Trải nghiệm chăm con nhỏ và học tiến sỹ của tôi

Vì cuộc sống mới của tôi ở bang Maryland đã dần ổn định, nên tôi quyết định quay lại viết blog hàng tuần. Để đánh dấu sự trở lại, hôm nay, tôi xin kể lại hành trình học tiến sĩ khi chăm con nhỏ. Gần đây, tôi nhận được tin nhắn từ một vài bạn đang học tiến sĩ, hỏi tôi làm sao để sắp xếp thời gian làm nghiên cứu khi vừa sinh con. Bản thân tôi cũng không có bí quyết gì cao siêu, nhưng hi vọng chia sẻ của tôi sẽ hữu ích cho những bạn nghiên cứu sinh, đặc biệt là các bạn nữ, đang ở trong hoàn cảnh tương tự.

Ngay từ trước khi kết hôn, tôi và bạn đồng hành đã quyết định rằng, chúng tôi sẽ đợi đến khi tôi thi đỗ kỳ thi vượt rào (Comprehensive exams) và bắt đầu viết luận án tiến sĩ, mới nghĩ đến việc sinh con. Trong giai đoạn trước khi viết luận án, tôi muốn tập trung toàn bộ tâm trí vào việc lên lớp, và viết bài nghiên cứu để có thể có một, hai bài viết được xuất bản, hoặc ít nhất đang trong quá trình bình duyệt khi tôi đang mang thai hoặc nuôi con.

Khi quyết định sẽ thử có con khi hết năm thứ 3 tiến sĩ, thật lòng, tôi rất lo lắng. Tôi đã tham gia rất nhiều diễn đàn nơi các bạn nghiên cứu sinh chia sẻ trải nghiệm nuôi con và học tiến sĩ. Có bạn kể, sinh con và nuôi con khi đang làm tiến sĩ là quyết định đúng đắn và tuyệt vời nhất của bạn ấy. Lại có bạn thấy hối tiếc vì đã không đợi đến khi học xong mới sinh con, vì bạn đã phải bỏ dở chương trình PhD. Đọc những tâm sự có phần hối tiếc của các bạn khiến tôi khá nhụt chí. Có lúc tôi đã nghĩ, “Hay mình đợi đến khi tốt nghiệp, có việc làm ổn định rồi mới sinh con nhỉ?”

Nhưng rồi tôi nghĩ, sẽ chẳng có một mốc thời gian nào là hoàn hảo để sinh con. Giờ đây, khi đã tốt nghiệp và đi làm, tôi nhận ra rằng, sinh con khi đang làm tiến sĩ là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.

Vậy làm sao để vừa sinh con, chăm con, vừa hoàn thành được chương trình tiến sĩ? Nhìn lại hành trình của mình, tôi rút ra được bốn điều quan trọng nhất:

Giảm kỳ vọng ở bản thân

Khi nuôi con nhỏ, ngay cả khi nhận được nhiều hỗ trợ từ gia đình, thời gian dành cho công việc sẽ giảm đi đáng kể, đặc biệt là ba tháng đầu. Ngoài thời gian, sức khoẻ của ta cũng giảm đi ít nhiều, nhất là khi con còn ăn đêm. Vì vậy, ta cần lựa chọn và tập trung vào một dự án quan trọng nhất của chương trình tiến sĩ! Khi mang thai, tôi tập trung hoàn toàn vào luận án và tạm dừng những dự án đang cùng làm với những người khác. Tôi cũng không bắt tay vào một nghiên cứu mới nào, ngay cả khi đã có số liệu sẵn rồi.

Mục tiêu duy nhất cuả tôi khi đang mang thai và khi chăm con là (bằng mọi giá) hoàn thành luận án tiến sĩ, rồi đi xin việc.

Ngoài giảm kỳ vọng về số lượng công việc, tôi nhận ra rằng, để giảm căng thẳng khi vừa chăm con vừa làm nghiên cứu, tôi cũng phải giảm bớt tham vọng về chất lượng sản phẩm. Tôi đã từng có tham vọng sẽ thu thập số liệu đa dạng cho luận án của mình (đi thực địa ở cả Malaysia và Việt Nam, phỏng vấn nhiều đối tượng khác nhau, và thực hiện khảo sát trực tuyến ở cả hai quốc gia). Nhưng khi mang thai và đặc biệt sau khi sinh con, tôi nhận thấy nếu cứ giữ kỳ vọng cao như vậy, tôi sẽ tự tạo cho mình những căng thẳng, mệt mỏi không cần thiết.

Cuối cùng, luận án của tôi chỉ dùng khảo sát trực tuyến, và những kết quả phỏng vấn và thảo luận nhóm tôi thực hiện ở Việt Nam mùa hè năm 2019. Nhưng tôi hài lòng vì tôi đã viết xong và hoàn thành chương trình tiến sĩ. Kế hoạch của tôi trong 1-2 năm tới là thu thập thêm số liệu để phát triển luận án thành sản phẩm tốt hơn như bài báo hoặc sách.

 Thay đổi quan điểm về làm việc hiệu quả

Rất nhiều người than thở, “Tôi không có đủ thời gian để làm việc X, việc Y.” Thật ra, ý của họ là họ không có 5-6 tiếng hoặc nguyên một, hai ngày để tập trung làm việc X, việc Y.

Ta thường nghĩ, ta sẽ làm được nhiều việc hơn, tạo ra nhiều sản phẩm hơn, tiến bộ nhanh hơn, nếu ta có thể tập trung làm việc trong một thời gian dài. Nhưng đây là một hiểu lầm nghiêm trọng! Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người viết một chút mỗi ngày sẽ tạo ra được nhiều bài viết (dù là bài nghiên cứu, sách, hay báo) hơn những người chỉ viết khi tìm được thật nhiều thời gian hoặc có cảm hứng.

Hiểu lầm này khiến nhiều người cứ mãi chờ đợi đến lúc “có thời gian” mới bắt tay vào làm việc họ muốn. Trong một thế giới ồn ào, và bận rộn, có thể khoảng thời gian rỗi đó không bao giờ tìm đến với họ. Và mãi mãi, họ sẽ không bao giờ thật sự làm điều họ muốn vì luôn “không có thời gian.”

Sau khi có con, tôi hiểu rằng, tôi sẽ không bao giờ có vài tiếng hoặc vài ngày rảnh rỗi chỉ để làm nghiên cứu hay viết lách.

Tuy nhiên, tôi lại học được rằng, mỗi ngày viết một chút, ngay cả khi chỉ 20-30 phút cũng đủ. Điều quan trọng là ta phải có kỷ luật, và sự nhất quán.

Khi con gái dưới bốn tháng tuổi, có lẽ tôi chỉ tranh thủ viết luận án được tổng cộng 2-4 tiếng mỗi ngày. Nhưng không phải 2-4 tiếng liền mạch, mà chia thành nhiều lần trong ngày. Khi con ngủ, tôi lập tức ra bàn làm việc. Có những hôm, tôi vừa mở máy tính, tải bộ số liệu lên phần mềm R, tạo một vài biến mới, thì con tỉnh giấc khóc. Dưới 4 tháng tuổi, con chưa học được cách tự chuyển giấc nên ban ngày còn thường ngủ được 30-45 phút là tỉnh, và tôi phải vào phòng hỗ trợ con ngủ lại.

Cũng có những ngày tôi chỉ làm việc được tổng cộng 1 tiếng.

Từ 6 tháng tuổi, con tự chuyển giấc được, nên ngủ dài hơn. Và tôi có thể làm việc được trọn vẹn khoảng thời gian khi con ngủ ngày (1.5 – 2 tiếng).

Buổi tối khi con đã say giấc ngủ, tôi cũng chỉ làm việc thêm được 1 tiếng nữa, vì thật sự cơ thể đã rất mệt rồi!

Có lúc tôi cũng căng thẳng vì chỉ có thể làm việc đứt đoạn như vậy. Nhưng mỗi ngày cặm cụi viết một vài dòng, chạy một vài mô hình, mà cuối cùng tôi cũng đến được đích! Thậm chí, tôi còn có thời gian chỉnh sửa từng chương một vài lần trước khi gửi cho hội đồng luận án!

Trải nghiệm này đã cách mạng hoá suy nghĩ của tôi về cách thức làm việc hiệu quả. Tôi đã bắt đầu công việc mới được gần một tháng. Vì mới giảng dạy, nên tôi mất nhiều thời gian chuẩn bị bài giảng, và thật sự, khó có thể dành được vài tiếng hay nguyên mấy ngày để viết nghiên cứu. Nhưng tôi cố gắng, mỗi ngày dành một chút thời gian viết lách, ngay cả khi chỉ một, hai tiếng thôi.

Xây dựng tính kỷ luật và nề nếp sinh hoạt quy củ cho con

Nếu tôi đã thành công trong việc thuyết phục bạn rằng, viết mỗi ngày một chút, ngảy cả khi chỉ 1-2 tiếng, bạn cũng sẽ hoàn thành luận án, có lẽ bạn đang tự hỏi, “Nhưng làm sao để biết khi nào con ngủ mà viết?”.

Chìa khoá ở đây là ta phải tạo dựng nếp sinh hoạt cho con từ nhỏ, và dạy con kỹ năng tự ngủ tốt.

Xây dựng nếp sinh hoạt trước hết là vì lợi ích của con. Một đứa trẻ, tuỳ vào từng giai đoạn phát triển, có nhu cầu về ngủ, dinh dưỡng, và hoạt động khác nhau. Giấc ngủ cực kỳ quan trọng cho sự phát triển trí não của trẻ nhỏ, nhưng nhiều người lại không để tâm mà chỉ tập trung vào ăn. Trẻ cần ngủ đủ thời gian (15-16 tiếng/ngày trong 3 tháng đầu, và giảm dần xuống còn 12-14 tiếng/ngày khi một tuổi), và ngủ sâu. Ăn và ngủ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ăn theo cữ, ăn đủ, sẽ khiến con có cái bụng no để ngủ ngon. Ngủ tốt ban ngày sẽ giúp trẻ ngủ tốt ban đêm.

Khi tạo được thói quen sinh hoạt cho con, ta sẽ giúp con ăn đủ ngủ đủ, con sẽ bớt quấy khóc, mệt mỏi. Khi con có thói quen sinh hoạt cố định, ta sẽ biết khoảng thời gian nào trong ngày con cần ngủ, ăn, và chơi. Khi con ngủ, ta có thể tranh thủ làm luận án.

Tôi sẽ không đi quá sâu vào việc làm sao để tạo thói quen, nếp sinh hoạt hàng ngày cho con vì đây không phải là nội dung chính của bài viết hôm nay. Nếu quan tâm, bạn có thể tìm hiểu trên Google, với từ khoá như: tạo nếp sinh hoạt cho con, phương pháp E.A.S.Y, routine for babies, vân vân. Hoặc tìm đọc cuốn sách “The Baby Whisperer Solves All Your Problems: Sleeping, Feeding, and Behavior–Beyond the Basics from Infancy Through Toddlerhood”.

Đây là một ví dụ về lịch sinh hoạt của Bí ngô. Khi Bí ngô dưới 3 tháng tuổi, con thường ngủ 3 giấc ban ngày. Giấc sáng thường từ tầm 9 giờ đến 11 sáng, giấc trưa từ tầm 1 giờ đến 3 giờ, và giấc chiều tối từ tầm 5 giờ đến 5:30. Tối nàng sẽ ngủ từ 7:30 đến 6-7 giờ sáng hôm sau. Lớn dần lên, con sẽ dần tự ngủ ít đi mà không mệt hay quấy khóc. Từ 6 tháng tuổi, Bí ngô chỉ cần ngủ hai giấc ngày, và dần dần lượng ngủ mỗi giấc sẽ ngắn dần đi. Bây giờ nàng gần một tuổi, nàng chỉ cần ngủ sáng khoảng 30-45 phút là có thể chơi vui vẻ đến tầm 1:30 và đi ngủ giấc chiều đến tầm 3 giờ. Tất nhiên, con không phải là rô bốt, nên giờ giấc thay đổi đôi chút mỗi ngày. Nếu con đưa ra dấu hiệu buồn ngủ sớm hơn (hoặc muộn hơn) khoảng thời gian trên, tôi sẽ lắng nghe nhu cầu của con.

Nhìn vào lịch sinh hoạt của Bí ngô, có thể bạn đang nghĩ, hẳn tôi cũng có nhiều thời gian để viết luận án đấy chứ. Nhưng đời không như mơ các bạn ạ! Khi con dưới 4 tháng tuổi, khả năng tự chuyển giấc của con kém, nên con chỉ ngủ khoảng 30-40 phút là tỉnh khóc (đặc biệt là các giấc ngày). Thế là tôi chỉ vừa làm việc được một chút lại chạy vào giúp con ngủ lại. Nhưng khi con lớn tầm 5-6 tháng, chu kỳ ngủ của con giống người lớn, con ngủ được trọn vẹn giấc, thì tôi làm việc được dài hơn.

Nếu không tạo cho con nếp sinh hoạt, thì chắc chắn tôi không thể vừa chăm con vừa hoàn thành luận án. Không có nếp sinh hoạt, tôi sẽ khó nắm bắt được khi nào con cần ngủ, cần ăn, cần chơi, tôi sẽ không hiểu con khóc vì lý do gì. Sẽ rất căng thẳng và mệt mỏi!

Sự hỗ trợ của bạn đời

Trong hành trình chăm con và viết luận án, tôi rất may mắn vì nhận được sự hỗ trợ vô cùng lớn của bạn đồng hành. Anh ủng hộ mọi ước mơ của tôi. Anh cũng hết lòng ủng hộ phương pháp tôi xây dựng nếp sinh hoạt cho con. Khi tôi đọc được điều gì hay ho trong sách, và muốn áp dụng vào Bí ngô, anh không bao giờ hoài nghi hay phản đối. Khi con dưới 4 tháng tuổi, anh dậy hàng đêm cho con ăn, để tôi được ngủ.

Tôi nhận ra rằng, tôi sẽ không thể thực hiện được ba ý đầu tiên (giảm kỳ vọng, thay đổi suy nghĩ về làm việc hiệu quả, tạo nếp sinh hoạt cho con), nếu không có sự ủng hộ của bạn đồng hành.

Nếu cảm thấy không nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ của chồng, chắc chắn tôi sẽ cân nhắc thật kỹ quyết định sinh con khi làm tiến sĩ.

Sinh con và chăm con khi đang làm tiến sĩ là hoàn toàn có thể. Đối với riêng tôi, có bốn yếu tố đã khiến hành trình của tôi thành công, đó là (1) giảm kỳ vọng vào bản thân, (2) thay đổi quan điểm về phương pháp làm việc hiệu quả, (3) xây dựng nếp sinh hoạt hàng ngày cho con, và (4) sự hỗ trợ, ủng hộ của chồng.

Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn một tuần mới thật vui, và hẹn gặp lại thứ 2 tuần sau!

Trương Thanh Mai

5 thoughts on “Trải nghiệm chăm con nhỏ và học tiến sỹ của tôi

Leave a Reply