Những lời khuyên hữu ích tôi thu lượm được về học tiến sỹ

EC050788-50BA-4FE8-8388-F493F8E23727

Jane là cô nghiên cứu sinh năm nhất khoa văn học tôi tình cờ quen qua một người bạn. Tôi gặp Jane lần đầu khi cô vừa chuyển đến Arizona để học tiến sỹ. Ngay lần đầu gặp, tôi đã cực kỳ ấn tượng với cô. Jane nhỏ nhắn với mái tóc đen dài ngang lưng, cô nói chuyện dễ thương và cực kỳ thông minh.

Ba tuần sau, tôi tình cờ gặp lại Jane ở thư viện. Tôi suýt không nhận ra cô, ánh mắt và nụ cười vô tư trên khuôn mặt nhỏ nhắn biến mất, nhường chỗ cho sự lo lắng và suy tư. Cô bất ngờ hỏi tôi:

“Sao Mai trông không có vẻ gì là căng thẳng thế? Chương trình tiến sỹ của cậu có vẻ ‘thư giãn’ hơn của bọn tớ. Tớ học cả ngày mà không lúc nào cảm thấy hết việc. Thật là căng thẳng!”

Tôi lắc đầu, thanh minh:

“Không phải đâu. Tớ đã học đến năm thứ ba, nên đã quen với khối lượng công việc, và đã tìm được phương pháp làm việc phù hợp với bản thân. Đừng lo lắng quá, dần dần cậu sẽ quen thôi.”

Lời động viên của tôi dường như không làm Jane bớt lo lắng. Cô nhìn tôi chăm chú và hỏi:

“Theo cậu, những nghiên cứu sinh thành công có bí quyết gì đặc biệt không?”

Câu hỏi của Jane khiến tôi suy nghĩ mãi trên đường từ thư viện về văn phòng. Tôi mới bắt đầu năm thứ ba, nghĩa là tôi còn gần ba năm nữa mới kết thúc chương trình tiến sỹ. Chặng đường của tôi còn dài và kinh nghiệm của tôi không đủ nhiều để cho cô lời khuyên đúng đắn. Nhưng tôi vẫn muốn giúp cô điều gì đó.

Tôi chợt nhớ ra, khi mới vào năm thứ nhất, tôi có tham gia mấy hội thảo (workshops) của trường dành cho graduate students. Nội dung các buổi hội thảo này xoay quanh cuộc sống của graduate studens, như làm sao để cân bằng công việc và cuộc sống, làm sao để quản lý thời gian và tận dụng tối đã nguồn lực để phát triển và ‘toả sáng’ ở chương trình tiến sỹ. Thế là, vừa về đến văn phòng, tôi vội vàng nhắn tin cho Jane và khuyên cô tham gia mấy hội thảo này.

Trong bài viết tuần này, tôi chia sẻ với bạn đọc một số lời khuyên hữu ích mà tôi lượm nhặt được từ những hội thảo này, và từ những quan sát của tôi.

Hãy coi nghiên cứu là một công việc

 Trước khi bắt đầu chương trình tiến sỹ, thay vì nghĩ ta chuẩn bị đi học, hãy nghĩ ta vừa được nhận một công việc toàn thời gian. Tôi thích nghĩ rằng, tôi đang làm việc cho một công ty nghiên cứu với vai trò một thực tập sinh, và tôi đang học cách để trở thành một nhà nghiên cứu độc lập. Cách tư duy này giúp tôi tiếp cận việc học tiến sỹ một cách chủ động hơn. Tôi tìm mọi cách để được thực hành nghiên cứu thay vì chỉ học từ sách vở.

Ví dụ, tôi luôn tìm cơ hội để làm việc với các giáo sư, và các bạn nghiên cứu sinh có nhiều kinh nghiệm hơn tôi. Tôi luôn mong được học hỏi từ những người xung quanh mình. Ngay từ năm thứ nhất, thầy hướng dẫn đã nói với tôi, phải học cách cân bằng giữa việc học trên lớp và làm nghiên cứu riêng. Nếu tôi chăm chỉ lên lớp, dành được rất nhiều điểm A, nhưng không thực hành viết, phân tích số liệu thực tế, thì cũng không có lợi cho hồ sơ của tôi.

Lại nữa, thời gian làm việc của một nghiên cứu sinh có thể rất linh động. Không ai đặt ra mấy giờ bạn phải có mặt ở văn phòng, hay số lượng thời gian bạn cần dành cho công việc. Điều này đặc biệt đúng khi bạn theo học tiến sỹ ở những nước không yêu cầu học coursework, hoặc khi bạn đã hoàn thành coursework và bước vào giai đoạn viết luận văn. Tôi chưa đến giai đoạn viết luận văn, nhưng mấy người bạn của tôi đang ở giai đoạn này thường than thở rằng: “Chẳng hiểu sao khi có nhiều thời gian để viết hơn, tớ lại chẳng sắp xếp được thời gian. Thời gian càng linh động, tớ lại càng cảm thấy trì trệ.”

Trong một workshop về học tiến sỹ mà tôi tham gia, các giáo sư khuyên rằng, hãy coi việc viết luận văn là một công việc. Một người bạn của tôi coi việc viết luận văn là một công việc văn phòng 8 tiếng. Bạn đến văn phòng đúng 8 giờ sáng và làm việc một cách nghiêm túc đến 5 giờ chiều. Bạn nói khi áp dụng phương pháp này, bạn thấy hoàn thành được nhiều việc hơn hẳn trước đây, khi bạn làm việc vô tổ chức không có kế hoạch cụ thể.

“Quản lý” mối quan hệ với giáo sư hướng dẫn

 Có lẽ ai cũng hiểu, giáo sư hướng dẫn có vai trò lớn nhất đối với sự thành công của bạn. Nhưng giáo sư của bạn cũng vô cùng bận rộn. Ngoài việc hướng dẫn bạn, họ còn phải dạy học, làm nghiên cứu, tham gia hội thảo và làm nhiều công việc hành chính khác. Vì vậy, bạn có nhận được sự chú ý của họ hay không phụ thuộc phần lớn vào bạn. Và tôi để ý thấy, cách tốt nhất để ‘tối đa hoá’ sự giúp đỡ từ người hướng dẫn là chủ động đặt ra các cuộc họp thường xuyên (1 hoặc 2 tuần một lần, tuỳ thuộc vào bạn). Ta cũng nên có một “chương trình họp” cụ thể trước khi gặp giáo sư hướng dẫn.

Tôi và giáo sư hướng dẫn thường họp một tuần một lần để bàn về những dự án tôi đang tham gia (với thầy và với những người khác). Tôi cũng thường xuyên chia sẻ với giáo sư những bước tiến, dù nhỏ nhất trong công việc của tôi, như xin được tài trợ làm nghiên cứu, tham gia hội thảo, hay những ý tưởng nghiên cứu mới.

Viết thường xuyên

 Đây là lời khuyên mà tôi thường xuyên nhận được từ các giáo sư và những bạn nghiên cứu sinh có kinh nghiệm hơn. Đừng đợi đến giai đoạn “viết” mới viết. Ngay khi bắt đầu một dự án mới, hãy bắt tay viết càng sớm càng tốt. Trước khi thu thập số liệu, ta có thể viết phần giới thiệu (introduction), cơ sở lý thuyết (literature review) và giả thuyết của bạn (hypotheses).

Tôi luôn viết phần giới thiệu đầu tiên, vì nó giúp tôi trả lời một số câu hỏi quan trọng liên quan đến nghiên cứu của mình như: Vì sao nghiên cứu của tôi lại quan trọng? Nghiên cứu của tôi đóng góp gì cho kiến thức liên quan đến chủ đề mà tôi quan tâm? Lập luận chính của tôi là gì? Những phát hiện chính của tôi là gì (khi chưa chạy số liệu, tôi sẽ viết về những phát hiện mà tôi mong muốn sẽ tìm ra), và outline cả bài viết của tôi là như thế nào?

Tất nhiên, tôi sẽ phải chỉnh sửa nhiều sau khi đã hoàn thành tất cả các bước của một nghiên cứu, nhưng viết phần nghiên cứu đầu tiên giúp tôi có cái nhìn tổng quát về nghiên cứu của mình.

Sau khi đã viết xong, hãy gửi cho người khác để xin góp ý! Tôi và thầy hướng dẫn đang thực hiện một nghiên cứu (mà tôi nghĩ là rất thú vị :D), thầy khuyên tôi viết trước phần giới thiệu, phần literature review, và những lập luận chính của chúng tôi, và gửi cho một số giáo sư khác để xin ý kiến. Sau khi đã nhận được ý kiến đóng góp từ người khác, chúng tôi sẽ bắt tay vào thiết kế khảo sát.

Hãy đặt ra những kỳ vọng thực tế

Tất cả các hội thảo về học tiến sỹ mà tôi đã tham gia đều khuyên sinh viên PhD nên có những kỳ vọng thực tế. Họ nói rằng, nhiều bạn sinh viên khi mới bắt đầu chương trình PhD đều kỳ vọng sẽ có đóng góp to lớn cho kiến thức của nhân loại. (Trước khi đi học tiến sỹ, tôi cũng nghĩ như vậy đó!) Nhưng thật ra, năm năm học PhD là năm năm bạn đang học làm nghiên cứu. Họ khuyên rằng, luận văn của bạn không cần phải hoàn hảo. Khát khao sự hoàn hảo có thể sẽ kéo dài thời gian làm PhD. Mấy người bạn đang ở giai đoạn viết luận văn đều nói với tôi: “A perfect thesis is a done thesis.” Bạn không cần một luận văn hoàn hảo, bạn chỉ cần hoàn thành luận văn ấy.

Tôi chưa đến giai đoạn viết luận văn, nhưng tôi cũng áp dụng lời khuyên này khi viết bài nghiên cứu cuối kỳ, và các bài nghiên cứu gửi cho các tạp chí khoa học.

Tìm kiếm sự giúp đỡ

 Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết. Cách giáo dục ở Việt Nam có thể khiến ta ngại nói “tôi không biết”, hoặc ngại người khác biết điểm yếu của mình. Nhưng không ai có thể giỏi tất cả mọi thứ. Sau một thời gian theo PhD, bạn sẽ dần nhận ra bạn mạnh ở điểm nào và cần cải thiện ở điểm nào. Ngoài tìm kiếm sự giúp đỡ, bạn hãy tìm kiếm cơ hội làm việc với những người giỏi những kỹ năng mà bạn cần cải thiện. Tôi “học lỏm” cách này từ thầy hướng dẫn và thấy rất hiệu quả!

Để hoàn thành chương trình tiến sỹ, bạn cần 10% thông minh và 90% kiên trì, nhẫn nại.

Ai ai cũng nói với tôi như vậy! Tôi chưa hoàn thành chương trình tiến sỹ nên không thể kiểm chứng được lời khuyên này. Đúng là bạn không cần phải thông minh xuất chúng để học tiến sỹ, nhưng bạn phải thật sự quyết tâm và kiên trì!

Trên đây là một số lời khuyên tôi thu lượm được từ sách, từ những cuộc trò chuyện với các giáo sư và bạn bè, và từ một số hội thảo về học tiến sỹ tôi đã từng tham gia. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho những bạn nào chuẩn bị theo con đường nghiên cứu sinh!

Bạn có thể đọc thêm một số bài tôi viết về học tiến sỹ tại đây:

https://sunflowerfields.blog/2018/03/04/hoc-tien-sy-khac-hoc-dai-hoc-va-thac-sy-nhu-the-nao/

https://sunflowerfields.blog/2019/02/03/nhung-hieu-lam-ve-hoc-tien-sy/

https://sunflowerfields.blog/2018/03/11/hoc-phd-co-cuc-khong/

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi. Chúc bạn một tuần mới tràn đầy năng lượng

Thanh Mai

 

 

 

Leave a Reply