Ở tuổi 36, tôi đang học cách dung hoà hai việc: (1) chạy đua với người khác và (2) cảm thấy hài lòng với chính bản thân mình và những gì mình đạt được. Tôi nghĩ rằng quá nghiêng về một hướng đều không tốt.
Tôi đã từng luôn nhìn vào người khác để định nghĩa thành công của bản thân. Mỗi khi đạt được một thành tựu trong công việc và cuộc sống, cảm giác hạnh phúc và hài lòng chỉ tìm đến tôi trong một thời gian ngắn. Tôi sẽ nhanh chóng nghĩ rằng những gì mình đạt được thật sự rất nhỏ bé và không là gì cả so với bao người ngoài kia. (Tôi không ganh ghét, đố kị với thành công của người khác. Tôi luôn coi họ là động lực để phấn đấu).
Tính cách này giúp tôi luôn cố gắng học hỏi để tiến lên phía trước trong cuộc sống. Nó cũng giúp tôi dám mơ ước và phấn đấu không ngừng nghỉ để đạt được điều mình mong muốn. Nhưng mặt trái của việc luôn chạy đua với người khác là đôi khi tôi trở nên hà khắc với chính bản thân mình.
Bạn đồng hành từng nói, “Em quá khắc nghiệt với chính mình. Em nên học cách yêu quý và tự hào về bản thân.” Đúng là tôi rất ít khi có cảm giác “đủ”. Mỗi khi đặt ra một mục tiêu trong cuộc sống, tôi thường nghĩ, “Nếu mình đạt được điều ấy, mình sẽ dừng lại, và mình sẽ cảm thấy hạnh phúc.” Nhưng khi đạt được rồi, tôi lại không cảm nhận được niềm hạnh phúc ấy lâu dài, và tôi sẽ phải tiếp tục theo đuổi những mục tiêu khác.
Tôi hiểu, tôi không thể cố ép bản thân hài lòng với những gì mình có và những gì mình đạt được, vì thật sự đó không phải là tính cách của tôi. Tôi cũng cho rằng, luôn an phận và hài lòng với chính mình cũng không tốt bởi như vậy ta sẽ rất khó thích ứng với thế giới đang thay đổi từng giờ, từng ngày. Nếu quá hài lòng với bản thân, ta sẽ không biết được nội lực của chính mình và mình có thể đi xa được đến đâu.
Hiện tại, tôi đang học cách dung hoà hai thái cực này. Điều quan trọng nhất là nhìn vào bên trong mình, tập trung vào điều thật sự quan trọng và có ý nghĩa với mình, và luôn cố gắng hết sức để làm thật tốt những điều ấy. Bản thân chỉ cần luôn nỗ lực để tốt hơn và đi xa hơn bản thân mình ở hiện tại, và không nên quá để ý đến việc mình đi được bao xa so với người khác.
Khi chia sẻ suy nghĩ này với bạn đồng hành, anh nói, “Vậy thì em nên học cách tự hào về bản thân trước đã. Em nên học cách hạnh phúc với ngay cả những điều nhỏ bé mình đạt được.”
Câu nói ấy của bạn đồng hành đã tạo động lực cho tôi viết bài blog này. Hôm nay, xin chia sẻ với bạn 12 điều khiến tôi tự hào.
1. Trang blog này
Có thể nói, trang blog này là đứa con tinh thần của tôi. Tôi lập trang blog này năm 2017 như một thú vui trong quá trình học tiến sĩ. Tôi luôn tự hào về đứa con này, vì để “sinh” ra nó, tôi đã phải vượt qua sự sợ hãi, e dè, nhút nhát của bản thân.
Tôi từng sợ sự đánh giá của người đọc. Nhưng thật tuyệt vời, blog vấn được duy trì đến tận ngày hôm nay.
Blog là nơi tôi chia sẻ những câu chuyện, trải nghiệm cá nhân. Ai hợp sẽ đọc và ở lại. Ai không hợp sẽ rời đi. Đó là lẽ thường tình trong cuộc sống.
2. Sang Mỹ làm tiến sĩ
Tôi luôn tự hào vì quyết định từ bỏ công việc văn phòng ổn định ở Việt Nam để sang Mỹ làm PhD năm 2017. Như đã từng chia sẻ ở nhiều bài viết trên blog, tôi quyết định theo làm nghiên cứu sinh ở tuổi 30. Nhiều người cho rằng đó là một quyết định thật điên rồ vì nó không phù hợp với quy chuẩn xã hội. Ở tuổi ấy, một người phụ nữ nên nghĩ đến chuyện kết hôn, sinh con, và ổn định công việc, thay vì đi học cao hơn.
Lúc ấy, tôi cảm thấy không hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, và thật sự muốn được theo đuổi một sự nghiệp liên quan đến nghiên cứu và giảng dạy. Nếu không đủ dũng cảm để từ bỏ sự an toàn, thì có lẽ hiện tại, tôi vẫn đang loay hoay đi tìm một cuộc sống mình mong muốn.
3. Có bằng tiến sĩ về Political Science
Tôi tự hào vì đã có bằng tiến sĩ về ngành Political Science. Niềm tự hào ấy không đến từ tấm bằng mà đến từ hành trình để đạt được tấm bằng ấy. Hành trình ấy là bao ngày làm việc cật lực, bao đêm mất ngủ, và bao lần phải dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
Tôi cũng tự hào vì đã đi xa hơn những kỳ vọng của bố mẹ. Bố tôi là người rất thích học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên không được học đại học. Trước khi mất, bố đã rất đầu tư cho việc học hành của hai con, và mơ ước của bố là các con có cơ hội học đại học.
Nếu bạn quan tâm đến ngành Political Science, bạn có thể xem video mới nhất của tôi dưới đây:
4. Tự lái xe chuyển nhà
Thật xấu hổ khi phải thừa nhận rằng tôi có bằng lái xe sau gần… 5 năm sống ở Mỹ.
Mãi đến năm 2022 khi chuẩn bị chuyển sang bang Maryland để bắt đầu công việc đầu tiên tôi mới quyết định thi lấy bằng lái xe ô tô. Suốt thời gian học tiến sĩ ở bang Arizona, bạn đồng hành làm việc ở ngay gần trường tôi, nên anh thường đưa tôi đến trường vào buổi sáng và đón tôi về nhà sau khi tan sở.
Năm 2020, khi tôi có ý định học lái xe thì…COVID-19 xuất hiện. Năm 2021, tôi lại quyết định trì hoãn thi bằng lái xe để mang thai và sinh con. Mãi đến năm 2022, khi nhận được công việc đầu tiên ở bang Maryland, tôi mới buộc phải học lái xe vì để đi làm, tôi phải tự lái xe hàng ngày. Haha.
Tôi nhận được bằng lái đúng một tuần trước khi rời Arizona để chuyển đến bang Maryland vào tháng 7 năm 2022. Thật ra, tôi phải thi hai lần mới đỗ.
Chúng tôi chuyển nhà từ bang Maryland đến bang Wisconsin để tôi nhận công việc mơ ước vào tháng 8/2023. Điều đó có nghĩa là tôi mới chỉ lái xe một năm trước khi chuyển đến Wisconsin.
Thật may mắn, chuyến road trip diễn ra tốt đẹp (hơn 1000 cây số trên đường cao tốc) và kỹ năng lái xe của tôi đã tiến bộ rất nhiều.
5. Thi đỗ vào trường chuyên Thái Nguyên
Có thể bạn đang nghĩ, “Thi đỗ trường chuyên thì có gì đáng tự hào?”
Thật ra, tôi không tự hào vì là học sinh trường chuyên. Điều tôi tự hào là hành trình đến ngôi trường ấy.
Tôi có mơ ước thi chuyên Anh của trường chuyên khi bắt đầu học lớp 9. Để thi vào trường Chuyên, tôi phải thi 3 môn là Anh, Toán, và Văn, nhưng kiến thức toán của tôi bị rỗng hoàn toàn. Lý do là vì, suốt từ lớp 6 đến lớp 8, tôi chỉ thích học một môn học duy nhất là Tiếng Anh.
Để biến mơ ước học trường Chuyên thành hiện thực, tôi đã lao vào học Toán một cách điên cuồng. Tôi đã học ngày, học đêm, học cả những ngày cuối tuần, để lấy lại kiến thức bị rỗng và đuổi kịp kiến thức đang được dạy trên lớp.
Tôi vẫn nhớ cô giáo dạy Toán năm ấy đã rất ngạc nhiên trước sự tiến bộ của tôi. Và tôi luôn tự hào vì năm ấy thi trường Chuyên tôi được gần 8 điểm cho môn Toán.
6. Đi làm thêm khi học đại học
Tôi luôn tự hào vì đã thật sự năng động trong quá trình học đại học.
Ngoài việc học, tôi đã làm rất nhiều công việc bán thời gian khác nhau như làm gia sư, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, phục vụ ở một nhà hàng Nhật, làm biên dịch tài liệu, và phiên dịch cho các dự án ngắn hạn, vân vân. Những công việc này không chi đem lại thu nhập mà còn giúp tôi cải thiện kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng mềm khác.
7. Ham học hỏi
Suốt những năm tháng 20 tuổi, tôi đã luôn khát khao hiểu bản thân mình, hiểu điểm mạnh, điểm yếu của mình.
Tôi luôn tin rằng để hiểu chính mình, ta phải dũng cảm vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân và lao vào làm thật nhiều thứ. Chỉ khi tạo cơ hội cho bản thân được va chạm với nhiều hoạt động và thử thách khác nhau, ta mới biết được điều gì thật sự dành cho mình.
Suốt những năm tháng 20 tuổi, ngoài làm nhiều công việc làm thêm khác nhau, tôi cũng từng học nhiều thứ không liên quan đến học hành như học đàn, học hát, học viết, và học ngoại ngữ. Ngoài tiếng Anh, tôi đã từng học tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Bahasa (Indonesia).
Khi bắt đầu đi học PhD, tôi luôn tự hỏi về danh tính của mình, “Mình muốn được biết đến như một nhà nghiên cứu định tính hay định lượng?” Và để tìm được câu trả lời, tôi cố gắng học thật nhiều lớp phương pháp nghiên cứu.
Chương trình PhD tại Đại học Arizona yêu cầu sinh viên phải học 3 lớp nghiên cứu bắt buộc. Nhưng ngoài 3 lớp này, tôi còn học rất nhiều môn học liên quan đến phương pháp nghiên cứu khác. Có thể nói, kỳ nào tôi cũng học một lớp Research Methods.
Suốt quá trình học PhD, tôi đã học các phương pháp sau: quantitiative methods, network analysis, experimental design, panel data analysis, Bayesian analysis, measurement, và cả các phương pháp định tính khác. Tạo cơ hội cho bản thân tiếp xúc với nhiều phương pháp khác nhau giúp tôi hiêu được phương pháp nào mình thích làm nhất và phù hợp nhất với nghiên cứu của mình.
Giờ đây, tôi cũng thích học những kiến thức mới mỗi ngày. Đó là lý do vì sao tôi thích làm nghiên cứu và giảng dạy, vì hai công việc này yêu cầu tôi phải luôn học hỏi và cập nhật kiến thức mới.
8. Dạy môn học mình từng sợ
Hiện tại, tôi đang dạy môn phương pháp nghiên cứu định lượng cho sinh viên đại học. Tôi cũng đang lên giáo án môn học về Big Data để dạy trong tương lai. Nếu quay lại hơn 5 năm trước khi vừa sang Mỹ học tiến sĩ, tôi sẽ không bao giờ tin được, có ngày tôi lại dạy những môn học này.
Trước khi bắt đầu chương trình tiến sĩ, tôi đã rất….sợ phương pháp định lượng. Tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ. (Haha). Vì lo lắng nên tôi đã làm việc vô cùng chăm chỉ để học thật tốt các môn này. Ngoài đọc các bài đọc và làm các bài tập giáo sư giao, tôi đọc thêm sách ngoài, xem các video, và học các khoá học bổ trợ khác trên mạng.
Vì thế, tôi đã học rất tốt các môn liên quan đến Quantitative Methods, và bây giờ có thể tự tin dạy sinh viên (và áp dụng vào nghiên cứu của mình).
9. Đi bộ hàng ngày
Vì công việc bận rộn nên tôi không có thời gian tập thể dục.
Tôi tận dụng thời gian ở trường để đi bộ hàng ngày. Tôi cố gắng đi bộ khảng 10000 bước một ngày (mẹ chồng gợi ý tôi mua một chiếc đồng hồ có thể đếm được số bước đi trong ngày, và sau gần một năm sử dụng chiếc đồng hồ ấy, tôi rất hài lòng!).
Tôi tranh thủ đi bộ quanh sân trường sau giờ ăn trưa và đi bộ từ nhà xe đến văn phòng.
Tôi tự hào vì đã duy trì được thói quen này gần một năm rồi!
10. Thanh lọc các mối quan hệ
Tôi tự hào vì ở tuổi này, tôi đã dũng cảm chỉ giữ lại những mối quan hệ thật sự khiến mình vui và có ý nghĩa với mình. Nếu một mối quan hệ nào đó (bạn bè, đồng nghiệp, gia đình) không khiến tôi thoải mái và hạnh phúc, tôi sẽ học cách loại bỏ nó ra khỏi cuộc sống của mình.
11. Tìm được công việc mơ ước ở Mỹ
Tôi rất yêu công việc hiện tại của mình và tôi thật sự tự hào vì đã tìm được công việc này. Hành trình đến với công việc ấy đầy chông gai, sự hi sinh, những đêm mất ngủ, những năm tháng nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ. Bạn có thể đọc thêm hành trình của mình tại đây.
12. Luôn quyết tâm theo đuổi mơ ước
Có lẽ điều tôi tự hào nhất ở bản thân là sự tập trung và lòng quyết tâm để theo đuổi ước mơ và mục tiêu mình đề ra. Nếu tôi đã xác định được điều mình thật sự mong muốn, tôi sẽ bỏ hết năng lượng, sự tập trung, và quyết tâm để theo đuổi đến cùng mục tiêu ấy.
Còn bạn, điều gì khiến bạn tự hào?
Cảm ơn bạn đã ghé đọc!
Chúc bạn một tuần mới thật vui.
Trương Thanh Mai
Hôm nay là một ngày hơi khó chịu với em. Thật may vì đã được đọc một bài viết mang tới cảm giác dễ chịu (và thật nhiều cảm hứng) từ chị.
Em chưa phải là một người dũng cảm để vượt qua vùng an toàn và đưa ra những quyết định hơi mạo hiểm một chút, nhưng đâu đó em cũng giống chị, luôn muốn cân bằng việc chạy đua với người khác và hài lòng với chính mình. Bởi em không muốn an phận quá và cũng không muốn bị người khác ảnh hưởng quá nhiều.
Mỗi tội thật buồn cười khi khoảng thời gian gần đây, em lại mất đi kha khá cảm giác hài lòng với bản thân, rồi bị ám ảnh bởi cuộc sống thành công của người khác. Nhưng em vẫn đang cố gắng để đối phó với nó đây ạ ^^
Cảm ơn em đã ghé đọc và chia sẻ suy nghĩ của em. Chị thấy thật không dễ để cân bằng hai việc này. Gần đây, chị cũng hài lòng hơn với bản thân một chút rồi. Chúc em một ngày vui 🙂