Làm sao để bắt đầu công việc mới suôn sẻ?

Kỳ học đầu tiên của tôi với cương vị là giáo sư đại học (ở Mỹ hay gọi là college professor) đã chính thức kết thúc. Đây là công việc toàn thời gian đầu tiên của tôi ở Mỹ. Tuy nhiên, trước khi đi làm tiến sĩ ở Mỹ năm 2017, tôi đã từng làm 4 công việc toàn thời gian khác nhau, bao gồm cả tự kinh doanh riêng.

Bắt đầu một công việc mới là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của ta, vì vậy, một khởi đầu thuận lợi và thành công là điều ai cũng mong muốn.

Trong bài viết tuần này, tôi xin chia sẻ với bạn những cách để bắt đầu một công việc mới thật thành công, suôn sẻ.

Bắt đầu với tâm thế khát khao học hỏi

Khi bắt đầu một công việc mới, ta có quá nhiều thứ phải học hỏi, từ đồng nghiệp, văn hoá, chính trị công sở, bản chất công việc, kỳ vọng của sếp, đến các quy định hành chính, vân vân. Khi có quá nhiều thứ phải học, ta dễ trở nên căng thẳng, và choáng ngợp bởi lượng kiến thức và thông tin đồ sộ.

Để tránh cảm giác lo lắng không cần thiết, tôi thường nhắc nhở bản thân rằng, mỗi ngày học được một điều mới mẻ là một niềm vui. Tôi coi mỗi sự kiện, hoạt động ở môi trường mới là một cơ hội để học hỏi. Trong kỳ học đầu tiên, tôi học về trường Đại học mới thông qua công việc giảng dạy và nghiên cứu hàng ngày, quan sát cách đồng nghiệp tương tác và trò chuyện. Tôi tìm hiểu về những khía cạnh văn hóa, chính trị của trường mới thông qua việc tham gia vào các cuộc họp và các sự kiện khác trong campus.

“Học không ngừng nghỉ” có lẽ là cụm từ miêu tả chính xác nhất bản thân tôi sau kỳ học đầu tiên với cương vị người nghiên cứu và giảng dạy.

Tôi rất yêu bản chất công việc mình đang làm vì tôi có thể tự do tổ chức công việc hàng ngày, và đưa ra hướng đi cho giáo trình và nghiên cứu của mình. Nhưng tự do có nghĩa là tôi sẽ phải tự học, tự mày mò nhiều thứ.

Thứ nhất, tôi phải học cách quản lý thời gian sao cho có thể cân bằng việc dạy và làm nghiên cứu. Khi còn là nghiên cứu sinh, tôi cũng đã từng dạy học, nhưng chỉ là một khoá học 6 tháng và không phải lớp của riêng mình. Bây giờ, tôi phải chịu trách nhiệm về các lớp học của mình từ giáo trình, cách giảng dạy, cách tương tác với sinh viên, chấm bài, vân vân. Dạy một lớp mới luôn yêu cầu rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, không giống như khi còn là nghiên cứu sinh, tôi có thời hạn cụ thể cho luận án. Hiện tại, tôi phải tự lên chương trình và kế hoạch nghiên cứu. Việc cân bằng giữa dạy học và nghiên cứu có lẽ là vấn đề tôi phải học nhiều nhất kỳ này.

Thứ 2, tôi vẫn đang tự học hỏi xem cách dạy nào phù hợp với bản thân. Ban đầu tôi thường viết bài giảng một cách chi tiết và tập giảng thử trước khi lên lớp. Nhưng việc này tốn nhiều thời gian và không bền vững trong dài hạn. Dần dần, tôi nhận ra rằng, cách chuẩn bị bài giảng phù hợp nhất với tôi, là viết powerpoint bài giảng sao cho các slides kết nối với nhau như một câu chuyện, slide sau là sự phát triển ý của slide trước đó.

Kỳ này tôi dạy một lớp rất khó là Political Analysis, chuyên về các phương pháp nghiên cứu khoa học. Môn học này khó phần vì sinh viên không cảm thấy có động lực để học, phần vì có nhiều khái niệm, cách tiếp cận không quen thuộc với sinh viên. Thật sự, tôi vẫn phải học cách truyền đạt những kiến thức khó một cách dễ hiểu, và học cách tạo động lực học cho sinh viên khi đối mặt với những vấn đề nhiều thách thức.

Không vội vàng kết luận công việc có phải là công việc trong mơ của mình hay không.

Có một tâm lý mà tôi quan sát thấy ở những người vừa bắt đầu một công việc mới (mẫu quan sát bao gồm cả bản thân tôi trước đây) là vội vàng đánh giá xem công việc  có phải là môi trường và công việc đúng với ước mơ và mong đợi của bản thân không. Từ trải nghiệm đi làm và chuyển việc trước khi học PhD, tôi nhận ra rằng, thông thường ta phải mất khoảng 1-2 năm mới có thể hiểu thấu được một công việc có phải là điều ta thật sự mong muốn hay không. Đi đến kết luận rằng công việc là phù hợp hay không phù hợp với bản thân trước khoảng thời gian này là vội vàng. Tôi cho rằng, ngay cả khi bạn cảm thấy không thích công việc mới và nghĩ đến chuyển việc, bạn cũng nên làm công việc đó ít nhất 1-2 năm.

Đối với riêng tôi, một công việc mơ ước và phù hợp phải hội tụ rất nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên là bản chất công việc. Tôi muốn một công việc linh hoạt và tự do về giờ giấc, và cách thức sắp xếp tổ chức công việc. Tôi muốn công việc đó có tính thách thức, và luôn khơi gợi sự tò mò trong tôi. Tôi cũng muốn công việc đó phải cho tôi cơ hội được đọc, viết, và học hỏi không ngừng nghỉ.  Một môi trường làm việc lý tưởng đối với tôi phải cho phép tôi có nhiều thời gian và nguồn lực để nghiên cứu và viết lách. Môi trường đó cũng phải tôn trọng sự đa dạng về sắc tộc và giới tính của những con người gắn với nó. Để đánh giá tất cả những khía cạnh này cần nhiều thời gian. Tôi cho bản thân mình ít nhất 2 năm để tìm hiểu xem công việc và trường Đại học này có phải là công việc trong mơ của mình hay không.

Tôi thường nhìn vào người làm lâu năm và được cho là thành công nhất của tổ chức, và tự hỏi, “Mình có muốn trở thành như họ không?” Tôi tự trả lời câu hỏi này  khi mới bắt đầu công việc mới, và sau khi đã làm ở đó 1-2 năm. Nếu câu trả lời là “có” thì đó đúng là công việc và môi trường mơ ước của tôi. Nếu sau 2 năm và câu trả lời của tôi là “không”, thì có lẽ làm ở đó lâu dài sẽ không đem lại cho tôi hạnh phúc và sự hài lòng.

Tách biệt giá trị công việc khỏi giá trị cá nhân

Tôi đã từng đi làm ở nhiều tổ chức cả ở Việt Nam và ở nước ngoài. Kinh nghiệm đi làm khiến tôi nhận ra rằng tôi thật sự thích làm việc ở một trường Đại học. Công việc 8 tiếng ở văn phòng thật sự không hợp với tôi.

Nhưng những người theo con đường nghiên cứu, giảng dạy thường không giỏi tách biệt được giá trị bản thân khỏi giá trị và chất lượng sản phẩm họ tạo ra. Nhiều người thậm chí nghĩ rằng, giá trị bản thân sẽ giảm xuống nếu họ không xuất bản ở những tạp chí hàng đầu, có hàng trăm trích dẫn, và nhận được nhiều giải thưởng về giảng dạy và nghiên cứu.

Theo đuổi nghề nghiệp này nghĩa là những sản phẩm tôi tạo ra sẽ luôn chịu sự đánh giá, góp ý, phê bình của đồng nghiệp, sinh viên, và thậm chí cả công chúng. Mặc dù, “sự phơi bày” này sẽ giúp tôi tiến bộ nhưng cũng có thể tạo ra những căng thẳng, lo lắng không cần thiết. Vì mọi thứ tôi làm sẽ có ai đó đánh giá, nên tôi thường hay gắn cảm xúc vào mọi sản phẩm của mình.

Thử thách lớn nhất của tôi trong học kỳ này là học cách không gắn quá nhiều cảm xúc vào các sản phẩm mình tạo ra. Gắn quá nhiều cảm xúc, đôi khi, dẫn đến những suy nghĩ, và suy luận không cần thiết.

Khi mới đi dạy, tôi luôn cố gắng đọc phản ứng của sinh viên. Tôi muốn biết sinh viên yêu, ghét khóa học của mình thế nào. Tôi muốn bài giảng của mình phải thật hoàn hảo, hữu ích, và đem lại điều gì đó cho sinh viên. Tôi cảm thấy như mình là một người dạy học thất bại khi sinh viên bị điểm kém. Tôi nghĩ bài giảng và kiến thức mình truyền đạt tệ và không đủ hấp hẫn khi một vài sinh viên không đi học thường xuyên. Tâm trạng của tôi dễ bị ảnh hưởng bởi những sinh viên không tốt.

Nhưng dần dần tôi nhận ra rằng, tôi nên trân trọng những sinh viên tốt, tò mò, ham học, thông minh hơn là tập trung mọi suy nghĩ của bản thân vào những sinh viên kém hơn. Không phải sinh viên nào cũng mạnh về việc học, và ưu tiên việc học. Dần dần, tôi chấp nhận rằng, đối với những môn khó, không phải sinh viên nào cũng có đủ khả năng và năng lực để học tốt. Sự khác biệt về khả năng có thể đến  sự khác biệt về kiến thức nền, thời gian dành cho việc học, hoàn cảnh gia đình, vân vân.

Cố gắng hết mình để xây dựng giá trị trên thị trường việc làm

Khi mới bắt đầu, ta nên tìm hiểu xem ta cần phải đạt được những thành tựu gì để thành công trong công việc ở tổ chức mới.

Đối với công việc của tôi, thành công trước hết là được thăng chức thành Phó giáo sư (Associate Professor) sau 6 năm làm việc ở trường. Để đạt được điều này, trường có yêu cầu cụ thể về chất lượng, số lượng bài báo, chất lượng đánh giá giảng dạy từ sinh viên, và những đóng góp của tôi vào các dịch vụ của trường.

Khi nghĩ về sự thành công, tôi thường nghĩ về thị trường việc làm thay vì chỉ tập trung vào môi trường mình đang làm. Tôi cho rằng, ta nên cố gắng phấn đấu để bản thân luôn có giá trị trên thị trường việc làm. Điều này sẽ mở ra các cơ hội việc làm mới, nếu sau 1-2 năm ta nhận ra công việc mới không thật sự phù hợp với nguyện vọng của ta. Vì vậy, đừng chỉ phấn đấu vừa đủ để chỉ thành công ở tổ chức mới. Hãy phấn đấu để dù ở môi trường nào ta cũng sẽ thành công và có giá trị.

Dừng lại và thư giãn

Khi làm việc ở một lĩnh vực, môi trường phát triển nhanh và cạnh tranh, điều khó nhất là dừng lại, tự phản ánh, và thư giãn. Ta dễ dàng cuốn theo cuộc đua vô nghĩa.

Mỗi khi cảm thấy bản thân mình đang lao vào những ganh đua, cạnh tranh vô nghĩa (về số lượng bài báo, nơi xuất bản bài báo, thứ hạng trường làm việc, vân vân), tôi thường nghĩ về lý do mình đến Mỹ và làm PhD cách đây 5-6 năm. Thời điểm ấy, tôi muốn học PhD đơn giản chỉ là vì muốn được học và làm nghiên cứu nghiêm túc. Nghĩ về lý do trong sáng ấy, tôi lại gạt bỏ hết những ganh đua không cần thiết và tập trung vào công việc và sản phẩm của riêng mình.

Cảm ơn bạn đã ghé đọc! Chúc bạn một tuần mới vui.

Trương Thanh Mai

Leave a Reply