Một suy nghĩ khác về sự ổn định và thách thức

Ảnh của Mitch Hodge trên Unplash

Hồi nhỏ, rất nhiều người nói với tôi rằng, một cuộc sống hạnh phúc là một cuộc sống ổn định. Đối với họ, cuộc sống ổn định (phải) đồng nghĩa với việc lập gia đình, sinh con, làm một công việc nhàn hạ, ít thách thức với mức lương ổn định. Ngay từ nhỏ, tôi đã luôn tự hỏi, tại sao người ta lại thích sự ổn định và nhàn hạ đến vậy? Không phải nhàn hạ nghĩa là rất nhàm chán, vô nghĩa hay sao?

Chính vì bị ghim định nghĩa này vào đầu, mà trong một thời gian dài, tôi luôn phản kháng sự ổn định, đặc biệt là trong công việc. Bằng chứng là từ ngày ra trường Đại học, tôi chưa làm công việc gì quá hai, ba năm. Khi thấy ai đó gắn kết với một công việc/tổ chức nào đó tám, mười, mười lăm, hai mươi năm, tôi đều nghĩ: “Wow, họ giỏi thật, không hiểu sao họ có thể theo đuổi một công việc lâu đến vậy?” Và trong thâm tâm, tôi bắt đầu phán xét họ, cho rằng họ chỉ thích an phận, sợ thay đổi, không thích thách thức.

Trước đây, nhiều khi tôi cũng tự hỏi tại sao mình chỉ yêu công việc được 2-3 năm là cùng. Sau khoảng thời gian ấy, tôi phải ra đi, vì tôi không thấy còn nhiều hứng thú, niềm vui, và nhiệt huyết của bản thân dành cho việc ấy nữa. Có lúc tôi cũng nghĩ, có phải mình là người rất cả thèm chóng chán không?

Thật sự, làm nghiên cứu sinh là…công việc tôi làm dài nhất từ trước đến nay. Tôi đã bước sang năm thứ 5 rồi đấy. Trước khi bắt đầu PhD, tôi cũng lo rằng rồi tôi sẽ nhanh chán, và đi kiếm tìm cái mới thôi. Nhưng thật bất ngờ, đến giờ phút này, tôi vẫn yêu thích công việc nghiên cứu mình đang làm. Tất nhiên ở giai đoạn này, tôi đã sẵn sàng bước sang trang mới của cuộc sống: tốt nghiệp và theo đuổi con đường nghiên cứu thật sự sau mấy năm được đào tạo chuyên nghiệp và gian khổ.

Mấy hôm nay, tôi tự hỏi, “Vì sao tôi có thể theo đuổi một công việc suốt 4-5 năm mà không chán? Vì sao tôi không có cảm giác muốn bỏ đi sau 2-3 năm làm nghiên cứu sinh”. Tôi nhận thấy, lý do là vì con đường nghiên cứu sinh đã cho tôi góc nhìn mới về sự ổn định và tính thách thức.

Một là, tôi nhận ra rằng, sự ổn định và thử thách không nhất thiết phải là hai mặt trái ngược. Chúng hoàn toàn có thể cùng tồn tại, và đi liền với nhau. Và khi sự ổn định cùng song hành với tính thách thức, chúng có thể giữ sự hứng khởi, nhiệt huyết trong ta một thời gian dài. Mấy năm làm nghiên cứu sinh, cuộc sống của tôi khá ổn định: được trả lương mỗi kỳ học cho công việc trợ giảng hoặc trợ lý nghiên cứu (khá nhàn hạ, không quá tốn thời gian), mức lương/công việc không bị ảnh hưởng quá nhiều vì các yếu tố bên ngoài (như đại dịch Covid-19).

Nhưng ẩn bên trong sự ổn định ấy là rất nhiều thách thức phải vượt qua. Và chính sự ổn định (không quá lo lắng về mức lương, hay liệu có bị…mất việc hay không) cho phép tôi được theo đuổi, sống hết mình với những thách thức. Điều thú vị nhất của làm nghiên cứu là sự mới mẻ, mỗi một dự án là một hành trình đi tìm, học hỏi, và khám phá cái mới. Rất ít khi ta đi tìm lời giải cho những câu hỏi mà mình hoặc người khác đã làm rồi. Kể cả khi ta tập trung vào những điều người khác đã làm, ta cũng phải bổ sung cái mới vào câu hỏi hay đề tài ấy. Chính sự mới mẻ, thách thức ấy khiến tôi gắn kết với công việc PhD lâu vậy. Và tôi cũng hiểu rằng, nếu không có sự ổn định, thì tôi cũng không thể theo đuổi cái mới đầy thử thách. Thử nghĩ mà xem, nếu mức funding không ổn định, hoặc công việc trợ lý nghiên cứu/ trợ giảng lúc có lúc không, thì tôi không thể có năng lượng và thời gian để tập trung vào kiếm tìm lời giải cho những câu hỏi nghiên cứu tôi yêu thích.

Hai là, tôi chợt nhận ra rằng, để có cơ hội theo đuổi những thử thách, tôi cần phải có một cuộc sống ổn định. Sự ổn định thật ra lại là nền tảng cho những thách thức! Tôi càng thấm thía điều này hơn khi sắp tốt nghiệp tiến sỹ. Lần đầu tiên tôi bỗng nhiên khát khao một công việc ổn định, cho tôi một mức lương ổn định, để tôi có thể theo đuổi những ý tưởng nghiên cứu đang có (sự thách thức). Tôi thấy nhiều bạn nghiên cứu sinh ra trường phải liên tục làm những vị trí ngắn hạn (1-2 năm) trong một thời gian dài, mỗi một hai năm lại chuyển sang sống ở một bang mới. Tôi không ngại sự thay đổi thế này trong ngắn hạn (khoảng 1-2 năm). Nhưng sau đó, tôi muốn một sự ổn định, cho phép tôi tập trung hoàn toàn vào việc theo đuổi những cái mới.

Với một thay đổi trong nhận thức về sự ổn định, tôi không còn ngại ngần khi tự nhận bản thân cũng là người thích ổn định 😊 Đúng ra, tôi yêu sự song hành của  sự ổn định và tính thách thức!

Cảm ơn bạn đã ghé đọc!

Chúc bạn cuối tuần thật vui!

Trương Thanh Mai

9 thoughts on “Một suy nghĩ khác về sự ổn định và thách thức

  1. Em nghĩ đúng là cuộc sống cần cả ổn định và thách thức, vd ổn định cuộc sống, chỗ ở, tiền bạc, gia đình để tập trung các thách thức về tinh thần, trí tuệ, sự nghiệp.
    Sau khi tốt nghiệp đh, em có 1 thời gian 4 năm khá ổn định về sự nghiệp, nhưng em lại nhận được sự phát triển về cảm xúc, nhận thức bản thân – những điều này khiến em có điểm tựa chắn chắn hơn để nhận thêm thách thức mới hiện giờ. Nếu em quay cuồng với các thách thức, thì có lẽ em ko có thời gian để giải quyết các vướng mắc trong bản thân mình.

    1. Cảm ơn em đã đọc và chia sẻ câu chuyện của mình. Càng ngày chị càng nhận thấy cả sự ổn định và thách thức đều cần thiết cho một cuộc sống hạnh phúc 🙂 Chúc em luôn vui nhé!

  2. Cảm ơn chị vì bài viết ạ. Đọc bài này đúng vào lúc em vừa quay trở lại làm việc sau thời gian 2 tháng giãn cách ở Hà Nội. Công việc này vốn không phải là thứ em đam mê nhưng thực sự là nó tạo ra sự ổn định cho em, giúp em có thêm điều kiện để thực hiện hóa ước mơ của mình.

    1. Cảm ơn em đã ghé đọc! Chúc em hiện thực hoá được ước mơ của mình. Chị rất vui khi nghe tin em đã có thể quay lại làm việc sau thời gian dãn cách hai tháng 🙂

  3. Chi Mai thân mến, hôm nay tình cờ em lại đọc lại bài này thêm một lần nữa, cảm giác nó khá đúng với trạng thái hiện tại của em. Ngày trước, em cũng hay mơ hồ về khái niệm này, tư duy ngày trước của em chưa tới nên em hay xem nhẹ khái niệm “ổn định”, tuy nhiên em thích dùng từ cân bằng hơn vì cảm giác từ “ổn định” thường gắn liền với ý niệm thỏa mãn, bằng lòng với những thứ mình đang có chị ạ. Cân bằng tạo cho em một cảm giác vừa an yên bên trong nhưng phần nào vẫn thúc đẩy bản thân mình phát triển và luôn không ngững nỗ lực tích lũy các kỹ năng, kinh nghiệm. Hiện tại, em đang dần thăng bằng trở lại sau một thời gian mất thăng bằng, đọc bài này của chị làm em an tâm lắm.
    Cảm ơn chị Mai nhiều nghen vì những câu từ chữa lành này, em mong chị và gia đình nhiều sức khỏe, chúc cho chị thời gian tới mọi kế hoạch, dự định sớm thành hiện thực chị nha <3

Leave a Reply