôi tìm được việc làm. Thị trường việc làm của tôi rất cạnh tranh trong khi anh lại có nhiều lựa chọn trong công việc.
Chồng tôi có kinh nghiệm và bằng cấp về marketing/communications/journalism, nên anh có thể làm cho công ty tư nhân, cho nhà nước, và cho các trường đại học, vân vân. Vì vậy, quyết định chồng sẽ “đi theo” tôi là tốt nhất cho tôi, cho anh, và cho cả gia đình. Khi chuyển nhà, có thể, anh phải mất một thời gian mới tìm được việc mới, nhưng điều đó sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp của anh. Ngược lại, nếu anh khăng khăng sống ở Arizona thì tôi bắt buộc phải xây dựng một sự nghiệp khác.
Khả năng thích ứng với môi trường mới
Mỗi người có khả năng thích ứng với môi trường mới khác nhau, tuỳ thuộc vào tính cách, môi trường gia đình, và quá trình trưởng thành. Có người dễ dàng thích nghi với môi trường sống và làm việc mới. Có người cần rất nhiều thời gian mới có thể hoà nhập vào cuộc sống mới. Cũng có những người không bao giờ quen và cuối cùng họ phải trở về với lối sống cũ.
Khi đưa ra những quyết định lớn liên quan đến chuyển việc, chuyển nơi sống, ta cũng cần xem xét yếu tố này.
Vợ chồng tôi tình cờ quen một người bạn Việt Nam, khi dẫn con đi dạo trong công viên gần nhà. Bạn đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện buồn về cuộc hôn nhân của bạn. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Mỹ, bạn tìm được một công việc tốt ở Mỹ và đã nhận được thẻ xanh. Bạn đã có thể bảo lãnh chồng (cũng là người Việt Nam) sang Mỹ.
Tuy nhiên, chồng bạn không phải là người dễ hoà nhập với môi trường mới, nên chỉ muốn sống và làm việc ở nơi có nhiều người Việt Nam. Tiếc thay, công ty của bạn lại ở thành phố có ít người Việt Nam. Bạn nhất định chỉ muốn sống ở thành phố nơi bạn đang làm việc, còn chồng bạn chỉ muốn sống ở thành phố có nhiều người Việt Nam. Không ai chịu nhượng bộ và họ quyết định chia tay.
Tất nhiên, là người ngoài cuộc, tôi không thể hiểu hết lý do vì sao hai bạn lại đi đến quyết định ấy. Nhưng từ cách bạn kể, tôi nghĩ rằng, các bạn chỉ tập trung vào quyết định nào là tốt nhất cho chính bản thân mình, thay vì là tốt nhất cho mối quan hệ của hai người, và của cả gia đình. Khi nghĩ đến lợi ích chung của cả gia đình, ta sẽ đạt được những dung hoà cần thiết.
Chẳng hạn, trong trường hợp trên, người bạn tôi mới quen có thể cân nhắc chuyển đến thành phố có nhiều người Việt Nam hơn sinh sống. Bạn là người có năng lực (bằng chứng là đã có thể xin được việc ở Mỹ) và công việc của bạn cũng không quá đặc thù bắt buộc bạn phải sống ở một thành phố nhất định. Nếu chuyển đến thành phố khác, có thể bạn sẽ mất một thời gia mới có thể tìm được việc mới, nhưng nếu cố gắng, sớm muộn cũng sẽ có việc.
Trong bài viết hôm nay, tôi phân tích ba yếu tố ta có thể cân nhắc khi đưa ra những quyết định lớn liên quan đến sự nghiệp giữa vợ và chồng. Tất nhiên, cuộc sống rất đa dạng và mỗi gia đình là một câu chuyện riêng.
Tôi nghĩ rằng, khi phải đưa ra quyết định lớn, hai người cần trả lời câu hỏi chung, “quyết định nào là tốt nhất cho mối quan hệ của chúng ta và của cả gia đình”, chứ không phải là tốt nhất cho bản thân từng người. Tất nhiên, thế nào là tốt nhất tuỳ thuộc vào phân tích của từng gia đình.
Quyết định tốt nhất cho cả gia đình thường yêu cầu sự dung hoà lợi ích của từng người. Nếu ta là người phải nhượng bộ một chút (bỏ việc, chuyển đến nơi sống mới, nghỉ ở nhà một thời gian), thì cũng không nên có tư duy rằng, ta đang hi sinh vì người kia, bởi sự dung hoà đó được đưa ra dựa trên quyết định của cả hai người.
Có thể trong tương lai, ta nhận ra rằng đó không phải là quyết định đúng đắn nhất, nhưng nếu đó là quyết định tốt nhất do cả hai cùng đưa ra, ta không có gì phải hối tiếc.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc. Chúc bạn một tuần mới vui.
Trương Thanh Mai
Bản thân em sống ở Mỹ 6 năm, nên hiểu sâu sắc những gì chị đang nói. Cũng đã chứng kiến rất nhiều bạn bè chuyển đến nơi ở mới vì support cho người có ít sự lựa chọn về nghề nghiệp hơn, bài viết rất hay, em cũng có đồng quan điểm như vậy về sự dung hoà hơn là hi sinh, ngày xưa em cổ vũ bạn ex theo đuổi sự nghiệp của bạn, không nhất thiết phải chạy về nơi mà em đang làm việc cho đến khi mình có nhiều sự lựa chọn hơn và ra một quyết định dung hoà về nơi ở hơn cho cả 2, nhưng bạn ý thì luôn muốn em move đến chỗ của bạn thay vì bạn đến chỗ của em vì bạn cho rằng sự nghiệp của bạn quan trọng hơn, em thì không sure mình có thể xin được việc ở bang khác. Chia tay rồi thì không lâu sau bạn ấy chuyển đến TP mà em đang sống vì bạn có ny mới ở đây và bạn ny mới thì nhất quyết là phải chuyển về đây thì mới quen, 😆 cuối cùng thì là người có nhiều lợi thế về công việc hơn phải chấp nhận compromise thì mới là điều đúng đắn cho 1 mqh chị ạ.
Cảm ơn em đã ghé đọc và chia sẻ câu chuyện của em! Chị thấy trong mọi mối quan hệ, nếu không có sự dung hoà, compromise thì rất khó tồn tại lâu dài.