Cần chuẩn bị kỹ năng gì trước khi đi du học thạc sỹ (hoặc tiến sỹ)?

32F5C839-E611-41AF-ABB9-81E4D60AB130

Đây là câu hỏi tôi thường xuyên nhận được từ bạn đọc blog, đặc biệt là những bạn trẻ chuẩn bị sang các nước Âu Mỹ học thạc sỹ, tiến sỹ. Gần đây, tôi cũng có cơ hội làm việc với một vài bạn trẻ đang nộp hồ sơ đi du học, và cũng để ý thấy một số điểm yếu và điểm mạnh ở các bạn. Tuần này, tôi xin chia sẻ với bạn đọc blog một số kỹ năng, mà theo tôi, các bạn trẻ cần chuẩn bị trước khi đi du học.

Học viết thật nghiêm túc

 Kỹ năng viết thật sự, thật sự rất quan trọng đối với các du học sinh, cả ở bậc thạc sỹ và tiến sỹ. Nếu bạn theo học ngành khoa học xã hội thì kỹ năng viết lại càng quan trọng. Dù ý tưởng của bạn có hay đến mấy, nhưng nếu bạn thiếu kỹ năng thể hiện qua con chữ, thì bạn không thể truyền đạt được ý tưởng của mình đến người khác. Tôi nhận thấy, nhiều bạn trẻ Việt Nam gặp vấn đề về tư duy viết (kể cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh). Nhiều bạn viết rối rắm, khó hiểu, ý tứ không rõ ràng, cấu trúc bài viết lộn xộn thiếu tính logic. Nhiều khi đọc xong toàn bộ bài viết gần 1000 chữ của các bạn, tôi vẫn không hiểu rõ bạn đang muốn truyền đạt điều gì. Nhiều bạn “cãi” rằng vì viết tiếng Anh nên bạn mới viết kém vậy. Nhưng không phải, tôi chỉ cần đọc qua là biết đó là lỗi về tư duy viết hay là lỗi về ngôn ngữ. Bạn mắc lỗi tư duy viết khi (1) bài viết không trôi chảy, các câu, các đoạn không kết nối với nhau; (2) viết quá nhiều ý trong một câu văn hoặc một đoạn văn; (3) bài viết lủng củng không logic; (4) mở bài nói về một ý và thân bài lại viết về vấn đề khác; và (5) viết quá chi tiết mà lại không tổng hợp lại được một vài ý chính xuyên suốt bài. Khi đọc một bài viết mắc lỗi tư duy viết, người đọc có cảm giác chính bản thân các bạn cũng không biết rõ bạn muốn viết gì. Bài viết lộn xộn, thiếu logic một phần là vì người viết chưa thật sự hiểu họ muốn truyền đạt điều gì.

Để biết mình có mắc lỗi tư duy viết hay không, bạn có thể chia sẻ bài viết cho bạn bè hoặc người thân và xin nhận xét của họ. Hãy hỏi họ: “Sau khi đọc xong bài viết của mình, theo bạn, ý quan trọng nhất mình muốn truyền đạt là gì? Bài viết có trôi chảy từ đầu đến cuối hay không?” Trước khi bắt tay viết, hay chắn chắn rằng bạn biết bạn sẽ viết cái gì, và có kiến thức chắc chắn về những gì bạn sẽ viết!

Nếu bạn mắc lỗi về ngôn ngữ, bạn sẽ dễ viết sai ngữ pháp, câu trúc câu và dùng sai từ, nhưng về cơ bản người đọc vẫn thấy được độ logic, và trôi chảy của bài. Thật sự, mình không ngại đọc và sửa những bài có lỗi ngữ pháp hay dùng từ nhưng những bài viết mắc lỗi tư duy thật sự khó sửa. (Và đọc cũng rất mệt nữa).

Hãy học viết một cách thật nghiêm túc, nếu không bạn sẽ luôn cảm thấy áp lực và hụt hơi khi đi du học. Theo tôi quan sát, các giáo sư có thể nương tay với lỗi về ngữ pháp, dùng từ nhưng lỗi về tư duy viết thì không.

Học đọc nghiêm túc

 Một kỹ năng mà tôi thấy nhiều bạn trẻ thiếu hụt là kỹ năng đọc, và tổng hợp thông tin từ các bài đọc. Có thể các bạn đọc cả một cuốn sách từ chữ đầu tiên đến chữ cuối cùng của sách, nhưng lại không hiểu được thông điệp chính mà tác giả muốn truyền đạt. Mỗi một cuốn sách, một bài báo dù dày 100 trang hay 1000 trang thì đều có một thông điệp xuyên suốt. Bạn không cần nhớ mọi chi tiết lặt nhặt trong sách, nhưng bạn phải nắm được ý chính của sách. Sau khi đọc một cuốn sách, bạn thử gập sách lại, và nói cho một người bạn (hoặc viết ra) 2-3 ý chính quan trọng nhất của tác phẩm đó. Thường thì những ai đọc tốt thì tư duy viết cũng tốt hơn.

Kỹ năng tư duy phản biện

Trong tiếng Anh, tư duy phản biện được gọi là Critical Thinking- đề cập đến khả năng suy nghĩ rõ ràng và có lập luận đúng về thông tin bạn nhận được. Giáo dục ở Việt Nam không dạy ta kỹ năng này, nên những ai mới sang nước ngoài du học có thể cảm thấy choáng ngợp. Tôi vẫn nhớ cảm giác hoang mang, hụt hẫng khi học được một tuần ở Anh. Các bạn lớp tôi đứa nào cũng có ý kiến riêng về vấn đề được đề cập trên lớp, chúng nó chẳng ngại “cãi tay đôi” với thầy cô. Tôi mất một thời gian mới quen được phương pháp giáo dục này ở nước ngoài. Khi đã quen rồi, thì tôi thấy khá là thích, vì tôi hiểu tôi có quyền được xây dựng niềm tin và quan điểm cá nhân riêng. Kỹ năng tư duy phản biện là một kỹ năng hoàn toàn có thể học được. Khi mới bắt đầu, sinh viên Việt Nam có thể đuối hơn các bạn nước ngoài, đặc biệt là ở châu Âu hay Mỹ một chút, nhưng mình quan sát thấy dần dần chúng ta đều có thể đuổi kịp họ.

Nếu bạn vẫn chưa thật sự hiểu kỹ năng tư duy phản biện là gì, thì cũng không sao. Khi bạn bị ném vào môi trường toàn những cái đầu “phản biện” thì bạn sẽ phải tự học thôi. Tuy nhiên, nếu bạn chưa muốn học bây giờ, thì hãy cố gắng giữ một cái đầu mở, sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trái ngược với niềm tin của mình.

Kỹ năng làm việc chuyên nghiệp

Bạn không cần đợi đến khi đi du học mới học trở thành một người chuyên nghiệp. Để có sự chuyên nghiệp cũng không quá khó đâu. Bạn chỉ cần luôn đúng giờ, làm việc theo deadline, giữ lời hứa, viết email có tiêu đề (có thể các bạn không tin, nhưng rất nhiều bạn trẻ viết email chỉ gửi đúng cái file đính kèm không một lời chào hay cảm ơn), kiểm soát được cảm xúc của bản thân, không nói xấu chia bè kéo cánh, luôn nói lời cảm ơn và xin lỗi khi cần thiết. Xin đừng hiểu lầm, khi trẻ hơn, tôi không phải là người làm việc thật sự chuyên nghiệp. Tôi học được sự chuyện nghiệp khi sống, làm việc và học tập ở nước ngoài. Tôi nhận thấy khi bạn chuyên nghiệp, bạn nhận được rất nhiều thứ, như sự tin tưởng của đồng nghiệp, cơ hội được tham gia các dự án hay, cơ hội được kết nối với những người thú vị, vân và vân vân. Tôi ước tôi đã học được cách làm việc chuyên nghiệp khi còn trẻ hơn!

Tâm lý đón nhận nỗi buồn 😀

Đi du học không phải là màu hồng, đặc biệt là đối với những bạn lần đầu sống xa gia đình. Sẽ có những khoảnh khắc bạn cảm thấy nghi ngờ năng lực của bản thân, cảm thấy lạc lõng, buồn chán, khó hoà đồng. Sẽ có lúc bạn tự đặt câu hỏi: “Why am I here?”. Bạn cũng nhận ra, du học không dạy bạn những thứ bạn muốn học. Ví dụ, bạn muốn học “kiến thức thực tế” mà người ta lại dạy bạn toàn lý thuyết (không có cái gọi là kiến thức thực tế khi đi du học nhé). Bạn cũng nhận ra, du học không phải lúc nào cũng cho bạn có hội làm những thứ bạn muốn. Chẳng hạn như, bạn muốn đi chơi tưng bừng, nhưng bài vở, viết lách ngập đầu khiến bạn chẳng có thời gian mà nghĩ đến việc đi chơi.

Hãy chuẩn bị tâm lý cho những thất vọng, buồn chán, hoài nghi. Nhưng tôi tin, những cảm xúc này rất quý giá và chúng sẽ giúp bạn trưởng thành hơn rất nhiều!

Cảm ơn bạn, và chúc bạn một tuần mới nhiều niềm vui!

Trương Thanh Mai

5 thoughts on “Cần chuẩn bị kỹ năng gì trước khi đi du học thạc sỹ (hoặc tiến sỹ)?

  1. Em đọc bài chị thấy đúng quá. Giờ google dễ dàng cái gì cũng có thể học nhưng đôi khi em vẫn nhận được mấy cái email của các bạn sinh viên gửi cộc lốc chẳng có mở đầu kết thúc gì đọc chán thật sự.

    1. Cảm ơn em đã ghé blog và đọc bài nhé. Chị nghĩ là do trường học không dạy các bạn ấy kỹ năng mềm, mà kỹ năng mềm lại rất quan trọng khi đi làm và đi du học!

Leave a Reply