Đen và trắng

image

Vào một ngày tháng 4 gió lạnh hơn một năm trước, tôi đến thăm bảo tàng The Beatles (The Beatles Story) tại thành phố Liverpool. Quả không quá lời khi nói rằng, nếu thiếu đi The Beatles Story, Liverpool sẽ mất đi một nửa vẻ hấp dẫn và sôi động của nó. Ngày tôi đến thăm bảo tàng cũng trùng với ngày một đoàn các em học sinh mà tôi đoán là từ Pháp (tôi thấy chúng nói chuyện với nhau bằng tiếng pháp) đến đây tìm hiểu về The Fab Four. Có vẻ đây là một buổi học ngoại khoá âm nhạc của các em. Điều khiến tôi ngạc nhiên là khi chứng kiến các em học sinh mắt tròn, mắt dẹt thể hiện sự sửng sốt khi xem đoạn video về cái gọi là Beatlemania -chứng cuồng The Beatles. Trong thập niên 60, Tiếng Anh đã chứng kiến sự xuất hiện của một từ mới “Beatlesmania”, từ để chỉ sự điên cuồng mà một lượng fan khổng lồ đã dành cho 4 chàng trai của The Beatles. Video quay cảnh một loạt các cô gái xinh đẹp trẻ trung đang cuồng nhiệt gọi tên 4 chàng trai The Beatles và khóc ngất  khi gặp họ ở sân bay. Tôi xin nhấn mạnh, với từ “khóc ngất” tôi hoàn toàn dùng theo nghĩa đen bởi sau khi bị ngất, các cô được một toán các anh cảnh sát đưa đi. Khi xem những cảnh này, tâm trí tôi không khỏi tự hỏi ai trong số những cô gái này (mà bây giờ tôi phải gọi là bà mới đúng) đã điên rồ đến mức nghĩ rằng nếu con cái của họ bị ốm, chỉ cần được một trong số 4 chàng trai này chạm vào là có thể khoẻ như văm luôn (trong thời hoàng kim của The Beatles, tồn tại rất nhiều “thuyết” như thế này từ các crazy fan). Một lần lang thang các trang forum, tôi bắt gặp tâm sự của một bác trai than phiền rằng, thời trai trẻ vì trót “nói xấu” John Lennon với một cô gái bác đang tán tỉnh, mà bác bị ghét từ đó. Vì dại mồm dại miệng mà bị ném trả lại trái tim. Thập niên 60 đã qua lâu rồi, mà bây giờ khi đọc những nhận xét về the Beatles, nhất là John Lennon, tôi vẫn thấy hai phe đối lập. Phe yêu thích John Lennon coi ông như một vị thánh, không tì vết, một người đã dành cả đời cho âm nhạc, và qua âm nhạc đấu tranh cho hòa bình thế giới. Chiến dịch “War is over” do John Lennon và Yoko Ono thực hiện năm 1969 đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm chú ý của giới báo chí cũng như của công chúng. Đối với họ ông còn là một người cha tuyệt vời khi quyết định tạm xa sân khấu âm nhạc 5 năm trời để dành thời gian cho gia đình, và cậu con trai Sean Lennon với người vợ thứ 2. Phía ghét bỏ coi ông như một kẻ bất trị, ích kỷ, tham lam và độc ác, kẻ đã bỏ rơi vợ và người con trai thứ nhất, kẻ nghiện drug, etc. Quả thật tôi thấy khó tìm được một cuốn sách viết về John Lẹnnon một cách khách quan, ngoại trừ cuốn John Lennon- The Life của Philip Norman. Có vẻ như chấp nhận rằng một nghệ sĩ có cả mặt xấu lẫn mặt tốt là điều quá xa vời với nhiều người yêu nhạc.

Tôi có một anh bạn người Mỹ. Anh chia sẻ với tôi rằng những câu chuyện về nước Nhật xa xôi do bà nội ảnh kể hồi nhỏ đã nhen nhóm trong anh tình yêu với xứ sở hoa anh đào từ khi nào không hay. Tình yêu ấy đủ lớn để anh quyết định bỏ lại một London tráng lệ (tuy là người Mỹ nhưng anh hưởng nền giáo dục ở Anh) đến dạy tiếng Anh cho học sinh cấp 2 ở Tokyo. Vốn ưa nhìn, điềm đạm dễ chịu lại hài hước, anh chẳng tốn nhiều công sức và thời gian để chiếm được cảm tình của lũ học sinh. Nhưng mọi chuyện đột ngột thay đổi sau một chuyến đi học ngoại khóa của lũ trẻ. Thay vì ánh mắt tôn trọng, yêu thương, chúng nhìn anh đầy nghi ngờ, và “căm thù”. Các em đã có một chuyến thăm đến bảo tàng chiến tranh nơi có trưng bày thảm hoạ của vụ đánh bom nguyên tử mà Mỹ đã thực hiện tại 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki, khiến Nhật đầu hàng quân đồng minh, chấm dứt chiến tranh thế giới thứ 2. Điểm mấu chốt ở đây là bảo tàng chỉ trưng bày những ký ức đau buồn của vụ đánh bom, mà không hề nhắc gì đến những gì nước Nhật đã làm trong chiến tranh thứ 2. Sự điềm tĩnh thường thấy của anh biến mất, anh buồn bã nhìn lũ trẻ và hỏi “Vậy các em có biết nước Nhật đã làm gì trong thế chiến thứ 2 không?”. (Trong chiến tranh thế giới thứ 2, khi ta nhìn nước Nhật như một đế quốc tàn bạo thì người Nhật được dạy rằng họ là những ng cứu rỗi Đông Nam Á thoát khỏi ách thực dân phương Tây. Tất nhiên là tôi không bao giờ ủng hộ việc ném bom nguyên tử, hay bất cứ hành động bạo lực nào gây ảnh hưởng đến dân thường dù có viện bất cứ lý do gì đi nữa. Chả hiểu sao tôi luôn tin là mọi chuyện có thể giải quyết bằng hoà bình. Tuy nhiên có vẻ như mọi cuộc chiến từ thuở hồng hoang của loài người đến bây giờ đã là minh chứng hùng hồn nhất cho thấy tôi có một niềm tin rất ngây thơ). Hồi ở Anh, tôi rất thích chơi với các bạn Nhật bởi đa phàn các bạn đều rất nhẹ nhàng, điểm đạm, lịch sự và hiểu biết. Một lần tôi hỏi một bạn Nhật: “Này hỏi thật, người Nhật hiện đại nghĩ gì về những gì nước Nhật đã làm hồi thế chiến thứ 2” (tất nhiên là chỉ thỉnh thoảng lắm chúng tôi mới nói chuyện nghiêm túc như vậy hehe). Bạn đã lảng tránh câu hỏi của tôi bằng một câu trả lời không mấy liên quan “Bọn tao nghĩ ông cha đã làm tất cả vì đất nước rồi”. Tôi biết đối với bạn việc chấp nhận sự thật rất khó khăn nên tôi cũng không cố hỏi bạn thêm làm gì. Về sau, một người bạn Hàn Quốc của tôi đã kể với tôi rằng, một anh bạn Nhật khác còn muốn thay mặt nước Nhật để xin lỗi Hàn Quốc vì những gì mà cha ông của anh đã gây ra cho dân Hàn Quốc thời thế chiến thứ 2. (Hàn Quốc có mối thâm thù với Nhật Bản, một cô bạn Hàn Quốc của tôi kể rằng nhiều phụ nữ Hàn Quốc, những người đã từng bị bắt làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong chiến tranh thứ 2 còn không hề tỏ lòng thương tiếc dân Nhật khi trận động đất và sóng thần kinh hoàng xảy ra năm 2011 vì cho rằng đó là quả báo cho những gì người Nhật đã làm trước đây). Tôi phục anh! Chấp nhận rằng mọi thứ không chỉ hoặc trắng hoặc đen, mà trong trắng có dấu hiệu của đen, trong đen có trắng đã khó, nói lời xin lỗi còn khó gấp bội. Đợt kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, các chính trị gia thế giới kêu gọi thủ tướng đương nhiệm Shinzō Abe của Nhật nói lời xin lỗi vì những gì cha ông đã gây ra. Tôi hỏi anh bạn người Mỹ: “Anh có nghĩ người Nhật hiện đại cần phải xin lỗi cho những gì cha ông họ đã làm không?”. “Xin lỗi thì có thể chưa biết, nhưng chấp nhận rằng đấy là sự thật đã là một bước đi dài rồi”. Tôi cũng đồng ý như vậy!

Tôi nhớ mãi một hội thảo của Robert Chambers, một giáo sư mà tôi vô cùng yêu quý, dù đã 80 tuổi, nhưng lòng vẫn đầy nhiệt huyết, vẫn ngày ngày đạp xe đến trường và viết sách. Trong hội thảo đó, Giáo sư đứng dạy, cầm một bản đồ thế giới, cả hội chúng tôi đồng thanh nói: “Ngược rồi, thầy ơi!”. Giáo sư chỉ nhẹ nhàng đáp lại: “Ngược với các em, nhưng từ vị trí của tôi nó không hề ngược đâu!”. Bài học nhẹ nhàng của giáo sư đã cho chúng tôi biết rằng mọi sự đều có tính hai mặt, rằng khi một cái gì đó tự khẳng định nó là tốt nhất, đẹp nhất thì chúng ta cần hoài nghi, và ngược lại.

Nhà văn nổi tiếng Samuel Bulter, thời Victoria của Anh quốc, đã nói một câu mà tôi thấy vô cùng tâm đắc trong cuốn tiểu thuyết “Xác thịt về đâu” : “Không có một tính hữu dụng nào lại không có lẫn chút thói xấu, và hiếm có thói xấu nào lại không có được chút ít tử tế trong đó. Đức hạnh và thói xấu giống như sự sống và sự chết, hay tinh thần và vật chất, những thứ không thể tồn tại nếu không có cái đối lập với chúng”.

Anh bạn người Mỹ của tôi vì “biến động” trên mà về sau lại quyết định quay về London để học ngành Quan hệ Quốc tế, tập trung chủ yếu và khu vực Đông Á. Tôi, sau nhiều lần từ chối đọc và tin những “ý kiến trái chiều” về John Lennon đã dần dần hiểu rằng, ông là một nghệ sĩ phức tạp, một người có tuổi thơ gập ghềnh, cô đơn, chính điều này đã hình thành trong ông một cá tính khác lạ, mâu thuẫn, và có phần bạo lực. Tuy nhiên càng về sau, ông càng nhận thấy bạo lực không phải là chìa khóa cho bất cứ vấn đề, nên ông lại tìm kiếm hòa bình trong chính con người mình. “Xác thịt về đâu” là một tác phẩm rất hay của Samuel Bulter. Không như tên gọi của nó, tác phẩm không tập trung kể về “xác thịt” theo nghĩa đen nhánh của nó đâu. Haha. Tiểu thuyết kể về một chàng trai cả đời sống theo sự sắp đặt của người cha khắc nghiệt, để rồi trải quá bao biến cố mà cuộc đời sắp sẵn này mang đến cho anh, anh mới trở thành con người độc lập, sống cuộc đời của chính mình.

2 thoughts on “Đen và trắng

  1. Xin phép nhàn đàm một chút vì lâu lắm mới đọc được bài viết liên quan đến John hay đến như vậy. Bài viết trau chuốt về từ ngữ hành văn rất tự nhiên, như một cô gái kín đáo, nhẹ nhường nhưng duyên dáng và quyến rũ. Bài này tôi đọc hôm qua đến (5 lần) từ cách gợi mở vấn đề đến cách đưa ra thông tin sau cùng là những luận điểm minh triết của một người viết am tường thấu đáo về John. Bài này càng đọc càng hay cho người đọc nghiền ngẫm, gout thẩm mĩ của bạn sâu sắc quá lâu rồi mới thấy được như vậy!
    Cuối tháng năm đang nghe lại bài này trên Youtube xin gửi tặng tác giả https://www.youtube.com/watch?v=0LzNNgctnbs. Hy vọng tác giả có thêm nhiều bài viết như thế này nữa dẫu biết rằng…..

Leave a Reply