
S.H là nghiên cứu sinh năm thứ 2 tại khoa tôi. Tuần trước, tôi và S.H hẹn đi uống cafe để bàn chuyện công việc, bởi cả hai chúng tôi đều hứng thú với các nghiên cứu về phong trào xã hội, và vai trò của mạng xã hội ở các nước đang phát triển. Đang chia sẻ về những bài nghiên cứu khoa học liên quan đến chủ đề này, mới được xuất bản gần đây trên các tạp chí lớn, thì bất ngờ S.H chia sẻ:
“Mai này, tớ cảm thấy luôn luôn tự ti trong thế giới học thuật. Xung quanh tớ toàn là những “crazy guys””
Tôi mới hỏi:
“Crazy guys là những ai? Tớ không hiểu cụm từ đó có nghĩa là gì?”
S.H buồn bã nhìn tôi, thở dài nói:
“Thì là những gã siêu giỏi đó, họ xuất bản bài báo liên tục ở các tạp chí lớn, và thành thạo những phương pháp nghiên cứu vô cùng phức tạp. Quanh tớ toàn siêu nhân, họ sử dụng formal model (game theory) như thần, đọc các bài báo của họ tớ thấy đầu óc họ phải rất thông minh, mới suy nghĩ được như thế. Tớ thấy tớ kém quá!”
Nghe thấy vậy, tôi hỏi S.H:
“Thế điểm mạnh của cậu là gì? Điểm mạnh trong nghiên cứu ý”
S.H nhấn mạnh cậu thấy cậu không có điểm mạnh gì. Đến khi tôi khẳng định rằng, ai cũng phải có một điểm mạnh, một khả năng gì đấy, thì cậu bảo rằng có lẽ networking- khả năng xây dựng mạng lưới với các nhà nghiên cứu khác ở trong cộng động học thuật là thế mạnh của cậu.
“Vậy hãy tập trung vào thế mạnh của cậu, và biến nó thành lợi thế trong nghiên cứu. Đừng quá để ý đến điểm mạnh của người khác!”
S.H là một nghiên cứu sinh đến từ châu Á, và tôi thấy có rất nhiều điểm tương đồng với cậu. Khi mới sang Mỹ làm nghiên cứu sinh, tôi cũng giống như cậu, luôn tự ti vào bản thân, không biết và thậm chí không nghĩ mình có điểm mạnh gì đặc biệt.
Những người bạn Mỹ của tôi lại khác hẳn. Isabella, cô bạn thân của tôi, ngay từ năm đầu tiên đã tự tin nói, “Viết là thế mạnh của tớ, còn toán thì không hẳn.” Alexis cũng chia sẻ với tôi, “Điểm mạnh của tớ là khả năng chú ý đến những chi tiết nhỏ, đặc biệt mà nhiều người không để ý đến.”
Hầu hết những người bạn Mỹ của tôi đều tự tin thừa nhận điểm yếu cần phải cải thiện của bản thân, và dám thể hiện thế mạnh của mình.
Khi mới theo đuổi con đường PhD, tôi cũng rất bất ngờ khi chính các giáo sư cũng không ngần ngại thừa nhận điểm mạnh, điểm yếu của mình. Trước đây, tôi cứ nghĩ các giáo sư phải luôn tỏ ra là mình biết hết, biết tuốt, điều gì cũng giỏi cũng siêu. Có lần, giáo sư hướng dẫn tôi chia sẻ với tôi:
“Tôi không phải là một người có trí thông minh hình ảnh – visual thinker. Tôi cũng không phải người sử dụng các phương pháp nghiên cứu quá phức tạp. Tôi giỏi viết và phát triển lý thuyết, lập luận hơn.”
Rồi thầy cười và nói tiếp:
“Vì thế tôi luôn tìm những người giỏi phương pháp hơn tôi để hợp tác nghiên cứu.”
Có lần tôi tự hỏi, “Vì sao những bạn bè và giáo sư “Tây” của tôi lại có tư duy về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân khác với nhiều sinh viên châu Á đến thế? Tại sao họ dám tự tin khẳng định thế mạnh, và thừa nhận điểm yếu của bản thân?”
Tuy không làm nghiên cứu về lĩnh vực này, nhưng từ quan sát và trải nghiệm của bản thân, tôi nghĩ rằng, cách chúng ta được dạy về tư duy và thái độ đối với điểm mạnh, điểm yếu của bản thân khi còn nhỏ đã ảnh hưởng rất nhiều đến tư duy của ta khi trưởng thành.
Ngay từ khi còn học ở nhà trẻ, cho đến khi học cấp 3, trẻ em ở nhiều nước phương Tây luôn được định hướng tìm ra điểm mạnh của bản thân. Giáo viên sẽ để ý xem một học sinh có khuynh hướng giỏi ở điểm nào (một môn học nào đó, hoặc một kỹ năng nào đó như giao tiếp, khả năng thấu cảm với mọi người xung quanh, khả năng để ý đến chi tiết nhỏ, khả năng nhận biết những loài động thực vật, vân vân và vân vân), và hỗ trợ để học sinh phát triển kỹ năng đó.
Ngoài ra, ngay từ nhỏ, trẻ em đã được dạy rằng, mỗi cá thể là riêng biệt, với những điểm mạnh điểm yếu khác nhau. Không có ai giỏi mọi thứ, và không có ai kém mọi thứ.
Ngược lại, cách một đứa trẻ được giáo dục ở Việt Nam từ nhỏ có thể làm triệt tiêu khả năng nhận biết điểm mạnh, yếu của nó. Có thể bây giờ, nên giáo dục đã khác rất nhiều, nhưng hồi tôi còn đi học, thì tư duy giáo dục của thầy cô và cha mẹ về “giỏi và dốt” đã ảnh hưởng rất nhiều đến cách tôi nhìn nhận khả năng của bản thân.
Tôi còn nhớ, hồi đi học, khái niệm “điểm mạnh” được gia đình và nhà trường định nghĩa khá hẹp, và một chiều. Cụ thể, một học sinh được coi là mạnh, là giỏi nếu em đó giỏi các “môn chính” như toán, lý, hoá, Anh. Mà giỏi các môn này nghĩa là đạt điểm cao mỗi học kỳ, hoặc dành được các giải thưởng học sinh giỏi các cấp (dù để đạt điểm cao hay dành giải thì chỉ cần luyện đề thật nhiều, thật nhiều mà thôi). Nếu không nổi trội các môn chính này thì bị coi là…kém, không thông minh lắm.
Lại nữa, nhà trường và gia đình chỉ định hướng xem một sinh viên giỏi (tức là được điểm cao) một môn nào đó, mà không chú ý đến những kỹ năng quan trọng khác. Điều này khiến học sinh ít khi đặt câu hỏi tại sao mình lại giỏi hay hứng thú với môn học đó. Ví dụ, tôi học rất khá môn tiếng Anh khi học cấp 2,3 nhưng tôi ít khi tự hỏi mình có khả năng gì khiến mình thích và học khá tiếng Anh. Mãi sau này, tôi mới nhận thấy là bản thân khá tiếng Anh vì tôi có khả năng nhớ nhanh, có thể học cách viết của người khác và biến thành của mình, và có sự quyết tâm rất cao. Chính những khả năng này giúp tôi đi xa trên con đường học hành chứ không phải là giỏi tiếng Anh chung chung.
Chỉ tập trung vào một môn học nhất định khiến học sinh không có khả năng tự đào sâu vào bên trong con người mình để hiểu khả năng thật sự của mình là gì.
Một điều tôi thấy rất buồn cười là nhiều giáo viên và phụ huynh đánh giá cao những học sinh…giỏi đều, nghĩa là điểm môn nào cũng cao. Đây là lời động viên làm triệt tiêu khả năng kiếm tìm điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mạnh mẽ nhất. Bởi đơn giản là không ai có thể giỏi mọi thứ, khi được khen “cái gì cũng giỏi” thì có nghĩa là ta không mạnh gì cả. Tôi quan sát thấy, những bạn “giỏi đều” sau này khi trưởng thành lại loay hoay kiếm tìm sở trưởng của bản thân lâu nhất.
Vì thế, thay vì “ép” một học sinh giỏi mọi thứ, ta hãy quan sát xem em học sinh đó có khả năng gì nổi trội, tìm cách để em ấy phát triển khả năng ấy. Nhưng hãy nhìn rộng ra ngoài các môn học, mà để ý quan sát xu hướng, khả năng, kỹ năng của em đó đối với các môn học và môi trường xung quanh. Khả năng để ý đến chi tiết nhỏ, quan tâm đến bạn bè xung quanh, khả năng suy nghĩ bằng hình ảnh, vân vân, vân vân, sẽ có giá trị đối với cuộc sống của một học sinh/sinh viên sau khi trưởng thành, hơn là một lời khen chung chung chung là em ấy giỏi toán, giỏi tiếng Anh, giỏi lý hoá…
Làm tiến sỹ giúp tôi nhận ra rằng, hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân cực kỳ quan trọng. Chỉ khi hiểu bản thân, ta mới biết ta cần làm gì để đạt được những mục tiêu trong cuộc sống. Chẳng hạn, vì biết rõ điểm mạnh của tôi là viết và có góc nhìn thú vị, và điểm yếu là không sử dụng thành thạo những phương pháp định lượng quá phức tạp, nên tôi thường cố gắng hợp tác xuất bản với những bạn nghiên cứu sinh giỏi hơn tôi ở mảng phương pháp. Tôi sẽ đưa ý tưởng, lập luận, và bạn sẽ góp ý phần phương pháp.
Vậy làm thế nào để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân? Xin chia sẻ với bạn những lời khuyên mà tôi đã nhận được từ các giáo sư. Biết đâu những chia sẻ này sẽ hữu ích với bạn, ngay cả khi bạn không theo con đường nghiên cứu sinh.
Thay đổi tư duy về thế mạnh của bản thân
Bước đầu tiên trên hành trình kiếm tìm điểm mạnh, điểm yếu của bản thân là hiểu rằng: Mỗi cá nhân có những đặc điểm riêng biệt, với những thế mạnh và điểm yếu khác nhau. Không ai giỏi tất cả mọi thứ, và không ai kém mọi thứ. Các giáo sư hay nói với chúng tôi, “Bộ óc của mỗi người là khác nhau, và vì thế cách mỗi cá nhân suy nghĩ, và tư duy cũng rất khác nhau, không ai giống ai.” Tôi rất thích điều này!
Ta cũng cần phải có tư duy cởi mở, “rộng rãi” về thế mạnh của bản thân. Đừng chỉ nhìn chằm chằm vào một môn học nào đó, hoặc một khả năng cụ thể mà gia đình hay xã hội định ra. Điểm mạnh của bản có thể là khả năng tập trung cao độ, một tính cách khiến nhiều người xung quanh yêu mến, khả năng để ý đến những chi tiết nhỏ hoặc có cái nhìn tổng thể (big picture thinking), khả năng tư duy logic, khả năng kết nối với người khác, thiên nhiên hoặc động vật, khả năng viết/nói/thuyết phục người khác, vân vân và vân vân.
Luôn quan sát xu hướng của bản thân
Một giáo sư đã khuyên chúng tôi, để tìm xem mình giỏi gì, hãy coi mình như một “quan sát” (observation) trong một bộ số liệu lớn. Trong bộ số liệu đó, mỗi quan sát là bản thân bạn ở một thời điểm nhất định. Luôn để ý xem điều gì làm bạn thích thú, điều gì bạn làm giỏi hơn những người khác, và điều gì người khác làm rất tốt, rất nhanh nhưng bạn phải mất thời gian mới hiểu. So sánh tương quan với người khác không phải để bạn cảm thấy “hỡm hĩnh” khi mình làm tốt điều gì đó hơn bạn bè xung quanh, hoặc cảm thấy ủ rũ buồn rầu khi ai đó hơn mình ở kỹ năng nào đó. Đây là thái độ cần tránh trên hành trình hiểu thế mạnh của bản thân.
Điều quan trọng là bạn phải quan sát chính mình trong một thời gian đủ dài. Ví dụ, khi mới học PhD, tôi không chắc chắn điểm mạnh của mình là gì. Sau khi nộp bài bình luận đầu tiên, giáo sư nhận xét tôi viết logic, rõ ràng, mạch lạc, khiến người đọc dễ dàng hiểu được lập luận của tôi, tôi vẫn chưa nghĩ đây là điểm mạnh của mình. Nhưng sau mấy năm, tôi để ý thấy, tôi thường xuyên nhận được lời nhận xét này, và so với nhiều bạn bè khác, tôi không gặp quá nhiều khó khăn khi viết một bài nghiên cứu. Dần dần, tôi nhận ra, viết là điểm mạnh của bản thân.
Mặt khác, tôi không phải là một người tư duy bằng hình ảnh- visual thinker. Lần đầu tiên tôi nhận ra điều này là trong bài thuyết trình môn Authoritarian Regimes cuối kỳ năm thứ nhất. Một người bạn cùng lớp tôi trình bày hàng loạt biểu đồ về xu hướng kinh tế ở Nam Mỹ. Phải mất một lúc lâu, tôi mới hiểu biểu đồ đang nói gì (haha!). Dần dần tôi quan sát thấy, trong khi nhiều bạn bè tôi thích trình bày bài nghiên cứu với nhiều hình ảnh, biểu đồ phức tạp, tôi lại thích dùng từ ngữ và bảng biểu bình thường để thể hiện quan điểm của mình. Ngoài ra, khi nhìn một biểu đồ phức tạp, tôi cần nhiều thời gian hơn để hiểu so với các bạn khác.
Hỏi lời khuyên của những người bạn tin tưởng
Nếu bạn có một ai đó thật sự hiểu bạn và thật lòng muốn bạn tiến bộ và đi được xa trong cuộc sống, bạn có thể thẳng thắn hỏi họ nghĩ thế nào về điểm mạnh, điểm yếu của bạn. Người đó có thể là cha mẹ, thầy cô, sếp, hoặc đồng nghiệp của bạn- những người hiểu và mong điều tốt cho bạn.
Tôi may mắn có giáo sư hướng dẫn rất tốt, thầy thật lòng muốn tôi thành công sau khi làm PhD. Gần đây, khi nói về định hướng nghề nghiệp tương lai của tôi hậu PhD, thầy rất khuyến khích tôi theo con đường học thuật vì thầy nhận thấy điểm mạnh của tôi là viết, và luôn có ý tưởng góc nhìn nghiên cứu thú vị.
Ngoài ra, khoa tôi gửi thư nhận xét đến từng nghiên cứu sinh hàng năm. Trong thư luôn nêu rõ những điều một sinh viên làm tốt và những điều sinh viên cần cải thiện. Điều này thật sự hữu ích cho sinh viên.
Và nếu đã tìm ra thế mạnh của mình, thì ta hãy thôi nhìn ngó xung quanh và so sánh bản thân với người khác. Mà thay vào đó hãy tập trung vào bản thân mình, vào những điều ta yêu thích, và làm tốt nhất!
Hi vọng bạn thấy bài chia sẻ tuần này hữu ích. Chúc bạn một tuần làm việc mới thật nhiều niềm vui!
Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog!
Trương Thanh Mai