
Kỳ này, tôi quyết định đăng ký một khoá tiếng Trung ở trường. Cô bạn thân ngạc nhiên không hiểu vì sao tôi lại lao vào học một ngoại ngữ mới, khi đã bắt đầu giai đoạn viết luận văn. Thật ra, chính vì đang làm luận văn tiến sỹ, nên tôi mới quyết định học tiếng Trung. Tôi biết, viết luận văn sẽ có lúc rất căng thẳng, đau đầu và mệt mỏi, vậy thì tại sao không kiếm tìm những giây phút thư giãn từ việc học một ngoại ngữ nhỉ? Từ nhỏ tôi đã thích ngôn ngữ, và việc học ngoại ngữ lúc nào cũng khiến tôi vui và thư giãn. Tôi không thấy học ngoại ngữ căng thẳng và đau đầu chút nào. Hai là, biết một ít tiếng Trung sẽ tốt cho nghiên cứu của tôi. Đối với ngành học Comparative Politics, biết nhiều ngoại ngữ cũng là một lợi thế khi đi xin việc.
Dù mới chỉ học tiếng Trung được 3-4 tuần, nhưng tôi rất thích phương pháp giảng dạy của giáo viên khoá học. Phương pháp học thật sự hiệu quả, nên dù không cần dành quá nhiều thời gian tự học ở nhà, tôi cũng có thể nhớ từ mới, mẫu câu và chữ viết. Mới chỉ sau 4 tuần, mà tôi đã có thể thực hiện những cuộc hội thoại đời thường đơn giản, như giới thiệu tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, và hỏi người khác các thông tin tương tự.
Bài viết tuần này chia sẻ với bạn một số phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả, dựa trên những quan sát từ khoá học tiếng Trung tôi đang theo học. Hi vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trẻ đang muốn học tốt tiếng Anh, hay bất cứ ngoại ngữ nào.
Học hàng ngày vào một giờ cố định
Lớp tiếng Trung của tôi luôn bắt đầu lúc 11 giờ và kết thúc lúc 11:50 sáng, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Như vậy, tôi dành ít nhất 50 phút mỗi ngày cho tiếng Trung, trừ thứ 7 và chủ nhật.
Học hàng ngày vào một giờ cố định cho ta cơ hội tiếp xúc, và sử dụng ngoại ngữ thường xuyên. Cụ thể là ngày nào bạn cũng phải dùng ngôn ngữ đó (So cool!). Nếu bạn muốn học một ngôn ngữ mà người xung quanh bạn không sử dụng (chẳng hạn, học tiếng Anh, ở môi trường Việt Nam), bạn càng phải quyết tâm dành thời gian học ngôn ngữ đó hàng ngày. Muốn học ngoại ngữ tốt, ta không thể chỉ học dựa trên cảm hứng, mà phải xây dựng được thói quen học thường xuyên. Bạn phải học ngay cả lúc bạn cảm thấy mệt, không có cảm hứng, hoặc không có thời gian.
Học hàng ngày cũng có nghĩa là bạn không cần phải học quá nhiều mỗi ngày. Mỗi ngày 50-60 phút là đủ.
Nếu bạn đang muốn cải thiện một ngoại ngữ nào đó, tôi khuyên bạn hãy tìm một lớp học yêu cầu bạn phải học hàng ngày, nhưng mỗi ngày chỉ khoảng 40-60 phút. Bạn cũng có thể tự học ở nhà, nhưng phải quyết tâm dành được một khoảng thời gian cố định mỗi ngày để học. Chẳng hạn, bạn chỉ cần dành khoảng 30-40 phút sau bữa tối hoặc trước khi đi ngủ để học. Như thế cũng rất tốt rồi!
Tôi tin chắc rằng, chỉ cần học một chút mỗi ngày, sau khoảng vài tuần, bạn sẽ nhận thây sự tiến bộ rõ rệt. Điểm mấu chốt ở đây là phải xây dựng được thói quen học và sử dụng ngoại ngữ đó mỗi ngày.
Tìm một người học cùng mình
Lớp tiếng Trung của tôi có khoảng 20 sinh viên. Giáo viên chia lớp thành 10 cặp để học cùng nhau suốt cả khoá học. Hoạt động chính của mỗi “đôi bạn cùng tiến” là thu âm các bài hội thoại theo chủ đề giáo viên giao. Trong suốt 4 tuần qua, tôi và Lauren (cô bạn cùng tiến của tôi) đã thu âm 3 bài hội thoại. Trong bài hội thoại tuần trước, chúng tôi đóng vai hai sinh viên xa lạ, tình cờ gặp nhau ở trường Đại học, và phải giới thiệu bản thân cho đối phương. Nghe có vẻ rất nhiều việc, nhưng thật ra, mỗi bài hội thoại chỉ dài khoảng 5-10 phút.
Tôi thấy phương pháp học này thật sự rất hiệu quả.
Học cùng một ai đó sẽ giúp ta có thêm động lực để học nghiêm túc, ai muốn kém người bạn cũng tiến với mình cơ chứ! Tôi học tiếng Trung ở Mỹ, nên chắc chắn sẽ không có cơ hội nói tiếng Trung với người xung quanh. Vì vậy, việc thực hiện hội thoại thường xuyên với Lauren giúp tôi có cơ hội áp sử dụng tiếng Trung ngoài giờ học chính trên lớp.
Nếu bạn thật sự muốn cải thiện một ngoại ngữ nào đó, tôi khuyên bạn hãy tìm một ai đó học cùng. Nếu bạn đang theo học một khoá học ở trường hoặc ở trung tâm, hãy tìm một “người bạn cùng tiến” trong lớp để học cùng bạn suốt cả khoá học. Sau giờ học chính thức, bạn có thể dành thêm 15-20 phút, để thực hành hội thoại dựa trên những kiến thức học được trên lớp. Nếu bạn đang tự học ngoại ngữ, tìm một người bạn học cùng mình lại càng cần thiết!
Học thật chậm. Học kiến thức mới và ôn lại kiến thức cũ song song
Một sai lầm thường gặp của nhiều bạn muốn thành thạo một ngoại ngữ là muốn học thật nhanh. Muốn giỏi ngoại ngữ chỉ sau 2-3 tháng. Tuy mới học tiếng Trung được mấy tuần, nhưng tôi nhận ra học chậm thì sẽ học được nhiều. Càng muốn học thật nhanh, càng học được ít! Cả tuần đầu tiên, ngày nào đến lớp, chúng tôi cũng học đi học lại mấy mẫu câu đơn giản như hỏi họ (family name), hỏi tên đầy đủ, giới thiệu bản thân, nói lời tạm biệt, nói lời chào giáo viên, vân vân và vân vân. Cả tuần liền, có khi chúng tôi chỉ đọc đi đọc lại một vài chữ để luyện phát âm. Ban đầu, tôi cảm thấy hơi bực mình vì thấy chương trình học chạy chậm quá. Đến ngày thứ 3 là tôi đã tự hỏi, “Sao giáo viên không chuyển sang mẫu câu mới đi nhỉ”.
Nhưng dần tôi nhận ra, việc học chậm thật ra lại giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Không cần phải dành thêm nhiều thời gian tự học ở nhà, tôi đã có thể nhớ được hết các mẫu câu học trên lớp. Vì ngày nào cũng đọc đi đọc lại một vài mẫu câu, nên không biết tự khi nào chúng đã được bộ não của tôi ghi nhớ.
Ngay cả khi đã chuyển sang kiến thức mới, giáo viên cũng dành ít nhất 10-15 phút ôn lại những kiến thức đã học, hoặc kết hợp cả kiến thức mới và kiến thức cũ. Chẳng hạn, tôi rất thích các tình huống hội thoại trên lớp mà trong đó, chúng tôi buộc phải sử dụng các mẫu câu được giới thiệu ở những bài học khác nhau.
Tìm hiểu về văn hoá của quốc gia nói ngôn ngữ bạn đang học
Tôi tin rằng, tìm hiểu văn hoá của đất nước nói ngôn ngữ bạn đang học sẽ tạo thêm cho bạn động lực theo đuổi ngôn ngữ ấy. Dù mới học tiếng Trung được mấy tuần, tôi học được nhiều điều thú vị về văn hoá Trung Quốc (dù văn hoá Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng). Vi dụ, tôi thấy khá thú vị là người Trung Quốc khi giới thiệu bản thân, thường giới thiệu đầy đủ cả họ tên, thay vì chỉ giới thiệu tên (first name). Tương tự, khi mới gặp ai đó lần đầu, họ thường hỏi họ của người kia trước, và sau đó có thể hỏi rõ tên đầy đủ là gì.
Tôi biết nhiều người Việt ghét Trung Quốc, và người Trung Quốc nói chung, nên không muốn học tiếng Trung. Nhưng xin không bàn chuyện chính trị ở đây. Thật ra, tôi lại nghĩ, càng “ghét” thì càng phải hiểu người ta ăn nói, tư duy thế nào, điểm mạnh điểm yếu của họ là gì. Biết người biêt ta trăm trận trăm thắng mà.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn một tuần mới làm việc hiệu quả.
Trương Thanh Mai
Hi Mai,
Mình nhớ bạn nói bạn đang học cả tiếng Pháp. Không biết nên chia thời gian thế nào để có thể học 2 ngoại ngữ Pháp-Trung mà không bị rối nhỉ ?
Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Sau khi bảo vệ đề tài luận văn xong, mình nhận thấy tiếng Trung sẽ cần thiết hơn cho nghiên cứu trong tương lai, nên bây giờ mình chỉ tập trung tiếng Trung thôi 🙂
Một lúc nào đó chị có thể giải thích tại sao học tiếng trung quan trọng không ạ? Em cũng quan tâm tới ngành chính trị học và gần đây em cũng suy nghĩ về việc này. Nhưng em chỉ mới nghĩ được rằng, có thể học tiếng trung sẽ cho ta cơ hội tiếp cận các tài liệu về lịch sử, chứ chưa nghĩ được những lý do khác.
Hình như do Mai làm đề tài liên quan đến vùng Đông Nam Á ấy, mà tầm ảnh hưởng của TQ lên ĐNÁ rất rộng từ trước tới nay. Để theo dõi được các tài liệu và tin tức chính trị của vùng này thì tiếng Trung là rất cần thiết, vì đôi khi góc nhìn của truyền thông tiếng Anh và tiếng Trung khác nhau. Tất nhiên tiếp cận các tài liệu lịch sử cũng là 1 yếu tố.
Nếu làm đề tài ở vùng địa chính trị khác thì có lẽ 1 ngôn ngữ khác lại quan trọng hơn. Đấy là mình chém gió thế chứ cũng mong ý kiến của Mai kkk
Cảm ơn Alan đã ghé đọc blog. Bạn nói đúng rồi, vì mình làm nghiên cứu về khu vực ĐNA nên tiếng Trung cũng hữu ích. Tuy nhiên, mình thấy dù không làm nghiên cứu, biết một chút tiếng Trung cũng tốt vì Việt Nam và TQ có nhiều điểm tương đồng. “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng” mà 😀
Cảm ơn em đã ghé đọc blog. Chị nghĩ tiếng Trung quan trọng thế nào tuỳ thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu của em. Nếu em nghiên cứu chính trị TQ, hoặc mối quan hệ giữa TQ và các quốc gia/ tổ chức khác thì tiếng Trung cần thiết. Vì TQ đang lên, nên nhiều trường ĐH, think tanks, etc có nhiều vị trí cho những người có chuyên môn về TQ nên nếu biết em sẽ có một chút lợi thế 🙂
Cảm ơn chị, e đang vật lộn vs ielts đây chị 😂😂😂
Cảm ơn em đã ghé đọc bài. Chúc em học và thi tốt 🙂