Tư duy về sinh con trai hay con gái

Ảnh của Gabby Orcutt trên Unsplash

Ông bà ngoại tôi sinh được bốn người con,  trong đó có ba con trai và một con gái. Mẹ tôi là con gái duy nhất trong gia đình. 

Mẹ kể, mẹ lớn lên không thiếu thốn về vật chất (ông tôi từng là bác sỹ trong quân đội thời vẫn còn chiến tranh và về sau làm việc cho một bệnh viện gần nhà, còn bà tôi là đầu bếp ở cùng bệnh viện đó), nhưng vì mẹ là con gái nên không được ông bà yêu thương. Mẹ bảo, khi sinh ra mẹ là con gái, bà rất buồn và thất vọng dù trước đó đã có con trai rồi. Bà còn nói thẳng, “Sinh ra một đứa con gái thật là vô phúc”. 

Mẹ lớn lên trong tiếng chửi rủa và chì chiết của bà, trong khi các bác, các cậu tôi luôn được yêu thương, chiều chuộng, và được dành những đồ ăn ngon nhất. Có lần mẹ đã từng tự tử vì những lời chì chiết cay nghiệt của bà.

Ngày bố mẹ lấy nhau, ông bà cũng không cho một món quà gì giá trị mừng cưới. Tôi và em gái cũng không được ông bà yêu thương và quan tâm như những chị em họ của mình. Ngày nhỏ, tôi luôn khao khát có một gia đình “thật to”, trong đó họ hàng thân thiết yêu thương nhau. 

Tuy mẹ tôi lớn lên trong môi trường như vậy, nhưng mẹ không hề bị ảnh hưởng bởi ông bà. Mẹ rất yêu thương chị em tôi, và luôn dành cho chúng tôi những gì tốt nhất từ đồ ăn, cơ hội học tập, và sự tự do theo đuổi cuộc sống chúng tôi muốn. Tôi luôn biết ơn mẹ về điều đó! 

Tôi tin rằng, thời đại ngày nay đã thay đổi nhiều so với thời mẹ tôi ra đời, cách đây 60 năm. Nhưng việc trọng nam khinh nữ, áp lực phải sinh con trai vẫn còn nặng nề ở nhiều vùng miền, ngay cả trong nhiều gia đình ở các thành phố lớn như Hà Nội. 

Một đồng nghiệp cũ của tôi có con đang học trường quốc tế. Chị kể, trong một buổi họp phụ huynh, một phụ nữ khác hỏi chị sao chị phải đầu tư nhiều thế vào con gái, con gái chỉ nên học trường….bình thường thôi chứ. Tôi vô cùng sốc khi nghe chị kể. Nếu chuyện đấy xảy ra ở một vùng quê thì có thể hiểu được, nhưng đây lại xảy ra ở thủ đô trong một gia đình khá giả. 

Mấy hôm trước, tôi tình cờ đọc được tâm sự của những phụ nữ chỉ có con gái. Có nhiều bạn đã có hai con rồi (hai con gái), nhưng luôn bị áp lực trước những câu hỏi vô duyên của gia đình và bạn bè (trong đó rất nhiều người đi hỏi là phụ nữ) như, “Hai con gái thì phải đẻ thêm chứ nhỉ?”, “Bao giờ thì có con trai đây”, vân vân và vân vân. Có phụ nữ lại bị chồng ghẻ lạnh vì chỉ sinh được con gái, hoặc luôn sống trong nỗi sợ hãi chồng sẽ đi tìm một người phụ nữ khác để có con trai. 

Thế là, có phụ nữ chấp nhận cố sinh con trai dù bản thân không muốn vì nhiều lý do. Mấy hôm trước, mẹ tôi kể một người phụ nữ- con gái của bạn mẹ- vào bệnh viện để chọn phôi sinh con trai, dù kinh tế gia đình eo hẹp, hai con gái đang ở độ tuổi ăn học rất tốn kém. 

Bản thân tôi khi nghe và đọc những tin về vấn đề trọng nam khinh nữ, áp lực sinh con trai, tôi thấy người phụ nữ tội nghiệp quá. Thời đại này mà nhiều phụ nữ vẫn bị coi như máy đẻ vậy…

Ngày tôi báo tin đang mang thai con gái, tôi cũng nhận được những lời “động viên” thể hiện sự kỳ thị con gái, dù tôi biết những người ấy không có ý đó. Những lời động viên như, “Có con gái đầu lòng là nhất rồi”, “Đẻ con gái bây giờ thích hơn con trai nhiều”, hay “Con trai hay con gái không quan trọng” cho thấy vẫn tồn tại một sự kỳ thị vô thức trong tâm trí của người đó. 

Khi ta phải đưa ra lý do và bao biện cho việc sinh con này tốt hơn con kia, thì có nghĩa là sự kỳ thị vẫn còn tồn tại. Sự kỳ thị chỉ mất đi khi trong sâu thẳm, ta còn chẳng may suy nghĩ dù thoáng qua đến chuyện đó. Khi tôi báo tôi mình đang mang thai Pumpkin cho bạn bè và gia đình ở Mỹ, không một ai đưa ra những lời nhận xét như thế. Họ luôn nói, “Chúc mừng Mai. Em bé sẽ là một cô bé tuyệt vời”, “Em bé thật may mắn vì có người bố và người mẹ tuyệt vời như các bạn”, hoặc “Tôi rất vui cho các bạn và rất mong được gặp em bé”. 

Nhiều người bảo, để thay đổi chuyện trọng nam khinh nữ, hay áp lực sinh con trai, ta phải thay đổi nhận thức của nam giới. Điều này tất nhiên đúng. 

Nhưng tôi nghĩ rằng, trước hết chính người phụ nữ phải thay đổi tư duy và suy nghĩ của bản thân. Suy nghĩ rằng nếu không có con trai nghĩa là bản thân mình thua kém, không hoàn hảo (dù biết rõ rằng việc sinh con trai hay con gái không phải do phụ nữ) cần phải bị loại bỏ. Lại nữa, nếu phải cố sinh con trai dù hoàn cảnh chưa cho phép hoặc bản thân không muốn vì sợ chồng hết yêu thương thì cần phải xem xét lại…người chồng đó. Có vẻ họ không yêu mình nhiều đến thế. Có người đã từng hỏi tôi, “Nếu sinh đứa thứ hai mà vẫn là con gái, Mai sẽ nghĩ thế nào? Mai thấy sao về việc có hai con gái”. Tôi trả lời rằng, tự bản thân người phụ nữ phải không thấy đó là vấn đề đã, nếu ta thật lòng không suy nghĩ rằng mình thiếu sót hoặc chỉ có con gái là “sai” thì chẳng ai tác động được đến tâm trí ta, chẳng câu hỏi vô duyên hay sự áp lực nào khiến ta lăn tăn. Còn nếu ta đã tự hỏi hay thấy ghen tị khi nhà khác có cả trai lẫn gái, thì nghĩa là trong lòng ta đã không hài lòng với con gái, dù ta luôn bảo, “Úi giời, con trai hay con gái có quan trọng đâu”. Một khi tâm ta đã lăn tăn (dù miệng ta luôn bảo không hề), thì ta sẽ không thể chống lại được những người vô duyên ngoài kia. 

Phụ nữ cũng cần phải rộng lượng hơn với những phụ nữ khác. Những câu hỏi như “Sinh toàn vịt giời nhỉ?”, “Thế bao giờ làm thằng ku”, “Sao không đẻ nữa đi”, đôi khi lại đến từ chính những người phụ nữ khác, chứ không phải từ đàn ông. Đừng cảm thấy mình “sướng” hơn một phụ nữ khác, vì mình có cả trai lẫn gái còn người kia chỉ có con gái.

Đừng đợi đến khi đàn ông thay đổi, tự phụ nữ phải thay đổi tư duy, và sẵn sàng giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau trước đã.

Cảm ơn bạn đã ghé đọc! Chúc bạn một tuần mới vui 🙂

Trương Thanh Mai

Nếu bạn thấy các bài viết trên blog hữu ích, hãy subscribe email để nhận thông tin về bài viết mới hàng tuần

THEO DÕI BLOG QUA EMAIL

Join 1,959 other subscribers

6 thoughts on “Tư duy về sinh con trai hay con gái

  1. Chị viết hay lắm ạ. Em từng thấy nhiều ông bố bà mẹ phân biệt đối xử trong chính tình thương của mình dành cho những đứa con ruột thịt. Lại cũng có nhiều người ích kỷ vì muốn nâng mình lên mà lại hạ người khác xuống bằng sự kỳ thị. Tội nhất là mấy bạn nhỏ, sau này có khi sẽ để lại sự ám ảnh và tự thấy ghét bản thân mình, hoặc là bị ảnh thưởng từ cha mẹ mà vô thức tiếp tục cái “truyền thống” kỳ thị nam nữ ấy.

    1. Cảm ơn em đã ghé đọc! Chị cũng đọc được nghiên cứu chỉ ra rằng một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi gia đình, và dễ dàng lựa chọn hành động như bố mẹ, dù nó phản đối hành động của bố mẹ. Ví dụ, nếu một đứa trẻ sống trong một gia đình bố mẹ bạo lực với nhau (hoặc bố mẹ ly hôn) thì sau này lớn lên nó có thể bạo lực với vợ/chồng, hoặc cũng sẽ dễ lựa chọn ly hôn như bố mẹ khi gặp vấn đề trong cuộc sống gia đình. Lý do có thể là do nó thấy thế là bình thường hoặc không biết đến lựa chọn khác tốt hơn.

    2. Mai ơi, nếu đọc được cmt này xin kết bạn zalo mình 0968871663 , mình muốn xin lời khuyên từ Mai về giới tính

  2. Bài viết thấm thía lắm chị ạ. Em cũng lớn lên trong gia đình truyền thống có 3 đứa con gái nên những gì chị đề cập hầu như em đã từng chứng kiến. Tuy ngày nay việc phân biệt không còn rõ ràng như xưa nhưng đâu đó vẫn còn trong tiềm thức như chị nói. hy vọng thế hệ sau này tư duy trai gái sẽ thay đổi cả trong tiềm thức chị ạ.

    1. Cảm ơn em đã ghé đọc! Chị nghĩ thay đổi được tư duy trong tiềm thức sẽ mất rất nhiều thời gian, nhưng mình vẫn phải giữ hi vọng em nhỉ 🙂

  3. Chị ơi em thích bài viết này của chị lắm ạ. Nó giống y hệt những gì em cảm nhận và trải qua.

    Nhà em có hai chị em gái. Bố em chưa bao giờ để em phải thấy sự khác biệt trong việc có con trai hay có con gái dù chỉ 1 lần, còn mẹ thì thi thoảng hay gọi hai chị em là “vịt giời” (em nghĩ mẹ vẫn mong có một thằng cu haha). Nên từ nhỏ em đã luôn tự hỏi tại sao con gái lại bị gọi là vịt giời mà con trai thì lại không bị ví với con gì cả 😀

    Rồi khi em lớn lên, điều khiến em thấy bất hợp lý nhất là cùng sinh 1 năm nhưng tùy theo giới tính thì số phận cuộc đời lại được ông cha ta “dự đoán thật khác biệt”. Em sinh năm Đinh Sửu: “Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài / Gái Đinh, Nhâm, Quý thì hai lần đò”. Tại sao con trai chữ Đinh thì tài, chữ Sửu thì giỏi giang, còn con gái thì lại bị nói là tuổi này vất vả.

    Khi chị gái em sinh đôi hai bé gái, chị gái em cũng nhận được rất nhiều lời “động viên” giống hệt chị. Và thú thực là em thấy xấu hổ khi bản thân em đã có lúc vô thức nghĩ rằng nếu có điều kiện thì chị em cũng có thể sinh thêm bé nữa là con trai thì thật tốt, vì em mong chị em sẽ nhận được sự “coi trọng” từ gia đình chồng và họ hàng.

    Xóa bỏ hoàn toàn những điều đã hình thành qua thời gian trong nhận thức đúng là khó, nhưng em hi vọng vào sự chủ động thay đổi tư duy của bản thân và giúp đỡ những người xung quanh cùng thay đổi.

Leave a Reply