Phụ nữ có thể giúp đỡ phụ nữ như thế nào?

Phụ nữ có thể hỗ trợ phụ nữ thế nào trong cuộc sống và sự nghiệp? Mãi đến khi được những người phụ nữ khác giúp đỡ, tôi mới suy nghĩ đến câu hỏi này.

Sau khi sang Mỹ theo đuổi con đường nghiên cứu sinh, tôi sớm nhận ra rằng, trong môi trường học thuật ở Mỹ, nữ giới chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới. Số lượng học giả nữ ít hơn học giả nam. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ gặp nhiều định kiến từ đồng nghiệp, và học sinh hơn nam giới. Chẳng hạn, có một nghiên cứu cho thấy, sinh viên có xu hướng đánh giá giảng viên nữ khắt khe hơn so với giảng viên nam (khi đã xem xét tất cả các yếu tố khác, ngoài giới tính, có thể ảnh hưởng đến sự đánh giá của sinh viên. “Holding other factors constant”- theo ngôn ngữ khoa học)

Nhiều đề tài nghiên cứu trong ngành khoa học chính trị đều do nam giới “thống trị”. Truyền thông có xu hướng mời giáo sư nam, thay vì giáo sư nữ, chia sẻ quan điểm và kiến thức chuyên môn trên báo chí và truyền hình.

Tôi rất ấn tượng, vì trong hoàn cảnh này các học giả nữ đã tìm cách giúp đỡ lẫn nhau, để “chiến đấu” với sự bất bình đẳng ấy. Tôi  thích cách các nữ giáo sư nhiều kinh nghiệm sẵn sàng chìa bàn tay giúp đỡ những học giả nữ khác, đặc biệt là những người trẻ mới vào nghề như tôi. 

 Xin chia sẻ với bạn những hoạt động mà tôi đã tham gia, và suy nghĩ của tôi về vấn đề phụ nữ hỗ trợ phụ nữ.

Phụ nữ giàu kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ mới vào nghề

Từ năm 2019, tôi là thành viên của nhóm Nghiên Cứu Đông Nam Á (Southeast Asian Research Group). Nhóm quy tụ những nhà nghiên cứu về chính trị, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác liên quan đến Đông Nam Á. 

Ngoài các hoạt động hội thảo chính 6 tháng một lần, những nữ giáo sư dày dặn kinh nghiệm của nhóm còn tổ chức nhiều hoạt động riêng nhằm giúp đỡ phụ nữ trẻ, mới vào nghề như tôi. 

Mấy tuần trước, một vài nữ giáo sư lành nghề của nhóm đã tổ chức một hội thảo nhỏ chia sẻ kinh nghiệm cho phụ nữ trẻ mới bước chân vào con đường nghiên cứu.  Cụ thể, các giáo sư ấy chia sẻ cách xin việc học thuật, viết đề xuất dự án xin tiền làm nghiên cứu hoặc xin các vị trí postdoc (sau tiến sỹ),  tìm cơ hội xuất bản sách (phát triển từ luận văn), vân vân và vân vân.

Ngoài ra, các giáo sư còn chia sẻ những khó khăn khi phải làm việc ở nhà trong đợt dịch Covid-19. Cụ thể là làm sao để hài hoà việc chăm sóc con cái, nghiên cứu, và dạy học. Và đặc biệt, là một giáo sư nữ nhiều kinh nghiệm, họ có thể làm gì để hỗ trợ nữ giáo sư mới vào nghề, vừa chịu áp lực xuất bản vừa phải chăm con nhỏ?

Các giáo sư còn khuyến khích những nghiên cứu trẻ như tôi gửi một bản thảo nghiên cứu để họ góp ý và chỉnh sửa sao cho đạt tiêu chuẩn một bài báo có thể được xuất bản trên một tạp chí lớn. 

Tôi chợt nghĩ đến những trải nghiệm đi làm  trước khi đi học tiến sỹ. Tôi ước, giá mà bản thân đã nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn khi mới đặt chân vào cuộc sống công sở. Đừng hiểu lầm ý tôi, tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ tốt sẵn sàng chỉ bảo cho tôi. Những bên cạnh đó, cũng có không ít ký ức buồn. 

Một lần, tôi mới vào làm cho tổ chức X được mấy tháng, cũng khá lâu rồi. Dù đã đọc nhiều tài liệu và hỏi kinh nghiệm của người giữ vị trí mà tôi đang làm trước đó, tôi vẫn có một vài sai sót. Những người phụ nữ giàu kinh nghiệm trong văn phòng thay vì chìa bàn tay ra hỗ trợ, lại ngồi nói xấu sau lưng tôi. Thay vì bàn tán sau lưng, tôi đã ước họ có thể đưa cho tôi lời khuyên, kinh nghiệm, và những nhận xét thẳng thắn. 

Tôi còn thấy một hiện tượng này nữa khi nghe các bạn gái của mình kể chuyện công sở. Nhiều bạn gái trẻ mới vào làm thường bị chính những phụ nữ dày dặn kinh nghiệm hơn nói xấu…với cấp trên. Có thể trước mặt họ vui vẻ, xởi lởi, nhưng sau lưng, mọi lỗi nhỏ nhất cũng được báo cáo lại cho cấp trên, có lẽ là để “ghi điểm” với sếp.

Một em gái kể với tôi, khi em mắc một lỗi nhỏ trong công việc, sếp của em- một phụ nữ đã nhiều năm trong nghề- cố ý mắng nhiếc em thật lớn tiếng để cả văn phòng có thể nghe thấy.

Tôi thấy đây là một thái độ cần tránh trong công sở. Tôi luôn nghĩ là phụ nữ, ta nên hỗ trợ, giúp đỡ nhau nhiều nhất có thể, đặc biệt là khi phụ nữ còn gặp nhiều thiệt thòi trong công việc và xã hội.

Phụ nữ tìm cách nâng cao tiếng nói của phụ nữ trong xã hội

Gần đây, tôi được mời tham gia viết bài cho một ấn phẩm đặc biệt (Special Issue) liên quan đến một vấn để chính trị ở Đông Nam Á. Ban đầu tôi cũng băn khoăn không biết có nên tham gia không vì việc viết luận văn khá bận rộn. Nhưng khi biết rằng, mục đích của ấn phẩm là nâng cao tiếng nói của học giả nữ (nhất là những người mới vào nghề) về chủ đề chính trị này, tôi nhận lời ngay. Đối với tôi, hoạt động không chỉ giúp nữ học giả trẻ có thêm cơ hội xuất bản nghiên cứu, mà còn có tác động xã hội to lớn nữa.

Một giáo sư nữ rất có tiếng trong khoa tôi đã triển khai một hoạt động rất có ý nghĩa với giới nữ trong academia. Cô xin được tiền để mở một trang web tập hợp rất nhiều xuất bản của các nữ học giả trong ngành Khoa học Chính trị ở khắp thế giới. Trang web sẽ viết đầy đủ tiểu sử, chuyên môn của một nữ học giả, kèm theo những xuất bản chính của cô. Trang web sẽ giúp giới truyền thông dễ dàng tìm kiếm tiếng nói của chuyên gia về một vấn đề nào đó. Khi thiết kế giáo án cho lớp học, tôi cũng cố gắng giao các bài đọc do học giả nữ viết. Quá trình kiếm tìm này dễ dàng hơn hẳn nhờ trang web của cô!

Tôi nghĩ, trong môi trường công sở, những phụ nữ dày dặn kinh nghiệm hơn có thể tìm cách giúp phụ nữ trẻ nâng cao tiếng nói bằng cách khuyến khích họ phát biết trong các cuộc họp. Hoặc chia sẻ những ý tưởng, điểm mạnh của một phụ nữ trẻ mới vào nghề với sếp hoặc với mạng lưới các mối quan hệ của mình để người phụ nữ ấy có thêm cơ hội nghề nghiệp. Đừng nghĩ, “mình giúp nó thì nó sẽ nổi bật hơn mình và lấy hết cơ hội của mình”. Tôi luôn tin, một hành động tốt sẽ không bao giờ làm ta “thiệt” thân!

Ngược lại, là một phụ nữ trẻ mới vào nghề, ta cũng đừng ngần ngại kiếm tìm sự giúp đỡ của những người nhiều kinh nghiệm hơn. Và hãy luôn đánh giá cao và biết ơn những người phụ nữ đã hỗ trợ mình. Thật lòng, tôi rất biết ơn cơ hội xuất bản cũng như kết nối mà tôi nhận được từ nhiều nữ học giả khác.

Là một người phụ nữ, tôi hiểu rằng, để sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ những phụ nữ khác, tôi phải thay đổi rất nhiều tư duy cố hữu, cổ hủ của bản thân.

Trước hết, ta cần loại bỏ cảm giác ghen tị và khó chịu khi một phụ nữ khác có thành tựu, điều kiện, và cuộc sống như hoặc hơn ta. Khi thấy một phụ nữ khác được học bổng đi du học, được thăng chức, hoặc có những niềm vui trong cuộc sống, đừng nghĩ “Đứa đấy chỉ ăn may thôi”,, “Chắc có người chống lưng mới được thế”, hoặc “Có giỏi giang gì đâu”. Vân vân và vân vân. Thay vì sợ bị phụ nữ khác nổi bật hơn mình hoặc sợ phải chia sẻ cơ hội của mình, ta hãy thấy vui vì một người cùng giới với mình đã được trao cơ hội tốt. 

Một người bạn nam, một lần, đã nói với tôi, “Chính ra phụ nữ còn khắc nghiệt và tàn nhẫn với phụ nữ hơn đàn ông.” Tôi cảm thấy có phần xấu hổ khi nghe câu này. Quả thật, nhiều khi phụ nữ sẵn sàng đổ tội hoặc cay nghiệt với một phụ nữ khác, nhưng lại nương tay và rộng lượng với đàn ông. 

Để thay đổi tư duy cũng như sẵn sàng giúp đỡ phụ nữ, ta phải tự hỏi, “Liệu phụ nữ có đang gặp vấn đề gì trong cuộc sống và xã hội không?” Để hiểu những vấn đề mà phụ nữ đang gặp phải, ta phải nhìn rộng ra ngoài xã hội. Tôi thấy, nhiều người chỉ hời hợt nhìn bản thân mình, hoặc mấy người phụ nữ có cùng điều kiện và đặc quyền xung quanh mình, rồi vội vã kết luận, “Phụ nữ có quá nhiều đặc ân, chả gặp phải vấn đề gì trong gia đình, công việc, và cuộc sống.” 

Mặt khác, là người trong cuộc, đôi khi, lại khiến ta không nhìn ra vấn đề. Có những phụ nữ bị chồng hành hạ, đánh đập, nhưng vẫn thấy cuộc sống của mình hoàn toàn bình thường. Thật ra, con người thường có xu hướng kiếm tìm lý do để biện hộ cho tình trạng cuộc sống của mình, thay vì tìm kiếm sự thay đổi. Bởi con người vốn lo lắng liệu đấu tranh để thay đổi có đem lại tương lai tốt hơn không, hay “thực tế mới” còn tệ hơn cuộc sống hiện tại. 

Các nghiên cứu về phong trào xã hội chỉ ra rằng, đối mặt với những khó khăn, đau khổ, bất công, rất ít người đứng lên đấu tranh. Phần lớn, người ta sẽ ngồi yên, “an phận thủ thường”. Những phong trào lớn như Black Lives Matter Movement, hay Me Too Movement, vân vân, chỉ thuộc số hiếm mà thôi.

Vì thế, khi ta nghĩ, giới nữ không gặp bất bình đẳng gì trong cuộc sống, hoặc ta không thấy phụ nữ đứng lên đấu tranh, không có nghĩa là vấn đề không tồn tại.

Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn một tuần mới thật vui! 

 Trương Thanh Mai

Nếu bạn thấy các bài viết trên blog hữu ích, hãy subscribe email để nhận thông tin về bài viết mới hàng tuần

THEO DÕI BLOG QUA EMAIL

Join 1,956 other subscribers

4 thoughts on “Phụ nữ có thể giúp đỡ phụ nữ như thế nào?

  1. Mình thấy không chỉ riêng ngành khoa học chính trị mà các ngành nghiên cứu khác cũng luôn gặp định kiến giới. Hy vọng sắp tới Mai viết 1 bài về định kiến giới trong nghiên cứu bắt nguồn từ đâu

    1. Cảm ơn bạn đã ghé đọc! Mình nghĩ nhìn chung mọi ngành khoa học đều tồn tại định kiến giới, chỉ là ở mức độ nào thôi. Mình sẽ suy nghĩ về đề tài này. Chắc để viết được cũng phải đọc nhiều tài liệu 🙂

Leave a Reply