
Sống và lập nghiệp ở nước ngoài có lẽ là một trong những quyết định lớn nhất của tôi. Khi tôi chia sẻ quyết định ấy với bạn bè, có người bảo, “Ra đi là đúng rồi, ở Việt Nam chán bỏ xừ, bây giờ ai mà đi được người ta cũng đi hết.” Lại có người nói, “Không ở đâu thích bằng sống ở chính quê hương mình. Việt Nam đang ngày càng phát triển, nhiều cơ hội mở ra cho người trẻ. Sống ở nước ngoài, mình mãi mãi chỉ là….người nước ngoài.”
Nhưng càng trưởng thành, tôi càng thấm một điều: Mọi quyết định bản thân mình đưa ra đều có những đánh đổi nhất định. Không có lựa chọn nào chỉ đem lại cho ta toàn “màu hồng”, toàn những điều tốt đẹp. Cũng không có lựa chọn chỉ đem lại toàn những điều tiêu cực, đen tối.
Quyết định sống ở nước ngoài cũng vậy. Trong bài viết tuần này, xin chia sẻ với bạn đọc những điểm được và mất khi sống ở nước ngoài. Những chia sẻ này hoàn toàn dựa trên trải nghiệm sau bốn năm sống ở Mỹ của cá nhân tôi. “Được” hay “mất” không có ranh giới rõ ràng. Đối với nhiều người, những điều tôi thích khi sống ở nước ngoài có thể lại là điều họ không thích.
Những điểm tích cực khi sống ở nước ngoài
Tự tin theo đuổi ước mơ
Ngay từ nhỏ tôi đã có rất nhiều ước mơ và dự định muốn theo đuổi trong cuộc đời. Khi còn sống ở Việt Nam, đôi khi tôi không dám bày tỏ ước mơ với mọi người, bởi nhiều người nói rằng, tôi viển vông, ngây thơ, mơ mộng linh tinh. Cũng có người nói, phụ nữ mà nhiều mơ ước quá cũng không tốt. Sống ở Mỹ, tôi luôn được khuyến khích theo đuổi ước mơ, và tham vọng của bản thân. Vì thế, tôi luôn thấy được là chính mình khi sống ở Mỹ.
Tôi khá tham vọng trong nghiên cứu. Một khi đã có ý tưởng tôi sẽ tìm mọi cách để thực hiện, cảm giác bỏ dở một ý tưởng nào đó thật sự rất khó chịu. Cả giáo sư và anh bạn đồng hành đều nói rằng họ thích “sự tham vọng” của tôi. Điều ấy cho tôi thêm tự tin theo đuổi ước mơ của mình.
Có không gian riêng tư
Tôi không thích sự ồn ào, tiếng động mạnh, bởi nó khiến tôi khó tập trung. Không gian sống hiện tại của tôi thật sự rất thích: vô cùng yên lặng, chỉ có tiếng chim hót lảnh lót mỗi buổi sáng. Thật sự là một môi trường phù hợp để làm nghiên cứu (haha!).
Ngoài ra, ở đây, mọi người không để ý quá nhiều đến đời sống cá nhân của người khác. Ai biết nhà đấy thôi, và tôi rất thích điều này.
Tôi là người rất tôn trọng lựa chọn cá nhân của người khác, nhưng nhiều khi tôi không nhận lại được sự tôn trọng tương tự khi sống ở Việt Nam. Tôi rất sợ phải nghe những câu hỏi hay lời khuyên như: “Sao chưa lấy chồng, không sợ ế à?”, “Sao chưa sinh con”, “Sao chưa sinh con thứ hai”, “Sao gầy thế/ béo thế, thấp thế/ cao thế”, “Sao không thay đổi kiểu tóc đi, để mãi một kiểu không chán à”. Phù, mọi người nhiều năng lượng “quan tâm” đến người xung quanh thật!
Viết đến đây, tôi chợt nhận ra rằng, không phải ai cũng thích “sự riêng tư và yên ắng quá mức này” khi ở nước ngoài. Có người bạn tôi, sau một thời gian sống ở nước ngoài, chỉ thích quay về Việt Nam vì nhớ không khí rộn ràng, quay cuồng, náo nhiệt ở nhà.
Phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn của bản thân
Sau một thời gian sống ở nước ngoài, bạn sẽ chợt nghĩ, “có phải mình sẽ mãi là một người nhập cư hay không?” Chính suy nghĩ ấy có thể là động lực giúp bạn quyết tâm, nỗ lực để khẳng định bản thân.
Suốt quá trình học PhD, động lực khẳng định bản thân trong tôi rất lớn. Quá trình này khiến tôi phát hiện ra những điểm mạnh, những giá trị, mà trước đấy tôi không hề nghĩ rằng mình sở hữu. Nếu không sang Mỹ, có lẽ tôi sẽ không thể tìm ra những điểm này ở bản thân.
Chỉ có khi đi ra vùng an toàn, và tự tìm chỗ đứng của bản thân ở “vùng nguy hiểm”, ta mới biết nội lực thật sự của mình!
Cảm thông với người yếu thế trong xã hội
Ở Việt Nam, ít ai trong chúng ta để ý rằng, người dân tộc thiểu số, và những người khuyết tật hoặc có vấn đề về sức khoẻ thần kinh còn chịu nhiều kỳ thị. Trong bữa cơm gia đình, hay trong những câu chuyện phiếm bên cốc cà phê ngoài quán, ta vẫn nghe những lời nhận xét như, “Bọn dân tộc kém văn minh lắm, dốt lắm, ngu lắm, không biết gì đâu.” Ta chẳng bao giờ mảy may tự hỏi tại sao nhà tắm công cộng, chỗ đỗ xe, đường đi bộ…không có những vị trí ưu tiên cho người khuyết tật. Hoặc ta thấy bình thường khi một công ty ngang nhiên ghi rõ không tuyển người đến từ một địa phương nào đấy trong đất nước…
Ta không để ý là vì ở Việt Nam, phần lớn chúng ta thuộc tầng lớp đa số, có những đặc quyền đặc lợi nhất định ngay từ khi sinh ra. Vì thế, ta thường nhìn xã hội và cho rằng, xã hội không có vấn đề gì, vì bản thân ta không bị ảnh hưởng gì cả.
Nhưng khi sống ở nước ngoài, ta bất chợt trở thành người thiểu số. Lúc ấy, ta chợt hiểu và thông cảm hơn với những người thiểu số khác ở nơi ta đang sống và ở chính quê nhà.
Nhạy cảm hơn với cuộc sống
Khi sống ở nước ngoài, ta sẽ để ý đến những khác biệt ở nước ta đang sống và quê hương mình. Đó có thể là những khác biệt nhỏ bé hàng ngày, như thói quen ăn uống, cách hành xử giữa người với người, cách thiết kế bài trí nhà cửa, cách làm việc ở công sở, vân vân và vân vân. Đó cũng có thể là những khác biệt rất lớn về thể chế chính trị, kinh tế, văn hoá.
Ta sẽ quan sát những sự khác biệt ấy, và bắt đầu đặt câu hỏi: Vì sao lại có sự khác nhau ấy? Sự khác nhau ấy có ảnh hưởng gì đến cách ta nhìn thế giới xung quanh?
Chính vì sống ở các môi trường khác nhau nên ta bỗng trở nên nhạy cảm hơn với cuộc sống, và có được những quan sát tinh tế, thú vị. Đây là một trong những lý do vì sao nhiều blogger, nhà văn, nhà báo, người viết sách có tiếng thường có ít nhiều thời gian sống ở nước ngoài.
Sống thực tế và bớt ngây thơ
Tự lập ở nước ngoài buộc ta phải sống thực tế hơn. Tư tưởng “cứ lạc quan rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp”, hoặc “cứ ước mơ rồi sẽ đi đến đích”, vân vân, không còn có ích nữa. Thay vào đó, ta luôn phải sống rất thực tế. Ta phải hiểu cách hệ thống ở đây vận hành, và làm sao để “điều hướng” được hệ thống ấy.
Dù tôi hay chia sẻ những điều lạc quan về công việc nghiên cứu, nhưng tôi có cái nhìn rất thực tế về thị trường việc làm học thuật ở đây. Đam mê là một phần không thể thiếu khi làm nghiên cứu, nhưng đam mê mà không cho ra sản phẩm hữu hình thì cũng không có tương lai. Không có sản phẩm thì không thể chứng minh ta có năng lực. Ngay cả khi có sản phẩm hữu hình, cũng chẳng có gì đảm bảo ta sẽ có việc. Và đôi khi ta cũng phải thoả hiệp những bất lợi trước mắt vì ước mơ lâu dài.
Tóm lại, sống ở nước ngoài đã cho tôi nhiều cơ hội hiểu và phát triển bản thân hơn.
Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng phải đánh đổi nhiều thứ khi sống ở nước ngoài.
Những đánh đổi khi sống ở nước ngoài
Sống xa gia đình
Đây có lẽ là đánh đổi lớn nhất khi tôi lựa chọn sống ở nước ngoài. Mỗi khi gặp khó khăn tôi lại ước được về với mẹ, ăn cơm mẹ nấu. Có lúc tôi lại rất lo lắng cho người thân ở nhà, tôi ở xa thế này, liệu người thân ốm đau thì sao?
Công nghệ và mạng xã hội giúp những người như tôi có thể liên lạc với gia đình hàng ngày. Nhưng việc di chuyển vẫn mất rất nhiều thời gian.
Tôi đã lên kế hoạch để đưa mẹ sang sống cùng bọn tôi. Nhưng kế hoạch nào cũng cần thời gian để thực hiện (giờ lại thêm Covid), nên chắc phải 1-2 năm nữa cả nhà mới đoàn tụ được.
Không được cùng gia đình đón những dịp lễ tết cũng khiến tôi rất chạnh lòng.
Mất dần mối quan hệ ở Việt Nam
Sau một thời gian sống ở Mỹ, tôi nhận ra rằng, các mối quan hệ với bạn bè và đồng nghiệp cũ đã phai nhạt đi nhiều. Lý do một phần là vì tôi đã bỏ lỡ nhiều cột mốc quan trọng của bạn bè ở Việt Nam như kết hôn, sinh con, một phần là vì những mối quan tâm, tư tưởng và suy nghĩ của chúng tôi giờ đã quá khác nhau rồi.
Gần đây, tôi chột dạ nhận ra, mình liên tục phải xây dựng những mối quan hệ mới. Quan hệ bạn bè ở Việt Nam thì đang dần phai nhạt. Những mối quan hệ bạn bè thân thiết tôi có được khi học tiến sỹ…rồi cũng sẽ nhạt dần đi.
Đó là vì, sau khi tốt nghiệp, chúng tôi sẽ mỗi người một nơi. Tôi có một vài người bạn thân vừa tốt nghiệp tiến sỹ, có bạn đã chuyển đến Washington làm việc, có bạn lại đến hẳn một đất nước khác.
Luôn hoài nghi về danh tính của bản thân
“Tôi thật sự là ai?” là câu hỏi thường trực của rất nhiều người sống ở nước ngoài. Dù có quốc tịch Mỹ, ta cũng sẽ không thể hoàn toàn trở thành người Mỹ. Trong khi đó, về Việt Nam, có khi ta đã khác rất nhiều để là một người Việt Nam. Hoài nghi về danh tính có thể giúp ta trở nên sâu sắc, nhạy cảm hơn về bản thân, nhưng có ai hoàn toàn thoả mãn khi câu hỏi mình đặt ra không có câu trả lời.
Tôi sắp làm mẹ, và tôi cũng bắt đầu suy nghĩ về danh tính của Pumpkin. Tôi sẽ cho Pumpkin tự lựa chọn mơ ước, nghề nghiệp, sở thích. Một mặt, tôi hi vọng có thể giáo dục Pumpkin trở thành một cô gái có tâm hồn cởi mở với những nền văn hoá, con người, và chủng tộc khác nhau. Mặt khác, tôi lại muốn Pumpkin thật sự yêu và hiểu văn hoá Việt Nam. (Thật ra hai mong ước này không cần phải đối đầu nhau nhỉ? 😂) . Tôi nghĩ tôi sẽ phải cố gắng dạy Pumpkin nói tiếng Việt, và hiểu văn hoá Việt Nam.
Chịu ít nhiều kỳ thị trong xã hội
Như tôi đã viết ở trên, khi sống ở nước ngoài, ta sẽ trở thành người thiểu số. Ngay cả ở một nước cởi mở với người nhập cư như Mỹ, bạn sẽ vẫn bị kỳ thị ít nhiều.
Có những người không ngại thể hiện sự kỳ thị ra mặt bằng cách nói thẳng, “Hãy về nước đi”, “Đúng là một đứa châu Á”. Có những sự kỳ thị tinh tế hơn, mà ngay cả người nói cũng không biết rằng mình đang kỳ thị. Tôi khá nhạy cảm với những “lời khen” kiểu như, “Tiếng Anh của bạn tốt thật đấy”, hoặc “Người châu Á giỏi toán, chăm chỉ, thành đạt, etc”. Đây là những “kỳ thị tích cực” tạo áp lực lớn lên nhóm người đó. Nó khiến ta không được phép phạm sai lầm (như một người bình thường), bởi một sai lầm có thể thay đổi đánh giá của người bản xứ đối với cả một cộng đồng người thiểu số.
Khi sống ở nước ngoài, không ít người có cảm giác mình chỉ là “công dân hạng hai”. Có giáo dục tốt, thành công trong sự nghiệp, có vị trí trong xã hội, sẽ giúp ta loại bỏ cảm giác này, và cũng khiến người bản địa có cái nhìn khác về “thân thế” của ta. Nhưng không phải người nhập cư nào cũng may mắn có được sự giáo dục và công việc “hạng một”. Họ là những người phải chịu nhiều kỳ thị và trắc trở nhất khi sống ở nước ngoài.
Trên đây là những quan sát của tôi về những “được” và “mất” khi sống ở nước ngoài. Chắc chắn, càng sống lâu ở nước ngoài, danh sách “được”, và “mất” của tôi sẽ ngày càng dài ra. Có lẽ, một ngày nào đó tôi sẽ cập nhật bài viết này với những quan sát, góc nhìn mới.
Lựa chọn sống ở nước ngoài phụ thuộc hoàn toàn vào mỗi cá nhân. Sống ở nước ngoài không hoàn toàn màu hồng, cũng không chỉ có những màu tối. Quyết định nào trong cuộc sống cũng sẽ có hai mặt. Tính cách, giá trị sống mà bản thân theo đuổi, và những cân nhắc về những điểm sáng và tối, sẽ giúp một cá nhân đưa ra quyết định có nên sống và lập nghiệp ở nước ngoài hay không.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn một tuần mới vui!
(Hôm nay là ngày 4 tháng 7, ngày Quốc khánh Mỹ. Vợ chồng tôi tổ chức mừng ngày lễ bằng nem và phở Việt Nam. Mời bạn thưởng thức đồ ăn với chúng tôi nhé 😋)
Trương Thanh Mai
Nếu bạn thấy các bài viết trên blog hữu ích, hãy subscribe email để nhận thông tin về bài viết mới hàng tuần
One thought on “Sống và lập nghiệp ở nước ngoài: Những điểm được và mất”