Thách thức ngày trở về

IMG_1777

Một lần, một cô bạn gái mới đi du học thạc sỹ ở Anh về tâm sự với tôi:

“Mai này, không hiểu sao từ ngày trở về Việt Nam, tớ luôn cảm thấy cô đơn và chán nản. Thậm chí, tớ còn chẳng buồn đi hẹn hò với bạn bè, tớ chỉ muốn cách ly bản thân với xã hội bên ngoài thôi”.

Những lời tâm sự của bạn như nói hộ nỗi lòng tôi ngày mới mới từ Anh trở về vậy. Tôi khuyên nhủ bạn dựa trên trải nghiệm của bản thân:

“Ừ, tớ hiểu mà cậu. Một tháng sau khi về Việt Nam, tớ cũng sống trong cô đơn, buồn tẻ, lo lắng, mất phương hướng. Tớ cũng không có hứng gặp gỡ và trò chuyện với bất kỳ ai cả. Phải mất mấy tháng cậu mới có thể lấy lại được cân bằng và hoà nhập lại với cuộc sống ở Việt Nam. Hãy cho bản thân thêm thời gian, tớ tin cảm giác buồn bã sẽ sớm qua thôi”.

Thật lòng, tôi cũng không quá tự tin khi quả quyết rằng cảm xúc tiêu cực ấy sẽ sớm rời bỏ cô bạn tôi. Một cô bạn thân người Ấn Độ có lần chia sẻ với tôi, sau hơn một năm về nước, cô không tìm thấy niềm vui gì trong cuộc sống. Cô cứ nhớ mãi khoảng thời gian sống và học tập ở Anh. Cô nói với tôi:

“Mai, có lẽ quãng thời gian ở Anh là quãng đời đẹp nhất của tớ”.

Khi ngồi trên máy bay từ Anh về Việt Nam, tôi hoàn toàn không chuẩn bị tinh thần cho những cảm xúc sắp đến. Khi những hoang mang, buồn chán tìm đến tôi, tôi cứ tự hỏi mãi: “Tại sao mình lại có những cảm xúc này?”, “Tại sao mình khó hoà nhập lại với cuộc sống ở Việt Nam đến vậy?”, “Có phải mình là người duy nhất có cảm giác này không?”. Mãi về sau, khi đã đi qua giai đoạn ấy rồi, tôi mới ngộ ra, đó là trải nghiệm “sốc văn hóa ngược”.

Tại sao khi trở về Việt Nam sau một thời gian sống ở nước ngoài, ta có thể gặp phải những cú sốc văn hoá ngược? Trong bài viết này, tôi sẽ tập trung vào ba lý do chính.

Thứ nhất, khi có sự xung khắc giữa hệ giá trị mới của bản thân được hình thành khi sống ở nước ngoài và hệ giá trị của nơi ta trưởng thành, ta sẽ không tránh khỏi những cú sốc văn hóa ngược. Khi sống ở nước ngoài một thời gian, ta sẽ được tiếp xúc với những ý tưởng, quan điểm mới, từ đó ta dần xây dựng cho bản thân hệ giá trị mới. Tôi vẫn nhớ, trước khi sang Anh học, tôi không bao giờ tự hỏi liệu việc “chất vấn” người khác những câu hỏi riêng tư nhạy cảm có phải là điều nên làm không. Ví dụ, tôi cứ vô tư khen, chê ngoại hình của người khác mà chẳng buồn quan tâm đến cảm xúc của họ. Nhưng sau mấy tháng sống ở Anh, tôi nhận thấy một giá trị nhân văn của xã hội nơi đây: Người ta rất tôn trọng cuộc sống riêng tư và lựa chọn của người khác. Cứ dần dần, tôi lĩnh hội nét đẹp ấy và biến nó thành một phần trong hệ giá trị mà tôi muốn hướng tới.

Quan điểm của tôi về nhiều khía cạnh của cuộc sống cũng thay đổi ít nhiều. Thậm chí, có những thay đổi đã đưa tôi đến những ngã rẽ mới của cuộc đời mà nếu không đi du học tôi sẽ không bao giờ tìm ra. Hãy để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này nhé. Hè năm 2014, khi ấy tôi đang viết luận văn hoàn thành khoá học thạc sỹ ở Anh. Một buổi chiều, nằm dài trên chiếc ghế sofa trong một ngôi nhà nhỏ ở thành phố biển Brighton, tôi đọc một cuốn sách về chính trị. Và tôi đã khóc. Cô bạn Indonesia cùng nhà đã rất ngạc nhiên khi thấy tôi khóc. Cô ấy hỏi:

“Mai, cậu đọc tiểu thuyết gì mà lại khóc thế?”.

“Không, tớ đọc một cuốn sách về chính trị thôi”. Tôi trả lời và lấy tay gạt đi những giọt nước mắt đang lăn trên má. Có lẽ đến tận bây giờ, cô bạn ấy vẫn không thể hiểu được sao lại có một đứa con gái khóc vì đọc một cuốn sách về chính trị. Còn tôi, mấytháng trời sau khi đọc cuốn sách ấy, tôi vẫn bị ám ảnh, tôi cứ nghĩ mãi không thôi. Thế giới quan trong tôi đã hoàn toàn thay đổi từ phút giây ấy. Và bây giờ, tôi rất biết ơn vì chính cơ hội ấy đã tạo cảm hứng cho tôi theo đuổi con đường nghiên cứu sinh.

Tất nhiên, khi sống ở một đất nước khác, ta không bưng nguyên những hệ giá trị tư tưởng của nơi ấy mà đắp lên bản thân mình. Ta lựa chọn, đối chiếu so sánh với những suy nghĩ quan điểm đã có trước đó, để hình thành nên hệ giá trị mới. Và khi trở về Việt Nam, hệ giá trị mới của ta có thể xung khắc với hệ giá trị hiện tại của xã hội. Khi ta tin rằng, lựa chọn cuộc sống của mỗi người cần được tôn trọng, ta sẽ rất khó chịu nếu mọi người xung quanh cứ can thiệp, “dạy” ta lựa chọn nào mới là đúng, là sai, lựa chọn nào mới đem lại hạnh phúc cho ta. Có mấy cô bạn của tôi than phiền rằng, về Việt Nam và đối mặt với những lời khuyên như: “Thôi lấy chồng đi, còn đợi đến bao giờ nữa”, hay “Thế đi du học về, tìm việc mới tốt không, kiếm được bao nhiêu tiền?” đã lấy đi hết niềm vui và sự tự do trong cuộc sống của các bạn. Hay như khi ta thích cách giao tiếp thẳng thắn, rõ ràng, mạch lạc nhưng khi trở về, ta lại phải học “lại” cách nói ẩn ý, gián tiếp, nói nửa ý để cho đối phương đoán, ta cũng khó mà không tránh khỏi bị “sốc”.

Một cô bạn người Mỹ tâm sự với tôi, sau khi sống ở châu Á một thời gian và quay về Mỹ, cô bắt đầu “chán” hệ giá trị nước Mỹ. Cô thấy khó chịu vì người Mỹ luôn tay luôn chân, nhịp sống quá nhanh, không biết thư giãn và hưởng thụ những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Cô cũng dần trở nên gay gắt hơn với những nhược điểm của nước Mỹ. Thế mới biết sốc văn hoá ngược có thể xảy ra với bất cứ ai có trải nghiệm sống ở nước ngoài một thời gian, bất chấp người đó đến từ một nước phát triển hay đang phát triển. Một khi tư tưởng, quan điểm, giá trị của ta đã thay đổi, chúng sẽ không bao giờ có thể quay về vạch xuất phát. Một khi ta đã thay đổi, ta rất khó tìm lại con người của ta trước khi sự thay đổi diễn ra.

Thứ hai, sau khi đã xây dựng được hệ giá trị mới, ta sẽ phải đối mặt với sự xung khắc giữa kỳ vọng của bản thân và kỳ vọng của gia đình, xã hội dành cho bản thân ta. Lý do này cũng khiến ta có cảm giác sốc văn hoá ngược. Sau khi đi du học về, tôi đã có những kỳ vọng mới dành cho bản thân. Trước khi đi học, tôi tự nhủ: “Thôi, đi học thạc sỹ về, mình sẽ tìm một công việc ổn định, rồi lập gia đình thôi”. Nhưng trong quá trình du học, tôi nhận ra tôi rất thích đọc, thích viết, thích làm nghiên cứu, thích được thử thách bản thân bằng những câu hỏi tại sao, và như thế nào về xã hội xung quanh mình. Thế là, khi về tôi đã không còn nghĩ, một công việc ổn định và một người chồng sẽ làm tôi hạnh phúc nữa. Tôi lại thích lao vào những khám phá mới. Nhưng xã hội, gia đình và những người bạn cũ đã đặt lên vai tôi những kỳ vọng trái ngược hoàn toàn. Khi tôi đang loay hoay với toán, với lý thuyết kinh tế, lý thuyết chính trị, thì phần lớn bạn bè tôi đã trải qua những mốc quan trọng trong cuộc đời như kết hôn, mua nhà, sinh con. Tôi xây dựng kỳ vọng về bản thân dựa trên trải nghiệm của tôi, và những người xung quanh tôi kỳ vọng vào tôi dựa trên trải nghiệm của họ. Mấy lần đi cafe trò chuyện với bạn bè cũ, ai ai cũng khuyên tôi nên bắt đầu suy nghĩ về kết hôn, mua nhà, ổn định cuộc sống nhưng tôi lại đang loay hoay đi tìm những thứ khác. Khi kỳ vọng của bản thân không được xã hội và người thân tán thành, ta rất dễ rơi vào trạng thái chán nản, buồn tẻ, thậm chí ta còn có cảm giác “cả thế giới đang chống lại mình”.

Thứ ba, cảm giác sốc văn hoá ngược có thể đến từ việc thường xuyên so sánh nét đẹp ở nơi ta đến du học và “nét xấu” ở nhà. Tôi từng chứng kiến nhiều bạn trẻ sau khi đi du học về thì chê bai đủ thứ ở Việt Nam từ đường phố, thời tiết, con người, đến văn hoá. Một cô bạn tôi thậm chí còn không thể lê la ăn hàng “vỉa hè” với chúng tôi nữa. Một cậu bạn khác thì lúc nào cũng than thở, nhìn đâu cũng thấy những tiêu cực, gian dối, xấu xí. Tôi có cô bạn người Pháp sau một thời gian sống ở Việt Nam và trở về nhà, cô cũng không ngừng so sánh nét đẹp của Việt Nam và nét xấu ở Pháp. Một lần cô thở dài và quả quyết với tôi rằng:

“Không hiểu sao tớ thấy ở Pháp, ai cũng là “người  xấu” cả, chả ai thân thiện và thật lòng như con người ở nước bạn”.

Tôi cười và động viên cô ấy:

“Đấy là bạn chưa ở đủ lâu đấy thôi, ở lâu bạn sẽ thấy cả những mặt tốt và mặt xấu của nước tớ”

Sau khi sống ở nước ngoài một thời gian, ta không thể tránh khỏi việc so sánh nước bạn và nước ta. So sánh là bản năng của con người mà. Hãy thử nghĩ đến những lần ta mua một cuốn sách, ăn một cốc chè, hay xem một bộ phim, có phải ta luôn có xu hướng so sánh các lựa chọn với nhau và đưa ra quyết định cuối cùng không? Ta có thể quyết định mua một cuốn tiểu thuyết qua tiki thay vì đi ra hiệu sách vì mua qua tiki giá rẻ hơn, và thuận tiện hơn. Ta có thể quyết định xem bộ phim bom tấn mới ra ở rạp chiếu phim Quốc gia vì so với các rạp khác, rạp Quốc gia gần nhà ta hơn và giá vé vừa phải hơn. Nhiều người chưa từng có trải nghiệm sống ở nước ngoài thường dè bỉu những du học sinh “thích” so sánh Việt Nam với nước ngoài. Tất nhiên tôi không ủng hộ việc thường xuyên so sánh nước mình với nước bạn, nhưng tôi nghĩ ta nên có thái độ thông cảm và thấu hiểu hơn là “dè bỉu”, vì tôi tin rằng không ai cưỡng lại được bản năng so sánh. Bất cứ ai nếu có cơ hội trải nghiệm một nền văn hoá khác sẽ có xu hướng so sánh, chỉ khác nhau ở tần suất so sánh nhiều hay ít mà thôi.

 Tôi tin rằng, nhận thức được ba lý do trên rất quan trọng. Trước hết, chỉ khi hiểu rõ nguồn cội của cảm giác sốc văn hoá ngược, ta mới tìm ra giải pháp để vượt qua cảm giác ấy. Nếu ta cho rằng cảm giác “sốc” đến từ việc thường xuyên so sánh nước bạn và nước ta, ta cần hiểu rằng sự so sánh đó thật sự khập khiễng. Nói theo cách của các nhà kinh tế thì sự so sánh đó dựa trên lượng thông tin bất đối xứng. Ta chắc chắn biết nhiều thông tin về nước ta hơn nước bạn. Ta chỉ sống ở nước bạn thời gian ngắn, có thể chỉ một năm, hai năm hay năm năm, khoảng thời gian ấy chưa đủ dài để ta thấy hết mọi mặt tốt, mặt xấu ở nơi ấy. Trong khi đó, ta được nuôi dưỡng và lớn lên bởi văn hoá Việt Nam bao nhiêu năm, ta thấu rõ mọi điểm tiêu cực và tích cực của quê hương mình. Làm sao ta có thể so sánh một cách khách quan được đây? Nếu cảm giác “sốc” đến từ sự xung khắc giữa hệ giá trị mới của bạn và hệ giá trị ở Việt Nam, thì thật sự tôi cũng không nghĩ ra được giải pháp gì. Có lẽ chỉ có thời gian mới giúp ta vượt qua cảm giác sốc văn hoá ngược trong trường hợp này. Ta hãy trân trọng những cảm xúc của ta. Hãy tự nói với bản thân rằng, cảm giác chán nản, lạc lõng, hay mệt mỏi là hoàn toàn bình thường. Khi thời gian qua đi, ta sẽ dần học được cách cân bằng giá trị của bản thân và giá trị mà xã hội kỳ vọng.

Bạn bè, và người thân cũng cần hiểu được lý do vì sao nhiều du học sinh trải qua cảm giác sốc văn hoá ngược khi trở về Việt Nam. Thay vì hỏi những câu hỏi riêng tư nhạy cảm, hãy tạo cơ hội để du học sinh có cơ hội chia sẻ những trải nghiệm quý báu khi sống và học tập nước ngoài. Hãy hỏi bạn bè và con em mình những câu hỏi như: Cuộc sống du học có gì thú vị; làm sao để vượt qua khó khăn khi sống một mình ở nước ngoài; kỷ niệm đáng nhớ nhất khi đi du học là gì, vân vân và vân vân. Và quan trọng hơn, ta nên học cách đặt vị trí của bản thân vào người khác và phán xét. Ta không nên bao giờ “ép” những du học sinh phải có lựa chọn sống như cách ta chọn. Không có đúng, có sai. Chỉ có những lựa chọn. Khi hiểu được như thế là ta đã phần nào giúp các du học sinh thoát khỏi cảm giác sốc văn hoá ngược rồi.

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi. Chúc bạn một thứ hai nhiều năng lượng.

Thanh Mai

 Xin liên hệ với tác giả nếu muốn sử dụng lại bài viết

2 thoughts on “Thách thức ngày trở về

  1. Mình cũng đã từng đi du học ở nước ngoài 5 năm. Cuộc sống châu Âu thực sự rất khác, yên tĩnh, đơn thuần. Về VN thời gian đầu ồn ào quá, cảm giác sống bị vội. Thật may là mình cũng lấy lại cân bằng sớm. 1 năm sau mình cũng mấy người bạn lập được trung tâm tiếng Đức https://wetalent.edu.vn/ để cùng nhau làm. Phát triển cái gì đó đóng góp cho xh. Mong Mai mau lấy lại cân bằng nhé.

Leave a Reply