Bao nhiêu tuổi thì bị coi là già?

Một lần, một sinh viên hỏi tôi bao nhiêu tuổi. Sau khi nghe tôi trả lời là tôi 33 tuổi, sinh viên đó thốt lên rằng, tôi trông không già đến thế. Tôi không biết vui hay buồn trước lời nhận xét này nữa! Một mặt, lời nhận xét có ý khen tôi trông trẻ hơn tuổi, mặt khác nó hàm ý rằng thật ra tôi đã rất già rồi! (Haha). Cuộc trò chuyện đó với sinh viên khiến tôi tự hỏi, “Bao nhiêu tuổi thì một người có thể bị coi là đã già?” Một người trở nên già khi họ 30, 35, 40, 50, hay 70 tuổi? Có một độ tuổi nào đánh dấu sự già đi của một người hay không?

Tôi chợt nhận ra, không có một độ tuổi tuyệt đối nào đánh dấu một người đã già. Bạn có “bị” coi là già hay không phụ thuộc vào quan điểm, độ tuổi của người đưa ra lời nhận xét.

Đối với một em sinh viên 19-20 tuổi, không có gì ngạc nhiên khi em nghĩ rằng, 33 tuổi thật sự già! Tôi nhiều hơn em sinh viên đó những hơn 10 tuổi, gần như là thuộc một thế hệ khác (haha). Thật ra, hồi còn là sinh viên, tôi thấy những ai hơn mình từ 5 tuổi trở lên rất già! Đối với tôi ở tuổi 20, bất cứ ai từ 28 tuổi trở lên hẳn rất chín chắn, già dặn, và từng trải. 

Nhưng đối với một người 40, 50 tuổi thì có lẽ 33 tuổi còn rất trẻ. Mấy tuần trước, tôi chia sẻ những dự định về công việc, và cuộc sống với một chị bạn 40 tuổi. Chị bảo, “Em còn rất trẻ. Em còn rất nhiều thời gian và cơ hội để phấn đấu, và theo đuổi những hoài bão!” Chị chỉ hơn tôi 7 tuổi thôi đấy. Thật ra, bây giờ, khi nhìn các bạn 28, 30 tuổi, tôi cũng thấy các bạn rất trẻ! Thỉnh thoảng tôi nhận được tin nhắn của các bạn trẻ 25, 26 tuổi, chia sẻ rằng, các bạn thấy cuộc sống của mình vô vị, không có hoài bão, mà tuổi đã già rồi! Tôi mới thốt lên, “25, 26 tuổi mà đã tự coi mình già sao!” 

Đối với mẹ tôi, dù tôi 13, 23, 33, 43, 53, hay 73 có lẽ tôi vẫn là một đứa trẻ, cần sự lo lắng, quan tâm, và chăm sóc của mẹ. Có lẽ, trong mắt mẹ, tôi không bao giờ già đi! Trước khi học Đại học xa nhà, mỗi lần tôi có việc phải đi đâu đó, mẹ đều dặn tôi đi cẩn thận, mỗi lần đi qua ngõ phải đi chậm lại để kiểm tra xem có xe máy từ trong ngõ ra không. Mỗi lần ăn hoa quả, mẹ sẽ bảo tôi rửa thật sạch sẽ, kể cả khi ăn những loại quả cần gọt vỏ.

 Khi tôi đi học Đại học, lần nào gọi điện mẹ cũng không quên dặn tôi những điều này, như thể tôi vẫn là một cô bé 13, 15 tuổi, và vẫn đang ở với mẹ vậy. 

Và ngay cả bây giờ, khi tôi đã 33 tuổi, đã có gia đình riêng, và sống tự lập trên một đất nước khác, hàng ngày mẹ vẫn gọi điện hỏi han và nhắc nhở tôi. Hôm qua, mẹ gọi điện hỏi tôi ăn gì vào bữa tối. Tôi kể, tôi nấu thịt xào với giá, đậu rán, ăn với cơm, và tráng miệng bằng dâu tây. Mẹ mới bảo, con phải rửa dâu tây thật sạch vào nhé! Đối với mẹ, có lẽ khi tôi 43, mẹ vẫn dặn dò tôi như vậy. 

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một bài tâm sự của một giáo sư trên Twitter. Giáo sư vừa có con trai đầu lòng, và đêm đầu tiên sau khi từ bệnh viện về, giáo sư đã kiểm tra hơi thở của con, những 16 lần! (Haha). Giáo sư hỏi liệu “thói quen mới” này có thay đổi khi con lớn hơn không? Tôi bật cười khi đọc câu trả lời của mọi người vào tweet đó. Một người bảo, con họ đã 26 tuổi, và đang sống ở châu Âu, nhưng mỗi lần con về Mỹ thăm bố mẹ, họ vẫn thỉnh thoảng đêm đêm sang phòng kiểm tra hơi thở của con. Một nguời khác thì kể, con trai cô đã 16 tuổi, nhưng gần như đêm nào cô cũng sang phòng kiểm tra con. Nhiều người khác chia sẻ, “Thói quen này sẽ không thay đổi dù con có lớn thế nào đi nữa!”

Và quan điểm của chính tôi về tuổi tác của bản thân cũng thay đổi rất nhiều khi tôi trưởng thành hơn. Hồi còn là sinh viên, tôi luôn nghĩ đến tầm 33 tuổi, mình phải ổn định cuộc sống rồi, phải học xong rồi, phải có đủ mọi thứ mà xã hội cho là quan trọng rồi. Nhưng bây giờ khi đã ở độ tuổi 33, tôi vẫn thấy mình trẻ, non nớt, và có quá nhiều thứ phải học: học cách xây dựng một gia đình, học nuôi dạy con cái, học phát triển sự nghiệp, học về bản thân và thế giới xung quanh, vân vân và vân vân. Nhiều khi tôi cảm thấy, cuộc sống ý nghĩa thật sự mới chỉ bắt đầu thôi! 

Không để quan điểm về tuổi là rào cản trong cuộc sống.

 Tôi đã từng để suy nghĩ về tuổi tác làm mình muộn phiền. Trước khi sang Mỹ làm PhD ở độ tuổi 29, rất nhiều người khuyên tôi suy nghĩ kỹ, vì “tuổi đấy rồi còn đi học”, hoặc, “gần 30 tuổi thì học làm sao vào đầu được.” Đến khi sang Mỹ học, tôi mới nhận thấy, các bạn ở đây học tiến sỹ rất sớm, thường 1-2 năm sau khi tốt nghiệp Đại học. Có khi 30 tuổi, các bạn đã có bằng tiến sỹ và bắt đầu sự nghiệp. Tôi cũng ít nhiều thấy chạnh lòng!

Một lần, sau khi nghe tôi “phàn nàn”, chồng tôi bảo, nên lấy tuổi tác làm lợi thế, thay vì suốt ngày bị ám ảnh như thế. Và thế là, tôi dần thay đổi quan điểm của mình! 

Tôi nhận ra, một phần việc học PhD của tôi thuận lợi, và rất đáng nhớ là vì tôi bắt đầu muộn! 

Tôi bắt đầu làm tiến sỹ khi đã 29-30 tuổi, nghĩa là tôi đã có 6-7 năm kinh nghiệm đi làm. Tôi đã học được rất nhiều bài học quý giá về làm việc chuyên nghiệp, quan hệ với sếp và đồng nghiệp, kiếm tìm sự hợp tác trong công việc, vân vân và vân vân. Những bài học này đều được trả giá bằng những sai lầm, thất bại, và cả nước mắt! 

Vì học từ những sai lầm trước đây, mà sau mấy năm theo con đường nghiên cứu sinh, tôi đã xây dựng được “thương hiệu cá nhân” ở khoa. Trong mắt các giáo sư và bạn bè ở khoa, tôi là một người làm việc chuyên nghiệp, cẩn thận, sáng tạo, và tử tế đối với mọi người xung quanh. 

Đừng hiểu lầm ý tôi rằng, một người phải “già” mới có thể xây dựng được một thương hiệu như thế! Tôi đã thấy rất nhiều bạn nghiên cứu trẻ, thậm chí rất trẻ, làm việc rất chuyên nghiệp. Nhưng với riêng bản thân tôi, tôi sẽ không trở thành tôi của ngày hôm nay, nếu thiếu những năm đi làm đầy xương máu trước đây!!

Vì bắt đầu muộn, nên động lực và khát khao thành công trong tôi cũng rất lớn!

Nếu ta đang băn khoăn liệu ta đã quá già để bắt đầu một điều gì đó mới: một công việc mới, một tình yêu mới, một cuộc sống mới, thì giải pháp tốt nhất là bắt tay làm luôn ngay bây giờ, và biến tuổi tác thành lợi thế của mình! Nếu nhận ra, bản thân ta luôn bị ám ảnh bởi tuổi tác, thì mỗi một ngày trì hoãn, ta sẽ chỉ càng già đi mà thôi. 

Đôi khi ta cũng phải suy xét kỹ xem, khi ta nghĩ, ta đã quá già để làm một việc gì đó, thì thật sự ta nghĩ như vậy, hay ta đang dùng tuổi làm cớ để không phải đưa ra những quyết định khó khăn trong cuộc sống!

Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog!

Chúc bạn một tuần mới làm việc hiệu quả!

Trương Thanh Mai 

8 thoughts on “Bao nhiêu tuổi thì bị coi là già?

  1. Thực sự nhìn chị trẻ hơn tuổi thật.Mà em thấy ở VN cứ nhắc đến học tiến sĩ là hầu hết mọi người thường liên tưởng đến hình tượng già nua , nhưng trên thực tế em gặp đa phần ai đam mê học tập , nghiên cứu thì nhìn trẻ hơn hẳn. Chính cái khao khát cái mới làm con người ta trẻ . Em đọc bài viết của chị nhiều lắm lắm , thấy bài nào cũng hay và e cũng có nhiều suy nghĩ giống vậy. Chúc chị nhiều thành công và già nhanh hơn ( haha )

    1. Cảm ơn em đã ghé đọc blog và để lại comment thật dễ thương! Chị nhớ hồi còn ở Việt Nam, nhiều người cũng hình dung, các giáo sư thương già nua. Nhưng khi đi học PhD, tiếp xúc nhiều với các giáo sư, chị thấy đa phần họ có phong cách trẻ trung, và có nhiều sở thích ngoài công việc khá thú vị 🙂

  2. Đọc bài viết của chị thấy đồng cảm với những suy nghĩ này quá. Em cũng bắt đầu muộn, bỏ hết cả để đi du học lúc 29 tuổi và bây giờ bắt đầu mọi thứ lại từ đầu ở Canada. Nhiều lúc ước mình trẻ lại tầm 24, 25 tuổi thì tốt biết mấy 😀 nhưng việc gì cũng có thời điểm của nó chị nhỉ 🙂 Chúc chị một tuần vui!

    1. Cảm ơn em đã ghé đọc blog! Chị thấy thật sự ấn tượng trước những nỗ lực, và những gì em đã đạt được ở Canada. Nhiều lúc chị cũng nghĩ nếu đi học PhD từ lúc 25,26 tuổi thì thế nào. Nhưng hồi đấy chị thấy mình non dại quá, đi học chắc sẽ gặp nhiều vất vả hơn 😀 Chúc em luôn vui nhé!

  3. Mai lớn hơn con cả của tôi hai tuổi nên tôi mạn phép gọi là cháu nhé. Tôi nghĩ già và trẻ là khái niệm tương đối. Đúng như cháu nói bao nhiêu tuổi thì với mẹ vẫn là trẻ con, nhất là con út. 🙂 Chúng ta hôm nay già hơn mười năm trước và trẻ hơn mười năm sau. Ở tuổi nào chúng ta cũng có lúc cảm thấy mình trẻ con hay vụng dại. Và có lúc cũng thấy mệt mỏi như một người già. Tôi luôn có cảm tưởng mình già hơn tuổi thật cả chục tuổi, nhất là so với bạn bè trang lứa.

Leave a Reply