
Hôm qua, tôi có một cuộc họp với giáo sư hướng dẫn. Thầy nói, đề xuất ý tưởng luận văn của tôi có phần tham vọng, nhưng (bây giờ) cũng khả thi rồi. Tôi thở phào nhẹ nhõm, vì mấy tháng qua, tôi thật sự rất căng thẳng. Chả là tôi đề xuất tự thu thập số liệu cho luận văn (một chương sẽ dùng online survey experiments ở 4 bối cảnh khác nhau để chứng minh giả thuyết). Sử dụng số liệu tự thu thập thay vì số liệu sẵn có (cho luận văn) đem lại rất nhiều lợi thế cho sinh viên nghiên cứu (đối với ngành của tôi). Nhưng mặt trái của việc này là có thể bạn sẽ cần nhiều thời gian để thu thập (đồng nghĩa với việc bạn có thể phải kéo dài thời gian học PhD), hoặc việc thu thập bộ số liệu đó cần một khoản chi phí lớn (mà bạn biết đấy, nghiên cứu sinh PhD thì lại nghèo!). Nỗi lo lắng lớn nhất của tôi là làm sao có đủ tài chính để làm khảo sát.
Thế là từ đầu học kỳ này, tôi gõ cửa khắp nơi để…..xin tiền.
Đầu tháng 9, tôi hẹn gặp giám đốc chương trình PhD, và hỏi liệu khoa có thể hỗ trợ gì cho khảo sát của tôi được không. Trước khi nói chuyện với thầy, tôi tràn trề hi vọng, bởi thầy là người luôn lắng nghe nhu cầu của nghiên cứu sinh. Từ trước đến giờ, tôi có yêu cầu gì về công việc trợ giảng, đi hội thảo, dạy học, hay làm nghiên cứu, thầy đều cố gắng đáp ứng.
Thầy bảo tôi làm một file excel tất cả chi phí mà tôi cần cho luận văn, và viết rõ tôi cần khoa hỗ trợ mục nào và bao nhiêu. Rồi trong cuộc họp khoa sắp tới, thầy sẽ nói giúp tôi. Thế là sau cuộc họp ấy, tôi lên một bản chi phí rất chi tiết và gửi lại cho thầy. Chờ đợi. Chờ đợi. Và chờ đợi. Ba tuần sau thầy emaill cho tôi, nói rằng đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến tài chính của khoa, nên rất tiếc khoa không thể hỗ trợ được gì cho dự án của tôi cả.
Cảm thấy hơi thất vọng một chút, tôi liên lạc với bộ phận chuyên hỗ trợ sinh viên và giáo sư tìm kiếm tài chính làm nghiên cứu của trường. Đại diện của bộ phận đó dành một tiếng trò chuyện với tôi, và gửi cho tôi một bản danh sách rất dài những grants/fellowship tôi có thể nộp (cả các nguồn thuộc trường, và các tổ chức không thuộc trường).
Sau đó, tôi dành nguyên một ngày lên một danh sách chi tiết những nguồn tôi có đủ điều kiện nộp. Tôi hào hứng nghĩ, “Nếu mình dành được tất cả những grants/felllowships này, mình sẽ có đủ chi phí làm khảo sát.” Nhưng có lẽ ai đã từng nộp grants đều biết, các nguồn cho nghiên cứu sinh tuy nhỏ, nhưng rất cạnh tranh. Dù hồ sơ của bạn có tốt đến thế nào, xác suất một tổ chức gật đầu cho bạn tiền làm nghiên cứu không bao giờ là 100%.
Nhận được một công việc bất ngờ
Khi đang thất vọng, tôi đã từng nghĩ đến việc thay đổi lý thuyết (theory/hypotheses) một chút để không cần phải làm khảo sát ở 4 bối cảnh khác nhau nữa. Tôi thậm chí còn nghĩ, “Sao phải tự làm khổ mình thế nhỉ, hay là mình chỉ dùng số liệu có sẵn thôi, khỏi cần làm survey experiments làm gì?” Nhưng đây thật sự là phương pháp tôi thích, và cũng là điểm mạnh của tôi. Giáo sư hướng dẫn cũng hay bảo tôi, “Nếu em có thể làm experiments ở các bối cảnh khác nhau, thì nghiên cứu của em sẽ mạnh hơn rất nhiều.”
Đúng lúc ấy, tôi bất ngờ nhận được email của một giáo sư từ một trường Đại học khác, người mà tôi tình cờ gặp và nói chuyện tại một buổi hội thảo chuyên ngành năm 2019. Trong email, thầy viết, thầy và một đồng nghiệp đang cần tìm một người hỗ trợ dự án, và thầy nghĩ tôi có kỹ năng phù hợp với công việc này.
Thế là tôi hẹn gặp thầy ngay sau đó (qua Zoom), và tôi lập tức nhận thấy, đây là công việc phù hợp với mình. Tôi sẽ tham gia thiết kế một khảo sát, đề tài dự án đó cũng gần với những nghiên cứu của tôi, tôi lại chỉ phải làm tầm 10 giờ một tuần từ tháng 11 đến tầm tháng 5 hoặc tháng 6 năm sau.
Và điều quan trọng là, tôi sẽ được trả lương, và tôi sẽ dùng số lương nhận được cho luận văn của mình. Với số tiền này cộng với khoảng hai, ba grant nhỏ là tôi sẽ có đủ tài chính cho dự án của riêng mình.
Tuy mới chỉ bắt đầu được khoảng 1 tháng, nhưng tôi cảm thấy rất may mắn khi tham gia dự án này. Tôi có cơ hội hợp tác với các giáo sư và các bạn nghiên cứu sinh đang làm việc cho các trường Đại học khác. Tôi cũng được đào tạo sâu về kỹ năng làm nghiên cứu online (cách chọn mẫu, một số kỹ thuật để mẫu được chọn vẫn có thể đảm bảo tính đại diện, vân vân), tôi cũng có thể thêm vào khảo sát những câu hỏi liên quan đến đề tài mà mình quan tâm.
Thật ra, điều tôi cảm thấy vui hơn cả là giáo sư đó nghĩ đến tôi. Thầy kể, trong cuộc trò chuyện với tôi ở hội thảo, thầy nhận thấy tôi có nhiều kinh nghiệm thiết kế khảo sát, đã có bài báo xuất bản dù mới chỉ đang học năm thứ hai, và có nhiều ý tưởng thú vị. Giáo sư hướng dẫn của tôi cũng đi hội thảo đó, đã từng nói với tôi, “Em đã thể hiện bản thân rất tốt, biết cách “sell” nghiên cứu của mình, khi đặt câu hỏi rất tự tin và rành mạch. Em đã để lại ấn tượng tốt cho những người ở đó.”
Nhưng ít ai biết được rằng, việc tự tin thể hiện bản thân trong quá trình học PhD không đến với tôi một cách tự nhiên và dễ dàng. Theo đuổi con đường nghiên cứu sinh khi đã 29 tuổi, khi mà văn hoá Việt Nam đã thấm đẫm vào cá tính, tôi đã gặp vô vàn khó khăn khi mới bắt đầu.
Văn hoá nghiên cứu ở Mỹ
Hồi mới sang Mỹ, tôi thật sự choáng ngợp trước văn hoá nghiên cứu ở đây. Tính cá nhân (individualism) hiện rõ trong mọi hoạt động của một nghiên cứu sinh tiến sỹ.
Bạn được yêu cầu phải đưa ra ý kiến cá nhân trong mọi cuộc thảo luận trên lớp (xin lưu ý, tôi dùng từ “phải”). Có giáo sư còn yêu cầu chúng tôi thường xuyên gặp giáo sư để trao đổi về tình hình đóng góp cho các buổi thảo luận trên lớp. Có lẽ, hết năm thứ nhất, khá nhiều sinh viên nhận được thư đánh giá với nhận xét, “Em cần phải tham gia thảo luận trên lớp nhiều hơn. Cần phải nói nhiều hơn.”
Trong kỳ thi vượt rào (Comprehensive Exams), hội đồng chấm thi kỳ vọng bạn sẽ đưa ra quan điểm riêng của bản thân, chứ không phải chỉ nêu lại những gì người khác đã viết. Một người bạn của tôi dù thi qua, nhưng lại bị nhận xét, “Em nắm rất rõ những nghiên cứu về đề tài này, nhưng chúng tôi không rõ góc nhìn của em là gì? Em cần phải học cách thể hiện quan điểm rõ ràng hơn.” Có lẽ câu hỏi, “What is your stance?” (Quan điểm/lập trường của bạn là gì?) đã ám ảnh không biết bao nhiêu nghiên cứu sinh tiến sỹ mới chập chững bước vào nghề. (Haha)
Bạn cũng được yêu cầu nghĩ về bản sắc (identity) của mình như là một nhà nghiên cứu ngay từ sớm. Điều này được thể hiện qua việc, các giáo sư sẽ thường xuyên để ý xem các nghiên cứu của bạn có liên kết với nhau không. Thầy hướng dẫn của tôi hay chia sẻ, “Tôi thấy có nhiều sinh viên tham gia những dự án hoàn toàn không liên quan gì đến nhau, sẽ rất khó để “sell” bản thân khi đi xin việc. Người ta sẽ không biết kỹ năng và chuyên môn của bạn thật sự nằm ở mảng nào?” Thầy luôn hỏi tôi, “Em muốn người ta biết đến em với vai trò gì?” Thật sự, là một nghiên cứu sinh, bạn sẽ thường xuyên vật lộn với câu hỏi về bản sắc!
Để người khác biết đến mình (dù ở trong trường, hay ở cộng đồng nghiên cứu lớn hơn), bạn phải mạnh dạn, và tự tin nói về thành tựu của mình. Thể hiện qua việc các giáo sư luôn khuyến khích sinh viên nghiên cứu chủ động chia sẻ về các dự án mà họ đã hoặc đang thực hiện với bạn bè, đồng nghiệp. Khoa tôi có sự kiện Pizza & Politics diễn ra chiều thứ 3 hai tuần một lần, tại đây, sinh viên sẽ lần lượt chia sẻ bản thảo nghiên cứu đang viết để nhận phản hồi từ các sinh viên khác. Các giáo sư cũng khuyên chúng tôi tìm cơ hội trình bày bài tại hội thảo chuyên ngành, và kết nối với sinh viên hoặc giáo sư ở các trường Đại học khác để chia sẻ nghiên cứu.
Cơ bản, họ nghĩ, nếu chính bạn không tự hào về thành tựu của mình, thì ai có thể đây? Nếu chính bạn không tin vào năng lực của bản thân, thì người khác có thể không?
Tôi đã thiếu tự tin như thế nào?
Năm đầu tiên, tôi thấy rất khó hoà nhập vào môi trường nghiên cứu ấy.
Năm thứ nhất, nhất là kỳ đầu tiên, tôi thường ít khi đưa ra ý kiến trên lớp, nói gì cũng sợ sai. Một lần giáo sư hướng dẫn mới bảo tôi, “Em cứ mạnh dạn đưa ra ý kiến trên lớp, kể cả sai. Có nói thì chúng tôi mới biết em sai ở đâu và giúp em sửa sai.” Thế là từ hôm ấy, trước khi lên lớp, tôi đều tự nhủ, “Hôm nay mình sẽ phát biểu ít nhất là…5 lần.” Nghe có vẻ buồn cười, nhưng sau mỗi lần phát biểu, là tôi lại thầm đếm, một lần, hai lần, ba lần….(Haha)
Giáo sư hướng dẫn tôi luôn cố gắng kết nối tôi với những giáo sư đã dạy thầy, hoặc đồng nghiệp của thầy ở các trường Đại học khác. Mỗi lần đồng nghiệp của thầy đến khoa tôi trình bày nghiên cứu, thầy lại động viên tôi đi ăn trưa để trò chuyện với họ, “Ngày mai giáo sư A đến, em đi ăn trưa với thầy A nhé, em có thể hỏi thầy ấy lời khuyên về bộ số liệu đang thu thập, hoặc hỏi thầy ấy về thị trường việc làm.” Ban đầu tôi rất ngại phải đi gặp gỡ giáo sư đến từ trường khác. Tôi luôn cảm thấy mình chỉ là một nghiên cứu sinh vô cùng bình thường, không có gì đặc biệt, không có đủ kiến thức chia sẻ, đi ăn trưa thì biết nói gì đây.
Một lần khác, thầy rủ tôi tham gia một nghiên cứu mà thầy và một giáo sư đã từng dạy thầy đang làm, “Em có muốn tham gia dự án này không? Giáo sư A rất có tiếng, và nếu thầy ấy biết nhiều hơn về em, sẽ tốt cho em khi đi xin việc”. Thế là sự tự tin của tôi lại trồi ra, chả hiểu sao lúc nào tôi cũng nghĩ, mình không thật sự tốt như giáo sư nghĩ, và một ngày nào đó…sự thật này sẽ bị phát hiện ra, và người ta sẽ thất vọng về tôi. (Sau này tôi mới biết đó là hiện tượng Imposter Syndrome).
Ngoài những lý do cá nhân (gặp một số chuyện trong quá khứ nên tôi bị mất tự tin nhiều vào bản thân), tôi nghĩ còn hai nguyên nhân khác khiến tôi thấy khó hoà nhập vào môi trường nghiên cứu ở Mỹ, khi mới bắt đầu .
Một là, văn hoá ở Việt Nam thường hay khuyên ta, “hữu xạ tự nhiên hương”, tức là khuyên ta phải ngồi chờ người khác biết đến điểm mạnh của ta và tự tìm đến ta. Điều này tất nhiên đúng, với những ai đã thật sự có tên tuổi. Nhưng thụ động ngồi chờ người khác biết đến mình sẽ cướp đi nhiều cơ hội, khi sống ở một xã hội, như xã hội Mỹ.
Hai là, là một phụ nữ, tôi gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thể hiện bản thân so với các đồng nghiệp nam (Điều này, thật ra, đúng cả ở Mỹ). Khi đàn ông tự tin nói về thành tựu của bản thân hoặc thể hiện ý kiến cá nhân, họ sẽ được đánh giá là tự tin, và mạnh mẽ. Nhưng với phụ nữ, người ta có thể sẽ nghĩ bạn kiêu căng, khoe khoang. Thậm chí, họ còn không đánh giá cao tiếng nói của bạn.
Một lần, tôi chia sẻ quan điểm về một vấn đề trên một tờ báo lớn, lập tức tôi nhận được tin nhắn từ một độc giả (nam) ở Việt Nam. Độc giả đó gửi cho tôi một…bài thơ nhẹ nhàng (vâng, một bài thơ) và khuyên tôi không nên bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Tôi có cảm giác rằng, nếu quan điểm đó đến từ một tác giả nam thì người đó sẽ không nhận được một bài thơ như thế (dù có không đồng ý với quan điểm đó, thì độc giả đó cũng sẽ dùng cách tiếp cận khác)
Học cách thể hiện bản thân
Tôi thật sự may mắn, vì ngay từ khi bắt đầu chương trình nghiên cứu sinh tiến sỹ đã nhận được sự hỗ trợ của các giáo sư, đặc biệt là thầy hướng dẫn. Dưới đây là một số lời khuyên có thể giúp chúng ta- những người mới chập chững bước vào nghề nghiên cứu- tự tin thể hiện bản thân, chia sẻ thành tựu và kết nối với các nhà nghiên cứu khác, mà tôi nhận được từ các giáo sư của mình.
Khi đi hội thảo:
- Luôn ngồi hàng ghế đầu, và giơ tay đặt câu hỏi. Trước khi trả lời, hãy bắt đầu bằng việc nói rõ bạn là ai, đến từ trường nào. Đặt câu hỏi một cách tự tin, rõ ràng.
- Khi trình bày nghiên cứu của riêng mình, khéo léo “khoe” thành tựu của mình. Lần đầu tiên tôi đi trình bày ở hội thảo, thầy hướng dẫn khuyên tôi, “Em có thể giới thiệu rằng, bài nghiên cứu này được dựa trên một bài nghiên cứu vừa được chấp nhận xuất bản tại tạp chí A. Em cũng có thể chia sẻ cụ thể hơn rằng, em sắp gửi bài nghiên cứu (bài trình bày hôm đó đi), và hỏi xem tạp chí nào sẽ phù hợp.” Thật sự, sau bài giới thiệu ấy, tôi có nhận thấy sự thay đổi trong thái độ của mọi người. Có lẽ họ không còn nghĩ tôi chỉ là một sinh viên nghiên cứu lạc lõng ở hội thảo nữa, mà là một nghiên cứu viên trẻ, nghiêm túc, và đã có chút đóng góp cho cộng đồng nghiên cứu.
- Một giáo sư khuyên chúng tôi, trước khi đi hội thảo, luôn email cho 1-2 giáo sư ở các trường khác, những người có cùng lĩnh vực nghiên cứu với bạn, để hẹn gặp trò chuyện.
- Luôn mang theo bussiness card, và chia sẻ với các giáo sư và các graduate students có cùng lĩnh vực nghiên cứu, mà bạn gặp ở hội thảo.
- Sau hội thảo, gửi email cảm ơn, và có thể gửi những bản thảo nghiên cứu của bạn cho họ. Tôi mới học được điều này gần đây. Sau một hội thảo tháng 9 vừa rồi, tôi nhận được follow-up emails của một vài giáo sư và sinh viên nghiên cứu đến từ các trường Đại học khác, họ đính kèm email bản thảo mà họ vừa viết xong hoặc sắp được xuất bản tại một tạp chí chuyên ngành nào đó.
Hãy lập một tài khoản Academic Twitter và một professional website là lời khuyên tôi nhận được nhiều nhất từ các giáo sư và các bạn sinh viên đi trước. Tôi thấy, nhiều advisors kết nối sinh viên của họ với các giáo sư khác bằng cách chia sẻ website của sinh viên đó. Gần đây, tôi nộp mấy grants/fellowships lớn, và họ đều hỏi liệu tôi có thể chia sẻ professional website được không.
Luôn tìm cơ hội làm nghiên cứu với các sinh viên nghiên cứu ở khoa và đến từ các trường Đại học khác.
Trong cuốn sách “Dám bị ghét”, nhà tâm lý học Alder đã nói, dù tương lai có bất trắc và đáng sợ đến đâu, ta cũng phải đủ can đảm để tiến về trước. Thể hiện bản thân, chia sẻ thành tựu và kết nối với các nhà nghiên cứu khác cũng chứa định rất nhiều bất trắc, nhưng nếu ta có can đảm dấn thân một lần, nỗi sợ sẽ giảm dần đi. Khó nhất vẫn là bắt đầu!
Để tự tin thể hiện bản thân, ta phải tin rằng đề tài nghiên cứu và tiếng nói riêng của mình là quan trọng. Trong một thời gian dài, tôi luôn hoài nghi, “Liệu đề tài của mình có quan trọng gì không nhỉ? Liệu đề tài ấy có đóng góp cho kiến thức chung và xã hội không nhỉ?” Tôi luôn nghĩ, các bạn sinh viên khác có những ý tưởng nghiên cứu rất “cool”, còn nghiên cứu của mình thì bình thường quá. Giai đoạn đầu, sự động viên của các giáo sư rất quan trọng. May mắn thay, các giáo sư luôn động viên tôi, “Đề tài em chọn rất quan trọng, hãy luôn nghĩ như thế nhé”
Thái độ và chất lượng công việc là trên hết
Có thể bạn đang nghĩ, “Có vẻ như, làm PhD ở Mỹ, học cách nói và ‘khoe khoang’ về bản thân là chính nhỉ?” Mọi người khuyến khích bạn tự tin thể hiện bản thân và chia sẻ thành tựu nghiên cứu, nhưng điều đọng lại lâu nhất trong lòng người khác vẫn là thái độ làm việc và chất lượng sản phẩm của bạn. Dù bạn có nói giỏi đến mấy, nhưng thái độ làm việc và sản phẩm viết của bạn đầy lỗi, kém chất lượng, thì người ta sẽ không ngần ngại tránh xa bạn.
Sau khi ký hợp đồng công việc mới, tôi chia sẻ với thầy hướng dẫn và các giáo sư khác trong hội đồng luận văn. Họ rất vui vì tôi có cơ hội làm việc với các giáo sư và các bạn nghiên cứu sinh đến từ các trường Đại học khác. Nhưng các giáo sư cũng không quên khuyên tôi, “Hãy luôn cố gắng tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất, biết đâu, mai này, em sẽ apply cho một vị trí trong trường đó thì sao. Em hãy luôn cố gắng để lại ấn tượng tốt ngay từ bây giờ.”
Tôi nhận ra bài viết tuần này đã dài quá rồi! Cảm ơn bạn đã ghé qua blog, và chúc bạn một tuần mới tràn đầy năng lượng.
Trương Thanh Mai
Em cực kỳ thích những câu chuyện của chị. Lần đầu tiên đọc bài chị viết về ngành Chính trị học so sánh, em đã lập tức tìm đến trang chủ của blog và đọc các bài khác nữa. Mỗi bài viết của chị đều khiến em rất có động lực để cố gắng, cần mẫn học tập hơn nữa. Cảm ơn những bài viết của chị nhiều nhé ❤
Cảm ơn em nhiều nhé! Chị viết để lưu lại những kỷ niệm trên con đường mình đi. Nếu ai ghé đọc mà thấy các bài chị viết hữu ích, chị cũng rất vui 🙂
Bài viết này hay quá chị ạ, dù không còn đi học hay tham gia nghiên cứu chuyên sâu như chị nhưng em cũng học hỏi được rất nhiều điều, nhất là thái độ chủ động và kỹ năng networking. Chúc chị sẽ có nhiều thành công trong việc nghiên cứu và sẽ có nhiều bài viết hay như này nữa ạ.
Cảm ơn em đã ghé thăm blog và đọc bài nhé. Nhiều khi viết blog, chị cũng đắn đo xem có nên chia sẻ câu chuyện cá nhân thế này không. Chị rất vui nếu bạn đọc học hỏi được điều gì đó từ những câu chuyện cá nhân của chị 🙂 Chúc em luôn vui nhé!