Một ngày bình thường của một nghiên cứu sinh diễn ra như thế nào?

Hôm trước có bạn hỏi tôi một ngày của tôi diễn ra thế nào? Một ngày bình thường của một nghiên cứu sinh khác một ngày bình thường của một sinh viên Đại học hoặc của một người đi làm công sở như thế nào? Câu hỏi này chỉ ra một điểm đặc biệt thú vị của việc học PhD. Nói là học, nhưng tính chất lại hoàn toàn khác so với học Đại học hay thạc sỹ. PhD lại cũng rất khác một công việc bình thường: PhD cho ta tự do về giờ giấc (vì thế yêu cầu tính kỷ luật tự giác của bản thân rất cao, đặc biệt là khi bạn đã bước vào giao đoạn viết luận văn); áp lực công việc rất lớn và cũng rất khác các hoạt động khác.

Tuy thế, tôi luôn coi việc học PhD như một công việc văn phòng 8 tiếng. Nhiều người cho rằng, 8 tiếng làm sao đủ để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ của chương trình PhD. Phải làm 10-12 giờ một ngày may ra mới đủ chứ. Bước sang năm thứ tư, tôi đã rút ra được hai bài học quan trọng: (1) làm thời gian ngắn mà tập trung cao độ sẽ hiệu quả và hoàn thành được nhiều đầu việc hơn là làm thời gian dài mà tâm trí lang thang đó đây (ngoài ra, nghiên cứu đã chỉ ra rằng bộ não của con người chỉ có thể tập trung một khoảng thời gian nhất định. Làm việc 10-12 tiếng với sự tập trung lớn gần như là ngoài khả năng của chúng ta); (2) dù có làm bao nhiêu giờ đi chăng nữa, ta cũng không bao giờ hết việc (ta chỉ có thể tạm hài lòng với khối lượng công việc hoàn thành mỗi ngày mà thôi) 

Hôm nay, tôi xin chia sẻ với bạn đọc blog một ngày làm việc (trong mùa Covid) của tôi.  

7:30-8:00 AM: Thức dậy, ăn sáng, chuẩn bị đồ uống cho một ngày làm việc. Khi còn làm việc ở văn phòng, tôi thường uống cà phê. Nhưng từ khi làm việc hoàn toàn ở nhà (do Covid-19), tôi thích uống trà tự mình pha hơn. Một cốc trà nóng là một sự khởi đầu tuyệt vời cho một ngày làm việc mới!  

Sau khi ăn sáng xong, tôi sẽ lên danh sách những đầu việc muốn hoàn thành trong ngày. Kỳ này, tôi bắt đầu thử nghiệm một loại sổ lập kế hoạch mới. Sổ này cho phép ta lên kế hoạch cho từng giờ trong ngày, và còn có chỗ cho ta viết nháp khi làm việc nữa. Đây là link mua sổ trên amazon. Sổ có nhiều kích cỡ khác nhau, nhưng tôi chọn loại lớn nhất (8.5 x 11 inches), vì thích có nhiều không gian để viết. 

8:00- 9:15: Đọc tin. Vì tính chất nghiên cứu, tôi luôn phải cập nhật tin tức kinh tế, xã hội, chính trị ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á. (Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, dù không phải vì công việc đi nữa, ta cũng nên để tâm đến những sự kiện đang diễn ra xung quanh mình!)

Vì không có nhiều thời gian để lên mạng và đọc báo chí, nên tôi tập trung vào những trang tin sau.

  • Đối với tin tức ở Việt Nam, tôi chủ yếu lấy tin ở trang viet-studies (http://www.viet-studies.net/kinhte/kinhte.htm) do giáo sư kinh tế Trần Hữu Dũng ở Mỹ lập ra. Hàng ngày, trang web tổng hợp những bài phân tích sự kiện kinh tế, chính trị nổi bật ở Việt Nam (tổng hợp từ cả trang tin trong nước và quốc tế). Ngoài Việt Nam, bác còn tổng hợp nhiều bài phân tích chính trị xã hội hay về nước Mỹ đương thời. Một điều rất thích nữa là bác còn có mục điểm sách. Mình mua một vài cuốn bác Dũng giới thiệu và thấy rất hài lòng. Cuốn gần đây nhất mình mua là The Quiet Americans: CIA. Spies at the Dawn of the Cold-War—a Tragedy in Three Acts
  • Đối với tin tức ở khu vực, tôi đăng ký có trả phí trang The Diplomat. Tạp chí này chuyên về chính trị ở các nước Châu Á- Thái Bình Dương. Thỉnh thoảng tôi cũng đọc Asia Times, nhưng phần lớn vẫn dựa vào The Diplomat
  • Đối với tin tức ở Mỹ, tôi đọc The New York Times. Nếu không có thời gian để đọc nhiều tin trên the New York Times, bạn có thể đăng ký nhận tin hàng ngày (Evening Briefing). The New York Times sẽ gửi email cho bạn mỗi tối và tóm tắt một số sự kiện quan trọng cần nhớ trong ngày. Nếu bạn muốn đọc kỹ hơn về một sự kiện nào đó, bạn có thể click vào đường link liên quan. 

Nếu bạn là sinh viên (bậc Đại học, thạc sỹ, tiến sỹ), bạn sẽ được giảm giá khá nhiều khi đăng ký đọc The Diplomat, Asia Times và The NewYork Times. Một điều thú vị khi làm PhD ở nước ngoài là bạn luôn được đối xử như một sinh viên bình thường, mua gì cũng được giảm giá!!

9:30- 11:00: Lên lớp hoặc làm trợ giảng

Kỳ này trên lý thuyết tôi đã là ứng cử viên tiến sỹ (PhD Candidate), nghĩa là tôi không cần phải học thêm lớp coursework nào nữa, nhưng tôi vẫn nhận lớp Social Movements and Collective Actions bên khoa Sociology (Xã hội học), vì đề tài luận văn của tôi liên quan đến phong trào xã hội. Ban đầu khi đăng ký lớp học, tôi cứ lo sẽ bị công việc đè ngập đầu (vừa học vừa viết dissertation prospectus). Nhưng sau khi học được hai tháng, tôi nhận ra đây là một quyết định vô cùng đúng đắn!! Khoá học giúp tôi có cái nhìn tồng quan về những trường phái, và lý thuyết lớn giải thích các phong trà xã hội ở Mỹ cũng như trên thế giới. Ý tưởng luận văn của tôi cũng vì thế mà trở nên rõ ràng và cụ thể hơn. Ngoài nhận lớp này, tôi đang làm trợ giảng cho một khoá học về Quan hệ quốc tế. 

Trong tuần, tôi mất ba buổi sáng để lên lớp hoặc tham giam lớp trợ giảng. Sau khi đọc tin, trong 3 buổi sáng này, tôi mất khảng 1-1.5 tiếng tham gia các hoạt động này, đến tầm 11h sáng là xong. 

11:10- 12:00: Viết đề xuất ý tưởng luận văn (dissertation prospectus)

Tôi dùng app Forest để kiểm soát sự tập trung khi viết. Bạn có thể download app này tại đây https://trees.org/sponsor/forest-app/. (Chỉ có thể cài đặt trên Iphone hặc Ipad). Dù phải trả phí (khá thấp), nhưng nếu bạn muốn nâng cao sự tập trung, đặc biệt khi viết thì tôi thấy rất đáng đồng tiên bát gạo. 

12:00- 1:00 PM: Ăn trưa

1:00-5:00: Tiếp tục làm việc

Trong 4 tiếng còn lại của buổi chiều, tôi thường làm thêm khoảng 1-2 việc khác như đọc, tiếp tục viết đề xuất luận văn, viết bài viết ngắn cho lớp Phong trào xã hội, phân tích số liệu, sửa/viết bài nghiên cứu khác, hoặc tham gia các cuộc họp với giáo sư và đối tác. Ưu tiên công việc nào trong số những việc kể trên phụ thuộc vào mức độ khẩn cấp và đôi khi là cả tâm trạng của tôi nữa.

Đến tầm 4:15 hoặc 4:30, tôi sẽ làm những công việc bớt căng thẳng đầu óc như trả lời email của sinh viên và giáo sư, chấm bài cho sinh viên, và nghĩ đến những đầu công việc mình muốn hoàn thành cho ngày hôm sau. 

Vì làm việc tập trung trong mấy tiếng liền, nên đến 5 giờ là cơ thể tôi cạn kiệt năng lượng. Tôi luôn tắt máy tính lúc 5h chiều, trừ khi có những việc bắt buộc phải làm sau giờ làm việc như hội thảo, hoặc các networking events khác. Sau 5 giờ là thời gian dành cho cuộc sống cá nhân: tưới cây, nấu cơm, đi bộ với bạn đồng hành, chơi với hai em mèo, trò chuyện với gia đình và bạn bè ở Mỹ và ở Việt Nam, đọc sách không liên quan đến học thuật, và dành thời gian viết blog như thế này nữa! 

Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn một ngày làm việc hiệu quả 

Trương Thanh Mai

6 thoughts on “Một ngày bình thường của một nghiên cứu sinh diễn ra như thế nào?

  1. Em cám ơn chị rất nhiều ạ. Lần nào đọc xong bài viết của chị cũng giúp em có thêm suy nghĩ và năng lượng tích cực hơn.

  2. Hello chị Mai!!

    Em theo dõi blog của chị đã lâu, thật sự rất thích những bài viết của chị, dạo trước vào blog thấy không còn hoạt động em đã rất buồn nhưng may sau này đã trở lại như cũ, em thật sự rất vui. Cám ơn những bài viết, chia sẽ của chị. Chúc chị một ngày vui 😀

    1. Cảm ơn lời động viên của em nhé! Mấy tháng gần đây chị bận viết mấy bài nghiên cứu và đề xuất luận văn, nên không sắp xếp được thời gian viết blog. Từ giờ, chị đang cố gắng viết đều đặn hơn. Lâu không viết Tiếng việt, chị cũng nhớ lắm 🙂 Cảm ơn em đã luôn ủng hộ chị nhé!

Leave a Reply