
Con đường làm PhD của tôi đã gần đến hồi kết. Tháng 8 này, tôi sẽ bắt đầu bước vào năm thứ 5, và hi vọng có thể tốt nghiệp cuối mùa xuân, đầu mùa hè năm sau. Bốn năm trước trước khi sang Mỹ làm PhD, ai cũng lắc đầu hỏi sao tôi lựa chọn con đường này, năm năm dài đằng đẵng, lao vào sách vở học hành làm gì.
Ngày ấy, tôi rất quyết tâm theo đuổi con đường PhD. Cảm giác không vui với công việc đang làm vì thấy nó không có ý nghĩa cho bản thân, và khát khao được học làm nghiên cứu nghiêm túc là động lực khiến tôi sang Mỹ.
Thật lòng, bốn năm qua là bốn năm tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa và hạnh phúc nhất. Tôi được theo đuổi sự tò mò trí thức mà môi trường cũ không cho phép. Tôi được tiếp cận với những kiến thức, tri thức của nhân loại qua việc đọc và học hàng ngày. Thật sự, bốn năm được đào tạo nghiêm túc, bài bản, và gian khổ đã thay đổi cách tôi tư duy, suy nghĩ, và nhìn nhận thế giới xung quanh rất nhiều.
Và hơn tất cả, tôi nhận ra bản thân thật sự yêu thích việc làm nghiên cứu trong một môi trường tự do, văn minh, và chuyên nghiệp. Bốn năm qua không phải lúc nào đời cũng tươi đẹp: cường độ công việc lúc nào cũng căng thẳng, bận rộn; thường xuyên đối mặt với những lời phê bình, từ chối từ tạp chí; mức lương nghiên cứu sinh thì bèo bọt..
Nhưng đối với riêng bản thân tôi, những sự đánh đổi đó hoàn toàn xứng đáng vì lượng tri thức, kiến thức tôi nhận được, và sự thay đổi tư duy trong tôi quá lớn. PhD đối với tôi là bước đệm để có được một công việc mình ao ước từ lâu.
Đến chặng cuối của con đường PhD, tôi nghĩ rất nhiều về công việc trong tương lai, và con đường sự nghiệp mình muốn theo đuổi.
Gần đây, tôi tham gia rất nhiều buổi hướng nghiệp cho sinh viên. Tôi cũng xin lời khuyên từ những người bạn đi trước và từ các giáo sư.
Có ba lời khuyên mà tôi muốn chia sẻ với bạn.
Thứ nhất, rất nhiều người khuyên tôi hãy nộp hồ sơ một cách thật…rộng, nghĩa là nộp cho cả thị trường học thuật và ngoài học thuật. Thị trường học thuật quá cạnh tranh nên không nên bỏ hết trứng vào một giỏ.
Có nhiều bạn bè trên tôi một khoá đã rất thành công khi áp dụng lời khuyên này. Một người bạn khá thân của tôi vừa được nhận vào vị trí data scientist cho một tổ chức rất lớn ở Washington. Một bạn khác thì được nhận vào làm cho chính phủ liên bang Mỹ, trong vai trò data scientist cho những khảo sát lớn ở Mỹ.
Lời khuyên này, tôi nghĩ, phù hợp cho những bạn không quá quan trọng nơi làm và lĩnh vực làm việc. Quả thật cả hai bạn đều chẳng buồn chút nào khi không tìm được việc ở lĩnh vực học thuật.
Thứ hai, nhiều người khuyên tôi, nếu muốn làm ở các trường Đại học ở Mỹ thì nên nộp hồ sơ cho cả các trường chuyên vào dạy học, và cả các trường nghiên cứu. Bạn bè tôi cũng nhiều người thành công theo hướng đi này. Nhiều người tuy không tìm được vị trí ở các trường nghiên cứu, nhưng lại rất hài lòng khi làm việc ở các Liberal Art Colleges
Thứ ba, nếu bạn muốn theo con đường học thuật và chỉ thích làm ở các trường nặng nghiên cứu (research intensive), thì nên xin việc ở thị trường quốc tế, nghĩa là không chỉ ở các trường ĐH ở Mỹ mà cả ở các nước châu Âu, châu Á, châu Úc, Canada. Gần đây, tôi thấy rất nhiều quảng cáo việc ở các trường Đại học ngoài nước Mỹ hướng trực tiếp đến sinh viên có bằng PhD tại Mỹ. Bạn bè tôi cũng rất nhiều người thành công theo hướng này. Có người xin được việc ở Hà Lan, Na Uy, Úc, Canada, vân vân.
Theo con đường này, có thể bạn phải mất môt, hai năm làm postdoc để có thêm bài báo nghiên cứu trước khi xin được một công việc tại một trường Đại học (cụ thể là giáo sư Đại học tại một trường nghiên cứu).
Giáo sư hướng dẫn tôi luôn khuyến khích tôi đi theo lời khuyên thứ 3.
Thật lòng, sau 4 năm học PhD, tôi thật sự chỉ muốn đi theo con đường nghiên cứu. Nhiều khi tôi nghĩ, nếu không làm nghiên cứu tôi cũng chẳng biết phải làm gì nữa!
Tôi có rất nhiều ý tưởng nghiên cứu và rất nhiều số liệu (tự thu thập). Tôi thật sự mong muốn có cơ hội viết và xuất bản những ý tưởng ấy. Không hiểu sao tôi thấy rất yêu các số liệu của mình (haha!). Nghĩ về các ý tưởng và phân tích số liệu khiến tôi thấy rất “phiêu”!
Tất nhiên làm nghiên cứu không nhất thiết phải làm ở các trường Đại học, tôi có thể tìm các vị trí ở các viện nghiên cứu (think tank), vân vân. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn không cảm thấy bị hấp dẫn.
Nhiều khi tôi tự nhận thấy mình đang tự thu hẹp lựa chọn cho bản thân. Có thể nếu chẳng tìm được việc ở đâu thì tôi cũng phải tự thả lỏng bản thân một chút.
Nhưng có lẽ tôi sẽ rất buồn. Ngay từ khi bắt đầu học PhD, tôi đã tự đặt ra mục tiêu và ước mơ cho mình. Mấy năm qua, tôi đã làm việc không ngừng nghỉ để theo đuổi ước mơ ấy. Làm việc vất vả không khiến tôi chùn bước bởi tôi luôn nghĩ đến một ngày ước mơ sẽ thành hiện thực. Mỗi bước đi nhỏ trong bốn năm qua giúp tôi chạm tay gần hơn đến mục tiêu.
Nhưng mấy ngày nay, tôi bỗng nhiên nhận thấy ước mơ còn xa vời quá. Tôi tự hỏi liệu có bao giờ mình đạt được ước mơ không? Liệu nếu không đạt được, tôi sẽ cảm thấy thế nào?
Mỗi lần nghĩ thế, tôi lại thúc mình viết hồ sơ xin việc sao cho thật hoàn chỉnh, sửa thật kỹ bài báo đang chuẩn bị gửi cho tạp chí, sửa khảo sát đến khi mình cảm thấy hài lòng nhất, và duy trì một tâm trạng lạc quan vui vẻ.
Tôi luôn tin rằng, con đường này quá nhiều trắc trở và tôi chỉ có thể làm tốt nhất những gì mình có thể kiểm soát thôi!
Cảm ơn bạn đã ghé đọc! Chúc bạn tuần mới thật vui 🙂
Trương Thanh Mai
Nếu bạn thấy các bài viết trên blog hữu ích, hãy subscribe email để nhận thông tin về bài viết mới hàng tuần
Cảm ơn chị Mai vì đã chia sẻ bài viết này. Từ khi biết đến blog của chị, em cũng vững tin hơn với con đường học PhD và nghiên cứu, xây dựng kế hoạch từng bước một vì hiện tại em mới là cử nhân thôi =).
Nhưng những lúc chán nản với những gì đang làm, bài viết của chị đã cho em động lực rất lớn. Em cũng thấy rất vui trước những thành công của chị từ việc chị chia sẻ qua kỳ thi vượt rào hay xuất bản bài báo đầu tiên. Hi vọng rằng con đường phía trước của chị sẽ thật thành công và sang năm chị có thể tìm được công việc như ý.
Cảm ơn em vì đã ghé thăm blog nhé! Chúc em thành công với kế hoạch PhD và nghiên cứu của mình 🙂