Danh sách phim, sách, và các chương trình giải trí tôi theo dõi trong tháng 4

Trong tháng tư, quá trình viết luận văn của tôi có phần dễ thở hơn. Đầu tháng, tôi gửi bản nháp Chương 1 luận văn cho cả hội đồng. Tôi cũng đoán trước được rằng, phải đến cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, tôi mới nhận được nhận xét, góp ý của tất cả các thành viên trong hội đồng. Thế là, thời gian còn lại của tháng 4, tôi có thể dành chút ít thời gian để thư giãn (phần lớn là buổi tối)!

Bài viết tuần này tổng hợp những bộ phim, chương trình giải trí tôi xem, và những cuốn sách tôi đọc trong tháng 4. Hi vọng bạn cũng sẽ học được điều gì đó hữu ích trong danh sách này.

SÁCH

Tiểu thuyết “Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi” của Fredrik Backman

Tôi luôn thích các tác phẩm văn học của Thuỵ Điển, như Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils Holgersson, Người đàn ông mang tên Ove, Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất. Cuốn tiểu thuyết Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi của Fredrik Backman lại một lần nữa không làm tôi thất vọng.

Tiểu thuyết kể về mối quan hệ giữa cô bé Elsa 8 tuổi và bà ngoại cô bé. Elsa rất yêu bà ngoại, bởi bà luôn ủng hộ những việc làm có phần điên rồ, và tính cách khác biệt của cô bé. Ở trường, Elsa luôn bị bắt nạt bởi lũ bạn gái xung quanh, vì chúng ghét (hoặc ghen tị!) sự khác biệt của cô bé. Vì thế, Elsa không có bạn bè thân, chỉ trừ bà ngoại.

Một ngày bà ngoại mất vì ung thư, và cô bé bỗng thấy bản thân lao vào một cuộc phiêu lưu kiếm tìm những lá thư bà ngoại viết cho từng người hàng xóm ở khu nhà cô bé đang sống. Hành trình này giúp cô hiểu thêm bao điều về chính bà ngoại, bố mẹ, và những người hàng xóm mà cô bé từng rất ghét.

Dù đây là một cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi, nhưng tôi tin rằng, tất cả chúng ta dù ở độ tuổi nào đi nữa cũng nên đọc. Bởi sách dạy chúng ta một bài học cuộc sống rất sâu sắc:

“Bà ngoại bèn nói rằng sự trớ trêu thật sự của cuộc sống nằm ở chỗ gần như không có người nào là hoàn toàn rác rưởi, và cũng chẳng có người nào không hề rác rưởi. Cái khó là giữ cho mình ở phía không rác rưởi nhiều nhất có thể.”

Đúng vậy, bà ngoại không hề hoàn thiện như Elsa tưởng: Bà dành cả đời đi khắp thế giới để cứu những đứa trẻ bất hạnh, nhưng bản thân bà lại để chính con gái mình (mẹ Elsa) lớn lên trong cô đơn. Bà Brit-Marie lúc nào cũng cáu kỉnh, gây khó dễ cho hàng xóm khiến Elsa ghét cay ghét đắng. Nhưng rồi cô bé dần nhận ra, bà Brit-Marie thực chất không…rác rưởi đến vậy. Bà là một người phụ nữ cô đơn trong chính cuộc hôn nhân của mình. Bởi thế, bà luôn khát khao được quan tâm, được cho là một người quan trọng. Elsa rất ngạc nhiên khi biết rằng, chính bà Brit-Marie đã nuôi nấng, và chăm sóc mẹ khi bà ngoại đi khắp thế giới cứu người.

Tiểu thuyết “24 giờ trong đời một người đàn bà” của Stefan Zweig

Sau khi chồng qua đời, và con cái đã trưởng thành, bà C…, một phụ nữ Anh sang trọng bỗng thấy cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa. Bà đi Paris chơi và dành phần lớn thời gian ở một sòng bạc lớn ở Paris. Tại đây bà bị thu hút bởi…những ngón tay của một thanh niên trẻ quý tộc, kém bà phải đến 20 tuổi. Giây phút bà thấy chàng trai thua những đồng bạc cuối cùng ở sòng bạc, bà biết rằng chàng trai này rồi sẽ tìm đến cái chết.

Thế là, bà quyết tâm đi theo và thật kỳ diệu đã kéo chàng thanh niên đó từ cõi chết trở về. Bà cho anh ta tiền, và mong anh ta hãy dùng số tiền ấy trở về quê hương, và mãi mãi từ bỏ con đường cờ bạc này. Bà bỗng thấy cuộc sống trở nên thật ý nghĩa, và một lần nữa bà lại thấy mình quan trọng với một ai đó. Trong một phút giây thiếu lý trí, bà đã quyết định bỏ lại tất cả để đi theo chàng trai ấy. Thế nhưng….À thôi, tôi không kể nữa, để các bạn tự tìm cái kết nhé.

Thật ra, khi đọc truyện, tôi đã đoán được cái kết rồi. Truyện hay không phải ở đoạn kết, mà ở cách tác giả tả tâm lý, cảm xúc của người phụ nữ ấy. Từ khi gặp chàng trai quý tộc đó đến khi mọi chuyện kết thúc chỉ diễn ra đúng 24 giờ, nhưng bà đã bị ám ảnh suốt mấy chục năm cuộc đời. Cảm giác xấu hổ, ngu ngốc, tội lỗi, cứ mãi đeo bám bà.

Có lẽ người phụ nữ nào cũng từng một lần tin rằng, mình có đủ quyền lực để thay đổi người khác (có thể là bằng sự chân thành, bằng tình yêu, bằng tiền…). Nhưng chúng ta có thể không?

“Collapse: How Societies Choose to Fail or Succeed” của Jared Diamond.

(Sách đã được dịch sang tiếng Việt)

Điều tôi thích nhất ở cuốn sách này là cách tác giả phát triển khung lý thuyết về cách các quốc gia giải quyết khủng hoảng, dựa trên lý thuyết về cách con người đối phó với khủng hoảng cá nhân (như ly hôn, mất việc, trầm cảm, vân vân). Tác giả lập luận rằng, có rất nhiều sự tương đồng giữa cách các cá nhân, và các quốc gia đối phó với khủng hoảng. Xem tóm tắt ở hình dưới đây:

Tác giả áp dụng khung lý thuyết để giải thích cách 6 quốc gia giải quyết khủng hoảng, bao gồm Phần Lan, nước Nhật hiện đại, Chile, Indonesia, Đức, và Úc. Nếu bạn ham tìm hiểu về các quốc gia trên thế giới, thì đây là cuốn sách dành cho bạn. Tôi học được rất nhiều điều về các quốc gia này từ sách. Chẳng hạn, tôi thật sự không biết nhiều về Phần Lan, và cảm thấy rất bất ngờ, cũng như nể phục những gì quốc gia này đã phải trải qua.

Tiểu thuyết “The Mountains sing” của Nguyễn Phan Quế Mai

Tôi đã review cuốn sách này trên Facebook, xin ghi lại tại đây:

Tiểu thuyết “The mountains sing” được viết bởi một nhà văn Việt Nam (bằng tiếng Anh). Tiểu thuyết kể về cuộc đời của một người phụ nữ, sinh ra trong một gia đình địa chủ trước năm 1945. Sau cải cách ruộng đất đầu những năm 1950, bà may mắn sống sót nhưng trở thành người vô gia cư, phải mang theo mấy đứa con đi ăn xin, lang thang từ Nghệ An lên Hà Nội. Nhờ thông minh, lanh lợi mà bà nhanh chóng xây dựng một cuộc sống mới cùng các con ở Hà Nội.

Tôi thích cuốn tiểu thuyết này ở mấy điểm.

Thứ nhất, tác giả không thần thánh hoá quân ta và không dìm quân địch xuống bùn sâu. Khi chiến tranh xảy ra, người dân ở tất cả các chiến tuyến, dù là địch hay ta, đều phải nếm trải những đau khổ, mất mát, và bất hạnh. Quân ta có người xấu, người tốt. Quân địch cũng có người tốt, kẻ xấu. Tôi thích cách nhìn đa chiều, và khách quan của tác giả! Nếu bạn muốn hiểu lịch sử với ít thiên kiến nhất, thì đây là cuốn sách dành cho bạn.

Thứ hai, thông qua cuốn tiểu thuyết, tác giả cũng làm nổi bật những xung đột về ý thức hệ trong gia đình, sau năm 1975. Nhiều người phải đứng trước lựa chọn: ý thức hệ hay gia đình! Sự lựa chọn “khắc nghiệt” này cũng làm bật tình mẫu tử của nhân vật chính trong truyện. Dù một người con trai của bà cấm bà không được đến thăm và liên lạc với gia đình anh, vì bà chỉ là một “con buôn”, còn anh là một đảng viên đang trên con đường thăng tiến, thì bà vẫn hàng ngày âm thầm quan tâm con từ xa. Khi con dâu bà mang thai, bà ngày ngày nấu cháo và những món ăn ngon cho con. Vì sợ làm phiền con trai, nên bà nhờ người cháu mang cho con!

Thứ 3, là tiểu thuyết viết về chiến tranh, nhưng tôi thấy thật lạc quan, tươi sáng.

PHIM

“The Lie” của đạo diễn Veena Sud

Đây là bộ phim kinh dị tâm lý (a psychological horror film), kể về một cô gái trẻ, khoảng 16-17 tuổi. Cô và bố đang trên đường đến một buổi khiêu vũ, thì bắt gặp người bạn thân của cô đang chờ xe bus bên đường. Họ đã mời cô bạn lên xe đi cùng. Đi được nửa đường thì cô và người bạn thân muốn dừng xe để thăm một thác nước. Bố cô đợi mãi không thấy con và bạn quay lại xe, nên đã đi tìm. Khi đến thác nước, ông bố thấy con gái đang hoảng loạn, vì đã đẩy bạn xuống dòng nước chảy siết. Cô chia sẻ với bố rằng, cô đã cố ý giết bạn.

Thế rồi, bố mẹ cô đã tìm mọi cách để che dấu tội ác của cô, bằng một loạt những lời nói dối và những sự kiện bịa đặt. Tôi xin chỉ kể đến đây thôi, để bạn tự tìm cái kết của phim. Phim kết cực kỳ bất ngờ đấy.

Vừa xem phim, tôi vừa nghĩ, đâu là giới hạn tình yêu của cha mẹ dành cho con cái? Nếu con cái ta phạm tội lớn như vậy, ta có thể làm mọi thứ để bảo vệ con như cặp vợ chồng này không?

“A Wife’s Nightmare” của đạo diễn Vic Sarin

Một hôm, Liz Michaels và chồng vừa về đến nhà sau một chuyến đi, thì Caitlin, một người phụ nữ trẻ 19 tuổi, đến tìm gặp và tự nhận là đứa con gái bị thất lạc của chồng cô. Chồng của Liz xác nhận đã có mối quan hệ tình cảm với mẹ Caitlin trước khi gặp và cưới cô, nhưng không hề biết họ đã có một đứa con gái với nhau. Vì thương cảm cho hoàn cảnh của Caitlin (mất mẹ, mất nhà, và đang phải sống trong ô tô), nên Liz đã đồng ý cho con gái riêng của chồng chuyển đến sống cùng gia đình mình. Caitlin rất dễ mến, nên nhanh chóng chiếm được cảm tình của chồng và con trai cô.

Nhưng sâu thẳm, Liz luôn cảm thấy Caitlin là một cô gái không đơn giản, và đang che dấu một sự dối trá rất lớn. Liz quyết tâm tìm hiểu, và phát hiện ra một sự thật vượt quá sức chịu đựng của cô. Cái kết của phim thật sự rất bất ngờ.

“The PHD Movie 1 &2”

Hai tập phim kể về cuộc sống của hai nghiên cứu sinh tiến sỹ ở Mỹ. Phim hài hước, nhưng phác hoạ thế giới học thuật, làm khoa học, và cuộc sống của nghiên cứu sinh một cách vô cùng chân thực, sống động. Tôi cảm thấy vô cùng đồng cảm với những khó khăn, vất vả, mà hai nhân vật chính của phim phải trải qua trong quá trình học tiến sỹ.

Tuy nhiên, phim cũng tạo động lực để tôi có gắng hoàn thành chương trình PhD sớm. Tôi thật sự mong muốn có bằng tiến sỹ vào mùa xuân 2022.

Khi xem đến đoạn nhân vật nữ chính bảo vệ thành công luận văn tiến sỹ sau vô vàn khó khăn, tôi cảm thấy thực sự xúc động. Làm tiến sỹ có lẽ là điều tôi cảm thấy tự hào nhất ở bản thân mình, và tôi rất háo hức đến ngày tốt nghiệp. Điều làm tôi tự hào không phải là tấm bằng, mà là những nỗ lực, quyết tâm, mà tôi đã dành cho việc nghiên cứu mấy năm qua. Tôi cũng cảm thấy tự hào vì đã dám theo con đường nghiên cứu sinh, dù rất nhiều người xung quanh ngăn cản. Nếu không làm theo ý mình, thì có lẽ tôi đã không tìm ra được điều thật sự làm mình vui và hạnh phúc!

CHƯƠNG TRÌNH GIẢI TRÍ

Psycho Kitty

Tôi rất thích chương trình này. Dù sống với hai chú mèo đáng yêu, nhưng tôi vẫn thích các chương trình về mèo. (Haha). Chương trình này kể về hành trình chữa trị tâm lý cho những chú mèo của chuyên gia Pam Johnson. Pam là một chuyên gia nổi tiếng thế giới về hành vi của mèo. (Thỉnh thoảng tôi nghĩ, nếu không theo Political Science, thì tôi sẽ làm PhD về mèo. Haha). Pam còn là tác giả của 10 cuốn sách bán chạy về hành vi mèo nữa đấy.

Tôi đã xem đến tập 12 của phần 1. Rất nhiều gia đình đã tìm Pam để xin giúp đỡ khi mèo nhà họ có những vấn đề về tâm lý, như tè bậy (bất ngờ chưa, việc mèo hay tè lung tung phần lớn đều xuất phát từ tâm lý bất an), cào cắn người, sợ hãi, thường xuyên đánh nhau với những con mèo (hoặc các thú cưng khác) trong gia đình. Trong mỗi tập phim, Pam sẽ đến thăm một gia đình, và đưa ra giải pháp giải quyết tâm lý của những chú mèo.

Dù đã đọc nhiều bài báo, và sách về mèo, tôi đã học được rất nhiều về người bạn bốn thân từ chương trình này. Thật ra, mèo là động vật rất nhạy cảm. Chỉ một thay đổi nhỏ ở môi trường xung quanh và thái độ ta dành cho mèo, tâm lý của chúng có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Và những bất an tâm lý này sẽ dẫn đế những hành vi mà ta không mong muốn.

Nhưng mèo cũng dễ tính lắm ý. Để giải quyết tâm lý cho chúng, ta chỉ cần làm chúng cảm thấy tin tưởng, an toàn (như dành nhiều thời gian chơi với chúng, thiết kết sắp xếp đồ đạc sao cho chúng cảm thấy an toàn, tạo các hoạt động kích thích bộ não và bản năng săn mồi tự nhiên của chúng như dùng food puzzle, vân vân), tâm lý và hành vi của chúng sẽ thay đổi.

Đúng là, việc gì muốn làm tốt cũng phải học, các bạn nhỉ!

Ngoài ra, tôi cũng đang theo dõi các chương trình về sự phát triển của loài ngoài và thiên nhiên như “The Evolution of us” và “Wildest islands”

Hi vọng bạn sẽ tìm thấy những điều hữu ích từ danh sách trong bài viết này!

Cảm ơn bạn đã ghé đọc và chúc bạn tuần mới làm việc hiệu quả!

Trương Thanh Mai

2 thoughts on “Danh sách phim, sách, và các chương trình giải trí tôi theo dõi trong tháng 4

Leave a Reply