5 lý do vì sao sinh viên nên đi làm thêm

Cách đây khoảng 10 năm khi còn sống ở Việt Nam, tôi tình cờ trò chuyện với một người mẹ có con vừa vào đại học. Cô cực lực phản đối việc sinh viên đi làm thêm. Cô nghĩ rằng vợ chồng cô có thể chu cấp tài chính đầy đủ cho con suốt những năm học đại học và thậm chí có thể “mua” một công việc nhà nước cho con sau khi tốt nghiệp, nên con cô chỉ cần tập trung học thôi. Cô khẳng định, làm thêm chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến việc học và tương lai của sinh viên.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có làm hợp đồng ngắn hạn cho một trường đại học ở Việt Nam. Vì tính chất công việc, tôi có có hội tiếp xúc với nhiều phụ huynh của sinh viên. Tôi khá ngạc nhiên khi nhận ra rằng tư tưởng làm thêm ảnh hưởng xấu đến việc học khá phổ biến ở các phụ huynh Việt Nam. Trong suốt thời gian học đại học, tôi cũng nhận thấy rằng, nhiều bạn sinh viên quanh tôi không bao giờ đi làm thêm (nhưng cũng không tập trung hoàn toàn vào việc học).

Từ kinh nghiệm đi làm thêm trong quá trình học đại học ở Việt Nam và học thạc sĩ ở Anh, tôi tin rằng, sinh viên nhất định phải đi làm thêm. Trong suốt gần 5 năm học đại học, tôi đã làm rất nhiều việc như làm gia sư môn tiếng Anh và toán, dịch thuật cho một công ty công nghệ, dịch sách, phiên dịch, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, và làm bồi bàn cho một nhà hàng Nhật.

Là một giảng viên, tôi luôn nghĩ, việc học nên là ưu tiên số một của sinh viên. Nhưng tôi cũng luôn khuyến khích sinh viên đi làm thêm, miễn sao các em biết cách sắp xếp thời gian và lựa chọn những công việc làm thêm không ảnh hưởng quá nhiều đến việc học trên lớp.

Bài viết này sẽ phân tích 5 lợi ích quan trọng mà các công việc làm thêm mang lại cho sinh viên.

 Làm thêm mang lại cho sinh viên sự tự do

Đối với những bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi làm thêm sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính cho bố mẹ. Nhiều bạn nghĩ rằng, tiền học phí, tiền ăn ở, tiền mua sách, và các loại đóng góp khác quá lớn trong khi tiền lương từ các công việc làm thêm lại không đáng kể. Nhưng bạn đừng nên đánh giá thấp sức mạnh của những con số nhỏ. Ngay cả khi bạn chỉ đóng góp 5%, 10% vào tổng số tiền bạn cần hàng tháng, áp lực tài chính đè lên đôi vai bố mẹ cũng giảm đáng kể.

Khi còn là sinh viên đại học Bách Khoa Hà Nội, một lần, tôi lên văn phòng trường đóng tiền học phí, và tình cờ gặp một bác nông dân lặn lội từ xa lên tận trường nộp tiền học cho con. Bác kể bác đã phải đi vay tiền hàng xóm và thậm chí bán bớt đồ đạc trong nhà để con có thể học hành thoải mái ở thành phố. Tôi thầm tự hỏi tại sao bạn sinh viên đó không đi làm thêm để giúp đỡ gia đình. Bạn ấy có thể làm gia sư, làm bồi bàn, làm nhân viên bán hàng, bán sách báo cũ cho sinh viên, vân vân. Có thể tiền lương mỗi tháng không đủ để chả toàn bộ tiền học, tiền nhà, nhưng biết đâu, nhờ số tiền bạn có thể kiếm được khi đi làm thêm mà bố mẹ không phải bán bớt đồ đạc trong nhà.

Ngay cả khi gia đình bạn khá giả, bạn vẫn nên đi làm thêm. Trong trường hợp này, đi là thêm sẽ đem lại cho bạn 2 sự tự do.

Một là, bạn có thể tự do lựa chọn mục đích sử dụng số tiền bạn kiếm được. Vì đó là tiền bạn kiếm được, bạn không phải xin phép hay hỏi ý kiến ai khi sử dụng nó.

Hai là, bạn có thêm tự do để tự đưa ra các quyết định khác trong cuộc sống của mình. Tôi đã 36 tuổi và trải nghiệm cuộc sống dạy tôi rằng, tự do về tài chính sẽ đem lại cho ta những tự do khác trong cuộc sống.

Nếu bạn phụ thuộc tài chính hoàn toàn vào bố mẹ, từ việc học đại học, mua nhà, mua xe, và thậm chí “mua” việc làm, bố mẹ sẽ là người làm chủ cuộc sống của bạn. Bố mẹ có thể là người quyết định bạn nên học ngành gì, làm việc ở đâu sau khi tốt nghiệp, sống ở đâu, kết hôn với ai, và thậm chí…sửa nhà kiểu gì.

Mấy năm trước, khi về Việt Nam làm nghiên cứu thực địa, tôi đến thăm nhà của một người bạn gái học cùng trường đại học ngày trước. Bạn chia sẻ rằng, bạn rất muốn sửa ngôi nhà đang ở vì vợ chồng bạn đã có hai con và các con cũng lớn rồi. Nhưng vì đây là nhà do bố mẹ chồng mua và đứng tên nên phải “đợi bố mẹ cho phép mới dám sửa”.

Một người bạn khác của tôi thì không dám bỏ một công việc nhà nước rất tệ vì bố mẹ đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua cho bạn công việc ấy.

Nếu bạn là người yêu thích tự do và muốn tự làm chủ cuộc sống của chính mình, bạn phải độc lập tài chính ở một mức độ nhất định. Ta nên học cách kiếm tiền và làm chủ cuộc sống ngay khi còn là sinh viên.

Làm thêm khiến cuộc sống sinh viên bớt nhàm chán

 Khi trò chuyện với các bạn sinh viên ở lứa tuổi 18-22, tôi nhận ra rằng, rất nhiều bạn có cảm giác buồn chán, trống rỗng, và mất phương hướng trong cuộc sống.

Bản thân tôi, khi còn là sinh viên năm thứ 2, thứ 3 đại học, đã từng bị trầm cảm. Thời gian ấy, tôi luôn có cảm giác cuộc sống của mình không có nhiều ý nghĩa. Giờ đây nghĩ lại khoảng thời gian ấy, tôi hiểu rằng, nguyên nhân lớn nhất là do tôi có quá nhiều thời gian rảnh rỗi, và cuộc sống sinh viên có một lịch trình cố định nhàm chán. Hàng ngày, sáng tôi lên lớp, học xong thì đi ăn trưa với bạn bè, chiều ở ký túc xá học bài (thỉnh thoảng học ở trên thư viện), buổi tối học bài hoặc đi buôn chuyện với một vài người bạn thân thiết.

Khi có nhiều thời gian rảnh, tôi hay nghĩ về những chuyện linh tinh, nhỏ nhặt ngoài tầm kiểm soát của bản thân như hoàn cảnh xuất thân, chuyện yêu đương, chuyện tương lai nghề nghiệp, vân vân.

Để khiến bản thân năng động và cuộc sống sinh viên bớt nhàm chán, tôi quyết định đi làm thêm ngoài giờ học. Tôi đã nhận dịch tài liệu kỹ thuật và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Hai công việc này, ban đầu, thật sự đã đem lại cho tôi rất nhiều thử thách. Sự thử thách đó đã khiến cuộc sống sinh viên của tôi có thêm nhiều màu sắc và sinh động hơn.

Tôi nhận thấy, khi bận rộn, tôi không còn nhiều thời gian để suy nghĩ vẩn vơ và hiệu suất công việc cũng vì thế mà được nâng cao. Vì vừa học vừa làm 2 công việc bán thời gian, tôi phải tận dụng bất cứ thời gian trống còn lại trong ngày để đọc, viết, và hoàn thành các bài tập trên lớp. Sau một học kỳ vừa học vừa làm thêm, cảm giác buồn chán dần mất đi trong tôi. Tôi tìm lại được ý nghĩa trong cuộc sống của mình.

Làm thêm để cải thiện điểm yếu của bản thân

Phần lớn mọi người sẽ tìm một công việc làm thêm phù hợp với điểm mạnh của bản thân.

Ví dụ, nếu ta giỏi toán, ta sẽ tìm một công việc liên quan đến toán như làm gia sư môn toán. Nếu ta là người quảng giao, ăn nói khéo léo trước đám đông, ta sẽ tìm công việc bán thời gian liên quan đến tổ chức sự kiện hoặc làm người dẫn chương trình.

Điều này hoàn toàn hợp lý. Một công việc đúng với sở trường chắc chắn sẽ giảm bớt áp lực tâm lý trong ta, nhất là khi ta vừa phải học và vừa phải làm việc. Trong quá trình học đại học, tôi đã làm rất nhiều công việc phù hợp với điểm mạnh của bản thân như dạy tiếng Anh, biên phiên dịch.

Tuy nhiên, những công việc có giá trị nhất đối với tôi và khiến tôi tự hào hơn cả là những công việc giúp tôi cải thiện điểm yếu của bản thân.

Khi mới bắt đầu học đại học, tôi là một đứa rất nhút nhát. Suốt mấy năm cấp 3, tôi chỉ biết cắm đầu vào học để chạy đua với các kỳ thi học sinh giỏi và thi đại học. Vì vậy, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng nói trước đám đông của tôi khá yếu. Trong học kỳ đầu tiên ở bậc đại học, tôi thậm chí không dám nói chuyện với người lạ. Nếu có bạn nào đến hỏi chuyện, mặt tôi sẽ đỏ lên như quả gấc.

Tôi thật sự muốn cải thiện bản tính nhút nhát của mình. Vì thế, tôi đã chọn những công việc khiến tôi phải bước qua vùng an toàn của bản thân. Tôi lựa chọn những công việc buộc tôi phải giao tiếp và gặp gỡ thật nhiều người. Chẳng hạn, khi làm việc cho công ty dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, tôi nhận thêm các trách nhiệm khác ngoài dạy học, như gặp gỡ khách hàng để giới thiệu sản phẩm, trực điện thoại, chăm sóc khách hàng, vân vân. Có một mùa hè, tôi đã làm việc bán thời gian ở vị trí chăm sóc khách hàng cho một công ty công nghệ.

Các công việc này giúp tôi dần cải thiện bản tính nhút nhát, ngại giao tiếp của bản thân. Mặt khác, nó cũng khiến tôi nhận ra rằng, đây không phải là loại nghề nghiệp mà tôi muốn theo đuổi lâu dài trong tương lai.

Khi học thạc sỹ ở Anh, tôi cũng làm một công việc không thuộc sở trường của bản thân. Đó là công việc liên quan đến phân tích số liệu định tính dùng một phần mềm phân tích mà tôi chưa từng nghe đến và sử dụng. Có lẽ vì tôi đã thuyết phục được nhà tuyển dụng (một công ty tư vấn tư nhân ở Brighton, Anh) rằng tôi có khả năng học cái mới rất nhanh, nên họ mới tuyển tôi vào làm. Tuy nhiên, tôi thật sự rất căng thẳng sau khi ký hợp đồng với họ. Tôi sợ sẽ không làm được việc và sẽ bị….sa thải. Haha.

Trái với lo lắng của tôi, các đồng nghiệp mới rất tốt và luôn hết lòng hỗ trợ tôi. Chỉ sau 1-2 tháng làm việc, tôi đã biết cách sử dụng phần mềm đó và đưa ra những báo cáo phân tích có chất lượng cho nhóm.

Làm các công việc không phải sở trường của bản thân còn đem lại một lợi ích rất lớn về mặt tinh thần. Khi có thể làm được những công việc ta nghĩ rằng khó và đầy thách thức, ta sẽ tự tin hơn vào bản thân. Tôi nghĩ rằng, không có cảm giác gì tuyệt vời hơn là cảm giác khi ta chinh phục được những việc mà ta cho là không thể.

Làm thêm để hiểu rằng nghề nào cũng đáng quý

Nhiều người cho rằng, khi tìm các công việc làm thêm, ta chỉ nên làm những công việc “xứng” với tầm của ta. Chẳng hạn, nếu ta là sinh viên đại học, những công việc “tay chân” như làm bồi bàn, phát tờ rơi, giúp việc ở nhà hàng không phải dành cho ta.

Tôi lại cho rằng, ngay cả khi gia đình bạn có thể chu cấp đầy đủ, bạn hãy thử một lần làm những công việc “không xứng tầm” này, bởi bạn có thể học được rất nhiều bài học quý giá từ chúng.

Khi học thạc sỹ ở Anh, tôi tình cờ quen một bạn sinh viên đi du học với học bổng toàn phần (được tài trợ toàn bộ tiền học phí và ăn ở). Trong quá trình học, bạn đã làm nhân viên phục vụ bàn cho nhà hàng đồ ăn nhanh McDonald’s. Công việc “tay chân” này đã giúp bạn hiểu hơn về cách một nhà hàng McDonald’s hoạt động từ quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến cách chăm sóc và giao tiếp với khách hàng. Công việc này cũng giúp bạn có cái nhìn thú vị về kiểu người (nghề nghiệp, công việc, thu nhập, sắc tộc) hay sử dụng đồ ăn nhanh. Ngoài ra, bạn cũng kiếm được một số tiền khá để ổn định cuộc sống ở Việt Nam.

(Tôi luôn khuyến khích du học sinh đi làm thêm, ngay cả khi bạn được gia đình chu cấp tài chính đầy đủ hoặc có học bổng toàn phần. Điều quan trọng là bạn phải tuân thủ quy định về số giờ làm thêm do nước bạn đến học quy định).

Trong tuần định hướng dành cho giảng viên mới ở trường Đại học Marquette, tôi có cơ hội làm quen và trò chuyện với một giáo sư đã hơn 15 năm trong nghề. (Vì nhiều lý do, giáo sư này quyết định chuyển trường sau khi đã có hợp đồng vĩnh viễn và đã vào biên chế của trường cũ). Giáo sư đã có 1 kỳ học ở Ý khi đang là sinh viên của một trường đại học ở Mỹ. Trong thời gian ở Ý, giáo sư đã làm dọn dẹp phòng cho một khách sạn (bao gồm cả việc dọn bồn cầu). Công việc này không chỉ đem lại tiền mà cả trải nghiệm quý báu ở Ý. Giáo sư đã nhấn mạnh rằng một năm sống ở Ý là một trong những khoảng thời gian đẹp nhất và có ý nghĩa nhất trong cuộc sống của giáo sư.

Làm thêm là cơ hội để thực hành các kỹ năng cần thiết cho công việc sau khi tốt nghiệp

Là một giảng viên đại học, tôi luôn cố gắng chuẩn bị những kỹ năng cần thiết để một sinh viên có thể cạnh tranh trên thị trường việc làm. Nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng trường học không thể trang bị cho bạn tất cả các kỹ năng cần thiết. Vì vậy, nếu bạn đã xác định được loại công việc bạn muốn làm sau khi ra trường, hãy tìm một công việc bán thời gian hoặc cơ hội thực tập liên quan đến công việc đó.

Khi bước vào năm cuối đại học ở Việt Nam, tôi có ước mơ được làm việc cho một tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO hay non-governmental organizations) ở Việt Nam. Mặc dù trường đại học đã chuẩn bị cho tôi nền tảng tiếng Anh và kỹ năng biên phiên dịch tốt (đây là những kỹ năng rất cần thiết khi làm việc cho một tổ chức NGO), tôi không có nhiều kiến thức và vốn tiếng Anh về các dự án phát triển.

Để hiểu hơn về NGOs và nâng cao vốn từ vựng tiếng Anh trong ngành phát tiển, tôi đã tìm cơ hội làm biên phiên dịch ngắn hạn cho các dự án phát triển. Đầu năm thứ 4 đại học, tôi nhờ một học viên học tiếng Việt tìm giúp một vị trí phiên dịch ngắn hạn cho một dự án nhỏ. Tôi may mắn có cơ hội làm phiên dịch 3 ngày cho một nghiên cứu sinh tiến sĩ nước ngoài đang viết luận án về môi trường làm việc ở các nhà máy dệt ở Việt Nam. Tôi đã cùng bạn nghiên cứu sinh đó đi phỏng vấn công nhân ở một số nhà máy dệt ở Việt Nam. Công việc này đã cho tôi kỹ năng và kinh nghiệm mà trường học không chuẩn bị cho tôi.

Làm thêm trong quá trình học đại học cũng giúp bạn có một CV đẹp khi ra trường. Nếu là người tuyển dụng, tôi sẽ ưu tiên những bạn năng động, và có kinh nghiệm làm việc, ngay cả khi kinh nghiệm đó không liên quan trực tiếp đến vị trí cần tuyển.

Trong bài viết này, tôi đã phân tích 5 lợi ích quan trọng mà các công việc làm thêm đem lại cho sinh viên. Tôi hi vọng bài viết sẽ hữu ích cho những bạn sinh viên đang băn khoăn không biết có nên vừa học vừa làm hay không.

Cảm ơn bạn đã ghé đọc. Chúc bạn một tuần vui.

Trương Thanh Mai

2 thoughts on “5 lý do vì sao sinh viên nên đi làm thêm

  1. Dù đã từng làm thêm khi học đại học và đã gia nhập thị trường lao động, em vẫn học được nhiều điều từ bài viết của chị. Những gì chị viết cho em soi chiếu rõ ràng hơn những trải nghiệm của mình trước kia và mang lại gợi ý hành động cho hiện tại. Cảm ơn chị Mai rất nhiều.

Leave a Reply