Khi phỏng vấn cho vị trí giảng viên đại học ở Mỹ, tôi thường được hỏi, “Hãy cho chúng tôi biết triết lý dạy học của bạn là gì?”. Hay nói một cách khác, “Bạn muốn sinh viên học được gì từ các lớp học bạn dạy?”.
Tôi đã trả lời một cách rõ ràng mà không cần suy nghĩ quá kỹ rằng qua các lớp học của tôi, sinh viên sẽ phát triển được tư duy bức tranh lớn (big picture thinking) về chính trị thế giới. Tôi cũng muốn giúp sinh viên có được khả năng đánh giá các hiện tượng, sự việc xã hội từ nhiều lăng kính khác nhau.
Gần đây tôi luôn nghĩ về triết lý dạy học và tự hỏi vì sao tôi lại có cách tiếp cận giáo dục như thế? Tôi nhận ra rằng nền tảng, xuất thân gia đình đã dần hình thành trong tôi triết lý giáo dục ấy.
Tôi sinh ra trong một gia đình giai cấp công nhân. Bố mẹ tôi đều là công nhân tại một nhà máy thép ở thành phố Thái Nguyên. Tôi lớn lên ở một xóm nhỏ nơi mọi người trong xóm đều là công nhân viên chức cho các nhà máy gần đó.
Bố mẹ tôi không có điều kiện học đại học. Bố tôi mất trong một vụ tai nạn khi đang làm việc tại nhà máy khi tôi vừa hết tuổi 11. (Tôi vẫn nhớ vụ tai nạn xảy ra khi chỉ còn 3 ngày nữa là đến sinh nhật lần thứ 12 của tôi). Lúc ấy em gái tôi vừa bước qua sinh nhật lần thứ 9. Sau khi bố mất đi, mọi gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai mẹ. Nhưng mẹ tôi rất biết cách chi tiêu, tiết kiệm, nên cả nhà chưa bao giờ sống túng thiếu và phải đi vay mượn ai.
Giờ đây khi đã có gia đình và trở thành mẹ, tôi thấy khâm phục mẹ mình hơn. Khi mới 36 tuổi, bằng tuổi tôi bây giờ, mẹ đã phải một mình nuôi hai con gái còn nhỏ ăn học, trưởng thành.
Thật là xấu hổ khi phải thừa nhận rằng ngày còn trẻ, tôi đã từng ước mình được sinh ra trong một gia đình giàu có, khá giả và đầy đủ hơn. Từ nhỏ, tôi đã có rất nhiều ước mơ và hoài bão.
Năm 15 tuổi, tôi đã mơ một ngày được đi du lịch và đi học ở nước ngoài. Nhưng mãi đến năm 26 tuổi, tôi mới đạt được mong ước đó. Tôi đã từng rất ghen tị khi thấy các bạn mới 18, 20 tuổi đã được nếm trải nền giáo dục ở nước ngoài. Tôi luôn cảm thấy mình đi sau mọi người rất nhiều. Và có lúc tôi đã “đổ lỗi” cho gia đình, xuất thân của mình.
Nhưng trải qua nhiều thay đổi trong cuộc sống, tôi mới học được rằng, thật ra, nếu biết tận dụng xuất thân và hoàn cảnh gia đình, ta có thể tiến được rất xa trong cuộc sống.
Không ai có thể chọn được gia đình, bố mẹ, hoàn cảnh mình sinh ra, nhưng ai cũng có thể lựa chọn nhìn vào những điểm tích cực và những ưu điểm xuất thân gia đình đem lại cho mình.
Suy nghĩ về hành trình của mình khiến tôi nhận ra rằng xuất thân gia đình đã cho tôi 3 lợi thế lớn trong cuộc sống và sự nghiệp.
Có cái nhìn khác biệt về cuộc sống
Ở tuổi 36 khi đã hoàn toàn tự tin và hài lòng với cuộc sống hiện tại và những gì mình đã phấn đấu để đạt được, tôi thấy mình có một hành trình khá thú vị. Điều thú vị nhất là tôi đã được trải nghiệm cuộc sống với tư cách là thành viên của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau.
Sinh ra trong một gia đình giai cấp công nhân mà không có ai trong gia đình lớn có bằng đại học, khi 18 tuổi, tôi đến Hà Nội học đại học, và đã tìm được các công việc tốt sau khi tốt nghiệp đại học. Sau đó, tôi đi du học, tìm được một công việc tốt ở Mỹ và trở thành công dân Mỹ.
Trong hành trình ấy, tôi đã từng là một người thuộc tầng lớp công nhân; một người tỉnh lẻ ở Hà Nội; một người ở tầng lớp trung lưu ở Hà Nội; một người nhập cư ở Mỹ; một người ở tầng lớp trung lưu ở Mỹ; một công dân Mỹ.
Vì đã từng sống ở các tầng lớp khác nhau, tôi hiểu được cách nhìn một hiện tượng sự việc từ lăng kính của các tầng lớp. Điều này đem lại cho tôi rất nhiều lợi thế trong công việc nghiên cứu và giảng dạy.
Khi đọc một bài nghiên cứu (hay thậm chí là bài bình luận trên báo chí, truyền hình), tôi luôn nghĩ về vị trí của người viết. Quan điểm, lăng kính của người viết đang thể hiện cho tầng lớp nào trong xã hội? Nếu đặt lập luận này vào hoàn cảnh khác, tầng lớp khác thì nó còn đúng nữa không?
Vì đã từng là thành viên của nhiều tầng lớp xã hội, tôi dần học được cách phát triển tư duy bức tranh lớn (big picture thinking). Và đây cũng chính là triết lý dạy học của tôi.
Trong tất cả các lớp tôi dạy, dù đó là lớp học nghiên cứu khoa học, phân tích số liệu, hay về các nước Đông Á, tôi luôn hướng tới giúp sinh viên phát triển tư duy bức tranh lớn và nhìn mọi hiện tượng xã hội qua nhiều lăng kính khác nhau. Tôi muốn sinh viên phá bỏ được những thiên kiến của bản thân, vốn được hình thành từ nền tảng, xuất thân gia đình.
Những đồng nghiệp người Mỹ của tôi, những người được sinh ra và nuôi dạy trong một gia đình tri thức có bố mẹ là giáo sư đại học, chỉ có cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở một tầng lớp xã hội. Tôi nghĩ rằng, họ sẽ có xu hướng chỉ nhìn các hiện tượng xã hội qua một lăng kính.
Có được sự tự do rất lớn
Khi còn trẻ, có lúc tôi khá tự ti về hoàn cảnh gia đình mình.
Tôi đã từng luôn ghen tị với những bạn có gia đình lớn, nhiều anh chị em họ, và có mối quan hệ gần gũi với họ hàng. Gia đình tôi nhỏ, chỉ có 3 người (mẹ và hai chị em tôi), họ hàng ở xa, thật sự không thân và quan tâm đến nhau.
Gia đình tôi không phải là một gia đình truyền thống, nên tôi không được dạy cách ứng xử và những kỹ năng cầm kì thi hoạ mà một người phụ nữ Việt Nam truyền thống cần có.
Tôi luôn cảm thấy mình vô cùng vụng về so với những bạn gái cùng trang lứa khác. Tôi cũng luôn cảm thấy mình ngây thơ hơn các bạn cùng trang lứa, vì có lẽ tôi không phải học cách đối đầu với những “chính trị phức tạp” của một gia đình lớn. Thật buồn cười vì tôi đã từng tự ti vì sự giản đơn của gia đình mình.
Nhưng khi đã trưởng thành, tôi nhận ra rằng, hoàn cảnh, xuất thân gia đình đã cho tôi một ưu thế mà không phải ai cũng có được. Đó là, tôi luôn được sống là chính mình và tôi có sự tự do hoàn toàn để theo đuổi cuộc sống mình mơ ước.
Tôi chưa từng bị giới hạn bởi quan niệm, phụ nữ phải nhẹ nhàng, ít tham vọng, đặt chồng con và sự nghiệp của chồng lên tất cả. Gia đình đơn giản cũng giúp tôi tự lập từ sớm. Mọi quyết định trong cuộc sống của tôi từ chọn trường cấp 3, chọn trường đại học, đi du học, chọn ngành học, chọn sự nghiệp, chọn người kết hôn đều do tôi tự đưa ra.
Thật sự, tôi không hề có áp lực phải kết hôn, ngay cả khi đã gần 30 tuổi. Thật ra, ở độ tuổi gần 30 là lúc khát khao đi học tiến sĩ và theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu giảng dạy ở nước ngoài trỗi dậy mạnh mẽ nhất trong tôi.
Có bạn đã chia sẻ với tôi rằng, bạn cũng muốn đi học tiến sĩ khi đã nhiều tuổi, nhưng bố mẹ, vì chịu sự đàm tiếu của họ hàng mà đã phản đối quyết định của bạn. Tôi cảm thấy may mắn khi không phải chịu những áp lực như thế.
Từ bé tôi đã có rất nhiều ước mơ và hoài bão, vì bố mẹ cho tôi sự tự do để mơ ước. Nhiều người từng bảo các mơ ước của tôi thiếu thực tế, nhưng chính nhờ những mơ ước viển vông ấy mà tôi mới đi được đến đây.
Nhận ra bản thân rất may mắn
Ta thường có thói quen so sánh xuất thân, hoàn cảnh của bản thân với những người hơn ta. Vì thế, ta luôn cho rằng, mọi thành công trong cuộc sống là do sự nỗ lực, bền bỉ, chăm chỉ của bản thân ta. Ngược lại, nếu ta thất bại thì là do….hoàn cảnh của ta.
Trong cuốn sách, The Tyranny of Merit: What’s Become of the Common Good?, tác giả Michael Sandel viết rằng ngay cả những sinh viên giàu nhất, có điều kiện nhất tại một ngôi trường danh giá nhất nước Mỹ, khi được hỏi lý do vì sao được tuyển chọn vào trường, đều nghĩ đó là do sự nỗ lực, chăm chỉ, và khả năng đặc biệt của bản thân. Không ai đề cập đến những lợi thế rõ ràng của xuất thân.
Cơ hội được sống ở các tầng lớp khác nhau giúp tôi hiểu rằng, xuất thân, hoàn cảnh của ta, dù ta nghĩ rất tồi tệ, cũng luôn tốt hơn một ai đó trong xã hội. “Khám phá” này giúp tôi hiểu được tầm quan trọng của sự may mắn. Ta ít khi thấy yếu tố may mắn khi chỉ tập trung vào những gì ta không có.
Tôi sinh ra trong một gia đình công nhân, không dư dả về tài chính, nhưng tôi chưa bao giờ phải lo về cơm áo gạo tiền như những bạn nghèo ở miền núi. Mẹ không thể cho chúng tôi những định hướng về học tập và sự nghiệp, nhưng mẹ luôn đầu tư vào việc học của chị em tôi ở trong khả năng của mẹ.
Tôi sẽ không thể học hành và theo đuổi những ước mơ “viển vông” của mình nếu tôi phải bươn chải kiếm tiền từ sớm, hoặc phải chăm sóc bố mẹ đau yếu. Tôi sẽ không thể đi xa nếu được sinh ra ở một vùng núi đi lại khó khăn và thiếu thốn điều kiện học tập.
Thật sự, khi đánh giá hoàn cảnh xuất thân từ nhiều lăng kính khác nhau, tôi nhận ra rằng, ta đừng nên đánh giá thấp sự may mắn trong cuộc sống.
Không ai có thể chọn được gia đình, bố mẹ, hoàn cảnh mình sinh ra, nhưng ai cũng có thể lựa chọn nhìn vào những điểm tích cực và những ưu điểm xuất thân gia đình đem lại cho mình.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc! Chúc bạn một tuần mới thật vui và hẹn gặp bạn thứ 2 tuần sau.
Trương Thanh Mai