
Mấy hôm trước, một bạn nhắn tin cho tôi hỏi, “Chị ơi, làm sao để không ghen tị với thành công của người khác?” Đây cũng là câu hỏi tôi tự dằn vặt bản thân rất nhiều lần rồi. Mỗi lần thấy bạn bè đạt được một thành tựu nào đó trong cuộc sống, như xuất bản nghiên cứu ở một tạp chí tốt, hoàn thành một cuốn sách, dành được một giải thưởng trong nghiên cứu, vân vân, một cảm giác ghen tị lại quấn lấy tâm trí tôi.
Dù bên ngoài, tôi có thể tươi cười nói lời chúc mừng, nhưng sâu thẳm, tôi sẽ bắt đầu so sánh bản thân với người đó và thấy mình còn phải cố gắng nhiều. Thậm chí, nếu người khiến tôi ghen tị không đạt được một thành công nào đó, tôi còn cảm thấy vui vui trong lòng một chút!
Tôi không hề thích cảm giác này vì nó làm tôi nghĩ bản thân là một người thật tồi tệ. Đã rất nhiều lần tôi tự nhủ phải cố gắng rộng lượng hơn, và ngừng ghen tị với thành công của người khác. Nhưng tôi luôn thất bại! Dần dần, tôi hiểu rằng, loại bỏ hoàn toàn cảm giác ghen tị là một nhiệm vụ bất khả thi. Đã là con người thì sẽ có lúc ta cảm thấy ghen tị với người khác.
Vậy, ghen tị có phải là cảm giác hoàn toàn tiêu cực và cần phải bị triệt tiêu?
Bài viết hôm nay chỉ ra rằng, một chút ghen tị lành mạnh với thành công của người khác thật ra có tác động tích cực đến sự trưởng thành của mỗi cá nhân. Sự ghen tị có thể giúp ta phát hiện ra nhiều điều thú vị về bản thân mình. (Cần lưu ý rằng, ghen tị khác hoàn toàn với đố kị và ghen ghét)
Sự ghen tị giúp ta hiểu điều gì, giá trị gì là quan trọng đối với ta
Ta chỉ ghen tị với những ai giống ta, có mục tiêu, và giá trị sống như ta. Vì vậy, mỗi khi cảm giác ghen tị tìm đến, hãy tò mò tự hỏi vì sao thành công của người đó lại khiến mình ghen? Và để ý xem, sau nhiều lần như vậy, bạn có thấy một xu hướng chung (pattern) nào không? Những người khiến bạn ghen tị có gì chung? Họ làm nghề gì? Họ có giá trị gì chung? Theo bạn, điều gì khiến họ thành công? Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn hiểu hơn về chính mình.
Tôi thừa nhận, tôi rất hay ghen tị với thành công của người khác, nhưng không phải với bất cứ ai tôi tình cờ gặp trong cuộc sống. Hồi mới tốt nghiệp Đại học, tôi không hề cảm thấy ghen tị với những người bạn nhận được công việc lương cao, hoặc vị trí tốt ở một cơ quan nhà nước hay một tập đoàn nước ngoài.
Nhưng, tôi lại (cực kỳ) ghen với những bạn có cơ hội được đi du học. Sau rất nhiều lần thấy bản thân “khó chịu” khi nghe tin hết người bạn này, đến người bạn khác tìm được học bổng đi học thạc sỹ, tiến sỹ, tôi hiểu rằng, đi du học và khám phá thế giới là điều tôi muốn theo đuổi.
Trong quá trình học tiến sỹ, tôi rất hay ghen tị với các nghiên cứu sinh khác, nhưng tôi chỉ ghen tị với những bạn xuất bản nhiều bài nghiên cứu chất lượng hơn tôi, có ý tưởng nghiên cứu thú vị hơn tôi, và có cơ hội làm việc cho các trường Đại học chuyên về nghiên cứu. Tôi lại không cảm thấy ghen chút nào khi nghe tin một người bạn nhận được phần thường “Teaching Excellence”, được nhận vào làm phân tích dữ liệu cho các tập đoàn công nghệ lớn, hay xin được vị trí giảng dạy ở một trường Đại học ưu tiên dạy học.
Dần dần, tôi nhận ra bản thân có xu hướng chỉ ghen tị với các bạn có profile nghiên cứu tốt. Và tôi hiểu, làm nghiên cứu là con đường tôi muốn đi sau này!
Ngay cả khi những người khiến bạn ghen tị nhìn qua dường như rất khác nhau, nếu xem xét kỹ, có thể bạn sẽ tìm được một điểm chung nào đó. Ví dụ, một người bạn chia sẻ với tôi, bạn thấy ghen tị với thành công của một blogger, một tác giả viết truyện viễn tưởng, một người bạn đang theo con đường nghiên cứu. Bạn thừa nhận, bạn không hề muốn thành blogger, tiểu thuyết gia, hay một nhà nghiên cứu. Nhưng sao bạn lại thấy ghen tị? Thật ra, điểm chung của những ngành nghề hoàn toàn khác nhau là đều dùng ngòi bút để thể hiện bản thân. Và thế là bạn nhận ra bạn muốn viết, còn viết gì, thì bạn đang trên còn đường tìm kiếm.
Thậm chí, nếu những người làm ta ghen tị, không có bất cứ giá trị chung nào, ta cũng hiểu được một được điều thú vị. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy, ta đang trong giai đoạn khủng hoảng bản sắc, không biết điều gì mới thật sự quan trọng, và có giá trị với ta!
Hãy coi người khiến ta ghen tị là đồng minh trên hành trình của mình
Chúng ta có xu hướng ghen tị với những người giống ta, làm cùng loại công việc với ta, và có mối quan hệ gần gũi với ta. Bạn thử nghĩ mà xem, có phải bạn bè cùng lớp, đồng nghiệp cùng công ty, cùng ngành nghề, thậm chí là anh chị em trong gia đình thường là những đối tượng khiến ta cảm thấy ghen tị nhất. Và khi bị cảm giác ghen tị chi phối, ta thường tìm cách…tránh xa, thay vì học hỏi từ họ.
KJ là một người bạn cùng lớp tiến sỹ với tôi. KJ đến từ một nước châu Á, anh hơn chúng tôi khá nhiều tuổi. KJ luôn cảm thấy “mặc cảm” về tuổi của mình, và đã có lần chia sẻ rằng, anh thường xuyên ghen tị với sức trẻ, và thành tựu của chúng tôi, những người bạn cùng lớp với anh. Anh đối mặt với sự ghen tị bằng cách tách ra khỏi lớp, từ chối tham gia các hoạt động xã hội, từ chối tìm kiếm sự giúp đỡ của bạn bè cùng lớp, đặc biệt là khi đối mặt với các cột mốc quan trọng của PhD như bài thuyết trình năm 2, và thi Comprehensive Exams. Kết quả là KJ thi trượt kỳ thi vượt rào, và phải bỏ chương trình tiến sỹ giữa chừng.
Tôi học được một bài học quý giá từ câu chuyện của KJ: Ta hãy coi những người khiến ta ghen tị là đồng minh trên hành trình của mình.
Gần đây, tôi có cơ hội biết đến nhiều bạn trẻ (đến từ Việt Nam) học cùng ngành với mình. Khi mới biết đến các em, tôi luôn nghĩ, “ Các em còn trẻ mà đã hiểu biết rộng, đã viết bài cho báo chí quốc tế âm ầm, các em sẽ có bằng tiến sỹ ở độ tuổi mà mình mới chuẩn bị đi học, hồi bằng tuổi các em mình không thể làm được nhiều thế.” Thật khó mà không cảm thấy ghen tị!
Nhưng thay vì tránh xa, gần đây tôi tìm cách trò chuyện và xây dựng mối quan hệ công việc với các bạn trẻ. Nghe có vẻ sách vở, nhưng thật sự tôi đã có được những cuộc thảo luận thật sự thú vị, và học hỏi được nhiều điều từ các bạn. Nếu lúc nào ta cũng tránh tiếp xúc với những người khiến ta ghen tị, ta có thể có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội để trưởng thành và phát triển bản thân.
Tôi cũng tin rằng, đối với những ai coi công việc, và thành tựu cá nhân là bản sắc như tôi, một chút ghen tị với thành công của người khác sẽ giúp ta có động lực để vươn lên, và theo đuổi mục tiêu của mình. Thay vì nghĩ rằng, thành công của người khác là thất bại của bản thân, hãy lấy thành tựu của người khác là động lực cho bản thân, và học hỏi từ họ!
Khi nào sự ghen tị trở thành một vấn đề nghiêm trọng, và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bản thân? Một là khi ta trở nên ám ảnh với thành công của người khác đến mức ta hoàn toàn mất đi sự tự tin vào bản thân. Hai là khi sự ghen tị biến thành đố kỵ, ghen ghét. Thay vì nỗ lực và học hỏi, ta tìm cách nói xấu, chèn ép , và hãm hại người khác vì họ có những thành công ta mong muốn. Ta phải tìm mọi cách tránh cả hai thái độ trên!
Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn một cuối tuần thật vui!
Trương Thanh Mai