Thỉnh thoảng, tôi nhận được các câu hỏi liên quan đến thời điểm nên học tiến sĩ. Khi dạo qua một số diễn đàn học thuật, tôi cũng đọc được nhiều câu hỏi như, “mình đã gần 30 tuổi rồi, mình có nên học tiến sĩ không?”, “có phải mình đã quá già để theo đuổi con đường nghiên cứu sinh?”, hoặc “vì đã nhiều tuổi, mình nên lập gia đình hay học tiến sĩ trước?”
Trong bài viết tuần này, tôi sẽ phân tích những ưu điểm và nhược điểm của việc học tiến sĩ muộn. Những phân tích này dựa trên trải nghiệm của tôi, một người bắt đầu theo đuổi con đường làm tiến sĩ khi vừa hết tuổi 29, và có cơ hội quan sát và làm việc cùng những bạn học PhD rất trẻ tuổi và cả những bạn nhiều hơn tôi nhiều tuổi.
Trước hết, ta cần định nghĩa thế nào là “muộn”? Thật ra, sẽ không có độ tuổi chính xác nào là muộn. Liệu bạn có quá già để đi học hay không còn phụ thuộc vào ngành học, và vào văn hoá của từng cộng đồng. Đối với những ngành học yêu cầu có kinh nghiệm làm việc, sinh viên sẽ bắt đầu học PhD sau khi đã tốt nghiệp đại học một vài năm. Ngược lại, trong một số ngành như ngành Political Science tôi theo học, rất nhiều sinh viên học thẳng lên tiến sĩ ngay sau đại học.
Ở một số quốc gia như Việt Nam, bằng tiến sĩ thường được coi là công cụ phục vụ cho sự thăng tiến của công việc hiện tại nên người học tiến sĩ thường bắt đầu khi đã có nhiều kinh nghiệm làm việc. Trong khi đó, ở các nước phương Tây, học tiến sĩ là tấm vé đặt chân vào con đường nghiên cứu chuyên nghiệp, vì thế người ta có thể đi học khi chưa có hoặc có ít kinh nghiệm làm việc.
Tuy vậy, tôi nhận thấy rằng mọi người thường lấy con số 30 tuổi là điểm ngưỡng (cut-off point). Một cô bạn thân, người Mỹ, ở chương trình PhD đã từng nói với tôi rằng “Tớ muốn dành được bằng tiến sĩ trước khi quá già ở tuổi 30”. Ở Việt Nam, mọi người thường được kỳ vọng sẽ ổn định gia đình và nhà cửa ở tuổi 30.
Vì vậy, bài viết này sẽ tập trung vào những ưu và nhược điểm của việc học tiến sĩ, đặc biệt là học tiến sĩ ở nước ngoài, khi bước vào tuổi 30 hoặc cuối những năm 20 tuổi.
Những ưu điểm của học tiến sĩ muộn
Bạn biết rõ bạn thật sự muốn gì
Khi đi học tiến sĩ ở gần tuổi 30, chắc chắn bạn đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc. Những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn hiểu được điểm mạnh, điểm yếu, và loại công việc phù hợp với tính cách và sở trường của bản thân.
Ngược lại, nếu bạn học thẳng lên tiến sĩ sau đại học hoặc chỉ có một vài tháng hoặc một năm đi làm, bạn sẽ chưa có nhiều trải nghiệm ở các môi trường công sở khác nhau. Vì vậy, bạn sẽ khó biết được bản thân mình phù hợp và yêu thích công việc như thế nào.
Tôi thấy việc có nhiều kinh nghiệm làm việc (ít nhất một năm kinh nghiệm trở lên) trước khi đi học tiến sĩ cực kỳ quan trọng. Từ những cuộc trò chuyện với các bạn học tiến sĩ ngày trước và với các sinh viên sau đại học của mình hiện tại, tôi thấy rằng, nhiều bạn học thẳng lên cao học vì “không biết làm gì sau học đại học” hoặc “không tìm được việc làm ngay”. Một em sinh viên đã chia sẻ với tôi rằng, em đi học ngay vì cảm thấy rất mông lung về hướng đi của cuộc đời sau khi tốt nghiệp đại học.
Nhiều bạn du học sinh muốn đi học tiến sĩ ngay sau khi tốt nghiệp đại học vì muốn ở lại nước sở tại lâu hơn. Nếu bạn muốn học tiến sĩ vì những lý do này thì sẽ rất khó để vượt qua những thử thách khó khăn trong quá trình học.
Tôi bắt đầu theo đuổi con đường nghiên cứu sinh khi vừa hết tuổi 29. Trước khi sang Mỹ theo đuổi con đường này, tôi đã có khoảng 5-6 năm đi làm công sở ở các môi trường khác nhau ở cả Anh và Việt Nam. Sau từng ấy năm làm việc, tôi hiểu rõ rằng, tôi không thích và không phù hợp với công việc văn phòng 8 tiếng một ngày. Vì vậy, trong quá trình học tiến sĩ, tôi chỉ tập trung vào việc xây dựng profile cho công việc nghiên cứu và giảng dạy ở trường đại học. Tôi có một mục tiêu và hướng đi rõ ràng ngay khi bắt đầu PhD.
Nhiều kinh nghiệm làm việc dạy tôi rằng, không có công việc nào hoàn hảo, một công việc hoàn hảo đối với một người là khi nó phù hợp với điểm mạnh, sở thích, và mong muốn của người đó.
Quyết tâm thành công cao hơn
Tôi nghĩ rằng, khi đi học tiến sĩ “muộn”, ta sẽ rất quyết tâm để đạt được thành công. Thế nào là thành công trong việc học tiến sĩ sẽ phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người.
Có người coi thành công là khi họ hoàn thành đủ yêu cầu của chương trình và tốt nghiệp. Có người coi thành công là xuất bản được nhiều bài báo trong quá trình học. Đối với tôi, thành công là tốt nghiệp và tìm được một công việc nghiên cứu và giảng dạy ở một trường đại học tại Mỹ.
Dù định nghĩa thành công là gì, tôi tin rằng, ta sẽ có mong muốn thành công cao vì ta bắt đầu hành trình muộn.
Có 2 lý do cho việc này.
Một là, khi biết rõ bản thân mình muốn gì và đặt mục tiêu ngay khi đặt chân đi học, ta có khả năng thành công cao hơn. Trong mọi nghành nghề và lĩnh vực của cuộc sống, để thành công, ta phải có một hướng đi rõ ràng. Sau một năm dạy học, tôi quan sát thấy rằng, những sinh viên đại học có mục tiêu cụ thể sau khi tốt nghiệp thường có điểm GPA cao hơn, đi học thường xuyên hơn, và có hứng thú với việc học hơn.
Hai là, khi đi học tiến sĩ muộn, ta không còn nhiều cơ hội và thời gian cho việc thất bại. Ngay từ ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ học tiến sĩ, tôi đã nghĩ rằng, mình phải cố gắng và nỗ lực hết sức để không thất bại. Ở tuổi đó, tôi không thể học giữa chừng rồi bỏ, hoặc học xong và vất vưởng không việc làm khi đã 35-36 tuổi. Một cậu bạn, người Mỹ, bằng tuổi tôi, quyết định bỏ một công việc tốt trong chính phủ liên bang để theo học tiến sĩ. Có lần, cậu ấy đã nói với tôi rằng, “mình đã từ bỏ nhiều thứ để theo con đường này, mình không thể thất bại được”.
Sở hữu những kỹ năng mềm quan trọng
Nhiều người nghĩ rằng, những người làm nghiên cứu là những kẻ cô đơn, mọt sách, thiếu những kỹ năng mềm. Nhưng thực tế, để thành công trong quá trình học tiến sĩ, ta cần rất nhiều kỹ năng mềm như quản lý thời gian, giao tiếp, xây dựng mối quan hệ, thuyết trình trước đám đông, trình bày những vấn đề phức tạp một cách đơn giản cho sinh viên và công chúng, vân vân.
Ngay cả khi tham vọng của bạn rất khiêm tốn như chỉ cần hoàn thành luận án tiến sĩ và tốt nghiệp, bạn cũng cần những kỹ năng này. Tôi vẫn nhớ một người bạn cũ ở chương trình PhD đã không qua bảo vệ luận án, và không nhận được bằng sau 6 năm vì không có được những giao tiếp rõ ràng, và thường xuyên với hội đồng chấm luận án tiến sĩ. (Tất nhiên, để một sinh viên trượt bảo vệ luận án tiến sĩ cũng là lỗi của hội đồng và giáo sư hướng dẫn, nhưng cũng một phần do bạn không khôn khéo trong việc lựa thành viên hội đồng và giao tiếp với mọi người trong hội đồng).
Có một chút “trí thông minh đường phố” (street smart) cũng cực kỳ quan trọng. Bạn cần phải nhận thức được ai là người ủng hộ mình trong khoa, ai là người không “thích” mình, ai có tiếng nói và quyền lực, để khéo léo lựa chọn giáo sư cho hội đồng thi Comprehensive Exams và hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ.
Một người bạn trên tôi một khóa đã không thi qua được Comprehensive Exams và phải dừng chương trình tiến sĩ ở năm thứ 3 vì đã chọn sai hội đồng chấm thi. Trong hội đồng 4 giáo sư, có một người nhất quyết không cho bạn qua. Đây là một giáo sư rất có tiếng nói ở khoa và rõ ràng là không hài lòng với bạn trong suốt hai năm trước đó. Bằng chứng là bạn luôn nhận được điểm B trong lớp của giáo sư này và cô đã nhiều lần “cảnh cáo” bạn rằng “các sản phẩm của em chưa xứng với trình độ PhD”. Bất chấp những lời khuyên của bọn tôi, bạn vẫn nhất quyết mời cô vào hội đồng.
Tôi biết khi đọc đến đây, có thể bạn đang nghĩ, “tại sao khoa học, nghiên cứu lại nhiều chính trị đến thế?”. Thực tế là như vậy, chính trị ở khắp mọi nơi.
Khi bạn đi học tiến sĩ muộn với nhiều năm kinh nghiệm trước đó, bạn sẽ được trang bị những kỹ năng mềm cần thiết này. Sau nhiều năm đi làm với biết bao sai lầm, sự ngây thơ, và chứng kiến những mặt trái của “chính trị công sở”, tôi đã học được cách tự bảo vệ mình để tìm kiếm sự thành công ở những môi trường phức tạp.
Nhược điểm của việc học tiến sĩ muộn
Áp lực từ xã hội và gia đình
Khi ta đi học tiến sĩ muộn, sẽ có nhiều người hoài nghi quyết định của ta, đặc biệt là khi việc học tiến sĩ không liên quan hoặc không cần thiết đối với công việc hiện tại của bạn. Nếu bạn là phụ nữ thì áp lực từ chính những người thân thiết càng nặng nề hơn.
Khi chia sẻ với những người xung quanh về kế hoạch học tiến sĩ, gần như không ai ủng hộ quyết định của tôi. Đa phần mọi người khuyên tôi không nên đi học vì “học xong cũng chẳng tìm được việc đâu”, “gần 30 tuổi rồi làm sao học được cái gì nữa”, hay “học gì mà lắm thế, có kiếm được tiền không?”. Lúc ấy, tôi đã quen bạn đồng hành được hơn một năm. Có người đã từng nói rằng, “thôi đi học cũng được vì dù sao sau này nếu lấy bạn kia, em cũng không phải là người kiếm tiền chính”.
Lúc ấy, những lời nói này ảnh hưởng khá nhiều đến suy nghĩ của tôi (nhưng mặt khác nó cũng tạo cho tôi động lực để chứng tỏ bản thân và cho mọi người thấy rằng, tôi có thể đi được xa nếu tôi muốn). Thú thật, tôi khá tự ti vào năng lực và tương lai khi mới sang Mỹ. Phải mất một thời gian, sau khi đã có những bài nghiên cứu được xuất bản, và những lời nhận xét tích cực từ các giáo sư, tôi mới tự tin lên một chút.
Liên quan đến sự tự tin, tôi quan sát thấy rằng, nhiều bạn nghiên cứu sinh nhiều tuổi, đặc biệt là những bạn đến từ châu Á, khá nhạy cảm về chuyện tuổi tác. Nhiều bạn nghĩ rằng bản thân mình đã nhiều tuổi nên không thể hỏi han, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những bạn nghiên cứu sinh trẻ hơn nhiều tuổi. Dần dần, nhiều bạn tự tách mình khỏi cộng đồng nghiên cứu sinh của khoa vì nghĩ rằng mình đã quá già.
Tôi vẫn nhớ một anh bạn Hàn Quốc cùng khoá với tôi, đi học tiến sĩ ở tuổi 37. Khi không hoàn thành tốt việc gì (nộp bài muộn, trình bày bài nghiên cứu không tốt, hoặc thi Comprehensive Exams không qua), anh thường đưa ra lý do rằng, anh đã quá già.
Vướng bận chuyện cá nhân có thể ảnh hưởng việc học
Học tiến sĩ muộn đồng nghĩa với việc bạn vừa phải học vừa phải thực hiện những dự định khác cho cuộc sống cá nhân. Khi đi học ở độ tuổi (gần) 30, bạn có thể (1) đã có gia đình, con cái hoặc (2) đang nghĩ đến lập gia đình/ sinh con khi mới bắt đầu đặt chân vào con đường tiến sĩ.
Nếu bạn đã có gia đình, việc học tiến sĩ có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng, nếu người bạn đời của bạn không hiểu được những áp lực và căng thẳng của việc làm nghiên cứu. (Ngược lại, nếu bạn có một người bạn đồng hành thấu hiểu thì quá trình làm tiến sĩ sẽ bớt cô đơn và phong phú hơn).
Nếu bạn sinh con trong quá trình học tiến sĩ, bạn có thể phải trì hoãn quá trình học và thời gian tốt nghiệp.
Sinh con là một hành trình đầy những điều bất ngờ. Chẳng may, bạn có nhiều biến chứng khi sinh con hoặc con sinh ra hay đau ốm, việc viết luận án và làm nghiên cứu sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Bản thân tôi tốt nghiệp tiến sĩ đúng hạn, nhưng vì quá trình mang thai và sinh con gặp nhiều khó khăn, tôi đã phải hoãn nhiều dự định nghiên cứu lại. Một người bạn (ở chương trình tiến sĩ của một trường đại học khác) đã phải kéo dài việc học tiến sĩ đến 8 năm.
Nếu bạn chưa có gia đình thì áp lực phải kết hôn từ bố mẹ và những người thân sẽ rất lớn.
Đi sau bạn bè về thu nhập
Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn học tiến sĩ muộn và muốn sống và lập nghiệp ở nước ngoài. Tôi tốt nghiệp và tìm được công việc giảng viên tại Mỹ ở tuổi 34 và bắt đầu đi làm khi vừa bước sang tuổi 35. Tôi bắt đầu tiết kiệm cho lương hưu khi 35 tuổi. So với những người bạn tốt nghiệp tiến sĩ và bắt đầu làm việc ở tuổi 28-29, tôi đã đi sau rất nhiều.
Tôi thuộc thiểu số may mắn khi tìm được công việc toàn thời gian tại một trường đại học (tenure-track) ngay trước khi tốt nghiệp. Hãy thử tưởng tượng bạn tốt nghiệp năm 35-36 tuổi, nhưng không tìm được việc ngay và phải làm những công việc không ổn định trong vài năm. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến lương hưu và các khoản tiết kiệm khác trong tương lai.
Không thể sống hết mình vì nghiên cứu
Khi bạn đi học tiến sĩ ở tuổi 23-24, bạn có thể thoải mái theo đuổi bất cứ đề tài nghiên cứu nào mình thích. Bạn có nhiều thời gian để…sửa sai và làm lại nếu cần thiết. Bạn cũng có thể dành toàn bộ thời gian và năng lượng để nghiên cứu, suy nghĩ, và viết.
Ngược lại, khi đi học tiến sĩ muộn, vì những vướng bận khác trong cuộc sống cá nhân, có thể bạn sẽ phải tạm gác đề tài mình thật sự yêu thích sang một bên, và chọn hướng nghiên cứu giúp bạn tốt nghiệp nhanh nhất có thể.
Khi bắt tay vào viết luận án tiến sĩ, tôi mang thai và sinh con gái đầu lòng. Tôi quyết định chọn đề tài luận án khác một chút so với ý tưởng ban đầu. Theo ý tưởng ban đầu, tôi sẽ đi thực địa và thu thập số liệu ở hai quốc gia ở châu Á. Lập luận chính của luận án, theo ý tưởng đầu tiên, cũng phức tạp và mới mẻ hơn.
Nhưng sau khi sinh con, tôi thật sự muốn tốt nghiệp và đi làm, nên đã viết luận án theo hướng 3 bài báo nhỏ (thay vì theo hướng viết sách), trong đó bao gồm một bài báo tôi đã viết trước đó, đang trong quá trình bình duyệt (under review), và hai bài báo khác dựa trên một khảo sát trực tuyến tại Việt Nam. Nhưng sâu thẳm, tôi vẫn thích ý tưởng ban đầu nhất. Mãi hơn một năm sau khi đi làm, tôi mới có cơ hội quay lại với ý tưởng ban đầu, ý tưởng mà tôi thật sự đam mê và muốn theo đuổi đến cùng.
Có nên đi học tiến sĩ muộn?
Tôi nghĩ rằng, để đưa ra được quyết định, ta phải hiểu thật rõ hoàn cảnh cụ thể của bản thân mình, đặc biệt là nhìn rõ được bản thân muốn trở thành gì và đích đến cuối cùng của ta là gì. Sau đó, cân nhắc những được và mất của việc học tiến sĩ muộn.
Tôi quyết định đi học tiến sĩ ở tuổi gần 30 vì lúc đó tôi có mong muốn thay đổi cuộc sống rất lớn. Bản thân tôi từ nhỏ có một điểm mạnh là nếu đã mong muốn đạt được điều gì đó, tôi sẽ tập trung hết năng lượng để theo đuổi nó đến cùng. Vì vậy, ngay từ khi học tiến sĩ, tôi đã đặt ra mục tiêu rất rõ ràng, cụ thể, đó là sau khi tốt nghiệp, tìm được một vị trí nghiên cứu và giảng dạy ở một trường đại học ở Mỹ. Nhờ những kỹ năng mềm thu lượm được từ quá trình làm việc, sự hỗ trợ vô bờ bến của bạn đồng hành, và nhiều may mắn, tôi đã có những năm làm tiến sĩ rất đáng nhớ và thành công. Đối với riêng bản thân tôi, việc học tiến sĩ muộn có nhiều ưu điểm hơn nhược điểm.
Tôi tin rằng, chỉ có chính bản thân ta mới có thể đưa ra quyết định có nên học tiến sĩ khi đã 30 tuổi. Chỉ có ta mới hiểu được bản thân ta, hiểu điểm mạnh, điểm yếu của chính ta, và có thể phân tích những ưu và nhược điểm của việc học tiến sĩ ứng với hoàn cảnh của ta.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog. Chúc bạn một tuần mới tràn đầy năng lượng. Hẹn gặp bạn thứ 2 tuần sau.
Trương Thanh Mai
Cảm ơn chia sẻ thú vị của chị Mai, em nghĩ rằng đây là những vấn đề hết sức thực tế và cần thiết cho những người mong muốn theo đuổi con đường tiến sĩ như em. Qua đây em vừa thấy rõ hơn có góc nhìn tổng quan, lại vừa có những chiêm nghiệm để vững lòng với lựa chọn.
Cảm ơn em đã ghé đọc! Chị rất vui vì em thấy bài viết hữu ích /)