Làm sao để tận dụng và học hỏi một cách hiệu quả nhất từ các giáo sư dạy mình

Dạo gần đây, tôi hay nghĩ về ba tháng đầu học thạc sỹ ở Anh cách đây 9 năm. Tôi nhút nhát, ngại nói, thậm chí không dám đến gặp các giáo sư để hỏi và trò chuyện. Tôi luôn sợ, các giáo sư nghĩ mình kém, không thông minh.

Giờ đây, khi đã trở thành một người dạy sinh viên Đại học, tôi hiểu hơn về cách nhìn của một giáo sư đối với sinh viên, và việc học. Tôi nhận ra rằng, nhiều góc nhìn của bản thân về việc học, và mối quan hệ giữa giáo sư và sinh viên trước đây là không đúng.

Rất may mắn là cuối cùng tôi cơ cơ hội nhìn nhận sự việc từ hai phía, với tư cách là sinh viên, và người giảng dạy.

Trong bài viết này, tôi chia sẻ cách làm sao để “tận dụng” và học hỏi từ các giáo sư cuả bạn một cách hiệu quả nhất.

Hi vọng, bài viết sẽ hữu ích với các bạn trẻ sắp và đang đi du học.

Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô

Sinh viên thường ngại chia sẻ với giáo sư những khó khăn, thách thức trong việc học, vì sợ  sẽ bị nghĩ là dốt, kém cỏi. Sau một thời gian đi dạy, tôi nhận ra rằng, thầy cô thường đánh giá rất cao những sinh viên ham học hỏi, dám mạnh dạn chia sẻ những điều mình chưa hiểu rõ, và sẵn sàng tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô.

Kỳ này, tôi dạy một môn học có tên là Political Analysis, môn này dạy sinh viên kỹ năng làm nghiên cứu khoa học. Đây là một môn học khó, và sinh viên nhìn chung sợ môn này. Trên lớp, sau khi giảng bài, tôi thường chia lớp thành các nhóm nhỏ để cùng làm bài tập. Vì lớp chỉ có 11 bạn nên tôi thường chia lớp thành 4 nhóm. Để học tốt phương pháp nghiên cứu khoa học, sinh viên phải thường xuyên luyện tập, nên tôi cũng giao bài tập về nhà hàng tuần cho các em.

Sinh viên lớp tôi khá tốt, phần lớn các em đều hiểu bài và đạt điểm A hoặc B cho các bài tập về nhà. Tuy nhiên có khoảng 3 em đuối hơn. Trong 3 em, có một em thường xuyên đến gặp tôi vào những giờ tôi mở cửa văn phòng (office hours). Em thẳng thắn chia sẻ, khi em đọc một bài báo khoa học, em không tìm được đâu là lập luận chính của bài, đâu là mối quan hệ nhân quả tác giả đang muốn nghiên cứu. Em cũng bảo tôi, khái niệm biến phụ thuộc và biến độc lập khá trừu tượng đối với em. Khi em chia sẻ như vậy, tôi sẵn sàng dành thời gian giảng lại bài cho em. Tôi cũng không ngại chỉ hướng cách giải bài tập về nhà cho em. Hôm sau, em email cảm ơn tôi rối rít, vì tự nhiên em thấy mọi thứ sáng tỏ hơn nhiều!

Khi nghe em thẳng thắn chia sẻ những vướng mắc em gặp phải, tôi không hề đánh giá thấp em. Tôi không hề nghĩ, “sao sinh viên này dốt thế nhỉ?” Thật ra, là người giảng dạy, tôi hiểu rằng, bộ não của mỗi người hoạt động và suy nghĩ khác nhau. Tôi thật sự đánh giá cao những sinh viên luôn cố gắng tìm mọi cách, đặc biệt là dám tìm kiếm sự giúp đỡ từ giáo sư, để khắc phục những nhược điểm của bản thân. Các đồng nghiệp của tôi cũng đồng ý như vậy!

Là người giảng dạy, ai cũng muốn sinh viên của mình thành công. Thầy cô nào cũng sẽ rất vui nếu có thể giúp sinh viên của mình tiến bộ!

Đừng ngại đặt câu hỏi cho thầy cô

Tôi thật sự rất quý những sinh viên hay đặt câu hỏi dù đó là câu hỏi nhằm làm rõ một ý trong bài giảng, hay nhằm đào sâu một nội dung cụ thể nào đó. Tôi cũng rất khuyến khích sinh viên đặt những câu hỏi thách thức quan điểm của tôi. Khi bạn đặt câu hỏi trên lớp, bạn còn đang giúp cả lớp chứ không phải chỉ mỗi bản thân bạn, hiểu bài học một cách sâu sắc hơn.

Tuần trước, có một em sinh viên đặt một câu hỏi sâu có liên quan đến mối quan hệ giữa việc nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và chất lượng quản trị nhà nước. Tôi không có câu trả lời ngay lập tức trên lớp, nên tôi bảo em tôi sẽ tìm hiểu thêm và đưa cho em câu trả lời vào buổi học tới. Sau buổi học đó, tôi dành một chút thời gian tìm hiểu thêm về vấn đề này, và tìm được một bài báo rất hay về chủ đề đó. Vì rất tâm đắc, nên tôi quyết định tải bài báo đó lên trang web của lớp. Nhờ câu hỏi của sinh viên ấy, mà các bạn khác trong lớp cũng được học thêm kiến thức mới.

Tôi hiểu rằng, không phải ai cũng mạnh dạn phát biểu trước đám đông. Nếu bạn ngại đặt câu hỏi trước lớp thì có thể ở lại một vài phút để trò chuyện với giáo sư. Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy các giáo sư sẵn sàng trả lời câu hỏi của bạn như thế nào đấy!

Sản phẩm chất lượng quan trọng hơn nói “hay”

Thử thách lớn nhất của tôi khi giảng dạy là làm sao có thể tạo cơ hội cho tất cả sinh viên được tham gia vào các buổi thảo luận. Tôi nhận thấy, trong lớp thường có 2-3 bạn hay nói. Những bạn này sẽ lập tức dơ tay phát biểu hoặc lên tiếng, ngay khi tôi vừa đặt câu hỏi. Các bạn cũng sẽ là người nói chính ở các nhóm nhỏ, khi tôi yêu cầu lớp thảo luận nhóm.

Có sinh viên chia sẻ với tôi rằng, em rất muốn nói nhiều hơn trên lớp, nhưng luôn cảm thấy  “sợ” những bạn hay phát biểu. Em nghĩ em không suy nghĩ nhanh và thông minh được như những bạn ấy. Sinh viên cũng thường cho rằng, giáo sư hẳn là cũng quý những bạn hay nói hơn cả.

Thật ra, khi đi dạy rồi, tôi mới nhận ra rằng (1) những người “nói giỏi” chưa chắc đã là những người làm giỏi, và (2) tôi (cũng như nhiều đồng nghiệp khác) đánh giá chất lượng sản phẩm cuối cùng chứ không phải chỉ những lời nói hay.

Ban đầu, tôi thật sự rất quý 2 học sinh, tạm gọi là A và B. Hai em thường đưa ra những câu trả lời sâu sắc và đặt những câu hỏi hay trên lớp. Tôi kỳ vọng rằng sản phẩm viết (bài luận đầu tiên) của  hai em sẽ rất tốt. Nhưng em A thì trễ deadline nộp bài mấy ngày. Vì viết vội viết vàng nên bài viết của em rất tệ. Em B thì hứa hẹn hết lần này đến lần khác sẽ nộp bài viết cho tôi, nhưng tôi chưa bao giờ nhận được gì từ em. Tôi đành phải cho em điểm 0 cho bài luận đó. Tôi thật sự nghĩ, em A và em B thật sư thông minh, có khả năng diễn đạt bằng lời nói tốt, nhưng khó có thể đi được xa vì thiếu sự bền bỉ, và thái độ làm việc nghiêm túc để tạo ra những sản phẩm có giá trị.

Tôi chợt nghĩ đến quá trình học tiến sĩ của mình. Khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ, tôi đã có cơ hội trò chuyện với nhiều bạn cực kỳ thông minh, có nhiều ý tưởng nghiên cứu hay và thú vị. Nhưng bạn chưa bao giờ có đủ quyết tâm và sự nghiêm túc để biến những ý tưởng ấy thành một sản phẩm viết hoàn thiện. Cũng có những bạn nói về luận án của mình rất hay, nhưng chưa bao giờ hoàn thành được luận án và lấy bằng tiến sĩ. Nói thì dễ, nhưng để tạo ra sản phẩm tốt là một câu chuyện khác. Nói hay có thể giúp ta gây ấn tượng với người khác khi mới gặp mặt, nhưng để tạo được sự tin tưởng của người khác, chất lượng sản phẩm mới là điều quan trọng.

Trong lớp tôi dạy, có nhiều bạn sinh viên rất ít khi nói hay chia sẻ trên lớp, nhưng luôn tạo ra các sản phẩm viết đúng hạn và có chất lượng. Tôi yêu quý và đánh giá cao sinh viên chăm chỉ, có thái độ làm việc nghiêm túc, và có thể tạo ra những sản phẩm tốt hơn là những em chỉ nói mà không thật sự “làm”.

 Chia sẻ với giáo sư những tài liệu hay bạn tìm được

 Là người giảng dạy, tôi luôn thấy vui khi có sinh viên chia sẻ với mình rằng, các bài giảng của tôi thú vị và cho em nhiều kiến thức bổ ích. Không có gì ý nghĩa hơn với một người dạy học khi sinh viên thể hiện sự hứng thú với môn học, bằng cách đào sâu chủ đề được thảo luận trên lớp sau giờ học.

Hôm qua, tôi nhận được email của một em sinh viên trong lớp Dictatorship, em bảo em vừa xem được một bộ phim tài liệu rất hay về Triều Tiên. Em muốn chia sẻ link phim với tôi vì phim rất liên quan đến nội dung bài học tuần vừa rồi. Tôi email cảm ơn em và hỏi em liệu tôi có thể chia sẻ link cho cả lớp được không, vì tôi tin rằng, nó sẽ hữu ích cho các bạn khác nữa.

Tôi thật sự rất vui, vì em thấy bài học bổ ích và dành thời gian tìm hiểu sâu hơn về nó.

Dù mới đi dạy được hơn hai tháng, nhưng nhiều góc nhìn của tôi về việc học và mối quan hệ giữa giáo sư và sinh viên đã thay đổi mạnh mẽ. Hi vọng những chia sẻ của tôi sẽ hữu ích với bạn, đặc biệt những bạn chuẩn bị và đang đi du học.

Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn một cuối tuần thật vui, và hẹn gặp bạn tuần sau.

Trương Thanh Mai

 

One thought on “Làm sao để tận dụng và học hỏi một cách hiệu quả nhất từ các giáo sư dạy mình

Leave a Reply