Một suy nghĩ khác về những lời nói thiếu cảm thông

Sau ngày bố tôi mất, cách đây hơn 20 năm, ngoài những lời động viên và chia buồn, không ít hàng xóm tò mò về số tiền đền bù mà gia đình tôi nhận được. Tôi nhớ, khi bố mới mất được mấy tháng, có một người hàng xóm sang vay tiền mẹ tôi. Khi mẹ từ chối cho vay, người hàng xóm ấy bảo, chắc nhà tôi vẫn có tiền dư chứ vì họ mới đến bù tiền mà. Họ trách mẹ tôi có tiền, mà không thèm cho họ vay. 

Một lần, nhà tôi sắm sửa bàn ghế và đồ bếp mới. Bác hàng xóm ngay bên cạnh “vô tình” đi qua nhà tôi mấy lần, vừa đi vừa tò mò dòm vào trong xem mẹ con tôi sắm sửa những gì mới. Họ nghĩ rằng, hẳn số tiền đền bù cho sự ra đi của bố tôi phải lớn lắm, thì mẹ con tôi mới mua được đồ đạc mới.

Có lần, một người bạn đã nói với tôi rằng, tuy tôi mất bố nhưng gia đình cũng không phải quá thiếu thốn. Bạn nói vậy khi thấy tôi muộn phiền, chia sẻ với bạn về nỗi nhớ bố. Rồi bạn so sánh gia đình tôi với hoàn cảnh một nhà bạn khác, “Cậu thế cũng còn may rồi, như cái A còn không được sống cùng bố ngày nào”.

Thật ra, ta không nên bao giờ so sánh nỗi buồn của người này với người khác. Không nỗi buồn nào giống nỗi buồn nào. Khi ai đó tâm sự với ta những điều buồn phiền trong cuộc sống của họ, đừng nói những lời động viên như, “Bình thường mà”, “Cuộc sống của tôi còn khổ hơn nhiều”, “Thôi vui lên đi, có gì mà buồn”, “Hoàn cảnh của X còn buồn hơn cậu nhiều.”

Hồi ấy, mới 12-13 tuổi, nhưng tôi đã luôn tự hỏi, “Vì sao nhiều người quanh xóm tôi lại thiếu nhạy cảm đến vậy trước nỗi đau buồn của người khác?” Tất nhiên, bên cạnh những lời nói ráo hoảnh ấy, gia đình tôi cũng nhận được nhiều sự cảm thông và lời động viên. Nhưng là một đứa trẻ nhạy cảm, những lời nói ‘tàn nhẫn’ đã ám ảnh tôi suốt bao năm trời. 

Sự đố kị, dòm ngó, và đôi khi tàn nhẫn của  dãy phố nơi tôi sống đã là động lực mạnh mẽ để tôi…giải thoát chính mình. Từ nhỏ, tôi đã khát khao được đi ra ngoài cái thế giới trật trội, nhỏ bé, đầy đố kị ấy. Tôi cảm thấy ức chế, khi người ta so đo nhau từng bộ bàn ghế, từng cái bếp ga, từng cái xe đạp, xe máy mới của nhà hàng xóm. Nhà xây sau chắc chắn phải cao hơn, to hơn những nhà xây trước đó.

Sau bao nhiêu năm xa cái xóm nhỏ ấy, tôi đã hiểu vì sao nhiều người lại nói những lời vô tình trước nỗi đau của gia đình tôi khi xưa đến thế. Và khi đã hiểu ra lý do đằng sau hành xử của họ, thay vì “ghét”, tôi lại cảm thấy thông cảm với họ hơn. 

Giờ đây tôi đã hiểu rằng, họ ‘tàn nhẫn’, ráo hoảnh vì chính họ cũng bị đối xử như thế. Khi không ai cảm thông cho mất mát và nỗi đau khổ của họ, thì đến lượt họ, họ cũng chẳng thể đồng cảm với nỗi buồn của người khác. Nếu tất cả những gì họ nhận được khi gặp trắc trở là những lời nói ráo hoảnh, thì họ có thể hành xử khác được không khi thấy người khác gặp trắc trở? 

Gia đình hàng xóm ngay cạnh nhà tôi ở cái xóm nhỏ ấy, có một cô con gái gần 45 tuổi nhưng chưa lập gia đình. Ở cái xóm nhỏ, nơi những giá trị truyền thống như lập gia đình, sinh con, lấy chồng theo chồng, vân vân và vân vân, còn mạnh mẽ, việc một phụ nữ từng ấy tuổi chưa chồng là một điều gì đó rất kinh khủng. 

Một buổi chiều, khoảng hai năm trước khi về thăm mẹ, tôi giúp mẹ đi chợ mua đồ nấu bữa tối. Tôi thấy người ta ngồi bàn tán về người phụ nữ ấy với những lời lẽ rất ác:

“Người gầy quắt thế bảo sao không lấy được chồng”

“Đi làm từ sáng đến 7h tối mới về. Mang tiếng ở với bố mẹ mà toàn phải ăn một mình.”

“Tầm đấy tuổi mà vẫn sống với bố mẹ, sắp thành bà cô trong gia đình rồi.”

Thậm chí, có người còn cố tình đến chơi và hỏi thăm, “Ơ thế bao giờ con gái nhà anh chị cho người ta ăn kẹo thế nhỉ. Nó bao nhiêu tuổi nhỉ?” Thật vô duyên hết chỗ nói!

Và còn rất nhiều những lời lẽ nặng nề khác nữa. Đã bao năm xa nhà, và sống ở những môi trường ít nhiều tôn trọng sự riêng tư, tôi thật sự rất choáng váng trước cuộc bình luận ấy. 

Về đến nhà, tôi bảo mẹ, “Con mà là chị ấy con sẽ ra ngoài ở riêng, ở với bố mẹ mà suốt ngày bị nói thế, thật khổ quá.”

Nghe vậy, mẹ tôi bảo, “Ra ngoài thì người ta sẽ bàn tán nhiều lắm. Họ sẽ bảo chắc mối quan hệ với bố mẹ phải rất tệ mới phải ‘bỏ’ đi như thế.” 

“Kiểu gì người ta cũng bàn tán thôi. Là con, con sẽ chọn phương án khiến mình thoải mái nhất.”

Nhưng ngay sau câu nói ấy, tôi chợt nhận ra những đặc ân của bản thân. Tôi có cơ hội được bố mẹ cho học hành tử tế, được đi đây đi đó, nên tôi có nhiều lựa chọn trong cuộc sống. Tôi biết rằng, cuộc sống là một loạt những lựa chọn, và ta phải có đủ kiến thức, đủ cơ hội để theo đuổi lựa chọn của mình. Nhưng với nhiều người phụ nữ, như người chị trong câu chuyện tôi kể trên, họ có lẽ không bao giờ nghĩ đến, hoặc thậm chí biết đến, hai chữ “lựa chọn”. Đối với họ, cuộc sống chỉ có một hướng đi, và hướng đi ấy phải phù hợp với dư luận xung quanh. 

Tôi cũng chợt nhận ra, sau hơn 15 sống xa cái xóm nhỏ ấy, tôi đã hoàn toàn quên những “phong tục tập quán”, và cách hành xử ở nơi ấy. Lời nhận xét, “ Con mà là chị ấy, con sẽ ra ngoài ở”, đủ để nói lên rằng, tôi không còn hiểu gì về những giá trị mà người dân xóm ấy theo đuổi nữa. Lần nào về thăm mẹ, mẹ cũng “dạy lại” tôi phải ăn nói, chào hỏi hàng xóm thế nào để …người ta không nói ra nói vào. Chắc mẹ cũng thấy, con mẹ xa nhà lâu quá, chẳng còn nhớ cách đối phó với “chính trị” trong xóm nữa.

Hơn 20 năm sau ngày bố ra đi, tôi chợt thấy thông cảm hơn cho những người hàng xóm ráo hoảnh khi xưa. Tôi hiểu, khi bị đối xử tàn nhẫn và cay đắng, người ta cũng khó mà hành xử khác được, khi đến lượt họ đối mặt với nỗi đau của người khác. Tôi tự hỏi, nếu bác hàng xóm ngay cạnh nhà tôi suốt ngày phải nghe những lời cạnh khoé, châm chọc về chuyện hôn nhân của cô con gái, liệu bác có thể cảm thông, và nhạy cảm với nỗi buồn của ai khác được không?

Tôi cũng thấy trân trọng những gì mình đang có. Hiểu rằng, mình có lựa chọn, và có cơ hội để theo đuổi lựa chọn ấy, đã là một đặc ân lớn rồi!

Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn một tuần mới thật vui.

Trương Thanh Mai

Nếu bạn thấy các bài viết trên blog hữu ích, hãy subscribe email để nhận thông tin về bài viết mới hàng tuần

THEO DÕI BLOG QUA EMAIL

Join 1,949 other subscribers

6 thoughts on “Một suy nghĩ khác về những lời nói thiếu cảm thông

  1. Nhiều khi từ xã hội, thói quen, nên người ta không nhận biết sự sai trái trong cách cư xử. Thấy ai cũng nghĩ như vậy làm như vậy thì mình cũng thế thôi. Khi vượt ra ngoài cái xã hội đó, nhìn lại thì dễ thấy hơn.

    1. Vâng đúng rồi ạ. Được sống trong một xã hội, hoàn cảnh khác lại giúp mình có cái nhìn sâu sắc hơn về “nơi cũ” cô nhỉ.

  2. Là 1 người Việt Nam, mình cũng ít nhiều chịu áp lực của “dư luận xóm” như vậy. Và mình cũng đồng tình với Mai rằng các cơ hội về giáo dục giúp ích rất nhiều để có những lựa chọn giúp ta không phải chịu đựng và lặp lại lối sống ấy lên thế hệ sau. Kể cả nếu ta không rời đi nơi khác, thì ngay tại xóm ấy kiến thức cũng ta cũng có những góc nhìn khác hơn về kiểu hành vi đó, và giúp ta vững vàng với quan điểm sống của riêng mình.

  3. Câu chuyện đầu tiên cũng là bài học em gái đã dạy em. Khi đó, em em trải qua cú sốc tinh thần khi chuyển trường đột ngột và không tìm được sự hòa hợp với môi trường mới. Vốn là một người hướng nội và nhạy cảm, em ấy càng thêm khó khăn. Lúc đó em không hiểu chỉ đáp ráo hoảnh là ai cũng vậy và mọi chuyện sẽ ổn thôi. Nghĩ lại lúc đó thấy mình vô tâm quá chị ạ. Đúng là “ta không nên bao giờ so sánh nỗi buồn của người này với người khác.” Khi người khác đang buồn và tìm đến mình, họ cần hơn hết một sự lắng nghe không phán xét. Câu chuyện thứ hai của chị thì em rất thấm thía. Có một khoảng thời gian em về quê làm việc và thấy mâu thuẫn sâu sắc giữa giá trị em theo đuổi và giá trị nơi em sống tôn thờ. Em theo đuổi sự độc lập, cầu tiến còn với nơi em sống là giá trị truyền thống: người con gái được định giá bằng người chồng bên cạnh (con gái hơn nhau ở tấm chồng, là con gái thì tham vọng ít thối0. Em cảm thấy ngột ngạt và bức bối với hệ tư tưởng ấy để rồi việc rời đi là tất yếu cho dù nó không hề dễ dàng với em. Lúc đó, em tự hỏi nếu biết một sự lựa chọn khác, một thế giới khác, liệu những người PN xung quanh em còn cam chịu và lựa chọn như vậy không. Và rồi, em nhận ra tri thức, sự hiểu biết là sức mạnh và được lựa chọn là một đặc ân đúng như chị nói. Cảm ơn chị vì bài viết rất hay ạ.

    1. Cảm ơn em đã ghé đọc và chia sẻ câu chuyện của em! Chị tin rằng, để hiểu và thông cảm với người khác, ta cũng cần sự trưởng thành. Nhiều khi sự vô tâm đến từ việc còn “trẻ con” và thiếu trải nghiệm. Nếu câu chuyện của em gái em xảy ra khi em lớn hơn, thì chị tin rằng em sẽ nói khác. Chúc em một tuần mới vui 🙂

Leave a Reply