
Thời gian qua, tôi không thường xuyên cập nhật blog được vì bận viết và bảo vệ luận án tiến sĩ. Tôi đã chính thức bảo vệ thành công luận án vào ngày 29/04/2022. Hiện tôi đang sửa lại bài theo yêu cầu của các giáo sư trong hội đồng, và dự định sẽ nộp quyển luận án hoàn chỉnh cho trường trong vòng 1-2 tháng tới. Sau khi bảo vệ, tôi có nhiều thời gian rảnh hơn (chẳng hạn khi con gái ngủ, tôi có thể viết blog thay vì viết bài nghiên cứu haha). Hôm nay, xin chia sẻ với bạn những suy nghĩ của tôi về lễ bảo vệ luận án tiến sĩ. Viết lại cũng giúp tôi lưu giữ và ghi nhớ cột mốc quan trọng này của con đường nghiên cứu sinh.
Luận án tiến sĩ là gì?
Như tôi đã chia sẻ rất nhiều trong các bài viết trên blog, mục đích của một chương trình tiến sĩ là nhằm đào tạo các nhà nghiên cứu/học giả độc lập, các chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể nào đó. Vì vậy, làm tiến sĩ là quá trình học việc để trở thành một nhà nghiên cứu độc lập. Luận án tiến sĩ là sản phẩm để những người có chuyên môn trong ngành đánh giá khả năng nghiên cứu độc lập của bạn.
Luận án tiến sĩ đạt chuẩn khi qua đó, bạn thể hiện được (1) khả năng đặt câu hỏi, (2) khả năng đưa ra giả thuyết, (3) khả năng thiết kế nghiên cứu một cách khoa học để tìm đáp án cho câu hỏi, (4) khả năng phân tích dữ liệu, và (5) khả năng trình bày nghiên cứu một cách khoa học, rõ ràng, và mạch lạc. Luận án phải có đóng góp đó mới cho ngành. Sự mới mẻ có thể được thể hiện bằng nhiều cách như trả lời một câu hỏi mới chưa có nhiều người làm hoặc đưa ra một góc nhìn mới cho một câu hỏi cũ.
Luận án của tôi tìm hiểu những điều kiện thúc đẩy sự hợp tác giữa hai phong trào xã hội khác nhau về bản chất (hay mục tiêu ban đầu). Các nghiên cứu trước đó (phần lớn được thực hiện ở Mỹ) chỉ ra rằng các phong trào xã hội (như phong trào lao động, phong trào chống Mỹ can thiệp vào chiến tranh ở Việt Nam hay Iraq, phong trào bảo vệ môi trường, phong trào nữ quyền, vân vân) thường liên minh với nhau khi có các cơ hội chính trị chín muồi, hoặc cùng bị đe doạ bởi một nguy cơ chính trị nào đó, hoặc có ít nhiều sự tương đồng về sứ mệnh, mục tiêu, vân vân.
Luận án của tôi cung cấp một yếu tố mới có thể ảnh hưởng đến quyết định tham gia liên minh của các phong trào xã hội, đó là thái độ và ý kiến của công chúng đối với các phong trào xã hội. Tôi cũng sử dụng một phương pháp luận mới mẻ ít được dùng trước đây để tìm hiểu vấn đề này. Tôi rất thích tìm hiểu về các phong trào xã hội, và luận án của tôi cố gắng giải đáp những thắc mắc của bản thân khi quan sát sự hoạt động của các phong trào đang diễn ra trên thế giới. Luận án trước hết là để thoả mãn sự hiếu kỳ của bản thân tôi về một hiện tượng xã hội thú vị (đối với tôi).
Khi mới bắt đầu làm tiến sĩ, rất nhiều người (trong đó có tôi) mong muốn luận án của mình phải cách mạng hoá kiến thức của nhân loại, thay đổi quan điểm suy nghĩ của những chuyên gia trong ngành, và để lại một dấu ấn sâu sắc. Dần dần, tôi hiểu rằng, luận án cần phải có đóng góp mới, nhưng quan trọng hơn cả, nó phải thể hiện được khả năng nghiên cứu, suy nghĩ độc lập của một nghiên cứu sinh. Luận án không nên là sản phẩm nghiên cứu tốt nhất của một người trong suốt sự nghiệp. Luận án là sản phẩm nghiên cứu độc lập đầu tiên, nhưng các sản phẩm sau phải luôn tốt hơn nó. Để phát triển luận án thành sách, hoặc các bài báo riêng lẻ, ta luôn cần thêm nhiều thời gian. Kế hoạch 4-5 năm tới của tôi là biến luận án thành sách, và để làm được điều đó tôi cần thu thập thêm số liệu.
Lễ bảo vệ luận án của tôi diễn ra thế nào?
Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ của tôi diễn ra trong vòng 2 tiếng, từ 9 giờ sáng đến 11 giờ sáng ngày 29/04. Tôi không cần phải trình bày gì cả, vì theo như giáo sư hướng dẫn tôi, cả hội đồng ai cũng đọc kỹ những gì tôi viết rồi. Trình bày lại những gì người khác đã đọc kỹ là không cần thiết và tốn thời gian. (Điều này tuỳ thuộc từng hội đồng nhé). Hội đồng luận án của tôi có tất cả 5 giáo sư, trong đó một người đang đi giảng dạy và nghiên cứu ở Ý, và một người đang ở Argentina.
Hai giáo sư đang đi công tác ngoài Mỹ phải tham dự buổi bảo vệ của tôi qua Zoom. Đúng 9 giờ, giáo sư hướng dẫn (cũng là chủ tịch hội đồng luận án) trình bày mục đích buổi gặp mặt, sau đó mời tôi ra khỏi phòng khoảng 5 phút để họ thảo luận (chắc là về thứ tự đặt câu hỏi). Giáo sư hướng dẫn là người chủ trì buổi bảo vệ của tôi. Thầy mời từng thành viên trong hội đồng đặt câu hỏi cho tôi, và ghi lại những góp ý và yêu cầu chỉnh sửa của từng giáo sư. Lưu ý là giáo sư hướng dẫn sẽ không đặt câu hỏi cho tôi, vì thầy đã góp ý, phê bình rất chi tiết cho tôi trong suốt quá trình làm luận án rồi.
Đầu tiên tôi nhận được các câu hỏi về substantive như về giả thuyết, khung lý thuyết, đóng góp cho ngành, vân vân. Tiếp sau đó là các câu hỏi về phương pháp luận như chọn mẫu, tính chất mẫu, diễn giải mô hình, kết quả mô hình (substantive effects, substantive findings). Các giáo sư cũng muốn biết hướng đi tương lai cho luận án. Tôi muốn phát triển luận án thành sách hay gửi các chương đến các tạp chí? Tôi có cần thu thập số liệu mới không? Tôi có cần làm lại khảo sát không?
Mỗi người sẽ có khoảng 20 phút đặt câu hỏi cho tôi và nghe tôi giải đáp. 10-15 phút cuối tôi được mời ra khỏi phòng để hội đồng thảo luận xem buổi bảo vệ của tôi có đạt không và tôi cần sửa những gì trước khi nộp cuốn luận án cho trường. Khi tôi được mời lại vào phòng, các giáo sư vỗ tay và nói “Chúc mừng Dr. Trương!” Sau đó, chủ tịch hội đồng chia sẻ những phần họ muốn tôi sửa trong cuốn luận án hoàn chỉnh.

Buổi bảo vệ thật sự rất hữu ích
Đêm trước ngày bảo vệ tôi gần như không ngủ được gì cả, chắc chỉ chợp mắt chập chờn được khoảng 1-2 tiếng. Từ nhỏ tôi đã luôn như vậy: không thể ngủ được khi sáng hôm sau có một sự kiện quan trọng diễn ra.
Trên đường từ nhà đến trường bảo vệ, tôi vừa háo hức vừa hồi hộp. Háo hức vì sau bao năm nỗ lực phấn đấu hết mình, tôi đã sắp hoàn thành chương trình tiến sĩ. Hồi lộp vì lo liệu mình có đỗ ngay không (dù biết rằng khi hội đồng đã cho phép tôi bảo vệ, nghĩa là họ biết luận án đã đạt chuẩn. Biết vậy nhưng vẫn rất vẫn lo lắng!).
Khi gần đến trường, tôi chợt nghĩ, để không bị cảm giác lo lắng choáng ngợp, tôi cần phải thay đổi cách nhìn về buổi lễ bảo vệ luận án. Tôi nhớ lại lời khuyên của giáo sư hướng dẫn: “Hãy coi lễ bảo vệ như một hội thảo nhỏ chỉ riêng về nghiên cứu của em”. Ý thầy là, tôi hãy coi đây là cơ hội để xin ý kiến đóng góp, và phê bình cho nghiên cứu của mình. Có lẽ đây sẽ là lần duy nhất trong suốt cả sự nghiệp, có 5 bộ óc cực kỳ thông minh, sắc sảo, và hiểu biết cùng ngồi và bàn về nghiên cứu của tôi! Của riêng mình tôi!! Chắc từ nay về sau, tôi sẽ ít có cơ hội có hẳn 2 tiếng liền để chia sẻ, và trả lời các câu hỏi liên quan đến nghiên cứu của riêng mình.
Với tâm thế ấy, tôi cảm thấy buổi bảo vệ luận án thật sự thật sự rất hữu ích cho hướng đi tương lai của tôi.
Thứ nhất, nhiều câu hỏi của các giáo sư khiến tôi chợt này ra các ý tưởng nghiên cứu mới. Tôi thật sự muốn theo đuổi những ý tưởng ấy sau khi bắt đầu vị trí giáo sư dự khuyết ở trường Đại học mới. Ví dụ, giáo sư chuyên về phong trào xã hội (đến từ khoa Xã hội học) đã hỏi tôi, liệu kết quả của chương 5 có thật sự đến từ hiệu ứng của mạng xã hội như Facebook không? Nếu một phong trào quảng bá (endorse) một trong trào khác thông qua các kênh truyền thống như tờ rơi, báo chí, tôi có nghĩ, sự quảng bá này sẽ tác động đến dư luận theo một cách khác không? Câu hỏi ấy khiến tôi nghĩ đến việc triển khai một thí nghiệm để tìm hiểu liệu có sự khác nhau giữa việc kêu gọi sự ủng hộ một phong trào xã hội thông qua mạng xã hội và thông qua tờ rơi truyền thống.
Thứ hai, không chỉ đặt câu hỏi cho tôi, các giáo sư còn tranh luận với nhau về nghiên cứu của tôi. So cool!! Và chính những tranh luận ấy đã làm sáng tỏ một vài điều khiến tôi suy nghĩ rất nhiều trong quá trình viết luận án. Xin chia sẻ với bạn một ví dụ cụ thể liên quan đến manipulation check.
(Trong thí nghiệm, manipulation checks được tiến hành để kiểm tra xem các treatments có tác động đến người tham gia như mong muốn của nhà nghiên cứu không. Ví dụ, bạn làm một nghiên cứu tìm hiểu xem tâm trạng vui vẻ có nâng cao năng suất làm việc không. Bạn lựa chọn ngẫu nhiên một nhóm người và cho họ xem một video hài hước (treatment), với kỳ vọng video này sẽ khiến tâm trạng người xem vui vẻ, sau đó bạn sẽ đo năng xuất làm việc của nhóm này trong ngày. Điều quan trọng là video này phải thật sự khiến tâm trạng người xem vui vẻ. Sau khi nhóm người này xem video, bạn có thể làm manipulation checks, bằng cách đặt các câu hỏi về tâm trạng của họ. Manipulation checks đạt khi nhìn chung, nhóm người xem video thể hiện tâm trạng vui vẻ hơn nhóm không được xem video. Tôi chợt nghĩ ra ví dụ đơn giản này thôi. Hãy bỏ qua nếu nó không được khoa học lắm! haha)
Tất cả các manipulation checks trong luận án của tôi đều rất tốt, ngoại trừ đúng một phần. Trong một chương của luận án, tôi có một thí nghiệm, ngẫu nhiên chia người tham gia thành hai nhóm. Một nhóm đọc một phong trào xã hội xảy ra do những vấn đề về quản trị ở cấp chính quyền địa phương (hãy tạm gọi là nhóm 1). Nhóm còn lại cũng đọc về phong trào đó, nhưng tôi nhấn mạnh rằng nó xảy ra là do vấn đề ở quản trị trung ương (nhóm 2). Manipulations check cho nhóm 1 rất ổn, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, phong trào xã hội kia có nguồn gốc từ các vấn đề ở địa phương. Nhưng ở nhóm 2, một nửa số người tham gia cho rằng vấn đề nằm ở chính quyền địa phương, trong khi tôi muốn họ tin rằng, phong trào đó xảy ra là do quản trị ở cấp trung ương.
Tôi giải thích rằng, có thể người tham gia nghiên cứu hoàn toàn tin rằng, phong trào xã hội kia xảy ra là do quản trị địa phương, ngay cả khi thông tin tôi cung cấp (treatments) cố gắng thuyết phục họ lý do nằm ở quản trị trung ương. Trong một phần của phân tích số liệu, tôi có loại bỏ những người không đạt manipulation checks, và chỉ so sánh những người “thi qua” ở hai nhóm với nhau.
Các giáo sư tranh luận với nhau về vấn đề này và nghĩ rằng, việc quá nhiều người không qua được manipulation checks ở nhóm 2 (nhóm tôi muốn họ tin rằng lý do phong trào xảy ra là do quản trị ở trung ương), có thể là vì “preference falsification”(đây là hiện tượng chỉ việc người tham gia nghiên cứu dấu quan điểm, niềm tin thật của mình, và đưa ra câu trả lời mà họ nghĩ rằng phù hợp với mong đợi, chuẩn mực của xã hội). Có thể, mọi người ngần ngại công khai đổ lỗi cho quản trị ở cấp trung ương, ngay cả khi họ thật sự tin như thế. Nếu thế, khi tôi chỉ so sánh những người qua manipulation check ở nhóm 2 với những người qua manipulation check ở nhóm 1, tôi đang so sánh những người sẵn sàng nói thật ở nhóm 2 với cả những người dám và không dám nói thật ở nhóm 1. Để kết quả được chuẩn hơn, các giáo sư gợi ý tôi phải tìm hiểu đặc điểm của những người đạt manipulation check ở nhóm 2 (họ có những đặc điểm nhân khẩu học gì khiến họ sẵn sàng trả lời thật lòng), và tìm những người có đặc điểm tương tự ở nhóm 1, rồi so sánh hai nhóm với nhau.
Để làm được điều này, tôi phải áp dụng một phương pháp mới tôi đã được học nhưng chưa sử dụng bảo giờ là Propensity Score Matching.
Tự nhiên thấy sáng dạ ra bao nhiêu! Cảm giác hài lòng này (satisfying) thật sự rất khó diễn tả thành lời!
Cuối cùng, buổi bảo vệ khiến tôi có cái nhìn rõ ràng hơn về hướng đi cho nghiên cứu trong tương lai. Một giáo sư nói rằng, buổi bảo vệ của tôi đã trở thành “ a very productive discussion” (một buổi thảo luận rất hiệu quả và sôi nổi về nghiên cứu của tôi.) Buổi bảo vệ luận án tiến sĩ khiến tôi thêm chắc chắn rằng, tôi thật sự yêu thích nghiên cứu. Tôi thích đi kiếm tìm câu trả lời cho những câu hỏi nghiên cứu mà tôi quan tâm, tôi thích viết lách, thích phân tích số liệu. Khi phát hiện ra điều gì mới mẻ, tôi luôn cảm thấy rất vui và hài lòng- một cảm giác rất khó diễn tả thành lời. Tôi cũng rất yêu thích giảng dạy, và mong muốn được truyền đạt kiến thức, kỹ năng mà tôi học được trong quá trình học tiến sĩ cho sinh viên.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn một tuần mới thật vui!
Trương Thanh Mai
xin chúc mừng chị 🙂
Cảm ơn em đã ghé đọc!
Chúc mừng chị ạ! Em đã theo dõi blog của chị được 2 năm nay và đã học được rất nhiều từ chị về quá trình PhD và cả những kinh nghiệm nghiên cứu mà chị chia sẻ! Chúc chị thành công trên con đường mới!
Cảm ơn em đã đồng hành cũng blog 2 năm qua nhé!
Xin chúc mừng chị Mai. Mong rằng con đường mới sẽ cho chị thêm nhiều cơ hội nghiên cứu và phát triển các ý tưởng của mình.
Em bắt đầu đọc Blog từ những chia sẻ của chị về năm thứ 3 học nghiên cứu và thấy những nội dung đó dù về mặt tích cực hay tiêu cực cũng tạo thêm rất nhiều động lực cho em theo đuổi sự học tập ở bậc cao hơn. Em cảm ơn và mong chờ các bài viết mới của chị.
Cảm ơn em nhiều! Hi vọng trong thời gian tới, chị có thể cập nhật blog được nhiều hơn.
Em chúc mừng chị, em đồng quan điểm vơi chị. Luận án không phải là cái đích cuối của con đường học thuật của một người. Cảm ơn chị đã cho những chia sẻ rất bổ ích. Em luôn theo dõi mọi bài viết của chị và học được rất nhiều từ chị!
Cảm ơn em nhiều! Chị rất vui em thấy các bài viết của chị hữu ích.