Những điều tôi nhớ về Việt Nam khi sống ở nước ngoài

Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã sống ở Mỹ được 3 năm rưỡi. Cuộc sống của tôi hơn 3 năm qua có thể gói gọn trong mấy chữ: Luôn hướng về phía trước. Vốn yêu thích sự lãng mạn, nhưng mấy năm qua, tôi bỗng thấy bản thân theo đuổi một sở thích dường như đối lập với tính lãng mạn. Tôi thích lập kế hoạch cho tương lai và theo đuổi những kế hoạch ấy.Trong suốt quá trình học tiến sỹ, tôi luôn tự đề ra mục tiêu viết lách và nghiên cứu cho bản thân, và làm việc cần mẫn để đạt được những mục tiêu ấy. Thật sự, tâm trí tôi lúc nào cũng ở trạng thái nghĩ suy kiếm tìm ý tưởng viết lách mới. Các cột mốc quan trọng của chương trình PhD cũng buộc tôi phải sống hướng về tương lai. Chưa kịp vui mừng vì vượt qua cột mốc này, tôi đã thấy mình vội vã lên kế hoạch để hoàn thành cột mốc tiếp theo một cách tốt nhất!

Phần vì cuộc sống bận rộn như thế, phần vì thường xuyên giữ liên lạc với bạn bè và gia đình ở Việt Nam, thật lòng, tôi ít khi cảm thấy nhớ Việt Nam. Có lẽ vì thấy tôi ít khi chia sẻ nỗi nhớ nhà, nên có lần bạn đồng hành hỏi tôi, “Em có nhớ Việt Nam khi sống ở Mỹ không?”, “Em nhớ điều gì về Việt Nam khi ở nước ngoài?” Cũng có lúc tôi tự “dằn vặt” bản thân, tại sao tôi không nhớ Việt Nam nhiều như những người sống xa quê hương khác, có phải vì tôi không yêu quê hương mình?

Gần đây, tôi chợt hiểu, tôi yêu Việt Nam bằng một thứ tình yêu thầm lặng, nhẹ nhàng, không phô trương. Tôi không thường xuyên nhớ Việt Nam, nhưng bất cứ khi nào có cơ hội, những kỷ niệm đã có ở Việt Nam lại ùa về với tôi. Đủ nồng nàn và mạnh mẽ để kéo tôi ra khỏi thực tại vội vã, giúp tôi sống chậm lại và đem lại sự bình yên cho tâm hồn tôi. Bạn biết không, tôi thường nhớ về Việt Nam trong những hoàn cảnh không ngờ nhất, và những “sứ giả” kéo tôi về với Việt Nam lại là những điều giản đơn, nhỏ bé tôi chẳng mấy để tâm đến khi còn sống trong nước.  

Mùi hương là một sứ giả thầm lặng  

Nếu có ai đó hỏi bạn, “Theo bạn, mùi hương gì làm nên bản sắc của Việt Nam?”, bạn sẽ trả lời thế nào? Tôi cá là bạn sẽ đáp lại mà không cần suy nghĩ quá lâu rằng, “Việt Nam có mùi vị gì đặc trưng ư? Tôi không nghĩ thế đâu.” Nhưng khi sống ở nước ngoài, bất chợt bạn sẽ nhận ra Việt Nam có rất nhiều mùi hương đặc trưng. Và chính những mùi hương mà bạn chẳng mảy may để ý khi còn sống ở Việt Nam ấy sẽ có ngày là sứ giả đưa kỷ niệm tìm về với bạn. 

Tháng 8 vừa rồi, tôi và bạn đồng hành đến thăm Công viên Quốc gia Zion ở bang Utah. Chúng tôi nghỉ tại một khách sạn gia đình ở một thị trấn rất vắng vẻ cách công viên khoảng một giờ lái xe. Để hiểu thị trấn này ‘cô lập’ đến thế nào, hãy tưởng tượng, bạn phải đi bộ từ bên này đường sang bên kia đường 20 lần thì may ra mới bắt gặp một chiếc xe ô tô chạy qua. Buổi sáng hôm chúng tôi đến thăm công viên, trời rất đẹp. Nắng nhẹ và ấm áp. Trên đường đi từ khách sạn đến chỗ đỗ xe, tâm trí tôi thơ thẩn nghĩ về những nét tiêu biểu của công viên đã đọc trên tờ quảng cáo tìm được ở khách sạn, như hẻm núi Zion nổi tiếng, sa thạch Navajo đỏ nâu, và những loài động thực vật dị thường chỉ sống ở công viên này.

Đang lang thang trong những suy nghĩ của riêng mình, bất chợt tôi cảm thấy mùi bánh chưng rán thoang thoảng. Vâng, bạn không đọc nhầm đâu. Mùi bánh chưng rán. Chỉ thoang thoảng mùi vị ấy thôi, cũng đủ làm đứt đoạn những suy nghĩ của tôi về công viên Zion. Tôi bảo bạn đồng hành, “Sao bỗng nhiên em lại cảm thấy có mùi bánh chứng rán thoang thoảng đâu đây nhỉ, hay là mình quay lại tìm nhé.” Thế là chúng tôi quay bước, đi về phía khách sạn. Thì ra, có một nhóm khách du lịch Việt đang rán bánh chưng ở trước cửa phòng khách sạn. Tôi hà hít thứ hương vị quen thuộc mà mấy năm rồi tôi không được thưởng thức ấy. 

Mùi bánh chưng rán, thứ mùi vị mà tôi chẳng may may để tâm đến khi sống ở Việt Nam, bất chợt khiến tôi nghĩ về những con người, những kỷ niệm, mà có lẽ nếu sống ở Việt Nam tôi chẳng bao giờ nghĩ đến. Tôi chợt nhớ đến cô bán bánh chưng rán, gần cổng công ty mà tôi làm ngày trước. Cô hơi đậm người, thường mặc một chiếc áo phông màu nâu, tóc búi cao, biết tôi thích ăn bánh chưng rán thật cháy cạnh, nên lần nào tôi đến ăn sáng, cô cũng rán kỹ và lâu hơn cho tôi. Có lẽ cô không bao giờ biết được, có một khách hàng thường xuyên của cửa hàng cô, bất chợt nghĩ đến cô từ một từ một thị trấn hẻo lánh ở Mỹ cách xa Việt Nam hàng nghìn km! 

Rồi, tôi chợt nhớ đến những đồng nghiệp cũ, những người mà lâu rồi tôi chẳng còn giữ liên lạc. Tôi cũng bất chợt nhận ra, mình đã không ăn tết ở nhà mấy năm rồi. Một cảm giác man mác buồn tìm đến tôi, “Cuộc sống luôn đầy ắp những sự đánh đổi, sang Mỹ, mình được thoả trí theo đuổi mơ ước, nhưng mình cũng thèm được ăn một cái tết thật Việt Nam lắm.”

Gần nhà tôi, có con đường đi bộ rất đẹp. Hai bên đường ngập tràn sắc màu các loài xương rồng khác nhau. Chiều nào, tôi và bạn đồng hành cũng đi bộ trên con đường này. Một hôm, đang thao thao kể cho bạn đồng hành về một ý tưởng viết lách, bất chợt tôi thấy thoang thoảng mùi hoa sữa. Ở Arizona, chỉ có mùi hoa xương rồng, chứ làm sao có mùi hoa sữa được đây? Có lẽ, những giọt mưa từ cơn mưa rào sáng hôm đó đã hoà quyện với một loại hoa sa mạc nào đó, và tình cờ tạo ra mùi hương dịu ngọt như mùi hoa sữa. 

Thế là, tâm trí tôi lại có chút nhiễu loạn. Mùi hoa sữa thoang thoảng kéo tôi về với bao kỷ niệm đã có ở Hà Nội. Tôi bất chợt nghĩ về K (tên đã được thay đổi nhé!) Tôi gặp K khi 19 tuổi, tại một câu lạc bộ ở trường Đại học. K học trên tôi một khoá, nhưng ở khoa khác. Biết tôi thích sách, một chiều mùa thu, K bảo tôi, “Hôm nay anh muốn giới thiệu cho em một chỗ bán sách rất hay, anh sẽ trở em đi nhé?” Và K đưa tôi đến khu bán sách ở Đinh Lễ, và tôi đặc biệt ấn tượng về hiệu sách số 5 Đinh Lễ. Sau này, vì một trận cãi vã nảy lửa mà tôi và K không muốn gặp lại nhau nữa, nhưng tôi vẫn hay đến mua sách ở hiệu sách số 5 ấy. Hơn một năm sau trận cãi vã ấy, tôi tình cờ gặp lại K ở cổng trường Đại học, chúng tôi chỉ hỏi thăm qua loa vài câu, rồi tạm biệt nhau. Lúc về, K có nhắn tin cho tôi, “Em vẫn là cô gái thông minh mà anh từng biết. Có lẽ chúng ta nên cố gắng hơn.” “Có lẽ cả hai chúng ta đã quá kiêu ngạo”, tôi nhắn lại. Tôi cũng từng quý K vì sự thông minh của K, nhưng tôi chưa bao giờ nói với K như thế. Và chúng tôi không gặp lại nhau lần nào nữa. 

Tôi chợt nhớ, sau khi giành được học bổng kỳ 1 năm thứ 3 Đại học, tôi đã vội vã chạy đến Đinh Lễ mua một cuốn sách rất dày về các nền văn minh thế giới. Tôi thích cuốn sách ấy lắm, tôi coi nó như một báu vật vậy. Một lần, về thăm mẹ, tôi mang theo sách. Tôi vô ý để sách ở gần cửa sổ, và một cơn mưa bất ngờ đã làm ướt sách, 50 trang đầu tiên gần như bị tách ra khỏi sách. Mấy năm liền sau đó, tôi đều tự nhủ, “Phải đi tìm thợ đóng lại sách mới được.” Nhưng tôi chưa bao giờ thực hiện điều ấy.   

Âm thanh cũng đóng vai trò sứ giả

Ai từng sống ở Mỹ đều biết, người lái xe rất ít khi bấm còi ô tô, người ta chỉ dùng đến còi trong trường hợp thật sự cần thiết. Mấy hôm trước, đang đi bộ, thì tôi và bạn đồng hành bất chợt nghe tiếng còi inh ỏi phát ra từ con đường chính. Bạn đồng hành bảo tôi, “Chắc phải có gì nghiêm trọng lắm thì người ta mới bấm còi inh ỏi như vậy.” Còn tôi thì nói, “Tiếng còi bất chợt làm em nghĩ về Việt Nam.” Bạn đồng hành hỏi thế tôi đang nhớ điều gì. Tôi bảo tôi đang nghĩ về những lần đi làm về, đường tắc, mà người lái xe phía sau cứ bấm còi giục tôi nhường đường cho họ. Một lần, tôi có hẹn ăn trưa với một người bạn mà tôi rất quý mến. Tôi đã cố gắng đi thật sớm, và chọn con đường ít tắc nhất, nhưng thế nào mà hôm đó đường rất tắc, lúc đến nơi thì bạn tôi chỉ có thể ăn trưa với tôi được 15 phút thôi. Và tôi lại nghĩ về những kỷ niệm đã có với người bạn ấy. Tiếng còi xe ấy cũng khiến tôi nghĩ về mẹ. Lần nào gọi điện cho tôi, mẹ cũng dặn dò, “Sắp đến giờ con đi làm à? Đi thật cẩn thận con nhé, khi nào đi qua ngõ thì nhớ bấm còi, không thì người đi từ ngõ ra họ không biết mình đến.”

Âm nhạc có thể khiến ta nhớ Việt Nam da diết. Tôi thường nghe nhạc trên Spotify khi làm việc. Mấy hôm trước, khi tôi đang viết một bài bình luận ngắn cho một tạp chí, thì bất chợt Spotify bật bài  “Xuân Xuân Ơi Xuân Đã Về”, do Bích Phương trình bày. Thế là bỗng nhiên, tôi không thể tập trung được nữa. Kỷ niệm về những ngày xuân bên gia đình, bên người tôi đã từng yêu, bên bạn bè bất chợt theo tiếng nhạc tìm về với tôi. Tôi nhớ về bố. Bố có dáng người cao cao gầy gầy, bố hay nói và hay cười. Ngày bé, cứ đến giao thừa, bố mẹ sẽ mừng tuổi chị em tôi, và động viên chúng tôi học thật tốt. Sở thích của bố là dạy chúng tôi học, từ toán, tiếng Việt, kỹ thuật, vẽ, đến tiếng Anh.

Để tâm trí tập trung vào bài bình luận kia, tôi quyết định chọn nghe album “Pumped Pop”, album tập hơn những giai điệu vui tươi, lạc quan do các ca sỹ Âu Mỹ trình bày. 

Gần đây, tôi hay tự hỏi, “Tôi thật sự thuộc về đâu?” Có lúc, tôi cảm thấy mình thuộc về nhiều nơi, mà cũng không thuộc về đâu cả. Nhưng ta có cần phải định nghĩa rõ ràng, ta thuộc về đâu không?

Tôi cũng hay tự hỏi, “Tôi yêu nơi nào hơn, nước Mỹ hay Việt Nam?” Tôi yêu cuộc sống hiện tại ở Mỹ, và trân trọng những gì nước Mỹ đã dành cho tôi: một gia đình luôn yêu thương, ủng hộ tôi, và cơ hội được theo đuổi công việc viết lách nghiên cứu mà tôi thật sự yêu thích và thấy có ý nghĩa. Nhưng tôi cũng yêu Việt Nam, nơi đã nuôi dưỡng tính cách, ý trí, một phần bản sắc con người tôi. Có lẽ, tôi yêu cả hai theo những cách khác nhau!

Thật kỳ lạ, khi sống ở Mỹ, chỉ thoang thoảng một mùi hương, hay một âm thanh mà tôi chẳng mấy để tâm đến khi còn sống ở Việt Nam cũng đủ để gợi lại trong tôi những kỷ niệm về người thân, bạn bè, về người có lẽ tôi nên dành cho họ một cơ hội để yêu tôi và để tôi yêu, về người tôi đã từng yêu rất nhiều, về người đã từng yêu tôi, và về cả những người lạ tôi chỉ tình cờ gặp một hai lần trong đời!

Cảm ơn bạn đã ghé đọc! Chúc bạn một tuần mới nhiều niềm vui!

Trương Thanh Mai 

4 thoughts on “Những điều tôi nhớ về Việt Nam khi sống ở nước ngoài

  1. Gần Tết mà nghe nhạc xuân VN dễ mủi lòng lắm nên mình nghe chút cho có không khí thôi rồi phải nhanh nhanh chuyển bài. Còn về mùi thì cứ mùi thức ăn khi còn ở VN là nhất 😆

    1. Mấy ngày cuối năm mình chỉ nghe nhạc Âu Mỹ thôi, hoặc nghe mấy bài nhạc Việt trẻ mới ra, tránh nghe các bài về tết với mùa xuân! Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog 🙂

  2. Cô xa VN lâu quá nên không còn nhớ mùi hương hoặc có lẽ vì lúc ấy tuy cô đã lớn nhưng không đủ tinh tế. Cô quay cuồng với những vội vã của cuộc sống lúc ấy. Không nhớ mùi hương nhưng cô nhớ âm thanh nhiều hơn.

    1. Cảm ơn cô đã ghé đọc ạ. Cháu mới xa Việt Nam nên vẫn còn nhớ nhiều về âm thanh, mùi hương và những kỷ niệm. Chúc cô một năm mới thật nhiều niềm vui và hạnh phúc!

Leave a Reply