
Hơn một tháng trước, một sinh viên chia sẻ với tôi rằng, em rất dễ bị thuyết phục bởi quan điểm, lập luận của một bài báo, một bản tin, một bài blog, hay thậm chí là một bài viết ngắn của người khác trên Facebook. Ngay cả khi các bài viết đưa ra những lập luận hoàn toàn trái ngược nhau về một vấn đề, em đều cảm thấy có lý. Có lẽ trong chúng ta, ai cũng từng rơi vào hoàn cảnh như em ấy, không thể tìm ra được quan điểm, góc nhìn của bản thân về một sự việc/hiện tượng xảy ra quanh ta.
Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với bạn một phương pháp để trở thành người tiêu thụ thông tin thông thái hơn, và từ đó có thể tìm được chính kiến, góc nhìn riêng của bản thân. Tôi tin rằng để đạt được điều đó ta phải tập suy nghĩ và tư duy về quan hệ nhân-quả. Bài viết này lấy ý tưởng từ môn học phương pháp nghiên cứu khoa học tôi đang dạy ở kỳ này. Vì phần lớn sinh viên của tôi không muốn học lên tiến sĩ hoặc đi theo con đường nghiên cứu chuyên nghiệp, nên tôi dành một phần thời gian trên lớp hướng dẫn các em cách áp dụng khoa học vào cuộc sống hàng ngày.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy, rất nhiều bài báo, bản tin truyền hình, các bài phát biểu của các chính trị gia/những người nổi tiếng, những bài viết ngắn trên Facebook, hay thậm chí cả những cuộc trò chuyện hàng ngày với bố mẹ, bạn bè đều có đề cập đến một mối quan hệ nhân quả nào đó. Tác giả (người viết hoặc nói) có thể cố gắng thuyết phục bạn về một mối quan hệ nhân quả một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Bạn có thể nhận thấy một mối quan hệ nguyên nhân – kết quả khi có thể đơn giản hóa lập luận của người khác dưới dạng: Vì một sự việc /hiện tượng X xảy ra, nên sự việc/hiện tượng Y mới xảy ra; X gây ra Y; hoặc X là hệ quả của Y.
Ví dụ, chắc hẳn bạn đã nghe những lập luận nhân quả sau: vì đứa A học nhiều quá nên không lấy được chồng; con gái mà học nhiều thì làm sao lấy được chồng; học trường Chuyên, lớp chọn sẽ giúp sinh viên có tương lai rộng mở hơn. Khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine xảy ra, rất nhiều người đã lập luận rằng, vì NATO không ngừng kết nạp thành viên mới, tiến sát biên giới nước Nga nên Nga mới quyết định giao chiến với Ukraine. Những ví dụ này cho ta thấy rằng, rất nhiều người xung quanh bạn muốn thuyết phục bạn về một mối quan hệ nhân quả nào đó, ngay cả khi bản thân họ không nhận ra điều đó.
Trong khóa học về Phương pháp nghiên cứu khoa học, tôi dạy sinh viên rằng, người khác chỉ có thể thành công thuyết phục ta tin vào một lập luận quan hệ nhân quả nào đó, nếu lập luận của họ vượt qua được bốn rào cản nhân quả (causal hurdles). Tôi yêu cầu sinh viên làm một bảng đánh giá từng rào cản cho một lập luận quan hệ nhân quả nào đó (causal hurdle scorecard). Với mỗi một rào cản, sinh viên phải đánh giá có hoặc không (“có” nếu sinh viên cho rằng lập luận nhân-quả đó đã vượt qua được rào cản, “không” nếu ngược lại).
Để tìm hiểu sâu hơn về 4 rào cản nhân quả, tôi sẽ áp dụng vào đoạn trích sau tôi tình cờ đọc được trên một diễn đàn trực tuyến:
“Nhiều người cứ mải miết đi tìm mọi cách để giúp kéo dài tuổi thọ như là: Ăn thật nhiều đồ bổ, uống thật nhiều thuốc bổ…Tuy nhiên lại không biết rằng bí quyết để sống thọ đôi khi rất đơn giản. Theo thông tin em đọc được trên báo thì các chuyên gia khuyên rằng: Đàn ông mà muốn sống thọ thì hãy lấy vợ. Mới nghe có vẻ hơi ngược đời, nhiều người có thể còn không tin vào điều đó. Tuy nhiên đây là kết quả đúc kết lại từ những nghiên cứu cụ thể của các chuyên gia đó ạ.”
(Đọc toàn bài tại đây)
Trước khi đánh giá 4 rào cản nhân quả, trước hết, ta phải tìm ra được mối quan hệ nhân quả (causal claim) mà người nói, người viết muốn thuyết phục bạn. Trong mối quan hệ đó, ta sẽ gọi nguyên nhân là X, và kết quả là Y. Trong đoạn trích trên, tác giả nói đến mối quan hệ nhân quả giữa việc kết hôn (X) và tuổi thọ của đàn ông (Y). Cụ thể: Kết hôn sẽ giúp đàn ông sống lâu hơn. Hay nói cách khách: Vì kết hôn, nên đàn ông sẽ sống lâu hơn.
Mối quan hệ nhân quả trên có thể viết ngắn gọn lại như sau:
Rào cản nhân quả 1: Lý do sự việc/hiện tượng X gây ra sự việc/hiện tượng Y có hợp lý không? Bạn có thể nghĩ ra được một logic hợp lý nào kết nối X và Y không?
Trở lại ví dụ trên, vượt qua được rào cản 1 nghĩa là ta phải tìm ra được lý do hợp lý giải thích vì sao kết hôn khiến đàn ông sống lâu hơn. Rõ ràng, ta có thể dễ dàng nghĩ ra được những lý do hợp lý: Sau khi kết hôn, nhiều người đàn ông có thể sống trách nhiệm hơn (chẳng hạn họ có thể từ bỏ những thói quen xấu như uống rượu bia, thuốc lá, họ có thể ăn uống khoa học điều độ hơn). Sống trách nhiệm hơn rõ ràng giúp tăng tuổi thọ của họ. Một lý do khác có thể là nếu đàn ông có một mối quan hệ gia đình lành mạnh, và bền vững, họ sẽ có một sức khỏe tinh thần tốt. Sức khỏe tinh thần tốt cũng có ảnh hưởng tích cực đến tuổi thọ.
Vì cơ chế liên kết X và Y khá hợp lý, nên lập luận nhân quả giữa kết hôn và tuổi thọ của đàn ông dễ dàng vượt qua rào cản 1.
Rào cản 1 cực kỳ quan trọng. Nếu ta không thể tìm được lý do hợp lý vì sao X có thể gây ra Y, thì lập luận nhân quả giữa X và Y là vô nghĩa. Tôi bảo sinh viên rằng, nếu tác giả đưa ra một lý do kết nối X và Y rất ngớ ngẩn, khó tin, khiến em phải chau mày thì có nghĩa là họ đã không vượt qua được rào cản này. Lập luận hoàn toàn không đáng tin nữa, và không cần phải đánh giá tiếp các rào cản còn lại.
Nếu rào cản 1 đã được vượt qua, ta sẽ tiếp tục đánh giá rào cản 2.
Rào cản nhân quả 2: Liệu ta có thể loại bỏ trường hợp nhân quả ngược: Y cũng gây ra X không.
Đối với ví dụ trên, tác giả chỉ có thể vượt qua được rào cản 2 khi loại bỏ được khả năng rằng tuổi thọ của đàn ông (Y) cũng ảnh hưởng đến khả năng kết hôn của họ (X). Rõ ràng là rất khó để vượt qua được rào cản này. Tuổi thọ (Y) rõ ràng cũng ảnh hưởng đến việc kết hôn (X). Những người đàn ông có tuổi thọ thấp rõ ràng sẽ khó lấy vợ hơn. Những người đàn ông có tuổi thọ cao thì cơ hội lập gia đình cũng cao hơn, vì họ…sống lâu hơn và cũng vì có thể họ có sức khỏe tốt hơn.
Rào cản 2 cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, một lập luận nhân-quả không hẳn đã trở nên vô nghĩa khi không vượt qua được rào cản 2. Ta có thể thận trọng bước tiếp đến rào cản 3, nhưng phải luôn ghi nhớ rằng, lập luận của họ có vấn đề về nhân quả ngược (Y cũng gây ra X. Hay nói cách khác, ta không biết X gây ra Y hay Y gây ra X). Ở ví dụ trên, ta không biết việc kết hôn có ảnh hưởng đến tuổi thọ đàn ông hay tuổi thọ của đàn ông ảnh hưởng đến xác suất họ kết hôn.
Rào cản nhân quả 3: Có mối quan hệ tương quan giữa X và Y không?
Có mối quan hệ tương quan nghĩa là khi X tăng lên hoặc giảm xuống thì Y tăng lên/giảm xuống một cách có hệ thống.
Ví dụ trên của chúng ta dựa trên nghiên cứu có sẵn. Bộ số liệu của nghiên cứu này chỉ ra rằng, đàn ông kết hôn nhìn chung có tuổi thọ trung bình cao hơn đàn ông không kết hôn. Vậy rõ ràng là có mối quan hệ tương quan giữa kết hôn (X) và tuổi thọ của đàn ông (Y).
Chúng ta có thể vượt qua rào cản 3.
Mối quan hệ tương quan giữa X và Y là một phần bằng chứng cho thấy có thể có mối quan hệ nhân quả giữa hai hiện tượng/sự việc. Tuy nhiên quan hệ tương quan không đồng nghĩa với quan hệ nhân quả. Lại nữa, ngay cả khi X và Y không có sự tương quan, ta không cần phải loại bỏ hoàn toàn lập luận nhân quả giữa X và Y. Lý do là vì có thể có một nguyên nhân khác (Z) ngoài X có tương quan đến X và cũng là nguyên nhân của Y, nhưng ta chưa xem xét đến. Có thể, sau khi ta xem xét đến nguyên nhân Z, ta sẽ thấy mối tương quan giữa X và Y bắt đầu xuất hiện.
Khi không vượt qua được rào cản 3, ta có thể dừng lại một chút, và suy nghĩ xem nguyên nhân Z có thể là gì, và thận trọng đi tiếp đến rào cản 4.
Rào cản nhân quả 4: Tác giả đã xem xét đến tất cả các nguyên nhân khác (ngoài X) có thể gây ra Y chưa?
Hiện tượng xã hội thường rất phức tạp, và thường do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tuy nhiên, khi bạn đọc các bài viết khoa học, các bài viết trên trên báo chí đại chúng, trên FB, hay nghe các bài diễn văn của những người có ảnh hưởng, họ thường chỉ tập trung vào một nguyên nhân dẫn đến Y.
Như ví dụ của chúng ta, người viết chỉ giải thích tuổi thọ của đàn ông bằng việc họ có kết hôn hay không. Rõ ràng là, việc đàn ông có tuổi thọ cao hay thấp còn phụ thuộc vào vô số nguyên nhân khác như tình trạng sức khỏe của họ (rõ ràng người đàn ông có cơ thể khỏe mạnh sẽ có tuổi thọ cao hơn), công việc họ làm (làm công việc nặng nhọc độc hại có thể khiến tuổi thọ của người đàn ông giảm xuống), tình trạng tài chính, nơi họ sống (ở một số địa phương có thể có ô nhiễm không khí cao ảnh hưởng đến tuổi thọ của họ), vân vân và vân vân.
Khi đánh giá rào cản 4, tôi thường bảo sinh viên đọc kỹ xem tác giả đề cập đến những nguyên nhân nào khác gây ra Y, ngoài X. Nếu các em cho rằng, tác giả đã xem xét đến tất cả các nguyên nhân khác rồi (mà vẫn chứng minh được rằng X gây ra Y), và em không thể nghĩ ra một nguyên nhân nào khác nữa, thì có nghĩa là rào cản 4 đã được vượt qua.
Vậy làm sao để tìm ra một nguyên nhân Z ngoài X? Tôi bảo sinh viên nghĩ về một yếu tố nào đó có thể có tương quan với X và cũng là nguyên nhân của Y.
Trở lại ví dụ của chúng ta, rõ ràng tình trạng sức khỏe là một nguyên nhân Z tiềm năng. Tình trạng sức khỏe (Z) rất có khả năng có mối quan hệ tương quan với việc đàn ông kết hôn (X): Những người đàn ông khỏe mạnh thì sẽ có khả năng kết hôn cao hơn những người có sức khỏe kém. Tình trạng sức khỏe cũng có mối quan hệ nhân quả với tuổi thọ: Những người đàn ông khỏe mạnh có tuổi thọ cao hơn những người không khỏe mạnh.
Ta chỉ có thể vượt qua được rào cản 4 khi ta đã xem xét đến tất cả các nguyên nhân khác của Y, mà mối quan hệ giữa X và Y vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ lúc đó ta mới chắc chắn là X gây ra Y.
Trở lại ví dụ của chúng ta, vì đoạn trích trên không nhắc gì đến những nguyên nhân khác ảnh hưởng đến tuổi thọ của đàn ông, ngoài yếu tố kết hôn, nên dựa vào thông tin trên, rào cản 4 đã không thể vượt qua.
Trong 4 rào cản, rào cản 4 là thách thức nhất. Rất khó để vượt qua rào cản này, đơn giản là vì một hiện tượng xã hội thường do rất nhiều nguyên nhân tạo ra. Đôi khi ta không thể nghĩ được tất cả các nguyên nhân có thể gây ra Y, nói gì đến việc thu thập số liệu liên quan đến những nguyên nhân này. Chúng ta không biết những gì ta không biết mà.
Lập luận về nhân quả giữa kết hôn và tuổi thọ đàn ông vượt qua được hai rào cản (1 & 3), và không vượt qua được hai rào cản (2 & 4). Vì thế, tác giả chưa thể thuyết phục được ta rằng kết hôn sẽ giúp đàn ông sống lâu hơn.
Tôi chia sẻ với sinh viên rằng, phát triển kỹ năng tư duy nhân-quả không phải nhằm mục đích bới lông tìm vết, chỉ trích, tấn công lập luận của người khác. Tôi tin rằng, có được tư duy nhân-quả sẽ khiến ta trở thành người tranh luận văn minh, lịch sự, và có thể đặt ra những câu hỏi mang tính xây dựng. Chẳng hạn, nếu bạn thấy chưa thấy thuyết phục bởi lập luận của một ai đó, thay vì nói “bạn sai lè lè rồi còn cãi”, bạn có thể đặt những câu hỏi như: Bạn có thể giải thích rõ hơn vì sao X lại gây ra Y? Bạn đã xem xét đến khả năng rằng Y cũng gây ra X chưa? Hay bạn đã xem xết đến những nguyên nhân khác gây ra Y như Z, A, B, C, W, ngoài nguyên nhân X bạn đề cập đến chưa? Bạn nghĩ khi xem xét đến các nguyên nhân khác rồi thì mối quan hệ giữa X và Y sẽ thay đổi thế nào?
Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn một tuần mới vui và hẹn gặp bạn tuần sau.
Trương Thanh Mai
Chị ơi chị có thể cho em xin tài liệu môn PPNC chị đang dạy như ebook hoặc slide bài giangr được ko ạ?
Chào em! Cảm ơn em đã ghé thăm blog. Chị đung giáo trình có tên “The fundamentals of political science research.” Hình như sách không có ebook em ạ.