Trong bài viết tuần này, tôi xin chia sẻ những cuốn sách hay và thú vị tôi đọc trong tháng 8 và tháng 9.
Từ bây giờ, trong bài viết đầu tiên của tháng, tôi sẽ điểm những sách hay tôi đọc trong tháng trước đó. Tôi quyết định làm chuyên mục điểm sách này, trước hết là dành cho bản thân mình 😀 Tôi không phải là người có trí nhớ tốt nên ghi chép lại sẽ giúp tôi dễ dàng tìm đọc lại nội dung sách khi cần thiết.
Hi vọng chuyên mục điểm sách hàng tháng trên blog cũng sẽ hữu ích với bạn. Và mong rằng, sẽ được kết nối với những bạn có “gu” đọc sách giống tôi!
Dưới đây là những sách tôi sẽ điểm hôm nay:
- Cây cam ngọt của tôi
- Ngàn mặt trời rực rỡ
- Người đua diều
- Đừng chết ở Ả Rập Xê Út
- Hoa vẫn nở mỗi ngày
- China’s gilded age: The paradox of economic boom and vast corruption
Cây cam ngọt của tôi
“Cây cam ngọt của tôi” là tiểu thuyết của nhà văn Brazil, José Mauro de Vasconcelos. Truyện kể về chú bé Zeze sáu tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Brazil. Tuy nhỏ tuổi nhưng Zeze rất thông minh, ham học, và cực kỳ nhạy cảm. Chú đã tự dạy mình đọc sách khi lên năm tuổi. Người lớn hay bảo chú “khôn trước tuổi”. Ngoại trừ chị gái Gloria, không ai trong gia đình hiểu Zeze. Sự nghèo đói khiến bố mẹ và các anh chị của chú luôn muộn phiền, giận dữ, và hễ khi có chuyện không vui, họ lại mắng chửi đánh đập chú.
Vì thế, chú chỉ biết nói chuyện, tâm sự với một cây cam ngọt trong khu vườn. Zeze coi cây cam như một con người vậy, chuyện gì chú cũng kể cho nó nghe.
Một lần chú tình cờ quen biết và trở thành bạn với một người Bồ Đào Nha- người mà chú trìu mến gọi là “Ông Bồ”. “Ông Bồ” thật lòng yêu thương Zeze vì ông nhìn ra sự nhạy cảm và lòng tốt nơi chú. Vì lần đầu được ai đó thật lòng yêu thương nên Zeze coi “Ông Bồ” như cha vậy, nhưng thật bất hạnh vì đến cuối truyện, chúa Hài đồng lại cướp “người cha” khỏi tay chú.
Tôi thích nhất câu này trong truyện: “Vào cái thời của chúng ta, cháu đã không biết rằng nhiều năm trước đó, một hoàng tử ngốc nghếch đã quỳ trước một bệ thờ và với đôi mắt ngấn lệ, chàng hỏi các vị thánh, “Tại sao người ta lại nói cho bọn trẻ biết nhiều chuyện như vậy trong khi chúng còn bé như thế?” Ông Bồ yêu quý của cháu, sự thực là người ta đã cho cháu biết mọi chuyện quá sớm.”
Ngàn mặt trời rực rỡ
Ngàn mặt trời rực rỡ là tiểu thuyết của nhà văn Afghanistan, Khaled Hosseini (hiện là bác sĩ tại California). Đây là lần đầu tiên tôi đọc tiểu thuyết của một tác giả Afghanistan và tôi đã bị thu hút mãnh liệt.
Sách kể về cuộc đời của hai người phụ nữ, sinh ra và lớn lên trong hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược, nhưng số phận đã đưa họ đến bên nhau và chia sẻ cuộc sống với nhau. Mariam là con gái của một thương gia giàu có nổi tiếng và một người hầu trong gia đình ông. Vì sợ ảnh hưởng đến danh tiếng và quyền lực, nên ông và ba người vợ hợp pháp đã đuổi mẹ Mariam ra khỏi nhà sau khi bà có thai. Mariam sống với mẹ tại một căn nhà đơn sơ, siêu vẹo cạnh một dòng suối. Cô không được đến trường, và niềm hạnh phúc của cô là mong chờ đến thứ 5 hàng tuần để được gặp bố. Nhưng sau khi mẹ cô qua đời, người bố (dù thật lòng yêu thương Mariam nhưng không vượt qua được định kiến xã hội) đã cùng ba người vợ chính thức gả cô cho một người đàn ông 40 tuổi, gia trưởng, bạo lực, ở một tỉnh khác.
Ngược lại, Liam sinh ra trong một gia đình khá giả, trí thức. Bố cô là giáo sư Đại học và luôn khuyến khích con gái học và phát triển tài năng, hoàn toàn trái ngược với mong muốn của xã hội. Liam được học hành tử tế, thông mình, hiểu biết, và có nhiều ước mơ hoài bão lớn.
Những biến chuyển về chính trị ở Afghanistan (sự xâm lược của Liên bang Xô Viết, nội chiến giữa các nhánh Hồi Giáo, việc Taliban lên nắm quyền, vân vân) đã khiến Mariam và Liam cùng trở thành vợ của một người đàn ông già, gia trưởng, bạo lực, và cực kỳ coi thường phụ nữ. Phần hai của câu chuyện kể về hành trình trốn chạy của hai người phụ nữ khỏi chồng mình, và khỏi Afghanistan dưới sự cầm quyền của Taliban.
Người đua diều
Người đua diều cũng là một tác phẩm của nhà văn Afghanistan, Khaled Hosseini. Truyện kể về mối quan hệ và tình bạn của Hassan và Amir. Amir, nhân vật xưng “tôi” trong tác phẩm là một người Pashtun, dân tộc được tôn trọng và có chỗ đứng ở Afghanistan, còn Hassan là một người Hazara, dân tộc luôn bị coi thường và dè bỉu trong xã hội. Hassan là một người hầu trong gia đình Amir.
Hai cậu bé bằng tuổi, cùng lớn lên bên nhau, và rất thân thiết với nhau. Hassan luôn yêu quý, trung thành, và bảo vệ Amir. Nhưng Amir lại có chút ghen tị và đố kị vì không hiểu tại sao bố mình lại yêu quý Hassan đến vậy. Cuối cùng, cậu đã thành công đuổi được Hassan ra khỏi nhà, nhưng suốt phần đời còn lại, cậu luôn ân hận và thấy có lỗi vì những quyết định của mình.
Những chuyển biến về chính trị ở Afghanistan đã khiến Amir và bố đến Mỹ định cư. Hơn hai mươi năm sau, anh mới có cơ hội trở về quê hương, và biết được sự thật rằng, Hassan thật ra là em trai cùng cha khác mẹ với mình. Hassan đã ra đi và không bao giờ biết được rằng, Amir thật ra là anh trai mình.
Nếu bạn muốn hiểu hơn về lịch sự, và chính trị của Afghanistan mà không muốn đọc những cuốn sách thuần chính trị “nhàm chán”, thì “Ngàn mặt trời rực rỡ” và “Người đua diều” là hai cuốn tiểu thuyết phù hợp. Cũng nên chuẩn bị ít khăn giấy, vì thỉnh thoảng bạn cũng thấy mắt mình ướt đấy!
Đừng chết ở Ả Rập Xê Út – Nghiêm Hương
Sách là cuốn tự truyện của Nghiêm Hương về hành trình xuất khẩu lao động ở Ả Rập Xê Út. Trước khi đến Ả Rập Xê Út, cô Hương được công ty xuất khẩu lao động hứa hẹn đủ điều. Họ nói rằng với vốn tiếng Anh tốt, cô sẽ được trọng dụng, và trả lương cao. Công việc của cô sẽ không quá vất vả, chủ yếu là trông trẻ thôi. Họ cũng hứa, nếu có vấn đề gì xảy ra, công ty sẽ hỗ trợ và đưa cô trở về Việt Nam an toàn. Nhưng đó chỉ là những lời dối trá. Ngay từ ngày đầu đặt chân lên đất Ả Rập Xê Út, cô đã bị bỏ đói, mắng chửi, thậm chí đánh đập, báo hiệu một chyến đi đầy trắc trở. Quả thật, những gì cô gặp phải ở đất nước này rất khủng khiếp, thậm chí đến mức khó mà tưởng tượng được.
Trong một thời gian ngắn ngủi, cô trải qua ba đời chủ, đều là những gia đình giàu có, quyền lực ở Ả Rập Xê Út. Khi làm việc cho gia đình chủ đầu tiên, cô suýt bị ông chủ cưỡng hiếp. Vấn đề ở chỗ cô không thể kể với bà chủ vì bà chủ sẽ cho rằng chính cô là người lôi kéo quyến rũ chồng bà và sẽ giao cô cho cảnh sát xử lý. Luật ở đây rất khắc nghiệt đối với phụ nữ phạm phải tội này, nên cô chỉ có thể cố gắng liên hệ với công ty ở Việt Nam xin về. Nhưng thay vì cho cô về Việt Nam, họ bán cô cho một gia đình chủ khác.
Ở gia đình chủ mới, cô phải làm việc cho một bà chủ cực kỳ ghê gớm. Chỉ cần sắp xếp bát đũa sai một chút, hoặc nấu ăn không vừa miệng chủ, cô sẽ bị đánh đập thậm tệ. Cô lại tiếp tục xin về Việt Nam, nhưng họ lại tiếp tục đổi chủ cho cô. Gia đình thứ ba là một gia đình rất có thế lực và giàu có, sở hữu cả một trang trại lớn cung cấp thực phẩm cho thủ đô. Ông chủ và hai cậu con trai đều làm việc cho chính phủ, và là những người thật sự tốt bụng, lịch sự. Nhưng bà chủ lại là cơn ác mộng của cô. Công việc ở gia đình này rất vất vả. Phải dùng mọi cách cô mới có thể thoát khỏi ra đình thứ ba và trở về Việt Nam.
Đọc sách, bạn có thể biết thêm một số thông tin thú vị về văn hoá, con người ở đất nước này. Ví dụ, đàn ông chỉ biết mặt một người phụ nữ duy nhất, là vợ mình. Khi những người bạn gái, chị em của vợ tụ tập thì người chồng sẽ không xuất hiện. Người vợ không phải động tay chân vào bất cứ việc gì, chỉ phải quản lý người hầu kẻ hạ trong gia đình.
Hoa vẫn nở mỗi ngày
Hoa vẫn nở mỗi ngày là tác phẩm của nhà văn Pháp Valérie Perrin. Tiểu thuyết kể về cuộc đời của người phụ nữ Violette Toussaint. Người phụ nữ ấy đã trải qua biết bao mất mát trong cuộc đời: bị mẹ bỏ rơi khi mới chào đời, đứa con gái mà cô yêu thương hết mực cũng bỏ cô mà đi trong một vụ tai nạn thảm khốc, người chồng một thời cô từng rất yêu cuối cùng cũng ra đi.
Kỳ lạ là cô tìm thấy hạnh phúc, và niềm vui sống trở lại khi làm nhân viên quản trang cho một nghĩa trang tỉnh lẻ. Tiểu thuyết kể về mất mát và cái chết nhưng lại không đem đến cho người đọc cảm giác bi quan, u ám. Ngược lại, điều lớn nhất đọng lại trong tôi khi đọc đến trang cuối cùng là sự lạc quan, lòng tốt của con người, và vẻ đẹp của tình yêu.
China’s gilded age: The paradox of economic boom and vast corruption
Đây là một cuốn sách rất hay (và theo tôi khá thuyết phục) về Trung Quốc của học giả Yuen Yuen Ang, phó giáo sư tại Đại học Michigan. Ban đầu tôi không định chia sẻ cuốn sách này trên blog, vì tôi muốn blog chỉ là nơi tôi viết những gì đơn giản, nhẹ nhàng, vui tươi. Tôi không muốn viết về vấn đề chuyên môn và chính trị trên blog, vì đó là công việc hàng ngày của tôi rồi. Nhưng vì khá thích sách này, nên tôi quyết định chia sẻ với bạn.
Tại sao Trung Quốc phát triển rất nhanh trong thời gian dài bất chấp nạn tham nhũng rộng lớn? Trong cuốn sách này, Giáo sư Ang cho rằng tất cả tham nhũng đều có hại, nhưng không phải tất cả các loại tham nhũng đều làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế. Ang chia tham nhũng thành bốn loại: petty theft (ví dụ, công chức nhà nước bắt những người bán hàng rong phải trả tiền cho họ để được hoạt động), grand theft (ví dụ, quan chức nhà nước bòn rút công quỹ bất hợp pháp), speed money (ví dụ, người dân phải gửi bác sĩ phong bì để được điều trị tại bệnh viện), và access money (doanh nghiệp trực tiếp hối lộ các quan chức nhà nước cấp cao để đổi lấy hợp đồng xây dựng các công trình lớn). Theo Ang, ba loại tham nhũng đầu tiên cản trở tăng trưởng, trong khi access money có thể kích thích đầu tư và tăng trưởng dù tạo ra rủi ro nghiêm trọng cho nền kinh tế và hệ thống chính trị trong dài hạn.
Kể từ khi mở cửa thị trường, access money đã trở thành loại tham nhũng phổ biến nhất ở Trung Quốc, và giúp thúc đẩy kinh tế Trung Quốc. Sử dụng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, tác giả giải thích sự tiến triển của tham nhũng ở Trung Quốc, sự khác biệt của nó với phương Tây và các nước đang phát triển khác. Tác giả cũng phân tích chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập có thể ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng kinh tế và quản trị.
Lập luận và bằng chứng của tác giả khá thuyết phục. Tôi dự định sẽ sử dụng sách cho lớp học về Trung Quốc và Đông Á trong kỳ mùa xuân 2023.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn một tuần mới vui, và hẹn gặp lại bạn tuần sau nhé!
Trương Thanh Mai
Mình cũng thấy nhiều người đọc cuốn Cây Cam Ngọt Của Tôi nhưng mình ko biết có hay ko nên vẫn chưa đọc. Cám ơn bạn vì đã chia sẻ, nội dung rất bổ ích 🙂
Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog!