Xin chào tuổi 33

3576C824-B95F-4E72-956F-0993C51AB5AF

Vậy là tôi chính thức bước sang tuổi 33 được 5 ngày rồi. Tôi định viết một bài trên blog vào đúng ngày sinh nhật mình (26/5), nhưng công việc bận quá nên mãi đến hôm nay tôi mới có thời gian rảnh để chia sẻ những cảm xúc của mình về tuổi 33. Sinh nhật năm nay vào đúng đợt Covid, nên “bữa tiệc” sinh nhật chỉ có tôi và bạn đồng hành. Suốt 3 tháng qua, kể từ khi làm việc ở nhà, gần như ngày nào tôi và bạn đồng hành cũng nấu bữa tối tại nhà. Nhưng nhân dịp sinh nhật, chúng tôi quyết định ăn tối ở nhà hàng Italia mà chúng tôi rất thích. Bang Arizona đã sẵn sàng mở cửa một số hoạt động kinh tế, dù còn nhiều hạn chế. Suốt thời gian có lệnh ở nhà và thực hiện giãn cách xã hội, các nhà hàng được phép mở cửa nhưng khách hàng chỉ có thể order đồ ăn và mang về. Gần đây, các nhà hàng đã bắt đầu mở cửa thật sự, nhưng chỉ giới hạn số lượng khách nhất định. Các bàn ăn được sắp xếp cách nhau khá xa, nhà hàng cũng phục vụ ít món hơn, chỉ tập trung vào những món được nhiều người yêu thích. May quá món gà nấu Zucchini mà tôi thích vẫn chễm trệ trên menu. Chúng tôi vừa thưởng thức đồ ăn thơm phức, vừa kể cho nhau nghe những kỷ niệm về ngày sinh nhật từ thời thơ bé. Bao kỷ niệm vui cứ thế tuôn trào. Bất chợt, bạn đồng hành hỏi tôi: “Em có cảm xúc gì khi bước sang tuổi 33, kể cho anh nghe nào?”.

Cảm xúc gì ư? Nhiều lắm! Tôi có những rung cảm rất đặc biệt khi bước sang tuổi 33.

Tôi cảm thấy cuộc đời mình mới chỉ thật sự bắt đầu, mặc cho người ta hay nói “gái 30 tuổi đã toan về già”

Ngày bé, cứ gặp “cô chú” nào tầm 29, 30 , 31, 32…tuổi, tôi đều nghĩ “ước gì mình cứ bé mãi, mình không thích già như thế đâu”. Mà cũng không cần phải quay ngược thời gian xa đến thế đâu. Chỉ 10 năm trước thôi, khi mới 23 tuổi, cứ nghĩ đến khi mình 30, 33 tuổi là tôi thấy rợn tóc gáy. Nghĩ sao mà sợ già thế. Thế mà khi đã bước sang cái tuổi ấy, tôi lại thấy mình vẫn thật trẻ, và cuộc sống mới thật sự bắt đầu! Đúng ra, đối với tôi một cuộc sống thật sự ý nghĩa bây giờ mới bắt đầu. Tôi thấy trân trọng, và yêu cuộc sống hiện tại hơn bao giờ hết.

Những năm tháng 20, tôi không rõ tôi thật sự mong muốn điều gì trong cuộc đời này, tôi là ai, và vị trí của tôi trong cuộc đời này là gì. Tôi cũng cứ loay hoay tìm kiếm cảm giác hạnh phúc. Tôi có thấy hạnh phúc không? Và điều gì khiến tôi thật sự hạnh phúc? Có những lúc tôi cảm thấy mình gần tìm được câu trả lời cho những câu hỏi ấy rồi, nhưng rồi tôi lại tìm cách gạt nó đi, vì tôi thấy mình khác biệt với khuôn mẫu xã hội. Thật ra, từ ngày bé đến những năm 20 tuổi, tôi luôn cảm thấy mình có điều gì đó “không bình thường”. Một lần tôi đã chia sẻ với một người bạn: “Tớ cảm thấy tớ không kết nối (connect) được với nhiều người. Tớ cảm thấy những thứ tớ quan tâm khác với những gì mà bạn bè xung quanh quan tâm”. Tôi hay cảm thấy lạc lõng! Thế là tôi cứ loay hoay đi tìm một vị trí cho mình trong cuộc sống này.

Những ngày ấy, tôi luôn thấy cuộc sống của mình nhạt nhẽo và vô vị. Đã có lần tôi viết: “Cuộc sống của mình không có chút ý nghĩa gì cả”. Vì thế, tôi thật sự cảm thấy mình đã sống có ý nghĩa khi bước sang tuổi 30, khi mà tôi đã ít nhiều hiểu được tôi là ai, tôi muốn gì và có thể đóng góp gì cho cuộc đời này.

Quá trình mê mải kiếm tìm ấy giúp tôi nghiệm ra một điều: con đường tìm kiếm một cuộc sống ý nghĩa của mỗi người là khác nhau. Điều đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của tôi có thể sẽ không hề khiến bạn hạnh phúc. Có những người tìm thấy ý nghĩa cuộc sống khi mới 20 tuổi, người khác phải đợi mãi đến khi 25 tuổi mới lờ mờ thấy vị trí của mình ở cuộc đời này, có người lại phải đến năm 30 tuổi, 40 tuổi, thậm chí là hơn thế nữa. Không có nhanh, có chậm, có đúng, có sai, chỉ có những khác biệt! Mỗi chúng ta là một cá thể độc lập với phông nền văn hoá, nền tảng gia đình, trải nghiệm tuổi ấu thơ, những mối quan hệ xã hội khác nhau, và những yếu tố ấy chắc chắn sẽ bổ trợ, ảnh hưởng lẫn nhau và định hướng cuộc đời ta.

Sự trải nghiệm và chín chắn ở tuổi 33 khiến tôi cảm nhận thế giới xung quanh sâu sắc hơn bao giờ hết. Một cuốn sách tôi “chê” nhàm khi đọc ở năm 22 tuổi, giờ đây có thể khiến tôi rung động rơi nước mắt và nghĩ mãi về nó không thôi. Tiếng đạp cánh nhè nhẹ của những chú chim Hummingbirds khi đang thưởng thức mật ngọt của bông hoa dâm bụt cũng đủ làm tôi lâng lâng hạnh phúc. Tiếng đạp cánh nhè nhẹ ấy cũng gợi trong tôi biết bao câu hỏi thú vị về thiên nhiên, về vai trò của loài người trong thế giới này. Sự hiếu thắng, ngoan cố của tuổi 22 nhường chỗ cho những suy tư, chiêm nghiệm của tuổi 33. Ngày trước, cứ phải thắng bằng được trong mọi cuộc tranh luận, tôi mới thấy hả. Nhưng giờ đây, một mối quan hệ tốt đáng giá hơn sự hơn thua khi tranh luận. Ngày chuẩn bị cắp sách sang Mỹ làm PhD, có người bảo tôi: “Tuổi đấy rồi, mà phải quay lại học toán, rồi đọc lắm sách vở thế, chắc chán lắm nhỉ?” Ấy vậy mà, sự tò mò về cuộc sống xung quanh trong tôi vẫn tràn đầy như một chú mèo lần đầu lạc vào một khu rừng bí ấn. Cảm giác hào hứng, say mê, sung sướng luôn quyện chặt lấy tôi bất cứ khi nào tôi hiểu được một công thức toán học, tìm ra được lỗi sai khi lập trình, hay giải thích được một hiện tượng xã hội mà tôi quan tâm. Không! Sự tò mò và tính ham học của một người không phụ thuộc vào tuổi tác của họ!

Bước sang tuổi 33, và tôi hiểu rằng câu hỏi khó nhất mà tôi cần trả lời là “Tôi là ai?”

Từ khi bước chân vào con đường nghiên cứu, tôi đã đối mặt với biết bao câu hỏi nghiên cứu khó nhằn. Dù khó đến đâu, chỉ cần tôi thật sự suy nghĩ đến nó, và dưới sự trợ giúp của các giáo sư, tôi có thể tìm được câu trả lời cho câu hỏi ấy. Có thể không hoàn chỉnh, nhưng tôi nghĩ tôi đã phần nào hiểu được hiện tượng xã hội mà tôi muốn khám phá. Nhưng tôi luôn không hài lòng với câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”. Có lúc tôi như sắp nhảy cẫng lên sung sướng vì nghĩ tôi đã hiểu bản thân mình. Nhưng giây phút sau, tôi lại hoàn toàn ngạc nhiên trước những quyết định, suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chính mình. Và rồi, tôi chợt nhận ra, “chính ra mình cũng không hoàn toàn hiểu mình là người thế nào đâu”. Nhưng tôi cũng hiểu, những quyết định, suy nghĩ, cảm xúc ấy không phải “ngẫu nhiên”, nghĩa là chúng nói rất nhiều điều về con người tôi, cả những mặt tốt và mặt xấu. Và khi ngẫm nghĩ về những điều ấy, tôi hiểu, chúng có thể có nguyên nhân rất sâu xa: Những tổn thương thời thơ ấu, môi trường tôi lớn lên suốt thời niên thiếu, những mối quan hệ trong quá khứ, những người bạn tôi đã gặp, vân vân và vân vân. Tôi tin, tôi của ngày hôm nay là sản phẩm của mọi trải nghiệm, mọi nỗi đau, niềm vui, và các mối quan hệ từ khi tôi có mặt trên cuộc sống này! Những năm 20 tuổi, tôi nghĩ về những cảm xúc, suy nghĩ của mình và không ngừng trách cứ bản thân mình. Tôi né tránh và “ghét” những mặt tối của bản thân. Nhưng giờ đây, tôi “phân tích” cảm xúc không phải để hằn học, hay thoả mãn với bản thân mình mà chỉ để hiểu mình hơn thôi, để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: “Tôi thực sự là ai?”, và “Ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì?”.

Hành trình đi tìm chính mình là một hành trình dài! Có những lúc ngỡ tìm ra ta rồi, nhưng không phải, thế là ta lại loay hoay tìm lại từ đầu. Nhưng không sao, hiểu chính mình có lẽ là thành tựu đáng tự hào nhất của một cá nhân!

Bước sang tuổi 33, và tôi hiểu rằng cuộc sống của ta một phần là do số phận định sẵn, một phần là do ý chí của ta.

Và tôi muốn tin rằng, ý chí có vai trò quan trọng hơn số phận. Không ai có thể quyết định mình sinh ra ở đâu, khoẻ mạnh hay yếu ốm, giàu hay nghèo, bố mẹ là ai, gia đình thuộc tầng lớp nào trong xã hội, vân vân và vân vân. Những yếu tố không thể thay đổi ấy đương nhiên ảnh hưởng đến số phận của ta, nhưng với ý chí, tôi tin, ta có thể tự vẽ được số phận cho mình. Nói thế không có nghĩa là những người không có đủ ý chí để vượt lên số phận của họ là đáng trách. Ta cần hiểu rằng, có được một ý chí như thế cũng là một điều đáng trân trọng, mà không phải ai cũng có may mắn kiếm tìm được. Ta có thói quen đánh giá người khác dựa trên góc nhìn và trải nghiệm của mình. Mỗi người chỉ sống một cuộc đời duy nhất, và rất khác với những cuộc đời của người khác, nhưng ta lại hay lấy ta làm tiêu chuẩn để đánh giá người khác. Tôi tin rằng, chỉ trừ khi ta đi qua đúng niềm vui và nỗi đau mà người khác trải nghiệm, ta mới thực sự cảm nhận được những xúc cảm của họ. Một người có một gia đình đầy đủ không bao giờ cảm được xúc cảm và cuộc sống của một người mất cha hoặc mẹ từ khi còn nhỏ. Một người chưa bao giờ trải qua cảm giác thất tình, sẽ đương nhiên không thể cảm được nỗi đau ấy. Một người đàn ông không bao giờ cảm được những vất vả và khó khăn của người phụ nữ trong một xã hội trọng nam khinh nữ. Tuy ta không bao giờ cảm nhận được cảm xúc, và cuộc sống của người khác, nhưng ta luôn có thể cố gắng đặt vị trí của mình vào người khác, và đồng cảm với họ. Ta không cần nói: “Tôi có thể cảm nhận được chính xác cảm xúc của bạn”, nhưng ta luôn có thể nói: “Tôi hiểu những khó khăn của bạn, và tôi sẽ luôn ủng hộ bạn”.

Bước sang tuổi 33, và tôi hiểu rằng ai trong chúng ta cũng có đủ khả năng sống một mình, nhưng cuộc sống sẽ vui hơn khi ta có một người bạn đồng hành ở bên.

Vâng, một người bạn đồng hành, chứ không phải một người để ta dựa dẫm về vật chất, hay tinh thần! Một người bạn đồng hành, với những sở thích, đam mê riêng, nhưng luôn ở bên động viên, ủng hộ, và lắng nghe những nỗi niềm của ta. Ngày còn trẻ hơn, tôi hay muốn chứng tỏ với thế giới rằng, tôi là một người phụ nữ độc lập, tôi có thể thành công và tiến xa trong cuộc sống, mà không cần một người đàn ông nào cả. Nhưng tôi của tuổi 33 lại nghĩ khác, một mối quan hệ lành mạnh, trong đó cả hai đều tôn trọng và ủng hộ nhau sẽ khiến cuộc sống vui và ý nghĩa hơn. Dạo gần đây, tôi hay nghĩ thế nào là một tình yêu đẹp và lành mạnh. Tôi chợt hiểu, ta có một mối quan hệ đẹp khi ta ….ít khi nghĩ về nó, ít khi kể với người khác về nó, vì cảm xúc, và tâm trạng của ta không bị chi phối bới mối quan hệ đó. Niềm vui hay nỗi buồn của ta không bị dao động bởi người đó, mối quan hệ đó. Một mối quan hệ chỉ đẹp khi nó không là thứ duy nhất ta quan tâm đến trong cuộc sống này. Tình yêu, đối với tôi ở tuổi 33, là một gia vị, chứ không phải là thứ quan trọng bậc nhất trong cuộc sống!

Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog! Chúc bạn một tuần mới nhiều niềm vui

Thanh Mai

Ảnh minh hoạ cho bài viết được download tại đây

9 thoughts on “Xin chào tuổi 33

  1. Cảm ơn chị rất nhiều về bài viết. Em cũng đã qua ngưỡng 20 và gần 30 tuổi và trước giờ cũng luôn băn khoăn cho câu hỏi làm sao để biết mình muốn gì, mình không có đam mê hay gì cả và mình luôn cảm thấy không được hạnh phúc.

    Có 1 chút em muốn được chia sẻ sau khi đọc bài viết của chị. Đợt gần đây em cũng suy nghĩ và nhận ra được một điều đó là khi ta muốn tìm câu trả lời cho vấn đề thì mình cần tò mò và suy nghĩ về nó, khi đó mình bị cuốn theo sự tò mò và sẽ cảm thấy muốn tìm hiểu, yêu thích hơn, em cảm thấy tò mò cũng như là 1 snapshot của đam mê, nếu có nhiều snapshot gộp lại sẽ thành đam mê.

    Bài viết của chị cho em nhận ra được nhiều điều hơn nữa, em sẽ suy ngẫm thật kỹ về những điều chị đưa ra trong bài viết này, em tin rằng để nhận ra được những điều này thì phải là chị rất tò mò cũng như dành rất nhiều thời gian để suy ngẫm về nó.

    Cảm ơn chị một lần nữa. Chúc chị luôn mạnh khoẻ ạ!

    1. Cảm ơn Trang! Chị nghĩ ai cũng trải qua cảm giác không biết mình thực sự muốn gì và điều gì khiến mình hạnh phúc, chỉ là họ có thể hiện ra hay không thôi. Bây giờ khi nghĩ lại, chị thấy quá trình tìm kiếm ấy cũng giúp chị hiểu bản thân mình hơn! Chị cũng nghĩ như em, sự tò mò thật sự rất quan trọng. Đúng là muốn tiến xa trong cuộc sống, cần phải luôn tò mò, khám phá. Nhiều khi chị thấy sự tò mò còn quan trọng hơn chỉ số IQ cao.

      Chúc em một ngày vui!

    1. Cảm ơn bạn đã ghé đọc. Bạn đồng hành đã nhờ Google dịch bài của mình rồi, anh bạn đồng hành vẫn cười vui lắm 🙂

  2. Một bài viết khá hay, mình đọc đi đọc lại mãi. Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Chúc mừng sinh nhật bạn!

Leave a Reply