
Nhiều người ngạc nhiên khi tôi quyết định đi xin việc (on the job market) khi đang mang thai Pumpkin. Nhiều người khuyên tôi nên xin nghỉ một kỳ hoặc một năm, rồi sang năm đi tìm việc cũng được. Nhưng tôi quyết định chỉ xin nghỉ có lương 6 tuần, sau đó vẫn quay lại làm trợ lý nghiên cứu (Research Assistant), viết luận văn, và đi tìm việc như dự định. (Phần lớn sinh viên tiến sỹ sẽ đi tìm việc mùa thu năm thứ 5 hoặc thứ 6, nếu có việc sẽ bắt đầu đi làm một năm sau đó). Thật ra, nếu tôi kéo dài chương trình tiến sỹ thêm một năm, khoa sẽ vẫn có funding cho tôi. Nhưng tôi vẫn quyết định đi tìm việc khi bước vào mùa thu năm thứ 5. Giáo sư hướng dẫn và hội đồng luận văn rất ủng hộ quyết định của tôi.
Có hai lý do chính khiến tôi đưa ra quyết định này. Một là, sau gần 5 năm theo đuổi con đường Ph.D, tôi thật sự nghĩ đã đến lúc bước sang một chương mới của cuộc đời. Tôi muốn trở thành giáo sư đại học, được áp dụng những kỹ năng, kiến thức mình khổ luyện suốt mấy năm qua để dạy sinh viên, và theo đuổi những ý tưởng nghiên cứu mình thích. Pumpkin đã cho tôi động lực rất lớn để cố gắng hoàn thành chương trình tiến sỹ đúng hạn và đi làm. Tôi muốn ổn định để nuôi con, chăm con khôn lớn, và sâu thẳm, tôi hi vọng khi lớn lên con sẽ tự hào về mẹ nó (hihi). Thứ hai, tôi khá hứng thú với quá trình xin việc. Quá trình này giúp tôi suy nghĩ một cách nghiêm túc về con đường nghiên cứu và triết lý dạy học của bản thân.
Tất nhiên, vừa sinh con, vừa viết luận văn, vừa xin việc sẽ có nhiều thách thức. Có lúc rất mệt và căng thẳng, nhưng tôi đã học được rất nhiều điều thú vị trong suốt quá trình ấy. Trong bài blog tuần này, xin chia sẻ với bạn những điều ấy.
Sự chuẩn bị rất quan trọng
Một bộ hồ sơ xin vào một vị trí giáo sư đại học bậc đầu tiên (Assistant Professor) ở Mỹ gồm rất nhiều tài liệu: một bài viết khoảng 2-3 trang về hướng nghiên cứu (Research Statement), một bài viết 1-2 trang về triết lý dạy học (Teaching Statement), CV, 2 trang thư xin việc (Cover Letter), một hai bài viết mẫu (writing samples). Những tài liệu này không hề dễ viết và không thể chỉ viết trong một hai ngày. Ngoài ra, tôi cũng phải gửi các tài liệu trên cho ba giáo sư tôi muốn nhờ họ viết thư giới thiệu từ sớm để họ có thời gian soạn thư cho tôi.
Thị trường việc làm học thuật ở Mỹ thường bắt đầu mở vào tháng 8 hàng năm, nếu bạn nhận được lời mời làm việc thì sẽ bắt đầu công việc một năm sau đó. Ngày dự sinh của tôi là 30/9/2021, nên tôi đã lên kế hoạch chuẩn bị ngay từ đầu năm 2021. Tháng 5, tôi đã viết xong bản nháp các tài liệu trên, và gửi cho các giáo sư trong hội đồng luận văn đọc và nhận xét. Tôi phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần mới cảm thấy hài lòng. Đến tầm tháng 8 thì tôi có được bộ hồ sơ hoàn chỉnh.
Ngay khi có các tài liệu hoàn chỉnh, tôi bắt đầu nộp cho tất cả các trường mình thích. Quá trình nộp cũng mất nhiều thời gian vì phải sửa bài viết cho phù hợp với vị trí mà trường đang tìm kiếm. Bước sang tháng 9, tôi biết là Pumpkin có thể ra đời bất cứ lúc nào, nên tôi cố gắng nộp hồ sơ càng nhiều càng tốt trước khi đến ngày dự sinh.
Tôi nhận thấy điều quan trọng nhất khi đi xin việc lúc mang thai là có một kế hoạch cụ thể rõ ràng về mặt thời gian. Đặt ra lịch viết hồ sơ, lịch hoàn thành hồ sơ, lịch liên hệ với giáo sư xin thư giới thiệu, vân vân, và bám sát kế hoạch đề ra. Bản thân tôi thấy khá thích quá trình xin việc vì đây là cơ hội để tôi suy nghĩ và viết ra kế hoạch nghiên cứu và triết lý giảng dạy một cách nghiêm túc và cụ thể.
Linh hoạt trong kế hoạch của mình
Quá trình mang thai và sinh con chứa đựng rất nhiều sự bất định. Trên đường đến bệnh viện, tôi và bạn đồng hành tưởng tượng đến bao điều thú vị, nào là khi Pumpkin vừa cất tiếng khóc thì mình sẽ phản ứng thế nào, cảm giác da kề da ra sao, ở viện một ngày hai hai ngày, Pumpkin trông sẽ thế nào, tính cách ra sao, vân vân. Nhưng chẳng có bất cứ điều gì xảy ra đúng như chúng tôi dự định 😂.
Tôi phải ở viện một tuần, đau và mệt một thời gian dài. Lúc về nhà được 2-3 tuần thì tôi nhận được lời mời phỏng vấn đầu tiên. Lúc này tôi đã có suy nghĩ khác: không cần phải sống chết có việc ngay nữa, tôi sẽ cố gắng hết sức, còn đâu để kệ…số phận. Tôi cũng đã nghĩ rằng nếu năm nay chưa có việc thì sẽ ở lại trường thêm một năm, rồi mùa thu sang năm lại on the job market tiếp.
Lúc nhận được email mời phỏng vấn, tôi thấy rất vui và phấn chấn. Tôi bảo với bạn đồng hành, “Không biết có qua phỏng vấn không, nhưng thấy có trường ấn tượng với hồ sơ của mình, cũng thấy đỡ lo.”
Nghĩ lại, tôi thấy quyết định tìm việc ngay năm 2021 thật đúng đắn. Chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn giúp tôi quên đi những gì mình trải qua khi sinh Pumpkin. Chuẩn bị cho bài thuyết trình nghiên cứu và dạy thử khiến tôi nhận thức sâu sắc rằng, tôi muốn bản thân mình có thật nhiều bản sắc: không chỉ là một người mẹ, mà còn là một nhà nghiên cứu, người giảng dạy.
Hiểu hơn về giá trị bản thân theo đuổi
Phỏng vấn cho vị trí giáo sư đại học rất khác với các cuộc phỏng vấn xin việc ở những ngành khác. Sau khi qua vòng hồ sơ, có trường sẽ mời bạn phỏng vấn qua Zoom trước. Thường họ sẽ phỏng vấn khoảng 10 người qua Zoom (screening interviews), sau đó sẽ chọn 3 người đến trường phỏng vấn (campus interviews). Có trường sẽ mời ứng viên đến trường phỏng vấn luôn không qua screening interviews.
Phỏng vấn tại trường (campus visit) thường diễn ra khoảng hai ngày. Ngày đầu tiên thường bắt đầu bằng việc họ đón bạn ở sân bay, và mời đi ăn tối. Tuy bữa tối khá thân mật và thoải mái, nhưng họ đã bắt đầu đánh giá bạn rồi. Ngày hôm sau, bạn sẽ phải trình bày bài nghiên cứu hoặc/và giảng thử trước hội đồng giáo sư của khoa, gặp gỡ riêng với sinh viên, và từng giáo sư, gặp gỡ cả dean và provost của trường. Nói chung lịch làm việc của ngày phỏng vấn thứ 2 rất mệt và căng thẳng.
Lúc tôi nhận được các lời mời phỏng vấn, Pumpkin chỉ mới vài tuần tuổi. Hai cuộc phỏng vấn đầu đều qua Zoom nên tôi không cần chia sẻ về chuyện vừa sinh con và con còn nhỏ.
Trường Mount St. Mary’s ở Maryland lại muốn mời tôi đến tận trường phỏng vấn sau khi tôi đã qua vòng screening interview. Tôi và bạn đồng hành đã nghĩ rất kỹ có nên chia sẻ với họ việc tôi đang nuôi con nhỏ không, vì tôi phải hút sữa trong ngày. Phải cố gắng mãi tôi mới có sữa cho con bú và nếu không hút, tôi rất dễ bị tắc tia sữa. Cuối cùng tôi quyết định chia sẻ với họ và hi vọng họ có thể cho tôi thời gian hút sữa trong ngày phỏng vấn. (Tôi và bạn đồng hành nghĩ rằng, khi biết tôi có con nhỏ, họ sẽ lo lắng liệu tôi có hoàn thành luận án tiến sỹ trước tháng 8/2022 được không).
Sau khi có con tôi đã nghĩ khác. Tôi muốn làm việc ở môi trường thân thiện với phụ nữ, tôn trọng phụ nữ có con nhỏ. Tôi cũng mong muốn làm việc ở môi trường mà đồng nghiệp hướng về gia đình và trân quý các giá trị gia đình. Nếu trường này không thể đáp ứng yêu cầu của tôi và chấp nhận rằng ngoài là một người theo đuổi con đường dạy học, nghiên cứu, tôi còn là một người mẹ, thì đây cũng không phải là môi trường làm việc tốt. Phỏng vấn tại trường là cơ hội tốt để tôi đánh giá thái độ và suy nghĩ của họ đối với phụ nữ chăm con nhỏ khi đi xin việc.
Thật bất ngờ, trưởng khoa và các giáo sư khác trong khoa rất hỗ trợ tôi suốt quá trình phỏng vấn. Giáo sư trưởng khoa cho tôi mượn phòng làm việc để hút sữa hai lần trong ngày phỏng vấn. Theo kế hoạch tôi ăn trưa với một nhóm sinh viên một tiếng rưỡi, nhưng cô đã bảo sinh viên cố gắng kết thúc bữa trưa trong vòng một tiếng, để tôi có thời gian hút sữa và xem lại bài giảng trước khi giảng thử.
Trong khi dùng bữa tối và vào ngày phỏng vấn, mọi người không ngại chia sẻ với tôi về gia đình họ, họ kể cho tôi con cái họ bao nhiêu tuổi, đang học/làm ở đâu, và cho tôi xem ảnh gia đình nữa. Các giáo sư cũng bảo tôi điều tuyệt vời nhất khi sống gần Washington D.C (tôi dự định sẽ sống ở Frederick, chỉ cách D.C chưa đến một tiếng lái xe, và cách trường khoảng 20 phút) là có rất nhiều hoạt động cho trẻ con. Tôi cũng không ngần ngại mà chia sẻ với họ ảnh và video về Emily. Lúc ấy Emily mới 10 tuần tuổi nhưng đã biết tạo dáng rồi (haha). Tôi cũng bảo họ tôi nhớ Emily lắm, nhưng may mắn có bố và bà nội chăm sóc rồi! (Bạn đồng hành rất háo hức sống gần Washington D.C vì anh sẽ có cơ hội tìm được công việc tốt, như ý muốn)
Tôi cảm nhận những người đồng nghiệp rất thú vị và đề cao giá trị gia đình- điều rất quan trọng với tôi, đặc biệt sau khi trở thành mẹ. Tôi cũng thấy vui vì đồng nghiệp tôn trọng tôi với cả hai bản sắc (identity): là mẹ, và là nhà nghiên cứu/dạy học. Cả hai bản sắc này đều quý giá đối với tôi.
Ba tuần trước, cô trưởng khoa có liên hệ với tôi để bàn về kế hoạch công việc của tôi kỳ mùa thu tới. Cô khuyên nên tìm nhà trẻ cho con từ bây giờ và đặt chỗ từ sớm. Tôi sẽ bắt đầu công việc vào tháng 8, lúc ấy Pumpkin sẽ được gần 1 tuổi. Cô còn gửi cho tôi danh sách…54 nhà trẻ cùng địa chỉ email và số điện thoại để tôi liên hệ hỏi.
Có thể tôi sẽ không làm ở đây mãi mãi, nhưng tôi nghĩ đây là môi trường tốt để bắt đầu sự nghiệp giáo sư đại học của mình.
Pumpkin là động lực lớn
Khi quyết định sinh con vào năm thứ 4 tiến sỹ, tôi có rất nhiều lo lắng. Tôi hay tự hỏi: Liệu tôi có thời gian để viết luận văn không? Liệu tôi có sức mà đi xin việc không? Liệu tôi có hoàn thành được chương trình tiến sỹ không? Thật bất ngờ, Pumpkin đã cho tôi động lực rất rất lớn để làm việc và theo đuổi ước mơ. Tôi muốn cùng bạn đồng hành và Emily bước sang một chương mới của cuộc đời. Trong chương ấy, tôi không chỉ là một người làm nghiên cứu, dạy học, mà còn là một người mẹ!
Cảm ơn bạn đã dành thời gian ghé blog của tôi! Chúc bạn một tuần mới làm việc hiệu quả và thật nhiều niềm vui!
Trương Thanh Mai
Khá lâu rồi mới thấy chị Mai quay lại viết blog, chắc hẳn chị đã trải qua 1 quãng thời gian bạn rộn với những sự kiện lớn trong đời. Em rất vui vì lại thấy những bài viết thú vị và truyền cảm hứng từ chị. Em cũng rất khâm phục vì chị có thể vừa làm luận án, vừa xin việc trong thời gian sinh Pumpkin. Trộm vía Pumpkin thật đáng yêu và chúc chị cùng gia đình bắt đầu hành trình mới thật vui vẻ, thuận lợi. Em rất mong chờ những chia sẻ mới từ chị.
Cảm ơn em! Luận văn của chị hòm hòm rồi, nên mới có chút ít thời gian rảnh. Chị đang định sẽ không làm việc vào thứ 7 để làm những việc khác mình thích như viết blog. Có thể chị sẽ không cập nhật blog hàng tuần được, nhưng chị sẽ cố gắng viết nhiều hơn 🙂
Wow! Đọc bài chia sẻ của chị, em rất ngưỡng mộ sự cố gắng của chị. Chúc mừng chị đã có được những niềm vui lớn, đặc biệt là bé Emily ^^.
Bản thân em cũng đang là 1 PhD candidate, cũng có kết hoạch để xin assistant professorship. Hi vọng được nghe chị chia sẻ kỹ hơn về quá trình chuẩn bị của Research Statement, Teaching Statement cũng như Cover Letter ạ.
Em chúc chị hoàn thành chương trình PhD và chuẩn bị tốt cho công việc sắp tới ^^
Cảm ơn em! Khi nào rảnh rỗi hơn, chị sẽ viết kỹ hơn về mấy tài liệu này. Chúc em xin việc thành công nhé 🙂
Chúc mừng cháu. Cháu thật là giỏi. Cô thật là khâm phục.