Điểm sách: Vì sao rất khó hoài nghi những gì đám đông cho là đương nhiên?

Hãy dành một buổi tối đọc cuốn sách Sự an ủi của triết học của tác giả Alain de Botton, và  tưởng tượng bạn là một thanh niên trẻ, đang lang thang trên các con phố của thủ đô Athens, Hy Lạp, cách đây hơn 2000 năm. Khả năng cao là sẽ có một người đàn ông thấp người, râu ria xồm xoàm, hói, mũi tẹt, môi dày, cặp mắt lồi, đến bắt chuyện với bạn. Nhưng đừng vì ngoại hình xấu xí của con người ấy mà vội bỏ chạy, bởi bạn sẽ bỏ lỡ một cơ hội được học hỏi và mở mang đầu óc đấy. Người đàn ông xấu xí đó chính là triết gia thông thái Socrates. 

Socrates có thói quen kỳ quặc là đến gần một người Athens bất kỳ, không cần biết tầng lớp, tuổi tác, nghề nghiệp, và yêu cầu họ giải thích chính xác tại sao họ lại có những niềm tin cụ thể vào một “lẽ thường” nào đó. Rồi, ông sẽ chỉ cho họ thấy “lẽ thường” ấy có thể sai và thiếu logic đến thế nào.

Vậy “lẽ thường” là gì? Đó là những quy ước xã hội mà đám đông cho là đương nhiên đúng, không cần phải bàn cãi. “Lẽ thường” quy định ta nên tôn trọng những giá trị đạo đức nào, nên hành xử thế nào trong gia đình và ngoài xã hội, nên quý trọng/tôn thờ ai, nên ăn mặc ra sao, vân vân và vân vân.

Chẳng hạn, người Hy Lạp cổ đại tin vào thần tình yêu, thần săn bắn, và thần chiến tranh, thần có quyền năng đối với nông nghiệp, lửa và biển cả. Họ cho rằng, việc cầu khấn các vị thần ở đền thờ, hoặc hiến tế súc vật để tỏ lòng tôn kính là điều hiển nhiên. Nếu bạn yêu cầu họ giải thích cặn kẽ tại sao họ làm thế, họ sẽ cho rằng bạn….điên. Tương tự, trong nhiều xã hội, việc phụ nữ phục tùng chồng, hay chồng có năm thê bảy thiếp được cho là hợp tự nhiên, và chẳng ai hoài nghi điều đó cả. Hay, ở Việt Nam, “lẽ thường” về sự thông minh của một học sinh phải là được điểm cao, thi đỗ các loại kỳ thi.

Ngoài ra còn có những “lẽ thường” về thế giới tự nhiên. Đã có một thời, con người tin rằng, trái đất là trung tâm của vũ trụ, mặt trời quay quanh trái đất, hay vũ trụ có giới hạn là “lẽ thường”, không có gì phải tranh cãi.  

Rõ ràng, những thứ ta cho là “lẽ thường” chưa chắc đã đúng. Nhưng tại sao lại rất khó để ta đặt câu hỏi, và hoài nghi “lẽ thường”?

Thứ nhất, những “lẽ thường” thuộc về quy ước xã hội thực chất là do con người nghĩ ra, và quy định, chứ không phải là quy luật khách quan (khoa học gọi là “socially constructed”). Chẳng hạn, những giá trị đạo đức, cách ứng xử, cách ăn mặc, niềm tin là do một cộng đồng người có chung văn hoá xây dựng nên. Vì quy ước xã hội do con người tạo ra, nên các cộng đồng người khác nhau sẽ có những “lẽ thường” khác nhau.

 Vì ta không thể phân thân thành hai để cùng một lúc trải nghiệm hai hoàn cảnh sống khác nhau, nên ta chỉ quen với “lẽ thường” trong cộng đồng của mình, và cho rằng nó là duy nhất đúng. 

Vì thế, một người thường hoài nghi “lẽ thường” khi có cơ hội trải nghiệm môi trường sống mới, khi mà anh ta được tiếp xúc với một “điều đương nhiên” khác. 

Anh chàng Hans Castorp, trong cuốn tiểu thuyết dày hơn nghìn trang Núi thần của nhà văn Đức Thomas Mann, là một trường hợp như thế. Sinh ra trong một gia đình thượng lưu ở Đức, “lẽ thường” về lòng yêu nước đối với Hans Castorp là nhất nhất tuân thủ pháp luật, bảo vệ các giá trị bảo thủ, và chống lại các giá trị tiến bộ. Đối với chàng ta, một người văn minh phải “không đóng cửa rầm một cái” khi bước vào phòng. Và chàng cũng luôn nghĩ, thời gian dĩ nhiên là khách quan, chứ làm gì có thời gian chủ quan. 

Thế rồi, trước khi trở thành kỹ sư đóng tàu ở hãng Tunder & Wilms, bác sỹ riêng của Hans Castorp bắt chàng đi đổi gió để cải thiện sức khoẻ, vì nhìn chàng lúc nào cũng còm nhom như thiếu máu. Chàng quyết định đi thăm anh họ Joachim Ziemben, đang chữa lao phổi tại một nhà điều dưỡng trên một ngọn núi cao ở Thuỵ Sỹ. Vì không khí ở nhà điều dưỡng rất loãng, nên bác sỹ tin sẽ tốt cho sức khoẻ của chàng. Chàng dự định sẽ ở đó 3 tuần. Nhưng trước khi quay trở lại đồng bằng, bác sỹ ở viện điều dưỡng phát hiện ra chàng đã có một “vết ướt” trong phổi. Vậy là thay vì 3 tuần, chàng đã sống trên ngọn núi cao đó những…7 năm. 

Cuộc sống ở đó đã cho chàng cơ hội xét lại những thứ chàng từng cho là “lẽ thường”. Chàng say mê Madame Chauchat, một người phụ nữ Nga, người mà mỗi lần vào phòng ăn là đóng rầm cửa một cái sau lưng. Chàng sung sướng như điên khi người phụ nữ mà chàng cho là không hợp “lẽ thường” về sự lịch sự ấy, nói thoảng qua tai chàng một câu cảm ơn. Trò chuyện với nhà hiền triết lắm điều Settembrini khiến Hans Castorp nhận ra rằng, ủng hộ các giá trị tiến bộ và thay đổi xã hội cũng được coi là có đạo đức. 

Cần phải lưu ý rằng, thay đổi môi trường thôi chưa đủ để ta hoài nghi “lẽ thường”. Điểm đáng quý nhất ở anh chàng Hans Castorp, là lòng ham học hỏi vô bờ bến. Chẳng hạn, khi mới nghe Settembrini chia sẻ về các giá trị tiến bộ, Hans thấy ghê tởm lắm, nhưng chàng luôn tự nhủ, “mình muốn hiểu tường tận về những điều ấy”, và tiếp tục giao lưu với Settembrini để học hỏi.  

Còn anh chàng Edmond Dantes trong tiểu thuyết Bá tước Monte Cristo của nhà văn Pháp Alexandre Dumas phải trải qua một biến cố vô cùng lớn mới nhận ra rằng, những điều mà chàng vốn cho là “lẽ thường” đã sai. 

Ở tuổi 18, Edmond Dantes tưởng như sẽ có một tương lai sáng lạn và hạnh phúc. Chàng sắp nhận chức thuyền trưởng chiếc tàu Pharaon của hãng buôn Morrel, và chuẩn bị cưới cô Mercedes xinh đẹp. Danglars, một tên kế toán của tàu Pharaon, luôn ghen ghét Dantès, đã lập ra một kế hoạch để hãm hại chàng. Hắn mời Fernand Mondego, anh họ của Mercédès, một người say mê nàng nhưng không được đáp lại, cùng với Caderousse, hàng xóm của Edmond đi uống rượu. Danglars viết một bức thư nặc danh tố giác Edmond cấu kết với Napoleon rồi xui Fernand gửi lên chính quyền.

Edmond bị bắt ngay trong lễ cưới. Người hỏi cung chàng là phó biện lý Villefort. Lúc đầu, nhìn vẻ mặt lương thiện của Edmond, hắn định tha cho chàng, nhưng khi thấy tên Noitier trên bức thư, hắn rất bàng hoàng và vội vàng đốt bức thư, sau đó hắn cho giam Edmond vào nhà tù If.

Edmond tin tưởng mãnh liệt rằng, mình bị oan, và rằng luật pháp đương nhiên là công bằng, và bạn bè đang tìm mọi cách để cứu chàng. “Lẽ thường” đối với chàng là thế đấy. Mãi đến khi Edmond may mắn gặp được cha Pharia-một người thông thái, chàng mới hiểu rằng, thật ra tất cả bọn họ, từ người cầm cương pháp luật, đồng nghiệp của tàu Pharaon, đến anh họ chàng đã vào hùa với nhau để hãm hại chàng. 

Thứ hai, thách thức “lẽ thường” đôi khi ảnh hưởng đến quyền lợi của một nhóm thiểu số có quyền lực. Nói một cách khác, “lẽ thường” được tạo ra bởi một nhóm có quyền lực, và được truyền bá vào xã hội để duy trì lợi ích và vị trí của những người tạo ra nó. 

Điều này được thể hiện rõ rệt trong cuốn tiểu thuyết 451 độ F của nhà văn Mỹ Ray Bradbury. Khắc họa xã hội giả tưởng thông qua anh chàng Montag “với cái mũ sắt tượng trưng mang số 451 trên cái đầu phớt lạnh và đôi mắt bừng lửa màu cam”, thế giới tiểu thuyết 451 độ F hiện lên đầy quái dị quanh việc “đốt (sách) là một cái thú”. Trong cái xã hội giả tưởng ấy, “lẽ thường” về đạo đức là phải tránh xa sách, bởi sách huỷ hoại tâm hồn và lý trí con người. Montag là lính phóng hoả, chuyên đi châm ngòi đốt sách. Montag là người duy nhất luôn cảm thấy công việc mình làm có gì đó sai sai, nhưng anh không dám thể hiện suy nghĩ ấy ra ngoài vì nó đi ngược lại với “lẽ thường”. Mỗi khi đi đốt sách, anh lén lút mang về nhà một vài cuốn. Dần anh nhận ra rằng, những tư tưởng, kiến thức trong sách nếu được phổ biến rộng rãi có thể đe doạ quyền lợi của chính quyền, và vì thế sách phải bị cấm. 

Nhà triết học Socrate đã phải trả giá đắt cho việc thường xuyên thách thức “lẽ thường”. Ông bị chính quyền buộc tội truyền bá những tôn giáo mới, không tôn thờ các vị thần thành quốc, và làm hư hỏng thanh niên Athens. Với những tội nghiêm trọng như vậy, ông bị kết án tử hình. Chính quyền lo sợ rằng, những tư tưởng mà Socrates truyền bá sẽ làm lung lay quyền lực của họ. 

Thứ ba, phần lớn chúng ta không tư duy khác với thường lệ (think out of the box). Ta thường nghĩ rằng, các quy ước xã hội chắc phải có cơ sở vững chắc lắm (ngay cả khi ta không rõ cơ sở ấy là cái quái gì), vì bao thế hệ vẫn tuân thủ và tin vào những “lẽ thường” ấy mà.

Ngay cả trong khoa học, lĩnh vực có lẽ được coi là cởi mở nhất với tư duy sáng tạo, vẫn rất khó để người ta đi ngược lại đám đông. Khi có một ý tưởng táo bạo, ngược với “lẽ thường”, cả cộng đồng khoa học có thể phản đối ta. Hãy đọc cuốn sách Thông điệp của nước của giáo sư người Nhật, Masaru Emoto để hiểu điều này. 

Khi đưa ra giả thuyết rằng, nước có khả năng ghi nhớ thông tin và thể hiện thế giới, ông nhận được sự phản đối mang tính đồng thuận của cả cộng đồng khoa học. Nhưng giáo sư Emoto đã không bỏ cuộc. Ông và một người đồng nghiệp trẻ tìm cách chứng minh giả thuyết này bằng cách chụp các tinh thể nước.  

Ông đã có những khám phá vô cùng bất ngờ và ấn tượng về nước. Chẳng hạn, nước phản ứng với…âm nhạc. Ông viết, “Bản giao hưởng Đồng quê của Beethoven, với sắc thái rõ ràng và tươi sáng, cho ra những tinh thể có cấu trúc tuyệt đẹp. Bản giao hưởng số 40 của Mozart- một lời nguyện cầu thanh nhã cho cái đẹp, đã tạo thành những tinh thể tinh tế và thanh lịch…..Ngược lại, những tinh thể thu được khi cho nước tiếp xúc với những âm thanh mãnh liệt, chát chúa đều thiếu cấu trúc và phân mảnh.”

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về khoa học vũ trụ, và những khó khăn khi đi ngược lại “lẽ thường” trong bộ môn khoa học này, hãy đọc cuốn sách Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ, của tác giả Trịnh Xuân Thuận.

Những sách đã điểm trong bài viết:

  1. Sự an ủi của triết học – Alain de Botton 
  2. Núi thần – Thomas Mann
  3. Bá tước Monte Cristo – Alexander Dumas
  4. 451 độ F– Ray Bradbury 
  5. Thông điệp của nước – Masaru Emoto
  6. Giai điệu bí ấn và con người đã tạo ra vũ trụ – Trịnh Xuân Thuận 

Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn một tuần mới thật vui!

Trương Thanh Mai 

6 thoughts on “Điểm sách: Vì sao rất khó hoài nghi những gì đám đông cho là đương nhiên?

  1. Bài viết rất hay và hữu ích ạ. Em nghĩ có lẽ những cuốn sách này sẽ giúp chúng ta có thêm tư duy phản biện😄. Chị hãy viết thêm nhiều bài chia sẻ như vậy nữa nha chị😄😄😄❤❤❤🍀

  2. Cảm ơn vì đã chia sẻ, mong đọc được nhiều bài viết của bạn hơn. Cuốn 451 độ F, sao tác giả không nghĩ đơn giản hơn nhỉ? Khi các chương trình giáo dục trên tivi càng nhiều và lướt điện thoại đọc sách cũng rất ok. Sao mình không thuận theo xu thế?

    1. Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog và để lại comment. Trong truyện, sách được thay thế bằng TV, và những chiếc màn hình tinh thể lỏng siêu hiện đại. Công nghệ này kết nối họ hàng bạn bè lại với nhau mà chả cần đi lại bất cứ đâu. Nhân vật chính Montag thấy chán một thế giới mà ở đó mọi người chỉ nói những câu chuyện nông cạn, giả dối, và dấu đi con người thật của mình. Dần dần, thông qua những cuốn sách anh lén mang về nhà, Montag nhận ra rằng sách là thứ tri thức vô giá, khai sáng cho con người, là thứ báu vật nên được gìn giữ chứ không phải để phá hủy. Montag nhận ra rằng công việc phóng hoả mà anh đang làm là giúp chính quyền đàn áp trí thức. Nếu xu thế mới chỉ nhằm phục vụ một nhóm người có quyền lực, thì theo tác giả truyện ta không nên thuận theo.

Leave a Reply