Tư duy (mindset) của bố mẹ về giáo dục đã ảnh hưởng đến tôi như thế nào?

Ảnh chụp với gia đình hè 1997!

Khi mới sang Mỹ học tiến sỹ, nhiều người Mỹ hỏi tôi, “Cậu có nghĩ những người như cậu- những người thuộc giới tinh hoa- sẽ thay đổi được Việt Nam không?” Tôi mới hỏi họ định nghĩa thế nào là giới tinh hoa (How do you define and measure the elite class?). Phần lớn những người được hỏi sẽ trả lời rằng đó là tầng lớp giàu có, học thức cao, có quyền lực. Tôi mới phá lên cười bảo, nếu vậy thì tôi chắc chắn không thuộc giới tinh hoa rồi. 

Một lần một giáo sư còn nửa đùa nửa thật với tôi rằng, vì tôi giàu và có học thức nên một ngày nào đó tôi sẽ thay đổi được đất nước. Hoá ra, nhiều người Mỹ cho rằng, các du học sinh từ những nước đang phát triển như Việt Nam, Trung Quốc, phần lớn đến từ giới nhà giàu, có điều kiện. Thật ra suy nghĩ của họ cũng khá logic: để có cơ hội đi du học (dù được học bổng toàn phần, hay được trả lương như làm tiến sỹ), một cá nhân phải được định hướng từ sớm, có điều kiện rèn rũa các kỹ năng du học cơ bản như tiếng Anh, đọc viết, tư duy, vân vân. Mà để có được những điều này, một cá nhân thường phải được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có giáo dục, có tài chính, có nhiều điều kiện hơn mức trung bình. 

Thật ra tôi được sinh ra trong một gia đình rất bình thường. Bố mẹ tôi chỉ làm một công việc bình thường, nhà tôi tuy không nghèo nhưng cũng có giai đoạn phải cẩn trọng trong tài chính. Cả hai bố mẹ đều không có bằng Đại học, và chưa bao giờ đi nước ngoài, thậm chí còn ít khi đi đâu ra khỏi thành phố Thái Nguyên. Sau khi nghe câu trả lời của tôi, gần như người Mỹ nào cũng hỏi, “Vậy làm sao Mai tìm được đường đi du học? Chắc cậu phải tự cố gắng, và nỗ lực rất nhiều nhỉ?” 

Khi còn sống ở Việt Nam, không ai hỏi tôi câu này và tôi cũng chẳng để ý nhiều đến con đường học hành của mình. Mãi đến khi sang Mỹ sống tôi mới bắt đầu suy nghĩ về hành trình giáo dục của bản thân. Nhìn lại mạng lưới bạn bè và các mối quan hệ của bố mẹ, tôi chợt nhận ra, trường hợp của chị em tôi thuộc ngoại lệ (outlier). Phần lớn con cái của bạn bè bố mẹ tôi hoặc chỉ học hết cấp 3 hoặc không học đến bậc Đại học. Họ sẽ được bố mẹ “mua” cho một công việc nhàn hạ ở các nhà máy công nghiệp quanh Thái Nguyên. Chị em tôi thuộc số ít những người con được học cao, đi du học, và tự lập trong sự nghiệp . 

Tôi tin rằng chính tư duy (mindset) của bố mẹ về vấn đề giáo dục đã giúp chúng tôi đi xa trên con đường học hành, giúp chúng tôi tự biết kiếm tìm những cơ hội giáo dục tốt, và dám theo đuổi điều mình mong muốn và tin tưởng trong cuộc sống. Vì có tư duy đúng đắn và tiến bộ, nên bố mẹ đã sử dụng hiệu quả nguồn lực hạn chế của gia đình để con cái có điều kiện giáo dục tốt nhất (trong khả năng cho phép). 

Bố mẹ luôn nghĩ được học hành tử tế con cái sẽ tìm được sự độc lập trong cuộc sống

Ngay từ khi tôi và em gái đang học cấp 1, bố mẹ đã luôn động viên chúng tôi học hành tốt để sau này có cuộc sống hạnh phúc, và độc lập. Nhiều người trong xóm hay than thở, “Con cái có học đến nơi đến chốn thì sau này vẫn phải “mua” việc cho nó, không biết có đáng không?” Bố tôi luôn đáp trả rằng, mình chỉ có thể khuyến khích con cái học tốt, còn tìm việc và xây dựng sự nghiệp là trách nhiệm của cuộc đời nó. Bố mẹ luôn nói với chúng tôi, bố mẹ không có đủ nguồn lực và dù nếu có đủ cũng sẽ không bao giờ “mua” việc, tìm việc hộ chúng tôi. 

Bố mẹ luôn quan niệm: học hành để mở mang đầu óc, và có thêm cơ hội đi khám phá thế giới

Một lần khi tôi mới học lớp 4-5, bố và tôi xem một chương trình về sông nước, miệt vườn ở miền tây. Thấy tôi chăm chú thích thú không rời mắt khỏi màn hình TV, bố mới động viên tôi phải cố gắng học thật tốt để sau này có cơ hội đi khám phá Việt Nam và thế giới, không như bố mẹ, ít có điều kiện đi đây đó. Tôi bắt đầu vào cấp 1 giữa những năm 1990, và bắt đầu học tiếng Anh khi vào lớp 3. Lúc ấy, tiếng Anh là một môn học bắt buộc nhưng không được nhiều phụ huynh coi trọng. Vậy mà, bố tôi một người không biết một ngoại ngữ nào đã nghĩ, học tốt tiếng Anh sẽ là chìa khoá để tôi đi ra thế giới, tiếp cận với nền văn hoá khác, và có thêm nhiều cơ hội việc làm. Bố không biết tiếng Anh, nhưng vẫn cặm cụi đọc sách và dạy tôi cách chia động từ và cách sử dụng mạo từ (a, an, the). 

Bố mẹ luôn tin chị em tôi là những người có năng lực

Một lần khi đang học lớp 5, tôi thủ thỉ với bố rằng, lên lớp 6 tôi sẽ cố gắng tham gia đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh. Bố nói, “Bố tin là con sẽ làm được.” Đến khi tôi thi trượt bố không hề nói một câu trách móc. Bố dành dụm tiền để mua tặng tôi muốn cuốn từ điển Anh-Việt và động viên sẽ có ngày tôi được giải. Ngay cả bây giờ khi tôi đã làm tiến sỹ, mẹ vẫn luôn thể hiện mẹ tin vào năng lực của tôi. Có lần tôi kể với mẹ rằng, kỳ này tôi học toán thống kê. Mẹ bảo, “Con lúc nào cũng giỏi mà, toán đã là gì!” Mẹ cũng rất tự hào về cô con gái đang học tiến sỹ. Mẹ chẳng ngần ngại khoe với bạn bè hàng xóm là tôi đang làm PhD ở Mỹ, dù mẹ không hiểu tiến sỹ, toán thống kê, hay nghiên cứu là gì!

Có lẽ vì luôn nhận được sự động viên của bố mẹ, mà chị em tôi không ngần ngại làm những việc mà người ta cho là khó! Khi đối mặt với thách thức, tôi ít khi nghĩ khó quá mình làm sao mà làm được. Ngược lạị, tôi luôn nghĩ, “Mình sẽ làm được nếu mình muốn và cố gắng!” Thậm chí, tôi có xu hướng thích làm những việc mà người khác cho là khó, thách thức, và gian khổ. 

Lại nữa, tư duy của mẹ tôi về hạnh phúc đã cho phép chúng tôi tự do lựa chọn nơi để sống. Mẹ luôn nói, “Con sống ở đâu cũng được miễn là con thấy vui vẻ hạnh phúc. Bây giờ con đã tự lập và có gia đình riêng rồi, mẹ có cuộc sống của mẹ và con có cuộc sống của con.”

Tôi chợt nhận ra, tư duy (mindset) cực kỳ quan trọng. Tư duy quyết định hành động, chiến lược, hướng đi trong cuộc sống. Kết quả của hành động phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của ta. Vì thế, trước khi bắt tay vào một việc gì đó, hãy suy nghĩ thật kỹ về tư duy của ta đối với việc đó. Hãy lấy việc học tiếng Anh làm ví dụ. Trước khi lao vào tìm gia sư hay trung tâm để học, ta hãy đặt các câu hỏi như: Vì sao mình cần học tiếng Anh? Học giỏi tiếng Anh nghĩa là thế nào? Quan điểm cơ bản của ta về tiếng Anh, và việc học tiếng Anh là gì?

 Rõ ràng, nếu tư duy của ta về việc giỏi tiếng Anh nghĩa là phải nói nhanh và chuẩn như tây, thì ta sẽ tập trung vào kỹ năng này, ngày ngày luyện sao cho nói giống người tây. Nhưng nếu ta chỉ coi tiếng Anh là công cụ, giỏi tiếng Anh không có nghĩa ta sẽ giỏi tư duy, thì ta sẽ kết hợp tiếng Anh với học các kỹ năng học thuật khác. 

Ta phải luôn sẵn sàng mở lòng với những tư duy khác với tư duy của bản thân. Hãy đọc, và nói chuyện với nhiều người để xem tư duy, quan điểm, suy nghĩ của họ về điều ta quan tâm thế nào. Tự hỏi xem, tư duy của ta sẽ hạn chế ta thế nào. Đôi khi, chỉ cần thay đổi tư duy (mindset), ta đã có thể thay đổi cả cuộc sống của mình!

Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn tuần mới thật vui!

Trương Thanh Mai 

8 thoughts on “Tư duy (mindset) của bố mẹ về giáo dục đã ảnh hưởng đến tôi như thế nào?

  1. Bài viết dễ thương và hay lắm ạ. Em mong chị sẽ viết 1 bài chia sẻ về con đường chinh phục học bổng của mình để em được học hỏi thêm ❤

    1. Cảm ơn em đã ghé đọc blog nhé! Trên blog chị cũng chia sẻ một vài bài về chủ đề này rồi, em có thể tìm đọc ở mục “Con đường học PhD”. Chúc em một ngày vui!

  2. Em cảm ơn chị Mai về bài đọc này. Thật sự càng ngày, em càng thấy con đường học mở ra cho mình nhiều thứ như chị nói và dù từ đầu, ba mẹ em không có nhiều tư duy cởi mở nhưng sự học này giúp em cởi trói tư duy đó của ba mẹ. Mong chị hạnh phúc với hành trình đang bước. Chúc chị ngày làm việc vui vẻ.

    1. Cảm ơn em đã ghé đọc blog! Chị thấy rất may mắn vì bố mẹ có tư duy cởi mở đối với việc học và cuộc sống riêng của chị. Chị rất khâm phục những bạn có thể đi được xa, dù không nhận được nhiều sự ủng hộ của gia đình. Nếu em có thể cởi trói tư duy của ba mẹ, thì đó thật sự là điều đáng mừng! Chị cũng chúc em luôn hạnh phúc trên con đường mình chọn nhé 🙂

  3. Cảm ơn chị Thanh Mai với bài viết tràn đầy tự hào về gia đình và cũng thật ý nghĩa (với độc giả như em). Em đồng cảm với chị, xuất phát điểm gia đình không quyết định tất cả ạ, tư duy của bố mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến con cái. Bản thân em cũng xuất thân một gia đình lao động bình dân, nên càng thấm thía những gì chị chia sẻ. Chúc chị và gia đình nhiều sức khoẻ và bình an ạ!

Leave a Reply