Tôi không có quá nhiều điều phải hối tiếc trong cuộc sống vì tôi luôn tin rằng mọi chuyện xảy ra đều dạy cho ta một bài học gì đó. Thay vì dằn vặt và chì chiết bản thân về những gì đã qua, tôi sẽ cố gắng phân tích nguyên nhân và các bài học có thể rút ra để tương lai không mắc phải những sai lầm tương tự.
Mọi quyết định ta đưa ra ở một thời điểm đều được dựa trên thông tin, hiểu biết, và hoàn cảnh của ta tại thời điểm đó. Tại thời điểm ấy, có thể, ta nghĩ đó là một quyết định đúng đắn. Nhưng rồi thời gian trôi qua, khi có nhiều thông tin, kiến thức, và sự từng trải hơn, ta mới nhận ra rằng đó là một quyết định sai lầm.
Vì thế, dằn vặt về chuyện đã xảy ra là không cần thiết bởi môi trường và cả bản thân ta ở hai thời điểm không hoàn toàn giống nhau.
Tất nhiên, thỉnh thoảng khi nghĩ về quá khứ, nhiều sự việc vẫn khiến tôi thấy hối tiếc, xấu hổ. Đôi lúc, tôi cảm thấy thương bản thân mình của ngày xưa.
Trong bài viết ngày hôm nay, xin chia sẻ với bạn 7 hối tiếc lớn nhất của tôi. Tôi đã học được rất nhiều bài học quý báu từ những trải nghiệm này.
Trân trọng hơn sự chăm chỉ
Có lẽ điểm mạnh lớn nhất của tôi là sự chăm chỉ, quyết tâm, và khả năng tập trung cao độ để theo đuổi mục tiêu mình đặt ra. Tôi đã từng là một học sinh, sinh viên rất chăm chỉ, dù có thể không phải là học sinh thông minh nhất. Nhưng ở Việt Nam, mọi người thường đánh giá cao sự thông minh hơn chăm chỉ.
Chắc bạn đã từng nghe nhiều bậc phụ huynh tự hào rằng con họ rất mải chơi nhưng vẫn đỗ đại học, vẫn được học sinh giỏi. Thậm chí nhiều giáo viên cũng tỏ rõ sự ưu ái đối với những sinh viên họ cho là thông minh dù học sinh đó không có thành tích học tập tốt như những bạn chăm chỉ. Khi thấy ai đó đạt được thành tựu gì trong học tập và nhiều mảng khác trong cuộc sống, nhiều người sẽ nói “X chỉ chăm chỉ thôi chứ thông minh bình thường”.
Sống trong một môi trường như thế, tôi đã phải luôn gồng mình giấu giếm sự chăm chỉ. Khi bạn bè đến chơi, tôi sẽ cất sách vở đi, và tỏ vẻ là mình suốt ngày chỉ chơi chứ không học hành gì. Khi đạt được một thành tích gì đó, tôi cũng nhấn mạnh với mọi người rằng, “dạo này, mình chỉ suốt ngày chơi thôi, không hiểu sao lại được giải thưởng ấy”.
Thật ra, mọi thành tựu dù lớn hay nhỏ tôi đạt được trong cuộc sống từ việc thi đỗ trường chuyên, đỗ đại học, tìm được học bổng du học ở bậc thạc sĩ, và tiến sĩ, đạt giải thưởng liên quan đến nghiên cứu, và tìm được công việc mơ ước ở Mỹ đều đến từ những tháng ngày làm việc miệt mài và chăm chỉ.
Và bây giờ, tôi thật sự tự hào vì những nỗ lực của mình!
Để đi đến được ngày hôm nay, tôi hiểu sâu sắc rằng để thành công, sự chăm chỉ và ý chí cực kỳ quan trọng. Một bộ óc thiên tài sẽ không thể đi được xa nếu thiếu đi tính chăm chỉ, và sự quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu đề ra.
Là một người dạy học, tôi luôn đánh giá cao những sinh viên chăm chỉ, cần mẫn.
Là một người mẹ, tôi muốn dạy con mình đức tính chăm chỉ, và chịu khó trong cuộc sống. Khi con làm được một điều gì đó như tự đi giày, tự mặc áo khoác, tự tô màu, vân vân, tôi sẽ không nói, “Ôi, con thật thông minh!” Tôi sẽ nói, “Con thấy không, con cứ cố gắng, làm nhiều mỗi ngày là con sẽ làm được đấy”.
Nếu có thể quay lại thời gian, tôi sẽ yêu trân trọng sự chăm chỉ và những cố gắng của bản thân nhiều hơn.
Lịch sự hơn với người có tình cảm với mình
Nếu có thể quay lại thời gian, tôi sẽ cư xử lịch sự hơn với những người có tình cảm với mình.
Vào năm thứ nhất đại học, tôi tình cờ gặp và chơi với một anh nhiều hơn một tuổi, học cùng trường Bách Khoa. Một lần, anh đã viết thư bày tỏ tình cảm với tôi (vâng, hồi đó mọi người thường viết thư tay chứ không viết email hay chat!).
Tôi đã chia sẻ là thư đó cho mọi người trong phòng ký túc xá. Khi biết được điều đó, anh đã rất tức giận và nói rằng, tôi đã coi thường và không trân trọng tình cảm của anh. Tôi đã vô cùng tức giận và cắt đứt liên lạc với anh bạn đó từ ngày ấy. Một lần khác, tôi đã thể hiện thái độ khó chịu và nói những lời lẽ khó nghe khi nhận được lời bày tỏ tình cảm từ một người bạn.
Nếu có thể quay lại thời gian, tôi sẽ lịch sự và khéo léo hơn khi từ chối tình cảm của người khác. Thật ra, những người có tình cảm chân thành với mình không làm gì sai. Đơn giản là họ quý mến mình vì một điểm gì đó. Tôi sẽ để ý đến cảm xúc của người khác hơn khi từ chối tình cảm của họ.
Khi còn trẻ hơn, tôi từng nghĩ giá trị của một người phụ nữ phụ thuộc vào việc người đó có ai theo đuổi hay không. Tôi chia sẻ lá thư của anh bạn đó cho các bạn cùng phòng vì muốn chứng tỏ với mọi người rằng tôi cũng có người theo đuổi. Giờ đây, khi nghĩ lại, tôi luôn cảm thấy xấu hổ vì hành động của mình.
Ta tuyệt đối không nên đem tình cảm của ai đó ra làm trò đùa!
Lắng nghe lời khuyên của những người nhiều kinh nghiệm hơn mình
Khi còn trẻ, tôi là người khá bướng bỉnh và hay tự cho mình giỏi (haha).
Một lần, khi nghỉ việc ở một tổ chức sau khi làm được khoảng 6 tháng để thử kinh doanh riêng (dạy tiếng Anh tại nhà), một người anh khá nhiều kinh nghiệm trong công ty đã tặng tôi cuốn sách Đừng bao giờ đi ăn một mình của doanh nhân Keith Ferrazzi. Anh cũng cho tôi những lời khuyên trong công việc và chỉ ra những khuyết điểm tôi cần cải thiện như cách viết email chuyên nghiệp, làm việc theo nhóm, cách nói chuyện trong văn phòng, vân vân.
Tôi đã quá tự phụ và kiêu căng. Tôi rất tức giận sau khi nhận được lời khuyên vì tôi cho rằng tôi đã….rất giỏi rồi. Tôi luôn cảm thấy xấu hổ khi nghĩ đến việc này vì hi vọng…anh đồng nghiệp đó không còn nhớ tôi là ai nữa. haha
Thật ra, bây giờ nghĩ lại, tôi nhận thấy, mọi khuyết điểm anh chỉ ra cho tôi đều đúng, và anh góp ý với thái độ rất chân thành và thật lòng muốn tôi tiến bộ. Tôi đã dần cải thiện những khuyết điểm của mình nên mới có thể đi được đến ngày hôm nay. Nhưng tôi ước, tôi đã hạ cái tôi xuống để lắng nghe lời khuyên có tính xây dựng của người khác nhiều hơn khi còn trẻ.
Khi còn trẻ và non nớt, ta cần cảm thấy may mắn khi ai đó thành tâm góp ý và chỉ ra những khuyết điểm của bản thân ta. Không ai là hoàn hảo. Điều quan trọng là ta nhận ra những thiếu xót của bản thân và dần cải thiện chúng để có thể thành công trong công việc và cuộc sống.
Tách bạch chuyện cá nhân và công việc
Làm việc nhiều năm ở Việt Nam trước khi sang Mỹ học tiến sĩ khiến tôi hiểu những mặt trái của chính trị công sở. Tôi đã từng là nạn nhân của “nền chính trị” ấy. Khi còn trẻ và thiếu kinh nghiệm sống, tôi từng vô tư kể những chuyện cá nhân và những suy nghĩ/cảm xúc riêng tư với đồng nghiệp. Người ta đã sử dụng những câu chuyện ấy để mua vui và đàm tếu trong văn phòng.
Khi còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, đôi khi tôi có những phát ngôn và hành động gây bất lợi cho bản thân ở môi trường công sở.
Trải nghiệm này giúp tôi học được cách không mang cuộc sống cá nhân đến môi trường làm việc.
Đặt rõ ranh giới về mặt tiền bạc
Nếu được quay lại thời gian, tôi sẽ tôn trọng bản thân hơn bằng việc đặt ra ranh giới rõ ràng về tiền bạc với người khác.
Tôi đã từng là người khá dễ tính về mặt tiền bạc. Tôi luôn sẵn sàng cho người khác vay tiền khi cần thiết nhưng luôn cảm thấy ngại và xấu hổ khi đi đòi. Vì sự dễ tính của mình, mà rất nhiều lần tôi không thể đòi lại số tiền mình cho vay ngay khi mình cần. Tôi từng cảm thấy tội lỗi khi đi đòi nợ như thể mình đang đi….xin tiền của người khác. Tôi đã từng có cảm giác không được tôn trọng, vì nếu người khác tôn trọng mình, họ cũng sẽ tôn trọng mồ hôi công sức mà mình bỏ ra để kiếm được đồng tiến ấy.
Chuyện tiền bạc thường làm rạn nứt tình cảm bạn bè. Một phần là lỗi từ tôi. Tôi ước mình đã rõ ràng và cứng rắn đặt ra những giới hạn rõ ràng trong chuyện tiền bạc ngay từ đầu.
Yêu ngoại hình của mình hơn
Khi còn trẻ hơn, tôi đã từng không tự tin về ngoại hình của bản thân. Tôi từng ước tóc mình mỏng hơn, mặt mình nhỏ nhắn hơn, mình cao hơn, mình gày hơn, mình trông cá tính hơn. Cơ bản là tôi từng muốn mình là một…..người khác!
Vì sự không tự tin mà tôi đã bao lần cố gắng thay đổi ngoại hình của mình: nhuộm tóc, uốn tóc, là tóc, làm xoăn hàng chục lần đến độ tóc xơ xác như rễ cây. Tuy nhiên, sự thay đổi về vẻ ngoài không thật sự làm tôi tự tin hơn vào chính mình.
Lý do chính có lẽ là vì môi trường ở Việt Nam cho rằng giá trị của một người phụ nữ nằm ở hình thức của họ. Cũng như nhiều bạn gái khác, tôi đã từng thích được khen là xinh khi đi ở ngoài đường , ở công viên, hay ở trong trường học. Mãi sau này, tôi mới nhận ra rằng, một môi trường thật sự tôn trọng phụ nữ sẽ không có những lời nhận xét và cười đùa về hình thức của phụ nữ như vậy.
Việc nhìn chằm chằm hay khen chê hình thức của một cô gái ở nơi công cộng thật ra rất bất lịch sự và vô duyên.
Tôi bắt đầu hoàn toàn tự tin vào hình thức của mình khi ở Mỹ. Tại đây, mọi người hoàn toàn tôn trọng sự khác biệt của bạn. Không một ai nhận xét hình thức của bạn. Mỗi khi hỏi chồng mình về cách ăn mặc và hình thức, anh thường bảo “em nên chọn phong cách nào em cảm thấy tự tin nhất, thoải mái nhất, và phù hợp với môi trường em đến.”
Nếu được quay lại thời gian, tôi sẽ yêu quý và trân trọng hình thức của mình hơn. Tôi đã dành quá nhiều thời gian và năng lượng để suy nghĩ về ngoại hình của mình.
Không hối tiếc về lựa chọn trường đại học
Tôi đã từng gần như trầm cảm vì nghĩ mình đã chọn sai trường đại học.
Khi học cấp 3, ước mơ của tôi là thi đỗ Đại học Ngoại thương. Tôi vẫn nhớ, những trang nhật ký mấy năm cấp 3 tại trường chuyên Thái Nguyên tràn đầy những dòng chữ như “một ngày mình sẽ trở thành sinh viên Ngoại thương”. Nhưng đến phút cuối, tôi quyết định thi khoa tiếng Anh kỹ thuật của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Lý do chính là vì tôi sợ trượt, sẽ khiến mẹ rất buồn. Tôi cũng từng nghĩ ngành biên phiên dịch tài liệu kỹ thuật sẽ rất có giá trong tương lai.
Năm ấy, tôi được 26.5 điểm thi đại học dành cho 3 môn (Anh, Toán, Văn), thừa điểm đỗ vào Ngoại thương. Điều này thật sự đã khiến tôi hối tiếc vì lựa chọn của mình.
Sau một thời gian hối tiếc, tôi quyết định ….sống với lựa chọn của mình.
Bây giờ, nghĩ lại, tôi nhận thấy chương trình học đại học đã tạo một nền tảng vững chắc cho tôi khi đi du học và làm việc ở nước ngoài. Có lẽ, kỹ năng quan trọng nhất mà tôi học được là kỹ năng viết tiếng Anh. Khi đi du học và bây giờ khi đã trở thành nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, kỹ năng viết của tôi luôn được đánh giá cao.
Tôi cũng học được rằng, trường đại học không quyết định số phận của bạn. Và không có chương trình học nào là hoàn toàn….vô giá trị.
Nếu có thể quay lại thời gian, tôi sẽ không mất quá nhiều thời gian và công sức để…hối tiếc về trường đại học của mình.
Trong bài viết ngày hôm nay, tôi chia sẻ 7 điều tôi hối tiếc trong cuộc sống. Như đã viết ở đầu bài, tôi không thường xuyên dằn vặt bản thân về những lựa chọn trong quá khứ, vì vậy, hiện tại, tôi không nghĩ nhiều về những điều này. Những trải nghiệm này đã cho tôi nhiều bài học quý báu, giúp tôi trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Tôi chia sẻ với hi vọng rằng bạn sẽ học được những bài học hữu ích từ hành trình của tôi.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc. Chúc bạn một tuần mới làm việc hiệu quả.
Trương Thanh Mai
Đồng cảm với chị chỗ chăm chỉ ghê. Trước giờ em cũng thuộc type chăm chỉ chứ không thông minh, nên hồi đi học cứ thấy tự ti, cũng không muốn trở thành một đứa chăm học hay mọt sách trong mắt bạn bè. Giờ nghĩ lại thấy chăm chỉ là điều tốt, tại sao lại phải giấu giếm rồi tự ti không biết =))))
Em luôn thích các bài viết của chị, nhiều bài học và cảm hứng lắm ạ.
Cảm ơn em đã ghé đọc! Ở Mỹ, đức tính hardworking được đánh giá cực kỳ cao. Thầy chị khi viết thư giới thiệu cho chị cũng nhấn mạnh sự chăm chỉ 😀