Luôn đặt câu hỏi tại sao trước khi lập kế hoạch

Hôm trước, một người bạn đang làm nghiên cứu sinh ở Mỹ tôi mới quen, chia sẻ với tôi, bạn đang loay hoay không biết nên theo phương pháp nào để làm việc thật hiệu quả và năng suất.

Bạn kể, năm nào bạn cũng dành cả đống thời gian kiếm tìm, và thử các phương pháp lập kế hoạch công việc khác nhau.

Nhưng bạn không thấy cách tiếp cận nào thật sự hiệu quả. Đến nỗi, giáo sư của bạn còn nói thẳng, “Nếu em dành khoảng thời gian tìm phương pháp làm việc hiệu quả ấy để viết lách và nghiên cứu thì có lẽ em đã…đạt được mục tiêu rồi đấy.”

Bạn buồn rầu nói với tôi, “Không hiểu sao tớ không thể đạt được mục tiêu làm việc hiệu quả và năng suất hơn, mục tiêu mà tớ đã đặt ra mấy năm nay rồi.”

Thật ra, rất nhiều nghiên cứu sinh tiến sỹ (trong đó đã từng có tôi) gặp phải vấn đề như người bạn mới quen của tôi. 

Cứ mỗi kỳ học/ năm học mới, ta lại đặt ra mục tiêu mình muốn đạt được như gửi một bài báo đến tạp chí, viết grants xin tiền làm nghiên cứu, gửi bài đến hội thảo, vân vân. Nhưng đến cuối kỳ học thì gần như ta không đạt được mục tiêu gì, hoặc chỉ đạt được một phần rất nhỏ những gì đặt ra.

Thỉnh thoảng, tôi cũng nhận được tin nhắn của các bạn trẻ than thở, làm sao để có động lực theo đuổi kế hoạch đề ra. Bạn đặt ra kế hoạch học tiếng Anh, đi du học, nâng cao kỹ năng viết, làm việc hiệu quả hơn, sử dụng mạng xã hội một cách thông minh hơn, đọc nhiều sách hơn, vân vân và vân vân, nhưng sau một thời gian kế hoạch vẫn nằm nguyên trên giấy. Lúc mới lập kế hoạch thì ai cũng tràn đầy động lực, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì động lực trốn đâu mất tăm.

Vậy vấn đề ở đây là gì? Tôi nghĩ rằng, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ chúng ta thường đặt sai câu hỏi khi lập kế hoạch.

Phần lớn ta chỉ tập trung vào hai câu hỏi…dễ dãi sau.

Một là, kế hoạch của ta là gì (What)? Ta có thể dễ dàng viết ra giấy, “Năm nay, ta muốn cải thiện kỹ năng viết, đọc nhiều sách hơn, sử dụng thời gian cho mạng xã hội hợp lý hơn, vân vân vân vân.” Ai cũng có thể tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này. 

Hai là, ta có thể thực hiện kế hoạch ấy thế nào (How)? Chẳng hạn, để nâng cao kỹ năng viết tiếng Anh, ta cần dành 60 phút mỗi ngày để viết. Để làm việc hiệu quả hơn, thì theo người bạn tôi mới quen kể trên, ta cần tìm hiểu và làm theo một phương pháp đã được chứng minh là hiệu quả nào đấy.

Dù câu trả lời “How” rất rõ ràng, nhưng nhiều khi ta không theo được đến cùng. Ta   học viết được 2-3 ngày rồi ta bỏ. Ta tự đưa ra lý do, “Thôi hôm nay mình hơi mệt, mai học tiếp vậy.” Và ngày mai chẳng bao giờ đến!

Vấn đề là ở chỗ ta dành ít thời gian nghĩ đến câu hỏi “Tại sao” (Why). Ít khi ta tự hỏi một cách thấu đáo: Tại sao ta muốn nâng cao kỹ năng viết? Tại sao ta muốn đọc nhiều sách hơn? Tại sao ta muốn học tiến sỹ? Tại sao ta muốn lập gia đình/sinh con?

Câu hỏi “Tại sao” cực kỳ quan trọng, bởi nếu không có câu hỏi “Tại sao” mạnh mẽ, ta sẽ không đủ động lực để theo đuổi câu hỏi “How”. Câu hỏi “Tại sao” còn là kim chỉ nam giúp ta tìm đường đến mục tiêu đặt ra. Câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao” khác nhau sẽ dẫn đến các mục tiêu và phương thức hành động khác nhau. 

Một lý do mạnh mẽ còn giúp ta tìm cách vượt qua những trở ngại trên con đường thực hiện mục tiêu. Người bạn tôi mới quen kể trên, nếu có đủ động lực , thì ngay cả không có một cuốn sổ lập kế hoạch nào cả, anh vẫn làm việc được. Mark, nghiên cứu năm thứ 5 ở khoa tôi, cả mấy năm học tiến sỹ, chỉ dùng phần mềm note trên máy tính để ghi những việc cần làm mỗi ngày. Và Mark là một trong những sinh viên làm việc hiệu quả và năng suất nhất tôi từng biết, với 2 bài báo khoa học được xuất bản trên các tạp chí lớn (solo-authored papers).

Thời gian sống và làm việc ở nước ngoài đã dạy tôi cách suy nghĩ thật sâu về câu hỏi “Tại sao” trước khi bắt tay vào thực hiện bất cứ một mục tiêu gì. Ngẫm lại hành trình học hành của mình, có hai sự kiện mà tôi đã rất quyết tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng. Chính vì có câu trả lời mạnh mẽ cho câu hỏi “Tại sao” mà tôi đã có đủ động lực để theo đuổi mục tiêu. Xin chia sẻ với bạn hai kỷ niệm ấy trong bài viết hôm nay. 

Chuyện 1: Thi vào trường chuyên cấp 3

Bắt đầu lên lớp 9, tôi bỗng nhiên quyết tâm thi vào lớp chuyên Anh, thuộc trường chuyên của tỉnh. Suốt mấy năm cấp 2, tôi rất thích và học rất khá tiếng Anh, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định thi vào trường chuyên, mãi cho đến năm lớp 9. Để thi vào lớp chuyên Anh, ngoài tiếng Anh, tôi phải thi cả Toán và Văn. 

Nhưng tôi bị rỗng toán trầm trọng. Mấy năm cấp hai, tôi chỉ thích tiếng Anh và bỏ qua tất cả các môn khác (Haha!) Có lần cô giáo dạy toán còn chia sẻ với mẹ tôi, “Mai bị rỗng toán quá, đến lớp 8, mà vẫn không biết đường trung trực là gì.” Mẹ tôi thật sự rất lo lắng!

Lúc ấy còn nhỏ nên tôi không tự đặt câu hỏi, “Vì sao mình lại muốn học chuyên Anh” và suy nghĩ sâu về câu hỏi ấy. Nhưng sâu thẳm, tôi khát khao học chuyên vì tôi nghĩ, môi trường chuyên Anh sẽ giúp tôi có cơ hội đi du học một ngày nào đó trong tương lai. Tôi viết vào cuốn nhật ký: “Đỗ chuyên Anh và một ngày nào đó mình sẽ đi du học!” 

Vì câu hỏi “Tại sao” mạnh mẽ nên tôi đã tìm mọi cách cải thiện toán. Tôi học ngày học đêm để bù lại những kiến thức toán đã mất suốt cấp 2. Tôi học cùng đứa bạn thân, và cùng nó giải đề các cuối tuần. Cô giáo toán rất ngạc nhiên trước sự tiến bộ của tôi. (Haha!) Và bạn biết không, tôi thi đỗ chuyên và điểm toán của tôi là 7.75, đây là điều không tưởng đối với bản thân tôi, và bất cứ ai biết…trình độ toán của tôi trước đó.

Toán mới chỉ là một thử thách. Một thử thách nữa là mẹ tôi. Vì đợt ấy, gia đình đang có chuyện buồn, nên mẹ muốn tôi thi vào trường THPT gần nhà (cũng là một trường phổ thông tốt), thay vì thi chuyên. 

Nhưng động lực thi chuyên trong tôi lúc ấy rất cao, nên tôi đã sử dụng mọi “kế” để vượt qua thử thách này. Tôi khóc lóc, nhờ bạn bè của mình và của mẹ đến xin mẹ tôi cho tôi đo thi, bỏ ăn, bỏ uống (Haha!). Đến ngày đi thi, tôi cứ thế lẳng lặng đi thi, và khi đỗ thì mẹ đồng ý cho tôi đi học. 

Sau sự kiện này, mẹ cũng thường để tôi tự quyết định các lựa chọn trong cuộc sống của mình. Có lần mẹ bảo tôi, “Mẹ biết khi con muốn làm một việc gì đó thì dù mẹ có cản con vẫn sẽ làm, nên mẹ sẽ để con tự quyết định”.

Chuyện 2: Quyết định làm tiến sỹ

Năm 2016, tôi đang làm việc cho một tổ chức nước ngoài. Công việc 8 tiếng, không quá vất vả, lương ổn định. Nhưng tôi luôn thấy cuộc sống thiếu vắng một ý nghĩa, tôi không thấy vui trong công việc. Lý do là vì, tôi không được làm công việc mình yêu thích là nghiên cứu và viết lách. Thế là tôi quyết định lập kế hoạch xin học tiến sỹ ở Mỹ. Tôi chọn nước Mỹ vì nước Mỹ có nhiều chương trình đào tạo tiến sỹ ngành của tôi rất tốt.

Ngoài ra, lúc ấy tôi quen bạn đồng hành được 2 năm, và tôi cũng muốn sang Mỹ xem chuyện hai đứa có thể tiến xa đến đâu (Hihi!) 

Năm 2016, tôi cũng đủ trưởng thành rồi. Trước khi bắt tay nộp hồ sơ tiến sỹ, tôi suy nghĩ rất sâu về câu hỏi, “Vì sao mình muốn học PhD? Vì sao mình muốn sang Mỹ?”. 

Thật lòng, tôi muốn làm tiến sỹ vì khát khao được theo đuổi con đường nghiên cứu, và viết lách. Tôi rất muốn sau khi tốt nghiệp, sẽ tìm được một vị trí nghiên cứu và giảng dạy ở một trường Đại học ở nước ngoài. 

Tôi luôn nghĩ, chính câu trả lời sâu sắc và rõ ràng ấy cho câu hỏi “Tại sao” mà tôi đã vượt qua rất nhiều lời can ngăn của mọi người xung quanh. 

Có người bảo tôi, “Mình sang đấy làm sao cạnh tranh được với ‘bọn’ tây? Học tiến sỹ khó lắm, không dễ như học thạc sỹ đâu”. Người khác lại nói, “Tầm tuổi đấy mà cũng đâm đầu vào học hành, chưa chán nhỉ?” Tệ hơn nữa, một người từng nói với tôi, “Tôi không nghĩ cô có thể học được PhD.” 

Lúc ấy động lực theo đuổi con đường nghiên cứu sinh rất mạnh, nên tôi phớt lờ các “lời khuyên” ấy! 

Vì có câu trả lời cho câu hỏi “Why” rõ ràng và mạnh mẽ (muốn dạy và làm nghiên cứu ở một trường Đại học ở nước ngoài), nên tôi luôn có động lực để theo đuổi các mục tiêu đặt ra trong quá trình học PhD như xuất bản bài nghiên cứu khoa học, mở rộng mạng lưới các mối quan hệ với các nhà nghiên cứu khác, đi hội thảo, xin grants làm nghiên cứu, vân vân. 

Trên đây là hai trải nghiệm đáng nhớ trên con đường học hành của tôi. Còn bạn, bạn có trải nghiệm gì về động lực để đạt được mục tiêu mà bạn muốn chia sẻ không? Có phải, khi có động lực theo đuổi mục tiêu đến cùng, bạn cũng bắt đầu bằng một câu hỏi “Tại sao” sâu sắc không?

Những câu hỏi tại sao quan trọng trong cuộc đời chúng ta:

Tại sao ta muốn lập gia đình và sinh con (nếu ta là người lựa chọn kết hôn và có con?)

Tại sao ta muốn khoẻ mạnh? (nếu ta có mục tiêu cải thiện sức khoẻ)

Tại sao ta muốn có sự tự chủ về tài chính? (nếu ta đang có mục tiêu thoát khỏi nợ nần, và không cần dựa dẫm tài chính vào cha mẹ hay ai khác)

Tại sao ta muốn thành công trên con đường học hành?  (nếu ta đang có kế hoạch cải thiện tiếng Anh, hay nâng cao một kỹ năng học thuật nào đó)

Tại sao ta muốn giao tiếp tốt hơn với người yêu/ bạn đời? (Nếu ta đang muốn có thể chia sẻ nhiều hơn với người ấy hoặc thấy mối quan hệ đang bế tắc)

Với mỗi khía cạnh trong cuộc sống, hãy đặt câu hỏi “Tại sao” trước khi hành động để thay đổi. Một câu trả lời mạnh mẽ cho câu hỏi “Tại sao” có thể giúp ta duy trì động lực để đạt được mục tiêu đề ra.

Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn tuần đầu tiên của tháng 6 thật nhiều niềm vui nhé!

Trương Thanh Mai

Nếu bạn thấy các bài viết trên blog hữu ích, hãy subscribe email để nhận thông tin về bài viết mới hàng tuần

THEO DÕI BLOG QUA EMAIL

Join 1,959 other subscribers

 

Leave a Reply