Kể lại hành trình ăn dặm cùng con gái

Bí Ngô, con gái tôi, đã gần tròn 13 tháng tuổi. Nàng đã đi trẻ được khoảng 2 tháng rồi. Chúng tôi gửi nàng đến một nhà trẻ tại nhà (home daycare). Home daycare thường nhỏ, do một cô tự tổ chức trông trẻ ở nhà cô. Theo quy định của bang Maryland, ai muốn trông trẻ tại nhà phải được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề. Mỗi home daycare chỉ được phép trông tối đa 6 trẻ, và chỉ được phép có 2 bé dưới 2 tuổi. Các cô cũng phải theo quy định dinh dưỡng của bang, bữa ăn phải đủ đạm, rau, hoa quả, và tinh bột.

Khi Bí Ngô tròn 12 tháng, cô nhắn tin cho vợ chồng tôi bảo rằng, cô không được phép cho Bí Ngô ăn sữa công thức (tôi gửi cô mỗi sáng) ở nhà cô nữa. Bang yêu cầu cô phải cho em bé từ 1 tuổi trở lên uống sữa bò vì sữa công thức sẽ dễ khiến trẻ thừa cân, béo phì (vì nhiều đường). Nếu chúng tôi tiếp tục muốn con uống sữa công thức, chúng tôi phải gửi giấy chứng nhận của bác sỹ cho cô.

Tôi thật sự hài lòng với cô giáo hiện tại của Bí ngô. Cô luôn nỗ lực để mỗi trẻ được theo lịch sinh hoạt đúng độ tuổi. Bí Ngô được ăn ngon, ngủ đủ, nên luôn vui vẻ. Tôi có thể cảm nhận được cô thật sự yêu và quan tâm đến lũ trẻ. Bí Ngô thích đến nhà cô lắm.

Chiều nào đến đón Bí Ngô, tôi cũng hỏi cô, nàng ăn ngủ thế nào. Lần nào cô cũng bảo, “She ate everything”. Cô bảo, trong lớp, Bí ngô là em bé ăn giỏi nhất. Có hôm cô thử nấu món hạt diêm mạch, và chỉ mỗi nàng ăn. Nhiều hôm, thấy cô mở tủ lạnh lấy thực phẩm ra nấu nàng đã đòi ăn rồi.

Tôi nghĩ rằng Bí ngô ăn tốt một phần là do gien (mẹ tôi kể ngày còn nhỏ tôi cũng ăn tất cả mọi thứ mẹ nấu), một phần là do vợ chồng tôi đã cố gắng cho con ăn đa dạng khi con bắt đầu hành trình ăn dặm lúc 6 tháng tuổi.

Trong bài viết tuần này, xin được chia sẻ với bạn hành trình học ăn của Bí Ngô.

Khi Bí Ngô gần đến tuổi ăn dặm (6 tháng), bác sỹ của con khuyên vợ chồng tôi nên cho con ăn đa dạng ngay từ đầu. Bác sỹ cũng khuyên chúng tôi tạo điều kiện để con được làm quen với các loại mùi vị, và kết cấu (texture) khác nhau của thức ăn.

Chúng tôi quyết định kết hợp ăn dặm truyền thống và ăn dặm tự chỉ huy (Baby led weaning- BLW) cho Bí Ngô. Bữa trưa nàng ăn cháo kiểu Việt Nam. Cháo thường sẽ có một hoặc hai loại rau và một loại đạm nấu cùng. Đây là một số loại cháo nàng rất thích:

  • Cháo khoai lang, bông cải xanh (broccoli), thịt gà/cá hồi
  • Cháo bí đỏ, cải kale, trứng
  • Cháo ngô, bắp cải, thịt/cá hồi
  • Cháo củ dền đỏ, thịt băm/cá hồi
  • Cháo rau dền, khoai lang, cá

Bữa chiều, chúng tôi cho Bí Ngô ăn theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW – Baby Led Weaning).

Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy là gì?

Đây là phương pháp ăn dặm cho phép trẻ được tự quyết định món ăn, cách ăn theo ý mình và bố mẹ phải tôn trọng quyết định này của trẻ.

Mặc dù, ăn dặm tự chỉ huy đã tồn tại suốt lịch sử loài người, nhưng phương pháp này được giải thích, tổng hợp, và nghiên cứu kỹ lưỡng bởi tiến sĩ Gill Rapley. Có thể tìm mua sách của tiến sĩ tại đây.

Khi còn là một y tá, tiến sĩ Gill Rapley đã quan sát thấy, rất nhiều ông bố bà mẹ cảm thấy căng thẳng, và kiệt sức về việc ăn uống của con cái. Nhiều gia đình chia sẻ với cô, bữa ăn là cực hình đối với cả nhà: con lười ăn biếng ăn, con khóc lóc ỉ ôi khi “được” cho ăn. Bố mẹ thì cáu giận, tìm mọi cách để ép con ăn bằng được.

Thời gian ấy, nhiều nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân trẻ sợ ăn, biếng ăn là vì thức ăn. Vì vậy, giải pháp đưa ra là cho trẻ ăn thêm thực phẩm chức năng tạo cảm giác thèm ăn và giảm độ tuổi bắt đầu ăn dặm xuống còn 4 tháng. Nhưng thay đổi đồ ăn không thật sự khiến trẻ thích ăn uống hơn.

Từ quan sát này, Gill Rapley đã đưa ra một giả thuyết khác: Nhiều trẻ biếng ăn, sợ ăn, không phải là do thức ăn mà là do cách được cho ăn. Cô lập luận rằng nếu trẻ được tự cầm nắm, chạm vào thức ăn, và tự quyết định lượng ăn, trẻ sẽ yêu thích việc ăn uống hơn.

Cô đã theo đuổi ý tưởng này cho luận văn thạc sĩ và sau đó là luận án tiến sĩ. Dựa trên số liệu luận án tiến sĩ (những gia đình đồng ý tham gia nghiên cứu của cô), cô quan sát thấy rằng, trẻ có thái độ rất khác nhau khi được bón ăn và khi tự ăn. Khi trẻ được tự ăn, chúng tập trung và thích thú. Khi được đút ăn, chúng cố gắng trốn tránh việc ăn.

Hành trình ăn dặm tự chỉ huy của Bí Ngô

Mặc dù hóc (choking- gây nghẹt thở) rất hiếm khi xảy ra đối với trẻ theo BLW, nhưng trước khi bắt đầu, tôi đã tìm hiểu kỹ cách xử lý hóc ở trẻ. Ở Mỹ, bệnh viện nào cũng cung cấp khóa học này cho bố mẹ. Vì sau khi sinh Bí Ngô tôi khá bận, nên chỉ có thể học online. Bạn cũng có thể tự học bằng cách xem các videos trên Youtube. Đây là kỹ năng cực kỳ cần thiết mà tôi nghĩ bố mẹ nào cũng cần có, ngay cả khi con bạn không ăn dặm theo phương pháp BLW. (Xem video dưới đây).

Trước khi Bí Ngô có thể bốc nhón (bốc thức ăn bằng ngón trỏ và ngón cái), tôi thường cắt thức ăn dài bằng một đốt ngón tay để con dễ cầm nắm. Tôi thường nấu đồ ăn thật mềm, nhưng không nát, để nàng có thể cầm được. Những món ăn phù hợp cho trẻ bắt đầu hành trình ăn dặm tự chỉ huy bao gồm bơ, bí đỏ, khoai lang, khoai tây, broccoli, trứng rán, măng tây, đỗ xanh, cà rốt, cà tím, bí đỏ, chuối. Dưới đây là hình ảnh một số món ăn dặm BLW của nàng:

Nem, cà rốt luộc, cà tím xào, dưa hấú
Bí ngòi, táo luộc, thịt gà luộc, broccoli, bánh mì rán
Trứng rán, măng tây, dưa chuột, dưa hấu
Bơ, măng tây, đậu xào cà chua, cơm rang cà rốt.

Ban đầu Bí Ngô chưa hiểu ngay những gì bày trước mặt là đồ ăn. Nàng coi thức ăn như đồ chơi thôi. Nhưng nàng rất háo hức cầm lên, cho vào miệng, để thử xem mùi vị và kết cấu của “đồ chơi” thế nào. Ngay cả khi nàng chưa ăn thô được nhiều, tôi cố gắng cho nàng được tiếp xúc với nhiều loại đồ ăn khác nhau mỗi ngày.

Mọi người thường cho rằng, chưa có răng thì con sẽ nuốt chửng vào miệng ngay. Nhưng thật ra, ngay từ ngày đầu, Bí Ngô đã cố gắng nhai và nghiền nát thức ăn bằng hàm trước khi nuốt. Vì học ăn như vậy từ 6 tháng tuổi nên bây giờ ăn gì con cũng nhai rất kỹ mới ăn. Nếu cảm thấy cứng, khó nuốt, con luôn luôn nhè ra, cầm lên nhìn, rồi mới ăn tiếp hoặc vứt đi nếu cảm thấy không an toàn.

Hành trình học ăn cùng con khiến tôi thấm thía một điều: muốn thành công, ta phải có một thái độ bình tĩnh và kiên trì từng ngày.

Thời gian đầu, vì nghĩ thức ăn là đồ chơi, nên Bí Ngô ăn rất ít. Có nhiều hôm, nàng chỉ ngồi vào bàn ăn được khoảng 15-20 phút đã đòi ra rồi. Tôi luôn sợ con sẽ đói. Nhưng dần dần, tôi nghĩ khác. Tôi muốn là bạn đồng hành cùng con trên hành trình học ăn. Trên hành trình ấy, con mới chỉ bước những bước chập chững đầu tiên. Tôi cố gắng coi bữa tối là giờ chơi, giờ học của con. Thấy mỗi ngày con học được kỹ năng mới (như cầm nắm giỏi hơn, ăn thêm được nhiều hơn) là tôi thấy vui rồi. Nếu con không muốn ăn, tôi sẽ không ép. (Để tránh việc con đói, tôi cho con uống sữa trước và sau giờ ăn tối).’

Lúc này mới học ăn nên chỉ coi thức ăn mẹ nấu như đồ chơi

Bỗng một ngày khi Bí Ngô khoảng 7 tháng tuổi, như thể có một sự phát triển lớn về nhận thức, nàng bỗng nhận ra “à, thì ra đây là đồ ăn”.  Nàng bắt đầu hiểu, những gì được bày trước mắt vào giờ ăn tối là thức ăn chứ không phải đồ chơi. Haha. Thế là nàng bắt đầu ăn ngon lành những đồ tôi nấu. Đến giờ ăn, nàng còn đòi ăn cơ, vừa ăn còn vừa ngắm đồ ăn cười thích thú! Đến tầm 9 tháng, nàng đã bốc đồ ăn bằng hai ngón tay rất thành thạo. Và thế là nàng có thể ăn tự ăn được những đồ ăn rất nhỏ. Đến tầm 10 tháng tuổi, nàng thể hiện rõ là không thích mẹ đút nữa, mà muốn tự ăn cả bữa trưa và bữa tối,

Thật lòng, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và vui sướng khi con bắt đầu yêu thích các bữa ăn.

Đã bắt đầu nhận ra mẹ bày đồ ăn chứ không phải đồ chơi. haha

Bạn biết không, khi Bí Ngô ăn dặm tự chỉ huy được khoảng 2 tuần, tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ, và chỉ đút cháo cho con ăn. Như bao bố mẹ khác, tôi rất sợ con sẽ bị hóc, nghẹt (choking) dù đã học một khóa học về cách xử lý khi trẻ bị hóc rồi. Mỗi lần thấy con ọe khi ăn là tôi lại sợ, và ý nghĩ, “hay là mình từ bỏ phương pháp này nhỉ”, lại tìm đến.

Nhưng trước khi đưa ra quyết định, tôi dành một buổi tối đọc và xem video của các bà mẹ khác và của những người có chuyên môn. Và thật sự, trí óc tôi đã được khai sáng rất nhiều. Qua tìm hiểu, tôi học được rằng:  Phản xạ ọe là một phản xạ rất hữu ích và an toàn của trẻ trước những đồ ăn có kích cỡ to, rất to, không phù hợp. Oẹ giúp cho những thức ăn đó không thể đi sâu vào đường thở và tránh gây hóc. Ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến dưới 12 tháng tuổi, phản xạ ọe được kích hoạt ngay ở đầu lưỡi khác với người lớn ở phần cuống lưỡi, nên trẻ sẽ dễ ọe hơn rất nhiều. Ọe còn là cách để bé tự học tập thông qua ăn uống. Sau một vài lần ọe, bé sẽ biết cách chỉ nuốt miếng thức ăn nhỏ, vừa, không nuốt những miếng ăn to để không bị nghẹn. (Hãy xem video dưới đây nhé!)

Sau buổi tối hôm ấy, tôi thấy mình tự tin hơn hẳn. Tôi như thành một bà mẹ khác vậy! Khi thấy con ọe (gag), tôi hiểu đó là điều bình thường, cơ thể con đang dạy con cách phân biệt thức ăn nào phù hợp để nuốt. Dần dần, con tự học được điều đó, và việc ọe dần giảm đi. Đến bây giờ, khi Bí Ngô đã 13 tháng tuổi, con rất rất ít khi ọe khi ăn. Nếu thấy miếng to, con luôn nhả ra, cầm lên xem rồi mới quyết định có ăn tiếp hay không.

Bây giờ nàng ăn cả thế giới rồi.

Hành trình học ăn cùng con còn dạy tôi một điều: Khả năng học ở trẻ nhỏ là phi thường. Con có thể học và hiểu thế giới xung quanh nhiều hơn ta nghĩ.

Cảm ơn bạn đã ghé đọc. Chúc bạn một tuần mới vui, và hẹn gặp lại bạn tuần sau!

Trương Thanh Mai

 

3 thoughts on “Kể lại hành trình ăn dặm cùng con gái

  1. Cách chị viết về ăn dặm thật dễ hiểu; dễ hiểu hơn mấy sách chuyên về ăn dặm ấy ạ. Em chúc chị ngày 20/10 mạnh khoẻ chị nhé! Đón đọc những bài viết của chị thật ấm áp ạ!!!

Leave a Reply