5 bài học của năm 2022

Năm 2022 là một năm thật sự đặc biệt đối với tôi. Tôi hoàn thành chương trình tiến sĩ, bắt đầu công việc toàn thời gian đầu tiên ngay sau khi tốt nghiệp, và cùng bạn đồng hành và con gái bắt đầu cuộc sống mới ở bờ Đông nước Mỹ. Tôi đã học được rất nhiều bài học quý giá từ những đổi thay lớn này. Một vài sự kiện thậm chí thay đổi hoàn toàn cách tôi nhìn nhận về nhiều khía cạnh của cuộc sống như sự thành công, mục tiêu/ước mơ, và giá trị mà bản thân theo đuổi.

Trong bài viết cuối cùng của năm 2022, xin chia sẻ với bạn 5 bài học tôi học được từ những thay đổi này.

Phát triển sự nghiệp khi mới làm mẹ

Có lẽ, thay đổi lớn nhất trong năm 2022 đối với tôi là bắt đầu công việc toàn thời gian đầu tiên khi con gái còn nhỏ. Tôi vừa chăm con vừa làm việc tại nhà đến tháng 8/2022, khi kỳ học mùa thu tại trường đại học mới chính thức bắt đầu. Vợ chồng tôi quyết định gửi Bí Ngô đi trẻ, khi nàng bước sang tháng thứ 11.

Khi đi làm lại, tôi nhanh chóng nhận ra rằng, công việc và sự nghiệp cực kỳ quan trọng đối với tôi. Tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc, và thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa khi lại được cháy hết mình cho các dự án nghiên cứu mình yêu thích và giảng dạy những khóa học liên quan đến các chủ đề mà bản thân quan tâm.

Một cảm giác vui sướng khó diễn tả luôn tìm đến tôi, mỗi khi tôi xuất bản được một bài nghiên cứu mới, gửi một bản thảo đến một tạp chí chuyên ngành, hoàn thành một thiết kế bảng hỏi, đọc được một cuốn sách thú vị, hay khi nhận thấy sinh viên đã tiến bộ rất nhiều sau khi học khóa học của mình.

Là một phụ nữ có con nhỏ nhưng lại cũng muốn phát triển sự nghiệp riêng, tôi đã nhiều lần cảm thấy “tội lỗi”. Có lúc, tôi cũng thấy thương vì con phải đi nhà trẻ sớm, từ 11 tháng tuổi. Tôi đã từng nghĩ, nếu tôi chấp nhận kéo dài chương trình tiến sĩ thêm một năm nữa, thì tôi có thể chăm Bí Ngô đến khi nàng tròn 2 tuổi.

Khi chia sẻ suy nghĩ ấy với bạn đồng hành, anh nói với tôi rằng, anh biết làm nghiên cứu và giảng dạy là ước mơ cháy bỏng tôi đã theo đuổi suốt mấy năm làm tiến sĩ. Anh bảo, khi tôi hạnh phúc, Emily cũng sẽ hạnh phúc.

Không có sự lựa chọn nào hoàn hảo. Tôi hạnh phúc khi được quay trở lại với công việc và phấn đấu cho sự nghiệp riêng. Con gái vui vẻ khi đi lớp. Tôi hiểu rằng, đây là lựa chọn phù hợp nhất với tôi và con.

Thật sự, đối với một người phụ nữ, để tập trung phát triển sự nghiệp, sự hỗ trợ, ủng hộ, và thấu hiếu của người bạn đồng hành là vô cùng quan trọng.

Biết ơn nhiều hơn

Ngay từ ngày học cấp 2, tôi đã luôn có rất nhiều ước mơ và dự định muốn làm. Nhưng tôi rất ít khi hài lòng với những gì bản thân đạt được. Ngay khi đạt được một thành tựu gì đó, tôi chỉ vui và hạnh phúc trong một thời gian ngắn. Ngay sau đó, tôi sẽ phải lên kế hoạch để đạt được những mục tiêu tiếp theo.

Vì luôn có mục tiêu để hướng đến và phấn đấu, tôi hiếm khi thấy cuộc sống của mình vô nghĩa, và nhàm chán. Nhưng mặt khác, tôi ít khi cảm thấy cuộc sống của mình đã đủ đầy. Tôi ít khi dừng lại để tận hưởng thành quả, và hài lòng với bản thân.

Suy nghĩ này tìm đến tôi nhiều hơn khi tôi lựa chọn theo đuổi một sự nghiệp trong con đường học thuật. Ai cũng biết lĩnh vực học thuật cực kỳ cạnh tranh. Suốt mấy năm học tiến sĩ, tôi nhận ra rằng, trong lĩnh vực học thuật, ai cũng tỏ ra và muốn được người khác công nhận là thông minh, hiểu biết rộng, và là chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Ngay cả khi bạn hoài nghi bản thân mình, bạn vẫn phải diễn sao cho người khác tin rằng, bạn rất xuất chúng.

Tư duy này khiến nhiều người mới bước vào nghề như tôi, cảm thấy cực kỳ lo lắng khi gửi bài viết cho người khác đọc, dù đó là đồng nghiệp, nhà bình duyệt, hay biên tập báo. Mỗi lần gửi bài đi, tôi luôn tự hỏi liệu bài viết của mình đã tốt và….hoàn hảo chưa. Mỗi khi đọc ý kiến phê bình gay gắt của các nhà bình duyệt, tôi lại hoài nghi liệu bản thân có đủ năng lực để làm nghiên cứu không.

Có hai sự kiện trong năm 2022 đã thay đổi tư duy của tôi về nghề nghiệp, đặc biệt là việc viết và xuất bản nghiên cứu.

Một là, tôi rất may mắn khi đã được đọc cuốn sách “Write No Matter What” của Tiến sĩ Joli Jensen. Tôi đã học được vô vàn bài học quý báu từ sách. Ngoài những bài học để làm sao viết được nhiều và hiệu quả hơn, sách còn thay đổi tư duy của tôi về viết học thuật.

Tiến sĩ Jensen khuyên những ai theo con đường nghiên cứu và giảng dạy chuyên nghiệp hãy coi việc viết như một “nghề thủ công”, và mỗi người viết là một “thợ thủ công”.

Tư duy này sẽ giảm bớt cảm giác lo lắng trong ta khi phải chia sẻ sản phẩm của mình với người khác.

Lý do là vì, nếu coi việc viết lách như một nghề thủ công, ta sẽ hiểu rằng, mỗi người viết là một người thợ đang trong quá trình học nghề. Tư duy này giúp ta nhận ra rằng, viết nghiên cứu là một kỹ năng ai cũng có thể học và tiến bộ. Công việc của mỗi nhà nghiên cứu (như với bất kỳ nghề thủ công nào) là thu thập và triển khai các công cụ hiệu quả để phát triển bản thân từ những người thợ nghiệp dư vụng về thành những chuyên gia lành nghề hơn.

Tiến sĩ Joli viết, tư duy này cũng sẽ giúp ta luôn giữ được sự khiêm tốn vì ta hiểu rằng, sẽ luôn có những thợ thủ công lành nghề hơn để ta học hỏi.

Hai là, tôi cảm thấy biết ơn vì tìm được công việc hiện tại. Đây không phải là một công việc hoàn hảo và đúng y như mong muốn của tôi khi đang làm nghiên cứu sinh. Nhưng khi đã đi làm, quan sát quá trình tuyển người ở trường mới, và được nghe nhiều câu chuyện tuyển dụng, tôi nhận ra rằng, thật sự rất khó để kiếm được một công việc ở một trường đại học. Kiếm được việc hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát của ứng viên. Ta chỉ có thể cố gắng hết sức để có một bộ hồ sơ tốt nhất, còn nhận được lời mời làm việc hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự may mắn.

Tôi biết ơn có được công việc này vì tôi vẫn có cơ hội tiếp tục nghiên cứu, viết lách, và giảng dạy ngay sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ. Tôi biết nhiều bạn có thành tích nghiên cứu và dạy học tốt hơn tôi rất nhiều, nhưng chỉ nhận được những hợp đồng ngắn hạn 1-2 năm. Có bạn đã đi tìm việc suốt 2-3 năm sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, nhưng không nhận được lời mời làm việc nào. Thật sự, tôi cảm thấy mình thật sự rất may mắn!

Thay đổi định nghĩa về sự thành công

Tôi luôn mong muốn có một sự nghiệp thành công.

Tôi nhận thấy, trong một thời gian dài, tôi đã có một định nghĩa về sự thành công rất hẹp và thiếu linh hoạt. Tôi thường nhìn một vài người mà tôi cho là thành công trong ngành, và mong muốn đạt được tất cả những gì họ đạt được. Chỉ khi làm được như họ, tôi mới nghĩ rằng, mình đạt được thành công.

Nhưng cách tiếp cận này khiến tôi quên mất rằng, một vài người thành công nổi bật không đại diện cho tất cả mọi người. Thế nào là thành công cũng không nên được định nghĩa và dẫn dắt bởi chỉ một vài cá nhân tiêu biểu. Và quan trọng hơn cả, cách so sánh này khiến tôi quên mất rằng, mỗi cá nhân có nền tảng (background), và mục tiêu cuối cùng khác nhau, nên ta không nên kiếm tìm một định nghĩa thành công chung cho tất cả mọi người.

Hiện tại, đối với tôi, thành công là được chia sẻ những quan điểm và suy nghĩ về vấn đề mình quan tâm qua viết lách. Nhiều người quan niệm rằng, một nhà nghiên cứu chỉ được coi là thành công khi họ xuất bản ở những tạp chí hàng đầu. Vì muốn hướng đến nhiều đối tượng người đọc khác nhau, nên tôi muốn xuất bản ở nhiều tạp chí đa dạng, để những gì mình viết đến được với nhiều người hơn.

Đối với tôi thành công còn là sự sẵn sàng dám viết ra những suy nghĩ của mình ngay cả khi sẽ bị phê bình và chỉ trích. Viết ra và bị bàn luận còn tốt hơn rất nhiều việc có vô vàn ý kiến tuyệt vời nhưng không ai biết đến!

Luôn đặt giới hạn trong công việc

Sau một kỳ dạy học, tôi nhận ra rằng, sinh viên tiến bộ nhanh hơn khi người giảng dạy đặt ra những giới hạn cứng rắn. Nếu sinh viên vượt qua giới hạn ấy, các em phải trả một cái giá cao để học được bài học về sự tiến bộ.

Trong khóa học về Chính trị các nước độc tài, tôi yêu cầu mỗi sinh viên lựa chọn một quốc gia để làm nghiên cứu sâu suốt học kỳ. Sinh viên sẽ phải viết 5 bài luận ngắn, áp dụng những khái niệm và lý thuyết học trên lớp vào quốc gia mình chọn. Trong bài luận đầu tiên, mỗi em phải cho tôi biết em muốn tìm hiểu sâu về quốc gia nào suốt khóa học và lý do vì sao em chọn quốc gia ấy.

Vì là bài luận đầu tiên nên tôi không chấm điểm quá khắt khe. Tôi không trừ quá nhiều điểm nếu sinh viên trích dẫn sai, không trích dẫn, hoặc nộp bài không đúng hạn. Thay vì trừ điểm nặng, tôi chỉ rõ những lỗi các em cần phải sửa cho những bài luận tiếp theo.

Tôi nói rõ với sinh viên rằng, bài luận đầu tiên là một ngoại lệ.

Nhưng có lẽ, nhiều em cho rằng, tôi là người chấm dễ tính. Trong bài luận 2, một vài sinh viên chỉ viết một đoạn ngắn, không có sự phân tích, không đưa ra lập luận, và không trích dẫn. Những bài viết này chỉ đạt điểm D hoặc F. Tôi nhận thấy rằng, sau khi bị điểm kém và nhận được những ý kiến phê bình cứng rắn từ tôi, nhiều sinh viên có sự tiến bộ vượt bậc ở những bài luận tiếp theo.

 Yêu con như chính con người con

Có lẽ, việc khó nhất đối với mỗi bậc cha mẹ là tránh kỳ vọng và uốn nắn con thành mẫu hình đứa con lý tưởng trong tưởng tượng của cha mẹ. Bí Ngô thuộc tuýp em bé mũm mĩm, và cực kỳ thận trọng (chỉ làm điều gì đó khi cảm thấy an toàn và tự tin là mình làm được), nên đến tận hơn 12 tháng em mới đứng, và 15 tháng mới dám bước đi.

Thỉnh thoảng, trong sâu thẳm, tôi cũng ước Bí Ngô là em bé dám làm thay vì thận trọng. Tôi chia sẻ điều này với bạn đồng hành. Anh thấy suy nghĩ của tôi rất kỳ lạ và nói rằng, “Nếu thận trọng là tính cách của Emily (bố chỉ thích gọi tên thật của Bí Ngô), thì ta hãy tôn trọng bản chất con người con . Emily là Emily. Mình nên yêu Emily như chính con người con.”

Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn một tuần mới thật nhiều niềm vui!

Trương Thanh Mai

Leave a Reply