Làm nền cho mọi cuộc gọi xuyên biên giới giữa mẹ và tôi là tiếng nhạc lúc thì vui tươi rộn rã, lúc thì nhẹ nhàng bình yên phát ra từ chiếc đài mà mẹ vẫn luôn yêu quý và coi như một tài sản quý giá. Chiếc đài ấy đã “già” lắm rồi, nó thậm chí còn hơn cả tuổi tôi. Chiếc đài ấy chẳng đẹp hay duyên dáng chút nào. Nó hình chữ nhật thô thô, đã thế lại còn có màu đen xấu xí.
Tuy không có ngoại hình duyên dáng, chiếc đài ấy rất tốt và bền, gần 40 năm trôi qua mà nó vẫn chạy tốt. Chiếc đài ấy là người bạn thân nhất của tôi suốt những năm tháng tuổi thơ. Tuổi thơ tôi vui tươi, sống động, thú vị, mộng mơ hơn cũng nhờ có nó. Chiếc đài ấy đã kết nối tôi với thế giới rộng lớn bên ngoài. Nó đã nuôi dưỡng tình yêu của tôi đối với tiếng Anh và mơ ước được đặt chân đến những vùng đất mới trong tôi.
Tôi lớn lên khi âm nhạc Âu Mỹ bắt đầu thịnh hành ở Việt Nam. Vào những năm 1996, 1997, khi tôi vừa lên 9, 10 tuổi, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với âm nhạc quốc tế. Tình yêu tiếng Anh trong tôi gắn liền với tình yêu tôi dành cho âm nhạc nước ngoài. Hành trình học tiếng Anh của tôi cũng gắn liền với hành trình nghe, tìm hiểu, và khám phá âm nhạc quốc tế.
Dưới đây là những phương pháp tôi đã sử dụng để học tiếng Anh khi còn đi học.
Chép và dịch các bài hát tiếng Anh
Suốt những năm cấp 2, hai tập sách lời bài hát tiếng Anh, “Tuyển tập 600 ca khúc tiếng Anh yêu thích nhất mọi thời đại (All time most favorite English song books)”, kèm 6 cuộn băng cattsetes là tài sản quý giá nhất đối với tôi. Thời ấy, không có Internet hay Google như bây giờ, nên rất khó sưu tập các lời bài hát tiếng Anh.
Tôi thường dịch những bài hát mình yêu thích vào một cuốn sổ. Tôi dùng cuốn từ điển nhỏ bố mua để tra nghĩa của từ. Tôi có hẳn một cuốn vở riêng để ghi từ mới.
Tôi chia vở từ mới thành 3 cột: một cột ghi từ tiếng Anh, một cột ghi phiên âm, và một cột ghi nghĩa tiếng Việt. Tôi học từ mới rất thủ công. Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi ghi nhiều lần từ mới ra giấy nháp đến khi thuộc, sau đó đặt câu với từng từ mới vào cuốn vở.
Học thuộc lời bài hát tiếng Anh
Ngay từ khi bắt đầu học cấp 2 (năm 1998), tôi đã là fan trung thành của nhiều chương trình nhạc quốc tế thời bấy giờ như MTV, Những ca khúc Bất hủ, Bài hát tiếng Anh Yêu thích, Quick and Snow show, chương trình nhạc quốc tế lúc 12 giờ trưa chủ nhật ở đài Hà Nội (tôi không còn nhớ tên chương trình nữa), và nhiều chương trình nhạc quốc tế trên đài FM và đài AM.
Nhưng có lẽ chương trình tôi yêu thích hơn cả là chương trình Học tiếng Anh qua các Bài hát trên kênh truyền hình VTV2, được phát sóng mỗi thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần. (Tôi không còn nhớ chính xác thời gian phát sóng).
Chương trình dạy rất nhiều bài hát tiếng Anh bất hủ. Tôi vẫn nhớ, trong mỗi lần phát sóng, người dẫn chương trình sẽ đọc từng câu tiếng Anh (có phụ đề ở màn hình TV) và dịch từng câu sang tiếng Việt. Sẽ có một cô ca sĩ hát trên nền tiếng đàn piano. Nếu tôi nhớ không nhầm, một bài hát sẽ được dạy trong 2-3 tuần.
Nhờ chương trình này mà tôi đã học thuộc và hiểu lời nhiều bài hát bất hủ như Words của F.R David, Top of the World của The Carpenters, Yesterday của The Beatles, Yesterday Once More của The Carpenters, Unchanged Melody của Righteous Brothers, Greenfields của The Brothers Four, và rất nhiều bát hát khác nữa.
Nhờ theo dõi chương trình này mà vốn từ vựng và ngữ pháp tiếng Anh, cũng như kiến thức âm nhạc của tôi đã tăng lên đáng kể.
Suốt những năm đi học, tôi là fan cuồng của Britney Spears. Tôi đã sưu tầm rất nhiều ảnh, đĩa CD (và băng cattsetes) các album của cô. Tôi đã ghi chép và dịch từng bài hát của cô vào một cuốn sổ. Đến giờ tôi vẫn còn thuộc lời nhiều bài hát của Britney Spears.
Tôi đã có một niềm tin ngây thơ rằng một ngày nào đó chương trình Học tiếng Anh qua các bài hát sẽ dạy một bài hát nào đó của Britney Spears. Tôi theo dõi chương trình đó hàng tuần trong một thời gian dài để chờ đợi một ngày sẽ được học bài hát của Britney Spears. 😂 Mãi sau này tôi mới hiểu rằng chương trình đó chỉ dạy các bài hát cũ và bất hủ.
Viết thư cho thần tượng
Tôi đã thực hành sử dụng tiếng Anh bằng cách viết thư cho thần tượng Britney Spears. Tôi nhớ, khi học lớp 8, tôi tình cờ tìm được địa chỉ Fan Club của Britney ở Mỹ. Tôi quyết tâm viết thư tay cho cô để thể hiện lòng hâm mộ của mình. Tôi không thể nhớ chính xác nội dung bức thư nhưng trong thư, tôi đã chia sẻ rằng những bài hát của cô đã nuôi dưỡng tình yêu tiếng Anh và mơ ước được chu du thế giới trong tôi.
Thời tôi còn đi học, các kỹ năng giao tiếp như nói và viết tiếng Anh không được chú trọng nhiều. Gần như chúng tôi chỉ học ngữ pháp thông qua làm các bài tập ngữ pháp trong sách giáo khoa và sách tham khảo.
Viết thư cho thần tượng đã cho tôi cơ hội áp dụng tiếng Anh vào cuộc sống. Tôi phải suy nghĩ rất kỹ về cấu trúc bức thư, nội dung thư, và cách dùng từ để thể hiện được suy nghĩ của bản thân. Đó có thể không phải là bức thư tốt nhất tôi từng viết, nhưng tôi luôn tự hào vì đã vượt qua vùng an toàn của bản thân để viết nó.
Cũng nhờ âm nhạc quốc tế mà tôi đã dám mơ ước lớn. Tôi từng ước một ngày sẽ được sang Mỹ để gặp thần tượng Britney Spears!
Đọc báo tiếng Anh
Thời tôi học cấp 2, Internet chưa phổ biến như bây giờ. Học sinh có rất ít cơ hội được tiếp cận tài liệu và sách báo bằng tiếng Anh.
Là một người yêu âm nhạc quốc tế thời bây giờ, tôi rất muốn theo dõi, cập nhật thông tin về các ca sĩ và nhóm nhạc đang thịnh hành. Tôi thường cập nhận thông tin qua báo Hoa học trò, báo Mực tím, và đặc biệt là tạp chí Âm nhạc Thế giới do nhà xuất bản First News phát hành. Tuy tìm được nhiều thông tin bổ ích bằng tiếng Việt, tôi thật lòng muốn được đọc các tờ báo tiếng Anh.
Thời điểm ấy, người học tiếng Anh không có nhiều lựa chọn như bây giờ. Tạp chí tôi thích đọc nhất lúc ấy là Sunflower Magazines (song ngữ Anh – Việt). Thú thật, lý do tôi tìm đọc tạp chí này là vì nghĩ sẽ có bản tin âm nhạc và bài viết về thần tượng của mình 😂
Mặc dù Sunflower Magazines không có nhiều thông tin âm nhạc, tôi đã có cơ hội học và đọc thêm về các chủ đề khác.
Viết bài về âm nhạc
Tôi thường xuyên viết các bài bình luận hoặc tham gia các cuộc thi đố vui về âm nhạc quốc tế. Đó là các cuộc thi tuần hoặc tháng của báo Hoa học trò hoặc báo Thế giới Âm nhạc. (Hồi đó để tham gia các cuộc thi viết, bạn phải viết tay ra giấy và gửi bài viết qua đường bưu điện).
Mặc dù bài viết bằng tiếng Việt nhưng tôi đã thử thách bản thân bằng cách dịch các bài viết ra tiếng Anh và chép vào một cuốn sổ.
Hành trình học tiếng Anh của tôi thật sự rất vui và thú vị vì nó gắn liền với một sở thích của tôi. Học tiếng Anh đã giúp tôi theo đuổi, khám phá, và học hỏi về chính sở thích của mình, đó là âm nhạc quốc tế.
Vậy, bạn có thể học được gì từ hành trình của tôi?
Lời khuyên của tôi là hãy học tiếng Anh để theo đuổi một sở thích của bạn.
Gần đây, tôi nhận được email của một em học sinh cấp 3. Em chia sẻ, em rất yêu thích môn Sinh học và có mơ ước được đi du học ngành này trong tương lai. Em hiểu tiếng Anh rất quan trọng, nhưng em không thích môn học này chút nào.
Tôi đã khuyên em hãy học và sử dụng tiếng Anh để hiểu theo đuổi sở thích này.
Trong thời đại ngày nay, em có thể dễ dàng tìm đọc các tờ báo, tạp chí về khoa học trên Internet. Ngoài đọc sách giáo khoa và sách tham khảo về Sinh học bằng tiếng Việt, em có thể đọc thêm các tài liệu tiếng Anh về cùng chủ đề. Có rất nhiều trang tiếng Anh về khoa học cho học sinh, sinh viên được viết một cách đơn giản và dễ hiểu. Khi đọc các tài liệu này, ngoài học kiến thức chuyên môn, em sẽ có cơ hội học thêm về từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, và cách viết. Ngoài đọc, em có thể tìm kiếm các videos trên Youtube và Ted Talks về cùng chủ đề để học nghe, phát âm, và học nói.
Nếu bạn đang cảm thấy học tiếng Anh là một cực hình, hãy tìm cách kết nối tiếng Anh với một sở thích trong cuộc sống của bạn!
Cảm ơn bạn đã ghé đọc. Chúc bạn một tuần mới vui.
Trương Thanh Mai