Những bài học về cuộc sống hôn nhân sau 3 năm kết hôn

Tuần này kỷ niệm 3 năm ngày cưới của chúng tôi. Ba năm không phải là dài, nhưng chúng tôi đã cùng trải qua biết bao cung bậc cảm xúc của cuộc sống hôn nhân. 

Ba năm qua, chúng tôi đã cùng thực hiện rất nhiều những chuyến du lịch trong và ngoài nước Mỹ, cùng đưa ra nhiều quyết định quan trọng, và cùng đối mặt với những khó khăn bất ngờ trong cuộc sống. Ba năm cũng không thể thiếu những lúc hiểu nhầm, cãi vã, và giận hờn. 

Trong bài viết tuần này, xin chia sẻ với bạn đọc blog những bài học về cuộc sống hôn nhân tôi học được sau ba năm kết hôn. 

Tư duy về hôn nhân

 Hai năm trước, khi về thăm Việt Nam, tôi tình cờ gặp lại một người bạn cũ. Sau khi biết tôi đã kết hôn, câu đầu tiên bạn hỏi tôi là, “Cậu và chồng có hợp nhau không?” Khi tôi trả lời rằng có, bạn lại hỏi thêm, “Thế có hợp về mọi thứ không?” 

Tôi phải lúng túng mất mấy giây trước câu hỏi này, bởi đối với tôi, hôn nhân là một vấn đề phức tạp. Xây dựng một cuộc hôn nhân bền vững không thể chỉ dựa vào sự phù hợp giữa hai người. 

Tôi luôn nghĩ, hôn nhân là sự cam kết sống với nhau lâu dài của hai người với những khác biệt về trải nghiệm sống, quan điểm, suy nghĩ, sở thích, mong muốn, nguyện vọng cá nhân, và tính cách. Không có hai người nào có thể hợp nhau tất cả mọi mặt. Mỗi người trong chúng ta là một cá thể độc lập. Kỳ lạ là khi yêu ta thường bị thu hút bởi người có ít nhiều khác biệt với ta, nhưng sau khi cưới, chúng ta lại mong muốn một vài điểm giống nhau là chìa khoá cho một cuộc hôn nhân bền vững.

Tôi luôn giữ quan điểm, bước vào hôn nhân là học cách dung hoà sự khác biệt giữa hai người. Những điểm giống nhau có thể là lý do khiến hai người quyết định kết hôn, nhưng chính cách chúng ta giải quyết những sự khác biệt sẽ quyết định hôn nhân trở nên thế nào sau khi cưới.

Một suy nghĩ nữa mà tôi luôn tránh là cố gắng thay đổi đối tác của mình. “Sau khi cưới, mình sẽ thay đổi được những…tính xấu của anh ấy/cô ấy” Tư duy này sẽ chỉ khiến ta thất vọng, bởi một tờ giấy kết hôn không thể thay đổi hoàn toàn một người. Một người hay nói những lời xúc phạm, thiếu nhạy cảm trước khi cưới không thể tự nhiên trở nên lịch sự, nhã nhặn, và nhạy cảm. Một người không có ý chí không thể bỗng nhiên đầy tham vọng. Một người luộm thuộm sẽ rất khó để tự nhiên trở nên ngăn nắp và gọn gàng. 

Khi lựa chọn kết hôn với một người, chắc chắn ta đã biết những “điểm xấu” này rồi. Họ luôn như thế, không phải là họ đã thay đổi sau hôn nhân. Và khi đã lựa chọn rồi, thì hãy cùng nhau dung hoà những khác biệt, thay vì tìm mọi cách thay đổi người đó (vì điều này là không thể).

Video ghi lại đám cưới nho nhỏ của chúng tôi ở Việt Nam

Hôn nhân là sự “thoả hiệp” của hai người với những khác biệt

Vì hôn nhân là sự kết nối của hai người với những khác biệt về tính cách, nguyện vọng, mong muốn cá nhân, nên sự thoả hiệp là cực kỳ quan trọng. Nếu ai cũng muốn làm theo ý mình bằng mọi giá thì chắc chắn cãi vã sẽ xảy ra. 

Đối với tôi, thoả hiệp đơn giản là cả vợ và chồng chịu chấp nhận giảm bớt mong muốn riêng của cả hai bên khi cần thiết, để tránh xích mích. Thoả hiệp nghĩa là đặt câu hỏi, “Nếu mình khăng khăng làm theo ý mình thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc hôn nhân của hai người? Cái giá phải trả có đáng không?

Ngay cả những điều nhỏ bé hàng ngày trong cuộc sống hôn nhân, đều cần sự thoả hiệp giữa vợ và chồng. Chẳng hạn, hôm nay chồng nấu cơm, rửa bát thì mai vợ rửa bát, nấu cơm (ngay cả khi bản thân mình không muốn làm thế). 

Trong khoa tôi, có một bạn nghiên cứu sinh vừa có con nhỏ, vợ bạn ấy là y tá. Hai bạn thay nhau chăm sóc con, vì bạn ấy đang cố hoàn thành luận văn, nên sẽ chăm con 3 ngày trong tuần, còn vợ bạn sẽ chăm con 4 ngày còn lại. Vợ bạn biết bạn đang cố gắng tốt nghiệp tiến sỹ, nên sẵn sàng dành nhiều thời gian hơn cho con. 

Trong hôn nhân, sẽ có những giai đoạn, cả hai phải đưa ra những quyết định khó khăn. Lúc này, cả vợ và chồng sẽ cần phải đưa ra những lựa chọn có lợi cho cả gia đình, trong khi phải hi sinh mong muốn thật sự của một trong hai người.

Sau khi tôi tốt nghiệp tiến sỹ, chúng tôi dự định sẽ chuyển đến bất cứ nơi nào cho tôi một công việc tốt. Tôi biết bạn đồng hành có mong muốn riêng về nơi sống, nhưng đây là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng tôi. Theo con đường học thuật nghĩa là lựa chọn của tôi khá hạn hẹn, còn bạn đồng hành có thể tìm được việc ở bất cứ đâu. Dù công việc hiện tại của anh khá bận rộn, nhưng anh vẫn theo học MBA, vì tấm bằng có thể sẽ tốt cho công việc của anh sau này.

Bữa tiệc nho nhỏ ở Minnesota

Giao tiếp rõ ràng, rành mạch là chìa khoá

Ai cũng thích được bạn đời thấu hiểu mọi cảm xúc, suy tư, mong muốn mà không cần phải bộc lộ bằng lời, nhưng thực tế, chẳng ai thấu tỏ được hết mọi suy nghĩ của bạn. Đơn giản vì mỗi cá nhân là một sự khác biệt.

Trong hôn nhân, giao tiếp rõ ràng cực kỳ quan trọng. Nếu ta muốn chồng hoặc vợ giúp ta nấu bữa tối hôm nay, ta hãy nói cho họ biết. Nếu ta cảm thấy những gì họ nói khiến ta tổn thương, ta hãy chia sẻ điều đó với họ. Nếu ta muốn cuối tuần đi xem phim, thì hãy rõ ràng thể hiện ra ngoài, thay vì đợi chờ họ tự hiểu để rồi ôm thất vọng vào người. 

Khi hai người sống cùng nhau chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề lớn mà khi yêu không gặp phải. Những khúc mắc có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân như quản lý tài chính, cách nuôi dạy con, quan hệ với bố mẹ hai bên, cần phải được giải quyết ngay khi chúng vừa xảy ra. Im ỉm bỏ qua có thể làm không khí trong nhà “vui vẻ” tạm thời, nhưng vấn đề vẫn ở đó. Vấn đề không tự biến đi nếu ta không giải quyết chúng.

Luôn nói cảm ơn và xin lỗi 

Khi bước chân vào hôn nhân, ta rất dễ có suy nghĩ, những gì chồng/ vợ làm cho ta là điều đương nhiên. Nhưng tôi luôn nghĩ, chính vì là vợ chồng nên ta càng cần phải trân trọng những điều nhỏ bé người kia làm cho ta. Bởi đôi khi, chính những xích mích nhỏ bé tích tụ hàng ngày là liều thuốc độc cho hôn nhân.

Mỗi khi anh bạn đồng hành làm bất cứ điều gì cho gia đình khi tôi bận, tôi cũng đều cố gắng nói cảm ơn, từ việc rửa bát, nấu cơm, dọn chậu cát cho mèo, hút bụi, dọn vườn, đưa mèo đi khám, và thậm chí là đưa tôi đi gặp bác sỹ, vân vân và vân vân. Khi anh ấy sửa bài viết cho tôi, tôi cũng nói, “Thank you very much for your help”. Ngược lại, bạn đồng hành cũng thường xuyên nói cảm ơn tôi, mỗi khi tôi làm việc nhà, hoặc giúp anh trong công việc và việc học MBA. 

Nhiều người bảo sao “khách sáo thế”, nhưng tâm lý ai cũng muốn được công nhận và đánh giá cao mà. Lúc nấu cơm có khi rất mệt, nhưng được nghe lời cảm ơn, những mệt mỏi bất ngờ tan biến! 

Gần đây, tôi vừa mang bầu vừa bận rộn với luận văn, nên chồng tôi là người chăm sóc hai chú mèo. Mấy hôm trước, chú mèo Bẹp phải đi lấy cao răng, anh phải đưa Bẹp đến gặp bác sỹ từ sáng sớm, và đón Bẹp về lúc chiều tối. Ngày hôm ấy, công việc của anh cũng bận rộn đến tối mịt. Rồi đến tối phải lo làm bài tập cho lớp học MBA ngày hôm sau. Tôi cảm thấy hơi “tội lỗi” vì không giúp được nhiều. Tôi cũng nhận thấy chồng tôi khá mệt mỏi hôm ấy. 

Cuối ngày, tôi mới nói, “Cảm ơn anh vì đã chăm sóc Bẹp, khi em không giúp gì được nhiều thời gian này. Em rất tự hào vì anh vừa có thể sắp xếp đi làm, đi học, lại chăm sóc hai chú mèo đến nơi đến chốn. I am lucky to have you”. (Haha). Nghe thấy thế chồng tôi mắt sáng hẳn lên và bảo, “Anh cũng cảm thấy rất may mắn”. Đúng là trao lời ngọt ngào thì sẽ được nhận những lời ngọt ngào. 

Lời xin lỗi cũng rất quan trọng. Khi hai cá thể với những sở thích, tính cách, mong muốn khác nhau sống chung, chắc chắn sẽ có những lúc lỡ lời nói điều khó chịu, gây tổn thương cho người kia. Và khi đã nhận ra mình sai, thì một lời xin lỗi có thể sẽ giải quyết được vấn đề. Trong thời gian mang bầu, tôi hay giận vô cớ (haha). Thỉnh thoảng tôi cũng phải nói, “Xin lỗi anh, hôm nay em thấy hơi bực mình trong người.” 

Khi chia sẻ với bạn bè ở Việt Nam, mọi người thường nói, “Tây mới nói lời cảm ơn, xin lỗi, hay nói những lời ngọt ngào. Không áp dụng ở Việt Nam được”. 

Tôi thì nghĩ khác: những gì lịch sự và tốt đẹp thì ta nên học hỏi. Nếu ta muốn đối tác của mình trân trọng những điều nhỏ bé ta làm cho họ, thay vì chờ đợi họ làm điều đó với mình trước, ta hãy là người chủ động nói lời cảm ơn trước. Ta cũng có thể thể hiện mong muốn ấy ra ngoài, “Anh/em sẽ rất vui khi được nghe lời cám ơn từ em/anh vì bữa tối hôm nay đấy!”. 

Ngày trước, tôi rất ít khi nói lời cảm ơn mẹ. Lần đầu tiên tôi bảo “Con cảm ơn mẹ”, mẹ ngượng ngùng bảo, thôi, có gì mà phải ơn với huệ. Nhưng dần dần, lời cảm ơn đã trở thành một phần bình thường trong giao tiếp giữa mẹ và tôi. Mẹ không còn thấy “ngượng” nữa mà thấy vui mỗi khi tôi thể hiện sự trân trọng đối với những gì mẹ làm cho tôi.

Duy trì sở thích, đam mê riêng

 Duy trì sự hấp dẫn khi về ở chung một nhà không phải dễ. Tôi nhận thấy, để duy trì được sức hấp dẫn ấy, ta đừng từ bỏ hoàn toàn những sở thích, đam mê ta có lúc trước khi kết hôn. Đặc biệt là khi những sở thích, đam mê ấy là điều thu hút nửa kia trước khi cưới. 

Tôi yêu bạn đồng hành một phần vì anh có một sở thích khá lạ. Anh thích tìm hiểu về gia phả, lịch sử, và cội nguồn của gia đình. Anh có thể dành hàng giờ tỉ mẩn tìm hiểu lịch sử gia đình cho bạn bè, người quen, và đôi khi có người lạ trả tiền nhờ anh giúp họ hiểu hơn về cội nguồn gia đình mình. Anh vẫn duy trì sở thích ấy sau khi cưới, và mỗi khi anh tập trung vào công việc ấy, tôi thấy anh rất…hấp dẫn (Haha!)

Ngược lại, anh yêu tôi vì (anh bảo) tôi luôn có mơ ước lớn, và dám theo đuổi những điều mình tin tưởng. Sau khi cưới, tôi vẫn thế, luôn có mơ ước lớn cho công việc nghiên cứu, và có rất nhiều dự định/ ước mơ muốn làm cho tương lai. Anh thấy tôi hấp dẫn khi tôi dám gửi bài nghiên cứu cho những tạp chí khó, tìm mọi cách để xin tài trợ cho nghiên cứu của mình, vân vân và vân vân. 

Thỉnh thoảng có người bảo, “Có con rồi thì chả có thời gian và năng lượng để theo đuổi những sở thích, đam mê riêng đâu.” Tôi lại nghĩ, tại sao lại “đổ tội” cho em bé ngây thơ còn chưa ra đời như thế? Con là niềm vui chứ sao lại là điều cản trở trong cuộc sống của mình nhỉ.

Cùng theo đuổi một sở thích chung

 Dù có những sở thích, đam mê riêng, nhưng chúng tôi cũng duy trì những đam mê chung. Cả hai chúng tôi đều thích đi du lịch. 

Trước khi dịch Covid -19 xảy ra, tôi và bạn đồng hành thường xuyên đi du lịch cùng nhau. Chúng tôi đã thực hiên không biết bao nhiêu chuyến đi ngắn ngày vào cuối tuần, và những chuyến road trip dài ngày, kéo dài đến 1-2 tuần. Cùng nhau đi du lịch giúp chúng tôi hiểu và gắn kết với nhau hơn. 

Chúng tôi còn có đam mê…chăm mèo nữa (haha!). Hai chú mèo đúng là chất keo giúp chúng tôi yêu nhau hơn.

Tôi không phải là chuyên gia về hôn nhân, và bài viết cũng không phải là những lời khuyên để bạn có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền lâu.

Đây chỉ là những bài học cá nhân tôi học được từ ba năm đặt chân vào cuộc sống gia đình! 

Cảm ơn bạn đã ghé đọc!

Chúc bạn một tuần mới vui!

Trương Thanh Mai

Nếu bạn thấy các bài viết trên blog hữu ích, hãy subscribe email để nhận thông tin về bài viết mới hàng tuần

THEO DÕI BLOG QUA EMAIL

Join 1,948 other subscribers

Leave a Reply