Những lo lắng khi bắt đầu viết luận văn tiến sỹ

Khi đang học coursework, tôi thường ước thời gian trôi thật nhanh để được viết luận văn. Trong trí tưởng tượng của tôi lúc ấy, giai đoạn viết luận văn thật đáng mơ ước. Tôi thầm nghĩ, “khi chính thức là ứng cử viên tiến sỹ, mình sẽ không còn quá bận rộn nữa, mình sẽ có thể tập trung toàn bộ thời gian và năng lượng vào đề tài mình yêu thích. Ôi, mình sẽ còn được tự do sắp xếp thời gian theo ý mình nữa chứ. Thật là thích.”

Nhưng đời không như là mơ! Vừa mới bước chân vào giai đoạn viết luận văn, mà tôi đã thấy bao nỗi lo lắng mới tìm đến mình rồi. 

Giai đoạn viết luận văn không hề nhàn rỗi hơn! Ngoài viết luận văn, tôi vẫn phải hoàn thành các đầu việc khác như dạy học, tham gia các dự án hợp tác khác, và vẫn phải lấy lớp. Kỳ này, chúng tôi nhận lớp Professionalization chuyên về thị trường việc làm cho sinh viên tiến sỹ (Job Market). Khoá học giới thiệu những lựa chọn nghề nghiệp và cách viết một bộ hồ sơ xin việc chuyên nghiệp cho sinh viên tiến sỹ sắp ra trường. Suốt 8 tuần học, chúng tôi học cách viết Cover Letter, CV, Research Statement , Teaching Statement, Diversity Statement. Nói chung là học cách viết một bộ hồ sơ đầy đủ để xin một công việc học thuật (nghĩa là một vị trí nghiên cứu hoặc giảng dạy ở một trường Đại học).

 Khoá học này tốn rất nhiều thời gian vì trước giờ học tôi phải tìm hiểu, và viết các tài liệu liên quan để đến lớp thảo luận. Chẳng hạn, thứ sáu vừa rồi, chúng tôi học cách viết Cover Letter, tôi phải tìm một công việc mình muốn nộp và viết một Cover Letter cho vị trí ấy. Đến lớp, chúng tôi sẽ chia sẻ Cover Letter cho giáo sư và các bạn học khác để nhận góp ý. 

Khi là ứng cử viên tiến sỹ, viết luận văn là mục tiêu quan trọng nhất của ta. Nhưng vì không có ai thúc giục, đặt dealine nên ta dễ “chểnh mảng”, bỏ bê đầu việc quan trọng này. Ta dễ dàng “quên” luận văn để làm những việc có deadline rõ ràng cụ thể!

Một tuần sau khi bảo vệ đề tài, tôi thấy ngày nào bản thân cũng chỉ làm những việc không liên quan đến luận văn như trả lời email của sinh viên, chấm bài cho sinh viên, thiết kế khảo sát cho một dự án không liên quan đến luận văn, vân vân. Ban đầu, tôi nghĩ lạc quan lắm, “Đến khi hoàn thành hết các đầu việc không liên quan, mình sẽ dành trọn vẹn thời gian cho luận văn.” Nhưng sau hai tuần, tôi nhận ra, dù có cố đến mấy, tôi cũng không thể nào làm xong những việc linh tinh khác. 

Đến lúc này tôi thật sự hoảng! Tôi bắt đầu lo liệu mình có hoàn thành và bảo vệ luận án tiến sỹ đúng hạn được không. Tuy chương 1 không phải là chương tôi sẽ dùng để trình bày khi đi xin việc, nhưng chương này có vai trò quan trọng bậc nhất cho cả luận văn tiến sỹ. Chương 1 sẽ định hình hướng đi cho tất cả các chương còn lại của luận văn. Sau khi bảo vệ đề tài, các giáo sư gợi ý, trước khi bắt tay vào thu thập số liệu, tôi nên phát triển một typology (phân loại) các loại phong trào xã hội (Chương 1). Hai tuần liền, không động gì đến luận văn, tôi luôn tự hỏi không biết mình có làm nổi Chương 1 không. Tôi lo lắng đến nỗi nhiều đêm bất chợt tỉnh giấc nghĩ về luận văn. 

Hết tuần thứ hai, tôi quyết phải sắp xếp thời gian cho luận văn, dù có 100 đầu việc khẩn cấp đổ lên đầu đi nữa. 

Bây giờ, tôi cố gắng dành một chút thời gian mỗi ngày cho luận văn, dù chỉ 1-2 tiếng mỗi ngày thôi cũng được. Tôi cố gắng tập trung vào luận văn mỗi buổi sáng. Dù các đầu việc khác có gấp gáp đến đâu, tôi cũng để đến chiều giải quyết. Có những sáng, tôi chỉ dành được 30 phút cho luận văn, nhưng tôi cũng thấy hài lòng. Tôi cũng để dành toàn bộ thứ 4 cho luận văn, những việc khác xin đợi đến thứ 5 giải quyết!

Chiều chiều, tôi dành khoàng 40 phút đi bộ. Trong lúc đi bộ, tôi nghĩ đến những ý tưởng muốn viết cho Chương 1. Nếu có ý gì quan trọng, tôi sẽ viết lại vào một cuốn sổ nhỏ mang theo. 

Sau hai tuần cố gắng dành thời gian cho luận văn mỗi ngày, sự căng thẳng và lo lắng trong tôi giảm đi đôi chút. Ý nghĩ về Chương 1 không còn khiến tôi hoang mang, lo sợ nữa. Tôi tự tin là sau khi dành thêm 1-2 tuần để đọc tài liệu, tôi có thể viết bản thảo đầu tiên cho Chương 1. Tôi muốn viết bản tóm tắt khoảng 2000 chữ, và gửi cho hội đồng luận văn, trước khi bắt tay viết cả chương. 

Thật lòng, là một nghiên cứu sinh, ta chẳng bao giờ thoát khỏi những nỗi lo. Lúc đang học coursework, ta lo về deadline cho bài tập, bài viết trên lớp, ta lo đến bao giờ ta mới viết được một bài nghiên cứu chất lượng như những bài giáo sư giao trên lớp. Đến khi bắt tay vào viết luận văn, ta lại lo liệu ta có hoàn thành được chương trình tiến sỹ hay không, liệu bài Job Market Papper có ra gì không, liệu ta có đủ năng lực để viết một luận văn tử tế hay không.  

Mấy năm qua, tôi học được rằng, phương thuốc điều trị lo lắng tốt nhất là cố gắng đi từng bước nhỏ, chắc chắn. Mỗi ngày cố gắng từng chút, từng chút một, rồi một ngày ta sẽ đến đích.

Every little step counts! 

Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog! Chúc bạn những ngày cuối năm thật vui 🙂

Trương Thanh Mai

3 thoughts on “Những lo lắng khi bắt đầu viết luận văn tiến sỹ

Leave a Reply