
Hôm nay, mình nộp bản nháp chương 1 luận văn cho hội đồng luận văn. Mình dành hơn 2 tháng để viết chương này, và đã tìm được phương pháp làm việc và viết hiệu quả. Bài viết hôm nay sẽ ghi lại vắn tắt những phương pháp này.
Bài viết sẽ tập trung vào 3 chủ đề: (1) Sử dụng ứng dụng Grammarly để soát lỗi bài viết; (2) Dùng ứng dụng Flora để viết tập trung; (3) Xây dựng một tài liệu lớn ghi chú các bài đọc trong suốt quá trình học tiến sỹ.
Hi vọng bạn sẽ thấy bài viết hữu ích!
Dùng Grammarly để soát lỗi bài viết
Grammarly là một chương trình soát lỗi cho bài viết tuyệt vời. Mình nghe đến chương trình này đã lâu, nhưng mãi đến hơn 1 tháng trước mới sử dụng. Chả là, chồng mình đang học MBA và đã mua phần mềm này để soát lỗi bài luận. Thấy rất hữu ích nên đã khuyến khích mình sử dụng.
Mình mới dùng chương trình này hai lần nhưng thấy thật sự hữu ích. Đầu tiên bạn sẽ cần lập một tài khoản trên https://app.grammarly.com. Nếu dùng Mac, bạn có thể cài grammarly apps như trong hình dưới đây:

Mình thường upload tài liệu cần soát lỗi trực tiếp lên https://app.grammarly.com. Sau khi tải tài liệu lên, sẽ có một cửa sổ “Set goals” hiện ra như sau:

Vì là tài liệu học thuật, nên mình thường chọn “goals” như sau:
- Audience: Expert
- Formality: Formal
- Domain: Academic
- Tone: Analytical
- Intent: Convince
Các gợi ý chỉnh sửa của Grammarly sẽ dựa trên những tiêu chí trên.
Mình thường xem xét kỹ từng gợi ý sửa của Grammarly, vì không phải gợi ý nào cũng hợp lý, và diễn đạt đúng ý mình. Bạn có thể chấp nhận hoặc bỏ qua mỗi gợi ý. Mình thấy Grammarly rất hữu ích khi cần tìm lỗi chính tả hoặc các lỗi ngữ pháp lặt vặt. Là người viết, nhiều khi ta không tự tìm ra lỗi của mình được, đặc biệt là đối với các văn bản dài như bài báo học thuật, kể cả khi ta đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần. Điều này đúng với cả người dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Có lần chồng mình nhờ mình đọc và soát lỗi bài luận cuối kỳ của anh ấy, mình có thể chỉ ra được mấy lỗi ngữ pháp và diễn đạt liền. Haha.
Hôm nay, mình gửi Chương 1 luận văn cho hội đồng luận văn. Sau khi nhờ Grammarly soát lỗi, mình thấy khá hài lòng với bản gửi đi!
Để sử dụng hết mọi tính năng của Grammarly, mình dùng tài khoản Premium, chọn trả theo quý ($60/quý).
Dùng ứng dụng Flora- Green focus để tập trung làm việc, đặc biệt khi viết
Mình cực kỳ thích ứng dụng Flora (https://flora.appfinca.com) khi cần tập trung làm việc. Ứng dụng do một giáo sư của mình giới thiệu.
Với Flora, bạn có thể lên một danh sách các việc cần làm ( a to-do list), và đặt thời gian cụ thể cho mỗi đầu việc. Mình thường cố gắng tập trung viết 30-45 phút, rồi nghỉ 5-10 phút.
Nếu bạn tập trung thành công, Flora sẽ báo “Bạn đã trồng thành công một cây ảo”. Cuối ngày, nếu bạn tập trung được 5 lần chẳng hạn, thì bạn sẽ có một khu vườn 5 cây. Nếu trong khoảng thời gian tập trung đặt ra mà bạn chểnh mảng, xem FB hoặc đọc báo trên điện thoại, thì Flora sẽ cảnh báo, “Bạn hãy quay lại tập trung làm việc ngay, nếu không bạn sẽ giết 1 cây trong vườn”. Mình thấy ứng dụng này khá là vui! Cuối ngày xem số lượng cây trồng được bạn sẽ biết mức độ tập trung của mình trong ngày thế nào.
À, bạn cũng có thể mời bạn bè mình tham gia “trồng cây” cùng nữa!

Có một bản tài liệu ghi chú toàn bộ các bài đọc trong quá trình học tiến sỹ
Đến khi được phân công dạy lớp của riêng mình và viết luận văn, mình mới nhận ra tầm quan trọng của việc có một tài liệu (master fille) ghi chú lại các bài đọc trong quá trình học PhD. Khi cần lên danh sách bài đọc cho sinh viên, mình sẽ mở file, tìm đến đến đề tài mình quan tâm, và đọc lại ghi chú của từng bài đọc liên quan. Bài nào phù hợp thì mình sẽ giao cho sinh viên đọc. Khi viết luận văn cần tìm trích dẫn, hoặc đọc lại một bài báo nào đó mình sẽ tìm trong file. Một master file thế này cực kỳ hưũ ích cho kỳ thi vượt rào (Comprehensive exams)
Mình đọc bài bằng ứng dụng Mendeley Desktop, nhưng ghi chép vắn tắt nội dung bài báo/sách vào một file word. Bản tài liệu đó giờ đã hơn 1000 trang, ghi chú tất cả các bài mình đã đọc từ năm thứ nhất PhD. Mình vẫn update tài liệu đó hàng ngày, mỗi khi đọc được một bài báo hay sách mới.
Mình sắp xếp tài liệu dựa trên các nội dụng lớn, trong mỗi nội dung lớn, các bài đọc sẽ được sắp vào một nội dung nhỏ hơn. Bạn có thể xem ví dụ ở hình dưới đây:

Nếu mình muốn tìm đọc các bài báo/sách liên quan đến “Tools of Control” trong “Authoritarian Regimes Literature”, mình chỉ cần tìm đến phần mục lục của tài liệu lớn, và ấn vào phần “Tools of Control”.
Đối với mỗi bài báo, mình sẽ ghi chép vắn tắt như sau: tóm tắt ngắn gọn bài báo, tổng quan lý thuyết (background/Literature Review/Theory), Thiết kế nghiên cứu (bao gồm hypotheses, data, results) và kết luận (bao gồm cả nhận xét và phản biện của mình)
Dưới đây là cách mình ghi chép ngắn gọn một bài báo trong nội dung “Tools of control” của phần “Authoritarian regimes literature”


Điểm hữu ích nhất của tài liệu này, là mình có nhiều cách để tìm đến bài đọc mình quan tâm: thông qua phần mục lục, hoặc tìm từ khoá.
Nói chung, để tìm xem cách làm việc, cách ghi chép nào hợp với bản thân, ta phải thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau. Mình đã thử nhiều cách khác nhau, và nhận ra, lối ghi chép truyền thống này vẫn hợp với mình nhất 🙂
Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog!
Trương Thanh Mai
One thought on “3 phương pháp viết luận văn hiệu quả”